Tuy chiến tranh đã đi qua. Nhưng, hậu quả chiến tranh vẫn còn hiển hiện, từ thương tích trên cơ thể những cựu chiến binh và dân thường, những bệnh tật và dị tật của nạn nhân chất độc hoá học, đến sự ly tán trong nhiều gia đình; từ những thảm thực vật hoàn toàn biến dạng, đến những vùng đất bị nhiễm độc hoặc có bom mìn còn sót lại... Nhân dân Việt Nam vẫn đang phải gồng sức trong cuộc vật lộn với hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh. Cho dù 40 năm đã đi qua, việc khắc phục hậu quả chiến tranh vẫn là điều mà những bên tham chiến đều phải quan tâm giải quyết. Việt Nam đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo môi trường, rà phá bom mìn, chăm lo thực hiện các chính sách xã hội... Nhưng vấn đề vẫn còn ở phía trước. Tuy Chính phủ và nhân dân Việt Nam không yêu cầu bất cứ một chính phủ nào phải xin lỗi vì đã đưa lực lượng quân sự tới Việt Nam và gây ra những hậu quả chiến tranh nghiêm trọng đối với đất nước này, nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, nhất là khi tính tùy thuộc vào nhau giữa các quốc gia dân tộc ngày càng tăng, trong điều kiện quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam đã và đang được hoà giải, từ chỗ là kẻ thù không đội trời chung trở thành đối tác toàn diện và còn tiếp tục phát triển theo hướng trở thành đối tác chiến lược toàn diện, thì với lương tâm, trách nhiệm đạo lý và pháp lý, với tinh thần nhân văn, tình thương yêu, quý trọng cuộc sống con người, vấn đề hậu quả chiến tranh Việt Nam, một vấn đề do quá khứ để lại nhưng không bị lãng quên, có thể và cần phải được sự quan tâm giải quyết tích cực hơn nữa từ nhiều phía, nhất là từ Chính phủ Hoa Kỳ.