“Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới và là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia”. Sách vốn là người bạn tri âm tri kỉ của con người trên con đường chiếm lĩnh tri thức. Có thể nói, sách chính là chìa khóa để mở tòa lâu đài chưa biết bao điều kì diệu, giúp cuộc sống của con người trở nên tốt đẹp hơn.
Từ xa xưa, khi chưa phát minh ra giấy, tổ tiên chúng ta lưu giữ tri thức, kinh nghiệm trên những vật liệu hết sức thô sơ. Người Ai Cập khắc chữ lên mai rùa, người Trung Quốc viết chữ lên thẻ tre, da động vật. Giấy ra đời là một bước tiến lớn trong lịch sử nhân loại, và con chữ được giữ gìn lâu bền hơn. Từ đó đến nay, nhờ công nghệ in ấn phát triển, sách trở nên rộng rãi hơn và là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người.
Sách chứa đựng nguồn tri thức khổng lồ của nhân loại, là sự tích tụ tư tưởng và kinh nghiệm của ông cha ta qua mấy nghìn năm lịch sử. Đọc sách giúp chúng ta tích lũy kiến thức, mở mang đầu óc. Sách trải dài trên các lĩnh vực, từ toán học, văn học, lịch sử địa lí đến kinh tế, chính trị... Đến với sách, ta chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể chu du vòng quang thế giới. Sách đưa trí tưởng tượng của ta bay cao bay xa, đến những rừng nhiệt đới nguyên sinh có các bộ lạc sinh sống hay băng qua đại dương thăm các châu lục. Không chỉ thế, sách địa lí còn giúp ta tìm hiểu về văn hóa của các dân tộc trên thế giới, nhờ thế ta biết đến lễ hội đấu bò tót ở Tây Ban Nha, lễ hội hoa anh đào nổi tiếng ở Nhật cùng vô vàn những nền văn hóa phong phú, đa dạng khác. Nếu sách địa lí giúp ta đi xa trong không gian thì sách lịch sử lại đưa ta về cùng chiều sâu của thời gian. Ta được chứng kiến những thời kì vàng son trong lịch sử dân tộc, những trận chiến đầy vẻ vang, ác liệt của ông cha như đang hiển hiện trước mắt. Kìa dòng sông Bạch Đằng huyền thoại, dòng sông đã trở thành mồ chôn của biết bao quân xâm lược.
Sách là món ăn không thể thiếu cho tâm hồn, giúp ta nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, phát triển nhân cách. Đọc sách văn học, ta thương cảm biết bao cho những người có hoàn cảnh bất hạnh như cô Tấm, cô bé bán diêm, nàng Lọ Lem xinh đẹp. Những nhân vật ấy từ trang văn bước ra ngoài đời sống động như thật. Ta vui nỗi vui cùng họ, buồn nỗi buồn với họ. Sách còn dạy ta cách ứng xử, cách làm người. Đọc truyện “Chiếc lá cuối cùng”, ta cảm động biết bao trước hành động cao cả và nhân văn của cụ Bơ-men. Cụ đã hi sinh chính bản thân mình để tiếp thêm nghị lực sống cho Giôn-xi, mang cô trở về từ tay của tử thần.
Đọc sách còn giúp ta thanh lọc tâm hồn, có những phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa bộn bề cuộc sống. Đến với sách, ta đã bước chân vào một thế giới khác, vứt bỏ hết những âu lo, phiền muộn để đắm chìm trong lời kể của nhà văn, câu chuyện của các nhân vật. Nếu ta là con thuyền đang lạc lối giữa biển khơi, bị gió dập sóng vùi thì sách chính là ngọn hải đăng chỉ lối soi đường cho ta, dẫn ta thoát khỏi u mê, tuyệt vọng. Nhờ có sách, chúng ta đã không còn cô đơn, sách cũng là người bạn trung thành dù cho cả thế giới có quay lưng lại cũng không bao giờ rời bỏ ta.
Bên cạnh đó, vẫn còn một số loại sách chứa nội dung không lành mạnh, không giúp cho cuộc sống con người trở nên tốt đẹp hơn mà chỉ reo giắc những ý nghĩ tiêu cực, bi quan và tuyệt vọng. Những cuốn sách ấy sẽ rất dễ hủy hoại tâm hồn và bản thân chúng ta.
Đọc sách là một hoạt động giải trí lành mạnh, bổ ích mà không tốn kém. Vì vậy, chúng ta cần rèn luyện cho mình thói quen đọc sách. Đọc sách phải có chọn lọc, tiếp thu một cách chủ động, sáng tạo những nội dung trong sách. Người đọc cũng cần phải say mê, đọc lấy chất lượng chứ không lấy số lượng, ngẫm nghĩ sâu xa, kết hợp giữa sách phổ thông và sách chuyên sâu.
Đọc sách không chỉ là việc tích lũy kiến thức mà còn là việc rèn luyện nhân cách, đức tính kiên trì, nhẫn nại. Ngày nay, nhờ công nghệ phát triển, sách có mặt ở khắp mọi nơi, ngoài sách giấy chúng ta còn có thể đọc sách trên điện thoại, ipad... Vì vậy, mỗi cá nhân hãy tạo cho mình thói quen đọc sách để phát triển, lan rộng văn hóa đọc ra toàn xã hội.