LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Trình bày hiểu biết của em về câu tục ngữ: "Lá lành đùm lá rách"

6 trả lời
Hỏi chi tiết
3.620
5
5
Mr_Cu
23/04/2017 09:04:24
Dân tộc ta lớn lên trên dải đất hình chữ S bên bờ Thái Bình Dương sóng gió. Người Việt Nam đã từng chịu không biết bao tai trời ách nước: giặc giã, bão lụt, hoả hoạn, mất mùa, đói kém. Cứ mỗi lần cùng vượt qua mọi khó khăn, nhân dân ta lại nhắc nhở nhau cách sống: Lá lành đùm lá rách.

Ta cần tìm hiểu ý nghĩa và giá trị của câu tục ngữ này như thế nào để hiểu cho đúng lời nhắn gởi của cha ông để lại?

Câu tục ngữ gợi lên một bài học về đạo lý làm người, về quan hệ giữa con người với nhau. Người ta ở đời, có người, có lúc gặp phải khó khăn, thiếu thốn, hoạn nạn. Lúc ấy, nếu chỉ một mình tự xoay xở lấy thì thật khó mà vượt qua. Trong hoàn cảnh đó, sự giúp đỡ của người khác, sự chia sẻ của người khác là rất quan trọng. Sự đùm bọc lẫn nhau, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong cơn hoạn nạn là một cách sống cần thiết đầy nhân ái.

Xét về giá trị của câu tục ngữ, ta thấy có một giá trị thiết thực. Nói Lá lành đùm lá rách là nói đến thái độ nhường cơm xẻ áo giữa những người vốn cùng chung cảnh ngộ, trong cùng một cộng đồng, trên cùng một đất nước. Tuy có lành có rách nhưng cũng là lá. Đây là chia sẻ, là thông cảm. Khi mọi người bị hoạn nạn, thì những người không bị hoạn nạn cùng nhau giúp đỡ, đó là lá lành đùm lá rách. Sự giúp đỡ của từng người có thể không nhiều, nhưng nhiều người hợp lại thì sự giúp đỡ lại trở nên rất có ý nghĩa, có thể giúp cho người hoạn nạn vượt qua khó khăn. Khi một phường, một vùng gặp hoạn nạn, thì những vùng bên cạnh cùng hợp lại, mỗi người một ít, mỗi nhà một ít, mỗi phường, mỗi huyện, mỗi tỉnh một ít, kết quả thành ra rất to lớn.

Lá lành đùm lá rách là cách sống và đạo lí đã có tự ngàn xưa của nhân dân Việt Nam. Có lẽ chính vì thế mà nhân dân Việt Nam đã vượt lên bao khó khăn có lúc tưởng chừng không vượt nổi để mãi mãi tồn tại vững vàng. Người ta nói: một miếng khi đói bằng gói khi no. Trong khi gặp hoạn nạn, người bị ít khó khăn còn chia sẻ cả với người nhiều khó khăn hơn. Giá trị nhân đạo sâu sắc của câu tục ngữ chính là ở đó.

Trải qua hơn ba mươi năm chiến tranh, rồi trong gần hai mươi năm xây dựng kinh tế, truyền thông lá lành đùm lá rách đã được nhân dân ta phát huy một cách mạnh mẽ. Chỉ nói riêng mấy năm gần đây, trên đất nước ta đã bao nhiêu lần thiên nhiên gây ra tai hoạ ghê gớm. Những trận bão tàn phá miền Trung, rồi lũ lụt ở đồng bằng Nam Bộ..., làm cho đồng ruộng bị tàn phá, lúa, hoa màu bị mất sạch, bao nhiêu nhà cửa, bệnh viện, trường học... bị phá huỷ. Những khi miền Trung, miền Nam gặp hoạn nạn, khó khăn, cả nước quan tâm theo dõi, kịp thời chia buồn và cứu trợ. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của cả nước, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh, dần dần các vùng này đã trở lại cuộc sống bình thường. Những tin tức về trận lũ vừa được loan báo, những lời kêu gọi đã được phát đi thì những hành động hưởng ứng đã đáp lại ngay. Có người góp vào quỹ cứu trợ hàng triệu đồng, cũng có bạn nhỏ tự mình mang đến một hai nghìn bạc vốn dành dụm từ món tiền ăn sáng của mình để góp phần nhỏ bé...

