Tây Tiến vừa là tên một đơn vị quân đội được thành lập vào năm 1947, vừa là nhan đề của bài thơ được Quang Dũng sáng tác năm 1948. Khi ấy, nhà thơ đã rời Tây Tiến chuyển đến công tác ở một đơn vị khác được một thời gian, nhưng trong lòng nhà thơ vẫn còn đầy ắp những kỉ niệm về một thời đã qua. Nhớ lại những kỉ niệm ấy, nhớ về đơn vị cũ với tất cả những gì là bồi hồi, xúc động xen lẫn với lòng tự hào, Quang Dũng đã viết lên bài thơ này. Lúc đầu, bài thơ có nhan đề là Nhớ Tây Tiến và đến năm 1957, khi bài thơ được in trong tập Rừng biển quê hương thì tác giả sửa lại nhan đề bài thơ là Tây Tiến. Tác giả đã bỏ từ nhớ trong nhan đề nhưng theo tác giả, cảm hứng chủ đạo của bài thơ là một nỗi nhớ mênh mông da diết: nhớ cảnh, nhớ người, nhớ những kỉ niệm vui buồn trên những chặng đường hành quân chiến đấu gian khổ, vất vả,...
Trước hết, qua hồn thơ giàu chất lãng mạn ấy, ta bắt gặp cảnh tượng của một đêm lửa trại có liên hoan văn nghệ, có nhân dân địa phương đến cùng chung vui múa hát với những người lính Tây Tiến:
Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
Kìa em xiêm áo tự bao giờ
Khèn lên man điệu nàng e ấp
Nhạc về Viên Chăn xây hồn thơ
Khung cảnh của đêm liên hoan lửa trại ở đây được Quang Dũng gọi theo cách riêng của mình là hội đuốc hoa thật tưng bừng, náo nhiệt và rộn rã. Đuốc hoa là cây nến thắp lên trong phòng tân hôn. Trong Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du có câu: Đuốc hoa chẳng thẹn với chàng mai xưa. Quang Dũng đã sáng tạo thành hội đuốc hoa để nói về đêm liên hoan lửa trại giữa đoàn quân Tây Tiến với đồng bào Tây Bắc. Lúc này không còn cái khúc khuỷu, thăm thẳm của đèo cao, vực sâu, không còn cái oai linh gầm thét của rừng thiêng xứ lạ nữa,... Những câu thơ ở khổ này như đã đưa ta lạc vào một thế giới của ánh sáng, của âm thanh và những vũ điệu - một thế giới vừa như thực lại vừa như mơ - một thế giới đầy thơ mộng. Điều này được gợi ra qua các chi tiết, hình ảnh trong khổ thơ. Chữ bừng vừa chỉ ánh lửa, ánh đuốc sáng bừng lên vừa tả âm thanh của tiếng nói, tiếng cười, tiếng hát, tiếng.khèn vang lên tưng bừng, rộn rã trong đêm hội đuốc hoa. Trong đêm lửa trại, đêm liên hoan ở vùng sơn cước chắc hẳn phải có múa sạp, mùa xòe của các cô gái Mường, cô gái Thái tham gia trong những bộ xiêm áo lộng lẫy đến rực rỡ đã xây hồn thơ trong lòng các chàng trai Tây Tiến. Chính điều đó đã khiến họ rất ngạc nhiên và vui sướng. Chữ kìa là đại từ để trỏ một đối tượng nào đó (có thể là người hay vật) ở xa; nhưng trong bài thơ này thì thể hiện sự ngạc nhiên, niềm vui thích, tình tứ của chàng lính trẻ Tây Tiến khi nhìn thấy các em, các nàng đến dự hội đuốc hoa trong bộ xiêm áo xinh đẹp. Hình ảnh nàng e ấp là một nét vẽ tài hoa và có hồn của Quang Dũng, gợi tả được đúng nét duyên dáng, kín đáo, tình tứ của các thiếu nữ Tây Bắc. Con người thì trẻ trung, xinh đẹp, tài hoa, đa tình; ngòi bút thi nhân cũng rất mực tài hoa, lãng mạn. Và ta có thể hình dung, trong những đêm hội như thế hẳn là nét đa tình - hào hoa của những chàng trai Hà thành vốn có trong những người lính Tây Tiến sẽ được bộc lộ rõ nét hơn bao giờ hết. Họ sẽ reo vui, họ sẽ say mê và ngả nghiêng hết mình theo những tiếng khèn, điệu nhạc dìu dặt, e ấp của những chàng trai, cô gái vùng sơn cước. Qua hội đuốc hoa, ta càng thấy đời sống tinh thần vô cùng phong phú của đoàn binh Tây Tiến nơi chiến trường miền Tây gian khổ và ác liệt. Những kỉ niệm như thế đối với cuộc đời người chiến binh đầy gian khổ ác liệt là không nhiều. Bởi vậy, nó đã trở thành một ấn tượng đẹp khó có thể phai mờ và cũng rất đáng được trân trọng, ngợi ca. Quang Dũng đã mang đến cho người đọc tình cảm tốt đẹp ấy.
