Truyện “Cô bé bán diêm” có thể được chia thành ba phần
Phần 1 – Từ đầu cho đến “đôi bàn tay đã cứng đờ ra”: Đoạn này miêu tả cảnh em bé ban diêm đang ngồi trong bóng tối giá rét của đêm giao thừa
Phần 2 – Tiếp theo từ “Chà ! Giá rét quẹt một que diêm” cho đến đoạn “về chầu Thượng đế”: Đoạn này nói về cảnh em bé quẹt năm que diêm, mỗi que là một khát vọng của em từ cái lò sưởi, đến bàn ăn, cây thông và đặc biệt là bà của mình, em bé cùng bà đi lên trời, thoát khỏi mọi sự lạnh lẽo, buồn khổ
Phần 3 – Phần còn lại: Em bé bán diêm đã chết trước sự lạnh lùng của cảnh vật xung quanh và người đi đường.
Tóm Tắt Truyện Cô Bé Bán Diêm Của An Đéc Xen
Khung cảnh mở ra là một đêm giáng sinh rét mướt, có một cô bé đi đầu trần, chân đất, bụng đói đang lần mò từng bước đi bán diêm trong đêm. Em sống trong một gia đình nghèo khổ, bị mồ côi mẹ từ nhỏ đến cả người yêu thương em nhất là bà nội cũng mất đi, còn bố của em luôn đánh đập tàn nhẫn mỗi khi em không bán được que diêm nào.
Hôm nay, em cũng không bán được que diêm nào, em lo sợ không dám về nhà vì sợ bố đánh. Đành ngồi nép vào một góc tường giữa hai ngôi nhà để tránh gió. Càng về đêm, trời càng lạnh giá, em đánh liều quẹt thử một que diêm để sưởi ấm. Que diêm thứ nhất, em thấy như mình đang ngồi trước lò sưởi, cảm giác ấm áp vô cùng. Em vội quẹt tiếp que diêm thứ hai, lần này em thấy mình đang ngồi trong một bàn ăn thịnh soạn với con ngỗng quay nóng hổi. Rồi que diêm thứ ba, một cây thông nô en hiện ra rất đẹp. Và đến que diêm thứ tư, bà nội yêu thương của em hiện về, thật đẹp và gần gữi biết bao nhiêu. Nhưng rồi ảo ảnh đó cũng nhanh chóng tan biến khi que diêm vụt tắt. Em vội quẹt hết cả bao diêm để có thể thấy mãi bà nội của mình.
Bà nội hiện ra, nắm tay em cùng bay lên cao mãi, cao mãi. Cô bé bán diêm chìm đắm trong giấc mơ ngọt ngào đó, và sáng hôm sau người ta thấy một em bé đang ngồi giữa những bao diêm, trong đó có một bao đã đốt hết nhẵn, em đã chết nhưng trên má em vẫn ửng hồng còn đôi môi dường như đang mỉm cười.
Tuy câu chuyện là một bi kịch đau thương về cái chết của cô bé bán diêm trong đêm đông lạnh giá, đói khát nhưng nó lại mang đậm tính nhân đạo sâu sắc về mảnh đời bất hạnh. Cái chết của em chính là sự giải thoát, đưa em về với người bà hiền hầu, đưa em đến nơi không còn đau khổ, đánh đập, đói rét nữa.