Một khía cạnh nào đó, hành động lá lành đùm lá rách không phải chỉ có ý nghĩa giúp đỡ người khác, mà còn chính là tự giúp đỡ mình. Thường khi gói bánh, lá lành nằm bên ngoài, lá rách nàm bên trong để gói. Gói như vậy thì chiếc bánh mới kín mới cứng. Giúp người khác, chia sẻ với người khác để người làng khác, tỉnh khác... vượt lên khó khăn, đứng vững, chính là góp phần cho đất nước đứng vững lên. Cuối cùng, cái kết quả tốt đẹp ấy, mỗi người đều được hưởng. Bởi vậy, lá lành đùm lá rách không còn là phương châm cho những hành động nhất thời, đặc biệt, mà trở nên một cách sống tốt đẹp trong cuộc sống chúng ta. Hằng ngày, vẫn có người lặng lẽ quyên góp tiền bạc, quần áo, cho một trại phong, trại nuôi dưỡng người già neo đơn, trại trẻ mồ côi, gia đình khó khăn, người tàn tật... Nhân những dịp lễ tết, những người trong phường lại chia sẻ với những bà con nghèo còn thiếu thốn.

Lá lành đùm lá rách, câu nói ngày xưa chỉ mang một nghĩa hẹp, nhằm kêu gọi sự đùm bọc lẫn nhau trong một nhà, một họ hay rộng lắm là một làng. Càng ngày, cùng với sự phát triển của đời sống, sự hiểu biết của con người, ý nghĩa của câu nói càng mang một nội dung nhân đạo sâu sắc và rộng rãi. Đây là một câu nói của tình thương đầy tính nhân đạo. Trong một xã hội, không có một sức mạnh nào lớn hơn sức mạnh của tình thương. Tình thương càng ngày càng phát triển thành tình cảm chung của mọi người, thành nếp sống phổ biến của xã hội thì tội ác cũng sẽ thu hẹp lại, xã hội sẽ ổn định hơn, tốt đẹp hơn. Cái thiện sẽ đẩy lùi cái ác.

Riêng bản thân em, câu tục ngữ lá lành đùm lá rách cũng gợi cho em nhiều suy nghĩ. Trong trường, trong lớp em, có không ít bạn hoàn cảnh rất khó khăn. Nhiều bạn đi học với chiếc áo vá, với cái bụng đói, ngoài giờ học còn phải vất vả phụ cha mẹ kiến sống hoặc tự nuôi mình. Nếu em bỏ đi một món mua sắm, tiêu xài chưa cần thiết, em cũng có thể giúp cho bạn mình đỡ chút khó khăn. Nhiều người làm được như vậy chắc chắn sẽ có ý nghĩa lớn hơn.

Lá lành đùm lá rách thật là một cách nói đầy sáng tạo và sâu sắc của người xưa. Tục ngữ không chỉ là văn chương mà còn là triết lí. Sống là phải quan tâm đến người khác, phải chia sẻ khó khăn cùng người khác. Đạo lý sống ấy thật là tốt đẹp mà ngày nay ta cần nuôi dưỡng, phát huy.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
4
2
NGUYỄN THỊ THU HẰNG
23/04/2017 09:07:02
Đoàn kết, tương thân tương ái là một tình cảm đặc biệt và nổi bật trong nhân sinh quan của mỗi con người Việt Nam xưa và nay. Nhờ vậy mà dân tộc ta đã vượt qua biết bao nhiêu khó khăn, thử thách, thiên tai, dịch bệnh…, đứng vững vàng giữa năm châu, bốn bể. Đã có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ trong kho tàng ca dao, tục ngữ của dân tộc đề cập đến vấn đề này. Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” là một trong số đó. Câu tục ngữ trên cho ta thấy bài học làm người, phản ánh mối quan hệ tình cảm đậm đà giữa người với người.