Nếu bốn câu thơ trên là một bức tranh náo nhiệt tràn ngập ánh sáng, rộn rã âm thanh vũ điệu, tạo nên một cảm giác ngây ngất, si mê thì bốn câu thơ tiếp theo lại là một cảnh sông nước mênh mang của Tây Bắc, chứa đầy chất họa và chất thơ, được tạo nên bởi những nét bút rất mực tài hoa của Quang Dũng:
Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
Có nhớ dáng người trên độc mộc
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa
Cảnh vật Tây Bắc trong bốn câu thơ này cũng vẫn được dệt nên bằng cảm xúc hồi tưởng, là sự tiếp nối của cái nỗi nhớ chơi vơi ở phần đầu bài thơ, là sự tiếp theo của nỗi nhớ hội đuốc hoa ở bốn câu trước. Cảnh Tây Bắc ở đây là một buổi chiều Châu Mộc được giăng mắc bởi một màn sương mờ, có dòng sông đôi bờ lặng lẽ, hoang dã như đôi bờ tiền sử, như một miền cổ tích. Trên cái nền của dòng sông mang đậm màu sắc cổ tích và huyền thoại ấy, nổi bật lên là hình dáng thướt tha, uyển chuyển của cô gái vùng cao trên chiếc thuyền độc mộc, cùng cái tình tứ đong đưa làm duyên của những bông hoa bên dòng nước lũ,...
Người là nhân vật trữ tình phiếm chỉ, vừa là đồng đội vừa là nhà thơ. Nỗi nhớ vơi đầy, nhớ Châu Mộc một -chiều sương. Hình ảnh chiều sương rất gợi, như dẫn hồn người nhập vào một thế giới hoang sơ, lặng tờ mang màu sắc cổ tích, đó là một buổi chiều thu ở chiến khu đã phủ mờ sương khói của hoài niệm. Câu thơ như nhắc khẽ một nỗi niềm với bao man mác bâng khuâng về một miền đất lạ, hoang vắng, xa xôi,... Cái tài của Quang Dũng trong khổ thơ này không phải là ở sự miêu tả mà chủ yếu là ở sức gợi của các từ ngữ, hình ảnh. Chữ ấy trong câu thơ Người đi Châu Mộc chiều sương ấy bắt vần với chữ thấy ở câu thơ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ, quả là một vần lưng tài tình. Nó giống như một nốt nhấn trong bản nhạc,- tạo nên âm điệu trầm lắng diễn tả một nỗi nhớ bâng khuâng trong kí ức của nhà thơ. Và vì thế, nhà thơ hỏi người đi có thấy, có nhớ nhưng thực chất cũng là hỏi mình. Cách điệp âm có thấy - có nhớ trong hai câu thơ kế tiếp nhau không chỉ thể hiện một lối viết uyển chuyển, linh hoạt của một ngòi bút tài hoa, mà còn diễn tả rất đúng cái tâm trạng nhớ nhung của nhà thơ. Và quả thật, ở khổ thơ này, câu thơ trước gọi câu thơ sau, hình ảnh trước làm nền cho hình ảnh sau, kỉ niệm trước gọi kỉ niệm sau trở về trong nỗi nhớ: nhớ cảnh, nhớ người.
Người và cảnh hòa quyện với nhau tạo nên một vẻ đẹp vừa có hồn vừa man mác, xa xăm. Bởi nhớ cảnh núi rừng miền Tây trong buổi chiều sương nhưng là nhớ tới hồn lau. Hình ảnh hồn lau đầy thơ mộng là một nét đẹp của chiều sương Châu Mộc. Mùa xuân hoa lau nở tím rừng, sang thu hoa lau nở trắng rừng. Hoa lau, cờ lau phất phơ, lá lau kêu xào xạc trong gió thu. Câu thơ Có thấy hồn lau nẻo bến bờ đúng là câu thơ mang đậm chất tâm hồn thi nhân (GS Phan Cự Đệ). Rồi nhớ người, nhưng lại chỉ nói đến dáng người cùng con thuyền độc mộc trôi trên dòng nước lũ có những bông hoa đong đưa. Điều đó gợi lên một vẻ đẹp thấp thoáng, mơ hồ vừa như thực lại vừa như ảo nhưng đồng thời cũng lại gợi lên được cái phần hồn rất thiêng liêng của cảnh vật thiên nhiên Tây Bắc. Thật đúng như người xưa nói thi trung hữu họa, bốn câu thơ này của Quang Dũng quả thật mà một bức họa khá đặc sắc với những nét vẽ tinh tế, tài hoa và mềm mại ít thấy trong thơ ca kháng chiến.
Bằng một tâm hồn thơ phong phú, sáng tạo và giàu chất lãng mạn, chỉ với tám dòng thơ mà Quang Dũng đã đưa người đọc trở về với những với hoài niệm năm xưa, để được sống lại trong những phút giây bình yên hiếm có của thời chiến tranh. Đặc biệt, bốn câu thơ sau như đưa người đọc vào thế giới cổ tích với dòng sông huyền thoại, với thế giới của cái đẹp, của cõi mơ, của âm nhạc du dương; chất thơ, chất họa, chất nhạc thấm đẫm, hòa quyện đến mức khó tách biệt. Đọc đoạn thơ này, chúng ta càng hiểu và càng thêm trân trọng, yêu mến cái vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp lãng mạn, tài hoa, đa tình của những người lính trong đoàn quân Tây Tiến năm xưa. vẻ đẹp này cùng với vẻ đẹp can trường, quả cảm ở đoạn một và đoạn ba của bài thơ đã tạo nên một bức chân dung đầy ân tượng về người lính thủ đô trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Tiếc rằng, trong một thời gian dài, người ta đã có những ý kiến phê bình bài thơ về mặt này, mặt khác nhưng khách quan ta thấy, đặt bài thơ vào đúng hoàn cảnh ra đời và tưởng tượng lại không khí buổi đầu của cuộc kháng chiến chúng ta mới thấy hết giá trị của nó. Đến nay, cuộc kháng chiến ấy đã đi qua hơn nửa thế kỉ nhưng khổ thơ này cũng như cả bài thơ vẫn là nơi lưu giữ tuyệt vời những kỉ niệm cao đẹp của người lính ở một thời kì gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của cả dân tộc Việt Nam.