Tục ngữ, ca dao là phần phong phú nhất trong văn học dân gian của dân tộc ta. Đây cũng là phần có giá trị nhất về mặt trí tuệ, tình cảm và nghệ thuật biểu hiện. Do đặc điểm nội dung và hình thức ngắn gọn, có vần, dễ nhớ nên nó luôn luôn được nhân dân vận dụng, truyền miệng qua nhiều thế hệ. Chính vì vậy nó luôn được trau chuốt mà vẫn giữ được cái hồn, cái hình mặc dù có thay đổi một vài từ khi đến "cư trú" ở các địa phương khác nhau.
Tục ngữ là lời ăn tiếng nói của nhân dân đã được đúc kết lại dưới những hình thức tinh giản mang nội dung súc tích. Tục ngữ thiên về biểu hiện trí tuệ của nhân dân trong việc nhận thức thế giới, xã hội và con người. Nói như Gorki: "Tục ngữ diễn đạt rất hoàn hảo toàn bộ kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xã hội lịch sử của nhân dân lao động". (Gorki bàn về văn học, NXB Văn học, H. 1965, tập I, trang 229) Đồng thời tục ngữ cũng biểu hiện thái độ ứng xử và tình cảm của nhân dân đối với những vấn đề của cuộc sống. Tục ngữ thể hiện một phần quan trọng của tư liệu khoa học dân gian và triết lý dân gian. Gắn với lao động, với tự nhiên và những thăng trầm của lịch sử, xã hội, nhân dân đã bộc lộ một cách sâu sắc kinh nghiệm sống, lối sống, tư tưởng đạo đức của mình.
Trong tục ngữ, qua những nhận xét tinh tế về thời tiết; về những kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi, những phê phán sắc sảo: "Nén bạc đâm tọac tờ giấy", "Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ"; những tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa: "Người là hoa đất"; "Người sống đống vàng"; những đức tính quý báu của nhân dân: "Có công mài sắt có ngày nên kim"; "Đói cho sạch, rách cho thơm"; những chân lý từ ngàn đời: "Năm ngón tay có ngón dài, ngón ngắn"; "Nước chảy đá mòn"; "Tre già măng mọc"... ý nghĩa của tục ngữ trước hết là ở nội dung. Tuy nhiên ý nghĩa của thể loại này còn ở chỗ biểu hiện được cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ dân tộc, ở chỗ chứng minh được rằng ngôn ngữ văn học dân gian là mẫu mực về tính chính xác, tính sinh động và tính hình tượng. Qua tục ngữ có thể thấy cách nhân dân phát huy những ưu điểm của tiếng Việt về mặt ngữ âm, từ vựng, ngữ nghĩa, ngữ pháp để biểu hiện tư tưởng của mình. Thông qua việc sáng tác tục ngữ, nhân dân đã rèn đúc, mài giũa ngôn ngữ dân tộc và làm cho nó ngày càng tinh xảo, chính xác, trong sáng
và phong phú hơn.
Mỗi câu tục ngữ đều dùng hình ảnh, sự việc, hiện tượng cụ thể để nói lên ý niệm trừu tượng, dùng cái cá biệt để nói lên cái phổ biến vì vậy ở mỗi câu tục ngữ thường có hai nghĩa: nghĩa đen (nghĩa hẹp) và nghĩa bóng (nghĩa rộng). Cái cụ thể, cá biệt tạo nên nghĩa đen; cái trừu tượng, phổ biến tạo nên nghĩa bóng. Đặc biệt là ở những câu tục ngữ nói về quan niệm, lối sống và đạo đức của nhân dân: "Môi hở răng lạnh", "Chó cắn áo rách", "Đục nước béo cò", "Năng nhặt chặt bị"...