Nghĩa đen của câu tục ngữ phản ánh một hiện tượng rất đỗi bình thường trong sinh hoạt hằng ngày của nhân dân ta. Đó là việc dùng lá để gói hàng, ngày xưa thì lá thông dụng được dùng để gói mọi thứ. Khi lá bị rách thì người ta sẽ lấy một tấm lá khác bao bọc bên ngoài cho. thêm phần chắc chắn. Nhưng không chỉ vậy, hình ảnh “lá lành”, “lá rách” ở đây mang ý nghĩa tượng trưng cho con người chúng ta trong những hoàn cảnh, thời điểm khác nhau. “Lá lành” là con người lúc yên ổn, thuận lợi, giàu có. Còn ngược lại “lá rách” là con người lúc sa cơ, thất thế, nghèo khó. Bằng lối nói tượng trưng, dùng hình ảnh cụ thể và giản dị, câu tục ngữ ngụ ý khuyên chứng ta nên biết chia sẻ, giúp đỡ, cảm thông, xót thương những người bị rơi vào cảnh ngộ cùng quẫn, cô đơn.

Câu tục ngữ đã thể hiện mối quan hệ tình cảm tốt đẹp đậm đà của nhân dân ta từ xưa đến nay trong xã hội. Đoàn kết, tương thân tương ái vốn là một truyền thống tốt đẹp đáng tự hào của dân tộc ta. Ngoài câu tục ngữ trên, trong kho tàng ca dao, tục ngữ còn rất nhiềụ^câu tương tự như thế: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người chung một nước phải thương nhau cùng” hay “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”… Các câu trên đều khuyên nhủ ta: Hễ là đồng bào thì nên đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với nhau trên tinh thần tương thân tương ái, không nên thờ ơ, ngoảnh mặt, quay lưng trước nỗi bất hạnh của người khác; mà trái lại, phải luôn luôn quan tâm, giúp đỡ, đùm bọc, che chở người khó khăn, thất thế. Những người giàu có nên yêu thương, giúp đỡ cho những người nghèo khổ, nhất là những khi họ gặp hoạn nạn, tai ương. Những người có địa vị cao trong xã hội nên tạo điều kiện giúp đỡ quần chúng được sống một đời sông ấm no, hạnh phúc. Đúng như tinh thần của người xưa đã từng khuyên dạy: “Thấy ai đói rách thì thương, Rét thường cho mặc, đói thường cho ăn”.

Trong đời sống xã hội, hoàn cảnh con người dễ thay đổi thất thường, khi thành công khi thất bại, khi được khi mất, khi giàu có khi nghèo khổ. Vì thế tinh thần tương thân tương ái giúp cho xã hội tránh được mầm móng chia rẽ, xung đột, xây dựng được tình đoàn kết, tương thân tương ái. Điều đó cho thấy rằng lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo chính là một phẩm chất tốt đẹp mà mỗi cá nhân cần phải có để lấy đó làm nền tảng xây dựng nên một xã hội bình đẳng, thân ái, hoà bình, ổn định. Cũng phải nhận ra rằng thờ ơ trước nỗi đau, bất hạnh của ngữời khác là một thói xấu, một thái độ ích kỉ, vô lương tâm.

Trong đời sống còn nhiều khó khăn của xã hội ta hiện nay, hơn lúc nào hết, lòng nhân ái, tình cảm thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, phải được nâng lên thành ý thức tự giác trong mỗi con người chúng ta.

Câu tục ngữ này đã được tiếp nối bao đời trong các thế hệ người Việt, khẳng định truyền thống cao quý trong đạo lí làm người của dân tộc ta. Chính nhờ sự đoàn kết keo sơn, tinh thần tương thân tương ái đậm đà nèn trải qua bao cuộc xâm lược dã man, nhân dân vẫn bảo vệ được nền độc lập, bảo vệ được sự sống còn, vững mạnh của đất nước cho đến ngày nay.

