Mở đầu bài viết, tác giả đã nêu lên tầm quan trọng của việc học cũng như thực trạng tiêu cực của việc học đang hiện hành. “Ngọc không mài, không thành đồ vật; người không học, không biết rõ đạo”. Tác giả sử dụng lối viết phủ định để mà khẳng định ; khẳng định, nếu con người không học không thể nào biết đến “đạo”. “Đạo” theo tác giả không phải là cái gì quá xa vời mà là “lẽ đối xử hằng ngày giữa mọi người”, hẹp là quan hệ giữa người với người, rộng là quan hệ trong xã hội. Với xã hội phong kiến, đó chính là “tam cương, ngũ thường”, những quan hệ rường cột của xã hội. Việc học đóng vai trò quan trọng nhưng tác giả đã nêu ra một thực trạng đáng buồn của việc học ở nước ta thời bấy giờ : “nền chính học đã bị thất truyền. Người ta đua nhau lối học hình thức hòng cầu danh lợi, không còn biết đến tam cương, ngũ thường”. Lối học “hình thức” là nguyên nhân chính dẫn đến sự sa sút của nền giáo dục. Người học không có ý thức trau dồi đạo đức, học không để “lập đức”, “lập công” mà chỉ vì “danh lợi”. Một thứ danh lợi phù phiếm, nhất thời. Thảm hoạ hơn, chính những con người học vì danh lợi đó lại trở thành những rường cột của đất nước : “Chúa tầm thường, thần nịnh hót”. Hậu quả tất yếu sẽ kéo theo là : “nước mất, nhà tan”. La Sơn Phu Tử đưa ra những dẫn chứng không phải chỉ nhằm cảnh báo mà đó thực sự là hiện trạng của việc học đương thời. Nếu không có biện pháp để chấn hưng thì những hậu quả tất yếu sẽ xảy ra.
Cách lập luận của nhà văn rất lô gích, các vế câu có mối quan hệ nguyên nhân – hệ quả chặt chẽ khiến cho lời vãn giàu sức thuyết phục.