Hình ảnh trong tục ngữ là những hình ảnh từ cuộc sống phong phú nhiều màu, nhiều vẻ được nhân cách hóa rất linh hoạt và sinh động: "Đũa mốc chòi mâm son", "Khố son bòn khố nâu"... hầu hết các câu tục ngữ đều có vần, nhiều nhất là vần lưng nên nhịp điệu nhanh, mạnh, vững chắc : "Được làm vua, thua làm giặc", "Trăng mờ tốt lúa nỏ, trăng tỏ tốt lúa sâu", "Chê thằng một chai, lấy thằng hai nậm", "Gái một con trông mòn con mắt"... còn những câu không vần thường giữ được tính chất nhịp nhàng theo cách cấu tạo cân đối của các vế: "Già néo đứt dây", "Vỏ quýt dầy có móng tay nhọn". Cũng có những câu không vần, không đối nhưng vẫn giầu chất nhạc, chất hàm súc của thơ: "Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết", "Nằm trong chăn mới biết chăn có rận", "Dao sắc không gọt được chuôi"...
Nghệ thuật tục ngữ biểu hiện đầy đủ lối suy nghĩ dân gian của dân tộc về giới tự nhiên và đời sống xã hội đồng thời cũng biểu hiện cách nói của dân tộc ta qua nhiều thế hệ, trong tiến trình lịch sử lâu dài. Nếu như tục ngữ thiên về lý trí, đúc kết kinh nghiệm về cuộc sống thì ca dao lại thiên về tình cảm (nội dung trữ tình) và ca dao là một thể loại đã thể hiện được hết cái hay, cái đẹp của ngôn ngữ văn học dân gian. Cũng như tục ngữ hoặc bất cứ thể loại văn học nào khác, ý nghĩa chủ yếu có thể thấy ở ca dao vẫn là về mặt nội dung, có điều là nội dung ấy thường đượm chất thơ. Nếu cho rằng một đặc điểm của thơ là ở chỗ biểu hiện một cách cô đúc nhất tư tưởng và tình cảm thì cũng có thể coi tục ngữ như là một dạng của thơ. Tuy nhiên chất thơ chỉ có thể thấy một cách đầy đủ và toàn diện trong ca dao. sở dĩ như thế một phần cũng chính là vì trong ca dao không những hiện thực được phản ánh một cách cô đúc hơn là trong ngôn ngữ hàng ngày, hơn cả trong văn xuôi mà còn là vì trong ca dao tư tưởng và tình cảm được chắp đôi cánh kỳ diệu của sự tưởng tượng, điều này ít thấy có ở trong tục ngữ.
Có đôi cánh kỳ diệu ấy tâm hồn của nhân dân thể hiện được đầy đủ hơn tất cả sự phong phú và tầm rộng lớn, cao cả của nó. Tất nhiên là tính lãng mạng mà đầu óc tưởng tượng phong phú của nhân dân đã đem lại cho ca dao không hề tách rời và đối lập với tính hiện thực.
Cũng như tục ngữ và các thể loại văn học dân gian khác, ca dao là tấm gương trung thực về cuộc sống muôn màu, muôn vẻ của nhân dân. Đó là
cuộc sống cần cù, giản dị và chất phác, đậm đà phong vị dân tộc. Đó là cuộc đấu tranh anh hùng trong dựng nước và giữ nước. Đó là tinh thần lạc quan trong khó khăn, tinh thần tương ái giữa những con người lương thiện. Đó là nhận thức sắc bén về bạn, về thù, về chính nghĩa và phi nghĩa. Tóm lại cũng như ở tục ngữ, qua ca dao có thể thấy rõ hiện thực, tức là "cái vốn có". Nếu tục ngữ thường dừng lại ở nhận thức "cái vốn có" thì ca dao lại thường tiến thêm một bước nữa rất quan trọng là bộc lộ nguyện vọng của nhân dân đối với việc cải tạo hiện thực.
Ca dao không những chỉ phản ánh "cái đã có" mà còn đề xuất ra "cái nên có". Ca dao chẳng những muốn giúp cho việc nhận thức cuộc sống mà còn muốn xây dựng lý tưởng về cuộc sống.