Và một điều quan trọng nữa là “Lá lành đùm lá rách” nghĩa là người khoè mạnh, bình thường phải giúp đỡ người yếu đuối, khó khăn là một bổn phận cần thiết nhưng không được xuất phát từ động cơ cá nhân thấp hèn và cũng không phải là hành động ban ơn kiểu bố thí; mà nhất thiết là phải bắt nguồn từ lòng nhân ái hay tình cảm nhân đạo thực sự. Và người được giúp đỡ cũng không được ỷ lại, hoàn toàn sống nhờ vào tình thương xót của người khác để trở nên thụ động, biếng nhác, mà phải biết vươn lên hoàn cảnh.

Tóm lại, tình yêu thương, đùm bọc nhau là một truyền thống tốt đẹp về đạo lí làm người của dân tộc ta đã được giữ vững và phát huy qua nhiều thế hệ, giai đoạn lịch sử của đất nước.

Ngày nay truyền thống ấy cần được kế thừa và phát huy manh mẽ hơn nữa. Mỗi người chứng ta phải có ý thức đoàn kết tương ái, tương thân, tương trợ lẫn nhau trong sinh hoạt, học tập, sẵn sàng, tích cực tham gia các công tác cứu trợ xã hội, hoạt động từ thiện. Đồng thời, hơn ai hết, thanh niên chúng ta cần kiên quyết chống tư tưởng ỷ lại, đề cao tinh thần tự lực cánh sinh.
2
2
Nguyễn Meo
23/04/2017 09:07:36
Tương thân tương ái là thứ tình cảm thiêng liêng của dân tộc Việt Nam ta. Nó được truyền từ đời này qua đời khác và sẽ còn được các thế hệ con cháu sau tiếp nối và phát huy. Ông cha ta có nhiều câu tục ngữ về tinh thần tương thân tương ái như “lá lành đùm lá rách” để răn dạy con cháu về đạo đức làm người.

“Lá lành đùm lá rách” câu tục ngữ ngắn gọn mà chứa đựng một bài học thật quý giá. “Lá lành” là chỉ những chiếc lá nguyên vẹn, còn “ lá rách” là để chỉ những chiếc không còn nguyên vẹn nữa và đã bị sâu nát. Hình ảnh “ lá lành đùm lá rách” thường được thấy qua những chiếc bánh trưng, bánh tẻ,.. được gói bên trong là những chiếc lá rách và được đùm bọc bên ngoài bằng những chiếc lá đẹp và lành lặn hơn. Nếu chỉ gói bánh bằng những chiếc lá rách thì chiếc bánh sẽ không chắc chắn khi được gói kèm với chiếc lá lành.

Mượn hình ảnh “ lá lành đùm lá rách”, nhân dân ta muốn liên hệ đến hình ảnh con người trong đời sống. Lá lành ở đây chính là chỉ những người giàu có và có điều kiện trong xã hội, cuộc sống của họ không phải vật lộn với “ cơm áo gạo tiền”. Còn lá rách ở đây là chỉ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, cuộc sống của họ không được may mắn như những người khác, và họ phải làm việc vất vả để kiếm tiền nuôi gia đình. “ Lá lành đùm lá rách” chính là bài học đạo đức quý báu mà ông cha ta đã để lại và khuyên răn con cháu từ ngàn xưa. Con người sống với nhau trong cùng một đất nước, cùng một “ bọc trăm trứng “ của mẹ Âu Cơ thì phải biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau.

