2. Một trong số nữ sỹ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa, bà Huyện Thanh Quan đã để lại sáu bài thơ Đường luật, trong đó có Qua Đèo Ngang, một bài thơ nổi tiếng của tác giả nói về hình ảnh thiên nhiên đầy màu sắc cùng với tâm trạng cô đơn của tác giả khi dừng chân tại Đèo Ngang trong chuyến hành trình.
Tác phẩm viết về một bức tranh phong cảnh buổi chiều tà làm cho người đọc cảm nhận cùng được sự hiu quạnh, ngay đoạn đầu ta thấy được bức tranh phong cảnh thiên nhiên với nhiều hình ảnh quen thuộc:
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Hai câu thơ đầu cho thấy được một buổi chiều “bóng xế tà” khi tác giả đặt chân tới Đèo Ngang, buổi chiều là buổi dấu hiệu cho kết thúc một ngày, mọi thứ dần được nghỉ ngơi, bình lặng. Hình ảnh thân thuộc gần gũi với thiên nhiên cây cỏ, đá, lá, hoa tạo nên bức tranh thiên nhiên sống động nhưng cũng có chút đìu hiu trong không gian kết hợp với ánh hoàng hôn. Sử dụng nghệ thuật nhân hóa làm cho cảnh vật thêm sự sống trong bóng xế tà, làm cho cảnh vật nơi đây thêm hồn.
Không chỉ vậy tác giả còn thêm cảnh thực làm cho nơi đây có nhịp sống bởi sự hiện diện của con người làm cho phong cảnh thêm tươi đẹp:
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Vì chỗ tác giả dừng chân tại một con đèo nên người dân ít sinh sống nơi đó, chính vì vậy khi đọc lên ta biết tác giả đang đứng ở một nơi cao phóng tỏa tầm mắt khắp con đèo, khắp sông núi đến một nơi xa xăm, không còn mơ hồ nữa mà thêm hoạt động của con người tạo nên đúng thực một cảnh thiên nhiên chiều tà. Những từ “lom khom”, “lác đác” làm tăng thêm sự vắng vẻ và hiện diện của con người nơi Đèo Ngang. Qua câu thơ thấy tuy có con người nhưng vẫn rất vắng vẻ “tiều vài chú”, “chợ mấy nhà”, có nhiều người nói “rợ mấy nhà” chứ không phải “chợ mấy nhà” vì ở Đèo Ngang heo hút, không phải là nơi đông dân cư, dân cư thưa thớt, nói lên sự đìu hiu, tâm trạng của nhà thơ vì thế cũng trở nên trống trải trong lòng, không khí hiu hiu đang bao trùm lên không gian.
Tâm trạng tác giả nhìn thấy thiên nhiên và con người như vậy khắc họa thêm nỗi buồn, những âm thanh thê lương như văng vẳng nơi nào đó làm cho lòng người thêm da diết, đau thương:
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia
Thể hiện tấm lòng yêu nước của nhà thơ, tạo cho ta có cảm giác “nhớ” “thương”, một tấm lòng yêu nước, bộc lộ cảm xúc một cách rõ nét. Cùng nghệ thuật chơi chữ đồng âm và các từ tượng thanh “quốc quốc”, “gia gia” gây cho người đọc một ấn tượng mạnh với phong cách nghệ thuật của bà Huyện Thanh Quan. Hai câu thơ nói lên tấm lòng son sắt của bà đối với nước nhà, nhớ đến nỗi đau lòng.
Tiếp nối tâm trạng với hai câu thơ cuối, chính là những câu thơ khép lại bức tranh thiên nhiên nhưng cũng muốn nói lên tâm trạng cô đơn của tác giả trong cuộc hành trình:
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Hiện lên trước mắt là thiên nhiên bao la rộng lớn với trời xanh, núi non, sông nước khiến tác giả đang bước đi mà dừng chân lại để bao trọn không gian đó là tầm mắt và một cảm xúc chính là không muốn rời đi chỉ muốn ngắm mãi không dứt. Cũng vì thế mà tác giả còn muốn thể hiện sự cô đơn trong lòng mình “một mảnh tình riêng, ta với ta” một nỗi buồn thầm lặng, một nỗi lòng sâu kín mà không biết chia sẻ cho ai chỉ có “ta với ta” mà đành gửi gắm vào những dòng thơ, giống như một tiếng thở dài thầm kín.
Với phong cách trang nhã, bài thơ Qua Đèo Ngang cho thấy cảnh tượng Đèo Ngang thoáng đãng mà heo hút, thấp thoáng có sự sống con người nhưng hoang sơ, cây cỏ còn phải chen chúc để vươn lên tìm kiếm sự sống, cảnh tượng buổi xế chiều mộc mạc, đồng thời thể hiện tâm trạng nỗi nhớ nước thương nhà, một nỗi buồn thầm lặng cô đơn của tác giả.
Bài thơ đã đánh dấu mốc quan trọng trong sự đời sáng tác thơ của Bà Huyện Thanh Quan, bài thơ là một bức tranh thiên nhiên kết hợp với tâm trạng của tác giả tạo nên một khắc họa khó lòng quên đối với người đọc, và hơn thế nữa là một người phụ nữ nhưng bà có một tình cảm thiêng liêng dành cho quê hương, đất nước, một tư tưởng tuyệt vời, để lại cho văn học nước nhà một tác phẩm hay và có hồn.