Thực ra giữa hai thể loại tục ngữ và ca dao, không phải là không có những trường hợp xâm nhập lẫn nhau. Trong ca dao cũng có xen tục ngữ và cũng có những câu ca dao chỉ có hình thức là ca dao còn nội dung lại là tục ngữ! khi những câu tục ngữ có thêm yếu tố cảm xúc thì lúc đó tục ngữ sẽ tiếp cận với ca dao: "Ai ơi đừng chóng thì chày - Có công mài sắt có ngày nên kim", " Chim khôn chưa bắt đã bay - Người khôn ít nói, ít hay trả lời", "Lời nói chẳng mất tiền mua, Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau" v.v... đó là những câu thường được nhân dân sử dụng như tục ngữ. Đồng thời do nội dung cô đọng, hàm súc, nhiều câu ca dao chủ yếu là những câu ca dao nhận định về con người và việc đời lại được dùng như tục ngữ: "Hơn nhau tấm áo, manh quần - Đến khi cởi trần ai cũng như ai", "Đem cực mà đổ lên non - Còng lưng mà chạy cực còn theo sau".
Thế nhưng về cơ bản thì ca dao là một thể loại trữ tình của văn học dân gian. Những tác phẩm trong thể loại này dù nói lên mối quan hệ giữa con người trong lao động, trong sinh hoạt gia đình, xã hội hoặc nói lên những kinh nghiệm sống và hành động... thì bao giờ cũng là bộc lộ thái độ chủ quan của con người đối với những hiện tượng khách quan chứ không phải miêu tả một cách khách quan những hiện tượng, những vấn đề. Cho nên ở ca dao cái tôi trữ tình được nổi lên một cách rõ nét.
Ca dao phản ánh lịch sử, miêu tả khá chi tiết phong tục, tập quán trong sinh hoạt vật chất và tinh thần của nhân dân lao động nhưng trước hết là bộc lộ tâm hồn dân tộc trong đời sống riêng tư, đời sống gia đình và đời sống xã hội. Từ cuộc sống lao động vất vả của nhân dân đã nảy sinh nhiều câu ca dao thể hiện các hình thức lao động và nghề nghiệp khác nhau.
Những câu ca dao về đất nước và lịch sử, ca ngợi những danh lam thắng cảnh, những đặc sản của các địa phương, truyền thống chống ngoại xâm, chống ách áp bức phong kiến của nhân dân. Phong phú nhất, sâu sắc nhất là mảng ca dao về tình yêu nam nữ. Trai gái gặp gỡ tìm hiểu nhau, thổ lộ tình cảm với nhau trong khi lao động, hội hè, đình đám, vui xuân. Họ có thể thổ lộ với nhau bằng câu "ví", bằng hình thức giao duyên trong các hình thức đối đáp nam nữ. Nội dung những câu ca dao này phản ánh được mọi biểu hiện sắc thái, cung bậc của tình yêu: những tình cảm thắm thiết trong hoàn cảnh may mắn hạnh phúc với những niềm mơ ước, những nỗi nhớ nhung da diết hoặc cảm xúc nảy sinh từ những rủi ro ngang trái, thất bại, khổ đau với những lời than thở oán trách.
Tình yêu bao giờ cũng gắn liền với lao động, những nét sinh hoạt, những cảnh vật quen thuộc trong đời sống hàng ngày của nhân dân.
Ca dao miền Bắc:
"Đôi ta như lửa mới nhen
Như trăng mới mọc, như đèn mới khêu"
Ca dao của Nam Trung Bộ:
"Đã mang lấy cái thân tằm
Không vương tơ nữa cũng nằm trong tơ
Đêm nằm tơ tưởng tưởng tơ
Chiêm bao thấy bậu, dậy sờ chiếu không"
Và ca dao của Nam Bộ:
"Buổi mai em xách cái thõng (*)
Em xuống dưới ao em bắt con cua
Em bỏ vô trong cái thõng
Hắn kêu cái rỏng, hắn kêu cái rảnh.