Con người nếu sống với nhau mà cứ “ mạnh ai nấy sống” thì không thể đoàn kết được, mỗi khi có việc cần đến đều phải nhờ tới sự trợ giúp của anh em, bạn bè, xóm giềng. Vì thế trong lúc khó khăn nếu bản thân cứ khư khư không chịu san sử với ai thì sẽ bị cô lập trong xã hội. Hơn nữa, trong cuộc sống có nhiều người sinh ra đã kém may mắn so với những người khác, họ phải vất vả vật lộn với cuộc sống để mưu sinh, thì những người may mắn hơn có điều kiện ở trong môi trường tốt cũng nên có sự tương thân chia sẻ về tinh thần, vật chất để giúp xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc giàu truyền thống tương thân tương ái: “ Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay “ bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Và điều đó đã được minh chứng rõ nét qua từng thời kì lịch sử. Năm 1945, đất nước ta có hơn hai triệu người chết đói, trong hoàn cảnh như vậy, khi vừa mới tuyên bố độc lập, đất nước còn rất nhiều khó khăn nhưng Hồ Chủ tịch đã giương cao ngọn cờ cả dân tộc đoàn kết tương thân tương ái vì vậy đã giúp đất nước ta thoát khỏi nạn đói khủng khiếp. Bác đã lập ra “ Hũ gạo cứu đói”, mỗi tuần lại nhịn ăn một bữa để tích cóp giúp đỡ người bị nạn, noi gương Bác, hàng loạt những phong trào yêu nước, đùm bọc lẫn nhau đã diễn ra sôi nổi khắp cả nước.

Ngày nay, truyền thống đoàn kết tương trợ lẫn nhau vẫn còn được tiếp nối và phát huy. Hàng năm , nhân dân dọc miền Trung lại phải gánh chịu hậu của của thiên tai, lũ lụt, làm nhiều người chết và nhiều người lâm vào cảnh “ màn trời chiếu đất”. Mỗi khi đất nước lâm vào hoàn cảnh như vậy thì nhân dân ở khắp mọi nơi lại dấy lên phong trào quyên góp quần áo, đồ ăn, thức uống hỗ trợ những gia đình gặp nạn. Hay hàng năm, học sinh, sinh viên trên cả nước lại tổ chức phong trào quyên góp sách vở, quần áo cũ gửi tặng những trẻ em vùng cao không có điều kiện học tập. Nhìn những nụ cười của trẻ em vùng cao khi nhận được những cuốn sách, cuốn vở mới thấm thía cái nghĩa tình sâu nặng của người với người. Có những khi tinh thần “ Lá lành đùm lá rách” lại được thể hiện ngay chính trong cuộc sống hàng ngày diễn ra như việc chúng ta giúp đỡ những người vô gia cư, những trẻ em lang thang, khuyết tật những món quà tinh thần và vật chất để thể hiện rằng “ Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lí đó không bao giờ thay đổi.”

Tinh thần tương thân tương ái đó không chỉ được nhân dân ta thể hiện trong đất nước của mình mà nó còn lan tỏa ra khắp năm châu bốn bể, khi những biến động xấu xảy ra trên Thế Giới, Đảng và Nhà nước ta vẫn giương cao ngọn cờ chung tay góp sức giúp nước bạn vượt qua khó khăn. Tuy vây, trong cuộc sống vẫn còn tồn tại nhiều người ích kỉ, không biết sẻ chia tình yêu thương, đùm bọc đến những người khốn khó xung quanh mà chỉ giữ khư khư cho riêng mình. Đó là những người cần phải lên án và đấu tranh loại bỏ để xây dựng một xã hội vững mạnh và gắn bó.

