Vẫn còn bao nhiêu nắng / Đã vơi dần cơn mưa / Sấm cũng bớt bất ngờ / Trên hàng cây đứng tuổi
Khổ thơ cuối cùng làm trọn vẹn hơn ý “sang thu” của hồn người chưa thật rõ ở hai khổ thơ trên. Mùa thu được khẳng định bằng đoán nhận, bằng kinh nghiệm, suy ngẫm chứ không phải bằng cảm nhận trực tiếp như ở hai khổ thơ trước. Mùa thu không còn được quan sát từ gần ra xa, từ thấp lên cao mà đang từ từ thu vào trong tâm tưởng, đang lắng lại trong suy tư. Lúc này, mọi thứ dường như đã đi vào đúng thật tự của nó, vẫn là nắng, mưa, sấm, nhưng mức độ đã khác rồi. Những phó từ “vẫn-còn-đã” được đảo lên đứng đầu dòng thơ làm hiện tượng thiên nhiên như đo đếm được sự nhạt vơi. Nắng vẫn trải đầy không gian nhưng không còn chói chang, gay gắt như mùa hạ, mà vàng óng ánh, mang hơi thở ấm áp. Những cơn mưa cuối cùng cũng trả lại cho mùa thu sự dịu dàng êm ả. Sấm không còn vang rền như xé cả bầu trời sau những trận mưa mà lặng dần nên hàng cây không còn run rẩy, ngã nghiêng. Đâu phải ngẫu nhiên mà “hàng cây đứng tuổi” lại được đặt vào chỗ kết thúc của bài thơ, là một chỗ cực kì quan trọng? Phải chăng đó chính là một cái chốt cửa để ta mở sang một thế giới khác, thế giới sang thu của hồn người? “Cây đứng tuổi” hay chính là con người sau những phong ba bão táp của cuộc đời? Ngược trở lên hai khổ thơ trước, ta chợt hiểu vì sao có sự “chùng chình – dềnh dàng – vội vã”. Con người bị cuốn vào vòng xoay của cuộc đời, tất bật lo toan cuộc sống hằng ngày, để rồi đến khi nhìn lại, mình cũng đã sang thu. Nhưng khác với một thời tuổi trẻ bồng bột sôi nổi, con người giờ đây điềm đạm hơn, chínn chắn và sâu sắc hơn. Mặt khác, người ta phải khẩn trương hơn, gấp gáp hơn để làm cái gì đó có ích cho đời.
Có phải là dụng ý nghệ thuật của tác giả khi đặt dấu chấm duy nhất khép lại bài thơ? Đó chính là cảm xúc xuyên suốt không đứt quãng: ngõ nhỏ sang thu, dòng sông và bầu trời sang thu và cuối cùng là con người sang thu. Trở lại hoàn cảnh ra đời của bài thơ 1977, đất nước vừa trải qua những năm dài chiến tranh chia cắt, mất mát đau thương. Bấy nhiêu năm thử thách “nắng, mưa, sấm” đã góp phần rèn luyện con người Việt Nam thêm vững vàng bản lĩnh, thêm tự tin để bước vào tương lai. Không gì có thể ngăn chặn được bước tiến của dân tộc này.
Bằng những cảm nhận tinh tế của mình, với nhiều từ láy gợi hình, hình ảnh đơn sơ mà giàu sức gợi cảm, Hữu Thỉnh đã dệt nên bức tranh giao mùa thật trữ tình và đằm thắm. Thiên nhiên và con người đều cùng một nhịp sang thu. Bức tranh mang hơi thở của quê hương, hơi ấm của cuộc đời. Cảnh vật sang thu để lại trong lòng người đọc những dư âm sâu lắng.