Hắn kêu một tiếng chàng ôi!
Chàng đã yên phận tốt đôi
Em nay lẻ bạn, mồ côi một mình"
(*). Cái thõng: một loại chĩnh không lớn lắm, miệng hẹp.
-----------------------------------------------------
Đó là quan niệm, đồng thời cũng là nếp tư duy nghệ thuật của nhân dân. Rõ ràng nếp tư duy ấy xuất phát từ cuộc sống lao động, nó chi phối toàn bộ tư tưởng, tình cảm của con người, dù là tình yêu.
Trong xã hội cũ, tình yêu của nhân dân lao động được thể hiện bằng những tình cảm tự nhiên, lành mạnh. Giai cấp thống trị và lễ giáo phong kiến muốn bóp chết những tình cảm hồn nhiên, lành mạnh ấy. Vì vậy trong ca dao, bên cạnh tiếng hát ước mơ về một cuộc sống hạnh phúc, là những tiếng kêu đau khổ, xót xa về những trắc trở trong tình yêu. Tình yêu tan vỡ do nhiều nguyên nhân, có phần chủ quan do trai gái không hợp tính nết nhau hoặc còn ngập ngừng, e ngại... nhưng phần lớn là do những nguyên nhân khách quan, những nguyên nhân do xã hội phong kiến gây ra:
- "Vắn tay với chẳng tới kèo
Cha mẹ anh nghèo cưới chẳng đặng em..."
- "Trách ai tham phú, phụ bần
Tham xa mà bỏ nghĩa gần thuở xưa"
Và cũng dễ hiểu, trong ca dao có nhiều bài phản ánh tinh thần đấu tranh để bảo vệ tình yêu chân chính của những "chàng trai" và những "cô gái".
Những câu ca dao về chủ đề hôn nhân và gia đình biểu hiện các mối quan hệ đẹp đẽ giữa tình cảm vợ chồng, cha con, mẹ con, anh em họ hàng, bà con làng xóm... ở đây hiện lên hình ảnh người phụ nữ lao động đầy rẫy những chịu đựng ngang trái mà vẫn cao thượng:
"Thân em mười sáu tuổi đầu
Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người.
Nói ra sợ chị em cười
Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay"
Và còn biết bao nhiêu chuyện sầu thảm như là cảnh mẹ chồng nàng dâu, cảnh "có mới nới cũ", cảnh góa bụa... cho nên lời than thở của người phụ nữ về số phận mình dưới chế độ phong kiến là âm điệu chủ yếu của mảng ca dao này.
Những bài ca dao mang nội dung đấu tranh chống áp bức của chế độ phong kiến, chống đế quốc xâm lược đã vạch trần những cái xấu xa của bọn phong kiến đế quốc, những tội ác của chúng đối với nhân dân ta và lòng căm thù sâu sắc của nhân dân ta đối với chúng. Cùng với những bài ca dao mang nội dung trên là những bài ca dao tập trung mũi nhọn đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hiện tượng tiêu cực, cụ thể là đả kích, chế giễu tệ mê tín dị đoan, những hủ tục hôn nhân, những thói hư tật xấu như: cờ bạc, rượu chè, nhác làm siêng ăn, tham lam, ích kỷ... ở đây ca dao đã thể hiện tính chiến đấu rất cao:
- "Con ơi nhớ lấy câu này
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan"
- "Của bụt mất một đền mười
Bụt vẫn còn cười bụt chửa lấy cho"
Những bài ca dao nhận định về con người và việc đời như là tổng kết các kinh nghiệm, triết lý, quan niệm đạo đức, cách ứng xử của nhân dân càng thể hiện tính cô đọng hàm súc của tục ngữ. Nhiều bài ngắn, chỉ một cặp lục bát thôi mà vẫn sâu sắc về mặt cách sống và hành động:
"Rượu nhạt uống lắm cũng say
Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm"
Ở trên chúng ta mới đề cập đến nội dung ca dao trong một số chủ đề cơ bản. Thực ra nó còn phong phú hơn nhiều, nhất là khi quan sát những bình diện, những dạng thức biểu hiện ca dao sẽ thấy rõ hơn tính đa dạng, độc đáo của nó.