“Lá lành đùm lá rách” thể hiện truyền thống đoàn kết của dân tộc ta ,trong từng giai đoạn lịch sử nó đều phát huy tác dụng giúp nhân dân ta xây dựng một nước Việt nam vững mạnh và phát triển. Vì vậy, thế hệ con cháu chúng ta cần phải tiếp tục nối tiếp truyền thống thiêng liêng đó và truyền dạy lại cho thế hệ đời sau những bài học đạo đức quý báu của dân tộc.
2
1
Kuroba Kaito
23/04/2017 09:17:58
Tình cảm tương thân tương ái là một đặc điểm nổi bật trong quan niệm sống của người xưa. Bên cạnh những câu tục ngữ ca dao thông dụng như: Thương người như thể thương thân, Nhiễu điều phủ lấy giá gương... Nhân dân ta vẫn thường nhắc nhở nhau “lá lành đùm lá rách”. Đó là những bài học đạo lý làm người của những người cùng trong một nước, phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” gợi một hình ảnh quen thuộc, bình thường trong cuộc sống: chiếc bánh trưng, bánh ú ta thường thấy lá rách thì gói ở bên trong, còn bao bọc bên ngoài những lá lành lặn. Từ thực tế như vậy ta liên tưởng đến con người. Lá lành là tượng trưng cho những người có cuộc sống sung túc đầy đủ về vật chất. Còn lá rách là những cảnh đời nghèo khổ bất hạnh rủi ro. Trong cuộc sống họ không gặp nhiều may mắn. Nếu như những cuộc đời này, những con người này không được xã hội giúp đỡ thì có lẽ họ không bao giờ cải thiện được hoàn cảnh sống. Do vậy thương người như thể thương thân là lẽ tất yếu. Những người có cuộc sống hạnh phúc ấm no, đầy đủ về vật chất cần nhường cơm sẻ áo cho những người có hoàn cảnh đặc biệt. Đây chính là truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại.

Trong cuộc sống không có ai sống lẻ loi một mình, họ phải có một quan hệ từ gia đình, làng xóm đến xã hội. Tuy lành hay rách cũng là lá, tuy “giàu sang” hay “nghèo hèn” cũng là con người. Những chiếc lá kia vô tri vô giác mà chúng còn biết che chở cho nhau huống chi con người. Do đó việc đùm bọc thương yêu nhau phải là một thái độ sống, phương châm sống của người. Sống với nhau phải biết cảm thông giúp đỡ lẫn nhau thì mới tạo được tình đoàn kết tương thân tương ái. Đây là cơ sở, là nền tảng để xây đựng một xã hội tốt đẹp. Giúp đỡ mọi người cũng chính là giúp đỡ mình mình vì mọi người, mọi người vì mình. Chẳng thế mà trong chiến tranh, trong thiên tai dân tộc ta đã làm tốt việc một miếng khi đói bằng một gói khi no. Thế nhưng giúp đỡ đùm bọc người khác phải dựa trên tình cảm trong sáng, tốt đẹp, không phải là sự bố thí coi khinh.

Bên cạnh đó còn một số kẻ sống thiếu lòng nhân ái, quay lưng lại với cảnh màn trời chiếu đất của đồng bào, đồng chí. Những hạng người này đáng lên án. Câu tục ngữ nêu bật một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đó chính là lòng nhân ái bao la, con người chỉ sống tốt với nhau bằng lòng yêu thương mà thôi.

Ngày nay câu tục ngữ không bó hẹp trong gia đình, làng xã, nó chính là lòng nhân đạo giữa người với người trong thế giới này. Câu tục ngữ nhăm nhắc nhở mọi người hãy sống vì lòng nhân ái, vì người khác để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
2
2
~Akane~
23/04/2017 10:06:48
Đất nước ta đã trải qua bao nhiêu thăng trầm của lịch sử, mất mát và đau thương để dành lấy độc lập và tự do như ngày hôm nay. Đó là cả một quá trình sống và chiến đầu, yêu thương, đoàn kết giúp đỡ nhau. Nhân dân ta đã thấm nhuần tư tưởng và lời dạy của cha ông ta trong câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách”.

Trong cuộc sống hiện nay, “lá lành đùm lá rách” là câu tục ngữ có ý nghĩa gần với thực tế, không hề xa xôi, đâu đâu chúng ta cũng thấy tình yêu thương giữa người với người.

Để hiểu được ý nghĩa của câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” chúng ta cùng đi “bóc’ từng lớp nghĩa của nó để hiểu chính xác nhất nội dung.

Hẳn chúng ta đều biết đến công đoạn gói bánh chưng, bánh giầy ngày tết. Lớp lá dong bên ngoài sẽ ôm lấy từng hạt gạo nếp trắng tinh,thơm phức. Chúng ta cần đến 2, 3 lớp lá để gói bánh, lớp trong cùng sẽ là những chiếc lá bị rách để tiết kiệm lá, tiếp đến là chiếc lá lành, còn nguyên vẹn ôm lấy bên ngoài. Như vậy “lá lành đùm lá rách” hiểu theo nghĩa đen thật đơn giản và dễ hiểu.

