Ngày 22 - 9 - 1940, Nhật chính thức nhảy vào Đông Dương, thực dânPháp đã câu kết với Nhật để đàn áp nhân dân Đông Dương nhưng sự cấu kết này chỉ là tạm thời. Càng về sau mâu thuẫn Nhật – Pháp càng sâu sắc vì hai tên đế quốc không thể ăn chung một miếng mồi béo bở.
- Đầu năm 1945, Chiến tranh thế giới thứ hai bước vào giai đoạn kết thúc, phe phát xít liên tiếp thất bại trên các chiến trường, thủ đô Pari của Pháp được giải phóng, chính quyền Đờ Gôn lên cầm quyền. Ở mặt trận Thái Bình Dương, Nhật bị khốn đốn. Ở Đông Dương, thực dân Pháp muốn nhân cơ hội đó ngóc đầu dậy. Để trừ hậu họa về sau, Nhật bất ngờ làm cuộc đảo chính vào đêm 9 - 3 - 1945.
- Tối 9 - 3 - 1945, Nhật đảo chính Pháp, Pháp đầu hàng. Nhật tuyên bố : “giúp các dân tộc Đông Dương xây dựng nền độc lập”, dựng Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim, đưa Bảo Đại làm “Quốc trưởng”. Thực chất là độc chiếm Đông Dương, tăng cường vơ vét, bóc lột và đàn áp dã man những người cách mạng.
b) Chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Đảng đề ra trong chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”.
- Nhật đảo chính Pháp tạo nên cuộc khủng hoảng chính trị sâu sắc. Tình hình đó rất thuận lợi cho các mạng Đông Dương phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ hơn nữa. Chiến tranh thế giới lại đang đi vào giai đoạn kết thúc. Thời cơ tổng khởi nghĩa nhất định nhanh chóng đi đến chín muồi.
- Nắm vững tình hình trên, ngày 12 - 3 - 1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, nhận định :
+ Kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương: phát xít Nhật.
+ Khẩu hiệu: “Đánh đuổi phát xít Nhật”.
+ Hình thức đấu tranh: từ bất hợp tác bãi công, bãi thị đến biểu tình, thị uy, vũ trang du kích và sẵn sàng chuyển qua tổng khởi nghĩa khi có điều kiện.
+ Chủ trương “Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa”.
- Bản chỉ thị này đã thể hiện sự lãnh đạo sáng suốt, kiên quyết, kịp thời của Đảng Cộng sản Đông Dương, là kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và Mặt trận Việt Minh trong cao trào kháng Nhật cứu nước, trực tiếp dẫn đến thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945.