Với tính cách là thơ theo ý nghĩa đầy đủ của thơ, ca dao đã vận dụng mọi khả năng về ngôn ngữ của dân tộc để biểu hiện một cách chính xác, tinh tế cuộc sống và hơn nữa để biểu hiện một cách sinh động và đầy hình tượng nguyện vọng của nhân dân về cuộc sống ấy. Ở tục ngữ, tư tưởng thường được biểu hiện qua hình thức ngôn ngữ ngắn gọn. Ở ca dao, tư tưởng và tình cảm một mặt được cô đúc dưới hình thức ngôn ngữ vững chắc và mặt khác lại còn được diễn đạt trong sự vận động rất phong phú và đa dạng của ngôn ngữ văn học. Cho nên thông qua việc sáng tác ca dao, nhân dân đã đưa ngôn ngữ văn học đến trình độ nghệ thuật cao, nhiều khi đạt đến tính trong sáng cổ điển. Cảnh vật thiên nhiên, trạng thái xã hội, thể chất và tâm tình con người đã thể hiện qua ca dao với những hình tượng văn học, từ lâu đã trở thành truyền thống và nhiều khi có tính chất mẫu mực về mặt nghệ thuật.
Nói đến ca dao tức là nói đến thơ, về mặt hình thức, trước hết phải nói đến nhịp điệu vì đó là một đặc điểm có tính chất thể loại, một động lực chủ yếu của thơ. Maiacôpxki nói: "Nhịp điệu là sức mạnh cơ bản, năng lực cơ bản của câu thơ không giải thích được nó đâu, chỉ có thể nói về nhịp điệu như nói về từ lực hay điện. Từ lực hay điện - đó là những dạng của năng lượng (*)
-----------------------------------------------------------------------
(*) Xem: Dẫn luận nghiên cứu văn học - Tuyển tập NXB Đại học Maxcơva 1979. Trang 245.
Như vậy nhịp điệu giữ một vai trò hết sức quan trọng. Nó luôn có tác dụng nâng đỡ cảm xúc, làm tăng thêm sức biểu đạt của thơ.
Ca dao ngắt nhịp hai là phổ biến, nhưng nhiều trường hợp ca dao ngắt nhịp rất sáng tạo. Như để làm bật lên cái quyết tâm vượt lên mọi khó khăn, trục trặc của những con người đi theo tiếng gọi của tình yêu, ca dao đã bỏ nhịp hai:
- "Yêu nhau/ tam tứ núi/ cũng trèo/
Thất bát sông/ cũng lội/ tam thập lục đèo/ cũng qua/"
- "Thương nhau chẳng quản gì hơn/
Phá Tam Giang/ anh cũng lội/ núi Mẫu Sơn/ anh cũng trèo/"
Câu ca dao dưới đây nhịp điệu không biểu hiện lòng quyết tâm vượt khó của những người muốn được xích lại gần nhau, được chung sống cùng nhau mà khẳng định một sự ly khai dứt khoát:
"Chồng gì anh/ vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời chi đây!"
Những câu ca dao trên, nhịp điệu biến hóa thích hợp với việc biểu hiện những tâm trạng khác nhau. Điều này ta thấy rõ ở những bài ca dao biến thể - ca dao ở Trung Bộ và Nam Bộ, một số gắn chặt với dân ca hay nói cách khác, nó thoát thai từ những điệu hò, điệu lý... như: hò khoan, hò giã gạo, hò mái nhì, hò mái đẩy ở Bình - Trị - Thiên, hò Đồng Tháp ở Nam Bộ và lý hoài xuân, lý bơ thờ, lý trách ai, lý dệt vải, lý đan lờ, lý lên núi, lý cây chanh, lý cây cau, lý con ngựa, lý con tằm... (Nam Trung Bộ), lý xe tơ, lý kéo chài, lý con sáo, lý chuồn chuồn, lý con cua... (Nam Bộ). Vì vậy nhịp điệu rất phong phú và sinh động.