Còn ở lớp nghĩa hàm ngôn thì chúng ta có thể lấy những ví dụ cụ thể trong thực tế để chứng minh. Trong xã hội luôn có những người nghèo khổ, bần hàn, miếng ăn, cái mặc cũng thiếu thốn. Bên cạnh đó là những người có địa vị, giàu sang, của ăn không hết. Những người nghèo đói cần sự giúp đỡ, đồng cảm của những người giàu có. Mặc dù là hành động nhỏ nhưng cũng chứng tỏ sự quan tâm của họ. Xã hội rất cần mọi người yêu thương, chia sẻ, bao bọc lấy nhau để cùng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh và phồn vinh hơn.

Như vậy câu tục ngữ “lá lành đùm lá rách” đã khiến cho người đọc liên tưởng đến tình yêu thương, bao bọc, chăm sóc,giúp đỡ lẫn nhau giữa những lớp người trong xã hội này. Từ xưa đến nay tư tưởng yêu thương, đùm bọc nhau đã được cha ông ta dạy bảo và muốn con cháu noi theo.

Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng một giống nhưng chung một giàn

Thật vậy cha ông ta đã mượn hình ảnh “bầu và bí” để nói lên tình cảm gắn bó giữa người với người. Bởi rằng yêu thương nhau chưa bao giờ là điều thừa đối với mọi người. Nó sẽ làm nên sức mạnh to lớn nhất vượt qua tất cả.Hay như câu ca dao:

Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng

Xã hội muốn ấm no, hạnh phúc, đất nước muốn phồn thịnh thì tình yêu thương là điều mà mỗi người cần phải cố gắng bồi đắp và vun vén để giúp đỡ lẫn nhau. Tình thương yêu sẽ gắn kết chúng ta lại với nhau.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược, nhân dân ta đã phải đổ bao nhiêu máu và nước mắt, đã hi sinh vì sự độc lập về sau. Và tình yêu, sự bao bọc lấy nhau là điều rất cần thiết tạo nên sức mạnh bất diết, tạo nên làn sóng mạnh mẽ nhấn chìm tất cả. Yêu thương và đùm bọc nhau sẽ là sức mạnh đoàn kết mãnh liệt nhất giúp dân tộc ta vượt lên tất cả.

Tuy nhiên yêu thương và giúp đỡ nhau phải xuất phát từ tâm, từ cái tình mang trong mình. Nhất quyết không được biến tình yêu thương, bao bọc đó thành hành động bố thí hay ban ơn. Và những người cần sự giúp đỡ, yêu thương cũng không được ỉ lại, trông chờ vào người khác mà không cố gắng tự hoàn thiện mình.

Câu tục ngữ trên mang ý nghĩa răn dạy mỗi con người hãy không ngừng yêu thương và giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Tấm lòng của mỗi con người sẽ góp phần xây dựng nên một xã hội giàu mạnh và văn minh hơn.
1
3
~Akane~
23/04/2017 10:07:22
Dân tộc ta có nhiều truyền thống trong đó truyền thống tương thân tương ái lá lành đùm lá rách là truyền thống cao đẹp và phổ biến trong dân tộc việt nam, như chúng ta ai ai cũng đều biết đến truyền thống thương người như thể thương thân, và mỗi chúng ta cần phải học tập và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Là lành đùm lá rách nghĩa đen của câu tục ngữ này lá lá không rách thì có thể đùm bọc lá rách, nhưng ý nghĩ sâu xã của câu tục ngữ này muốn nói đó là tình yêu thương giữa con người với con người,chúng ta cần phải có tấm lòng tương thân tương ai, cần phải giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn. Ai ai trong cuộc sống này cũng đều phải vấp phải những khó khăn và cả những nghiệt ngã trong cuộc sống vì vậy dũng cảm vượt qua và được sự giúp đỡ của người khác thì chúng ta sẽ có một cuộc sống tươi đẹp. Truyền thống lá lành đùm lá rách là truyền thống tốt đẹp đã có từ xưa tới nay, chúng ta luôn luôn tự hào về truyền thống cao đẹp đó, mỗi con người chúng ta đều phải có tấm lòng nhân đạo, những lúc cuộc sống tốt đẹp hay những lúc khó khăn hoạn nạn chúng ta sẵn sang vẫn có thể giúp dỡ những hoàn cảnh xấu số hơn ta vượt qua những khó khăn và cả những thử thách trong cuộc sống.