Ta hãy nghe một bài ca dao ở Bình - Trị - Thiên:
"Sóng sầm sịch lưng chừng ngoài biển bắc
Giọt mưa tình rỉ rắc chốn hàng hiên
Em muốn làm lơ đi mà ngủ, ngủ cũng không yên
Sợ mưa già nước ngập, biết tựa con thuyền vào đâu?"
Ở đây nhịp điệu đã tạo nên cảm giác như gần, như xa... như khoan, như nhặt của một tâm trạng lo âu, thắc thỏm.
Ca dao Nam Trung Bộ:
"Hòn đá cheo leo
Con trâu trèo con trâu trượt
Con ngựa trèo con ngựa đổ
Anh thương em lao khổ
Tận cổ chí kim
Anh thương em khó kiếm, khôn tìm
Cây kim luồn qua sợi chỉ
Sự bất đắc dĩ phu phải lìa thê
Nên hay không nên, anh ở em về
Đừng giao, đừng kết, đừng thề mà vương"
Đó là nhịp điệu của con đường tình duyên đi qua nhiều ngoắt ngoéo, vấp váp. Nhìn chung ca dao ở Trung Bộ và Nam Bộ có nhiều bài nhịp điệu khấp khểnh ít êm xuôi như ca dao Bắc Bộ.
Với ca dao, chúng ta còn có thể nêu lên nhiều cái độc đáo khác nữa của thể loại này như: cách xưng hô, đối đáp, hình tượng, không gian, thời gian, tính ước lệ... cùng với tục ngữ, ca dao được quần chúng nhân dân sáng tạo qua nhiều thế hệ tác giả, qua nhiều thời đại đã có được vẻ đẹp nhiều mặt bền vững như ngày nay. Mỗi câu tục ngữ, mỗi câu ca dao ra đời trong môi trường, hoàn cảnh nhất định và bao giờ cũng gắn liền với giới tự nhiên: cây cỏ, loài vật, dòng sông, con đò, bến nước, đường làng... cho nên nghiên cứu tục ngữ, ca dao cũng như nghiên cứu văn học dân gian nói chung, tốt nhất, lý tưởng nhất là trở về với dạng nguyên hợp của nó. Ở đây đã gọt bớt, đã gọn nhẹ đi nhiều. Thế nhưng đối với người đọc chúng ta nhất là đối với các nhà thơ đến với tục ngữ, ca dao sẽ khám phá, học tập được rất nhiều ở cái kho báu đa dạng này. Có nhiều bài thơ hay là những tác phẩm mà các tác giả đã vận dụng một cách sáng tạo ngôn ngữ và các phương pháp nghệ thuật của tục ngữ, ca dao.
Tuy gọi là Tục ngữ và ca dao Việt Nam nhưng tuyển tập này chỉ mới giới thiệu tục ngữ và ca dao của người kinh - là một dân tộc đông người nhất ở nước ta. Việc biên soạn thơ ca, dân gian của các dân tộc anh em ít người thì thuộc về một công trình nghiên cứu khác.
Tuyển tập này chỉ gồm tục ngữ, ca dao tức là những thể loại trong đó cùng với việc tìm hiểu về mặt ngôn ngữ văn học dân gian.
Tục ngữ và ca dao lưu hành qua các địa phương khác nhau đã từng có những sự biến đổi ở mặt này hay mặt khác nhưng chúng tôi chỉ chọn lọc những tác phẩm phổ biến nhất, có hình thức nghệ thuật và ngôn ngữ ổn định để giới thiệu.
Tuyển tập này chắc chắn là không thể nào tránh khỏi những thiếu sót. Do đó rất mong được các bạn đọc góp ý để chúng tôi rút kinh nghiệm, sửa chữa.