Dân tộc Việt Nam luôn luôn tự hào vì dân tộc mình có những truyền thống tốt đẹp, chúng ta những con người đang sống trong một xã hội luôn chưa đựng những khó khăn và cả những thử thách đang phải sống và cần phải có tấm lòng nhân đạo cao thượng giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn hoạn nạn, mỗi con người chúng ta ai ai cũng đều phải thương người như thể thương thân, thương yêu và đùm bọc lẫn nhau. Trong chiến đấu xưa an hem một lòng chúng sức để chống lại kẻ thù xâm lược, chúng ta cần phải tương thân tương ái , đoàn kết với nhau để có thể vượt qua những khó khăn, luôn giúp đỡ nhau để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống này. Nhiều những hoàn cảnh khó khăn chúng ta cần phải giúp đỡ và động viên học khi họ vấp ngã trong cuộc sống , không có chúng một huyết thống nhưng chúng ta đều tự hào là người con của đất việt, một mảnh đất có nhiều truyền thống tốt đẹp và cao quý thiêng liêng.

Trong xã hội xưa chúng ta đã gặp rất nhiều những tấm gương sáng về sự thương yêu và đùm bọc lẫn nhau như Chủ Tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài của nước Việt Nam đã rất sáng suốt khi đưa ra chiến lược nhường cơm sẻ áo đây là một chương trình có chưa đựng tấm lòng nhân đạo sâu sắc chúng ta phải tự hào vì người cha già của dân tộc này, chương trình đã cứu đói được rất nhiều đồng bào đang lâm vào tình trạng khó khăn gian khổ, bác hồ đã hiểu được những khó khăn của nhân dân vì vậy bác đã gành hết tấm lòng thương dân của mình và với tài nằng của người đã sáng kiến ra chương trình với mục đích tương thân tương ái, chúng ta luôn luôn tự hào về người cha già của dân tộc Việt Nam người luôn luôn có tấm lòng nhân ái và sẵn sang hi sinh cả cuộc đời mình cho dân tộc Việt Nam.

Có rất nhiều những chương trình mà nhà nước đã triển khai để phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, chúng ta cần phải giúp đỡ và đùm bọc lẫn nhau vượt qua mọi khó khăn và thử thách cho cuộc sống như “ chương trình làm từ thiện” đây cũng là chương trình được tổ chức ra nhằm giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn để vươn lên trong cuộc sống. Chúng ta cần phải tích cực tham gia những chương trình nhân đạo để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, những người đang bệnh tật để họ thoát khỏi những điều xấu trong cuộc sống, họ vươn lên để thoát khỏi cái đói, cái khổ, bệnh tật đang năm trong con người của họ. Những chúng ta cũng bắt gặp rất nhiều những cá nhân có những thói ích kỉ chỉ nghĩ tới bản thân mà không lo cho an nguy của người khác những người đó chúng ta cần phê phán sâu sắc.

Chúng ta cần phải đoàn kết tương thân tương ái giúp đỡ mọi người xung quanh, nhiều những tấm gương sáng chúng ta cần phải học tập và nói theo, đây đều là những truyền thống cao quý của dân tộc Việt Nam chúng ta cần phải phát huy những truyền thống cao quý đó của dân tộc mình, nên sống có đạo đức và hiểu được những giá trị đích thực của cuộc sống này.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan
Bài tập Ngữ văn Lớp 8 mới nhất

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư