Tác giả từng gọi bài thơ " Đoàn thuyền đánh cá là một" khúc tráng ca.". Đúng vậy , đây là khúc ca đồng vọng khi nhà thơ cùng hóa thân trong niềm vui của người ngư dân lao động với tinh thần làm chủ , trong sự hòa hợp với thiên nhiên kỳ thú , mỹ lệ. Như Xuân Diệu đã ví von bài thơ là " món quà đặc biệt vùng mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả cho vào túi thơ Huy Cận " .
Cảm hứng của bài thơ được cất cánh từ một đêm lao động trên biển. Tác giả đã kết hợp hiện thực và trí tưởng tượng bay bổng , sáng tạo nhiều hình ảnh độc đáo , mới mẻ, giàu sức gợi tả để cuốn hút người đọc vào không khí lao động của người ngư dân trong buổi hoàng hôn tráng lệ xuất bến ra khơi : Vũ trụ từng thời khắc đang vận động , mặt trời " xuống biển như hòn lửa " ...Những con sóng gợn nét ngang luân chuyển qua lại như then cửa ...cảm tưởng như mặt trời lặn đến đâu , cánh cửa đêm kéo đến đó ." Sóng đã cài then , đêm sập cửa ". Một phát hiện mới của Huy Cận là : Người ngư dân ra biển với tâm trạng yên ổn như trở về ngôi nhà ấm cúng của mình. Chính hình ảnh "đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi" trong tiếng hát vừa diễn tả niềm náo nức và khái quát về cuộc sống lao động cần cù của họ.
Mạch cảm hứng của nhà thơ giàu chất lãng mạn trữ tình như hòa chung nhịp điệu lao động trên biển đêm ,nên đã đặc tả chân dung người ngư dân trên nền của thiên nhiên.kỳ thú. Cảnh khoáng đạt của biển trời như quyện với vẻ đẹp của con người lao động dệt nên một bức tranh cẩm tú , rạo rực sức sống , tôn vinh vẻ rỡ ràng của ÔNG CHỦ biển khơi. Khác với những thi phẩm viết cùng đề tài , ở đây không miêu tả chi tiết thực của công việc đánh bắt cá : thả lưới , kéo lưới chuyển cá về....Mà tác giả phát hiện vẻ đẹp mới của người dân chài về một trong triệu triệu buổi thường nhật đánh cá đêm khi biển trời giải phóng.. Ngay từ đầu bài thơ đã hé lộ phút giây náo nức xuất bến , Tác giả đã đặt ba sự vật rất khác nhau " Câu hát , cánh buồm , gió khơi " vào trường liên tưởng mới mẻ để tạo nên hình ảnh đẹp , lạ nhằm biểu đạt sự hăm hở ra khơi của đoàn thuyền . Cũng với cách thức như thế , ông đã chạm nổi vẻ đẹp trong lao động với tư thế làm chủ , với trạng huống tinh thần say mê , khẩn trương làm việc. Bằng những hình ảnh được sáng tạo độc đáo , giàu trí tưởng tượng : Con thuyền gió làm lái , trăng làm buồm , lướt nhẹ mây cao , biển bằng , dò bụng biển , lưới vây giăng....đã giúp thi sĩ biến một con thuyền đánh cá hết sức bình thường hàng ngày bỗng chốc thành con thuyền mộng đi trong tiên cảnh bồng lai. Cuộc đánh bắt cá thành một cuộc đánh trận bài bản có trinh sát tình hình " dò bụng biển " , có lên phương án tác chiến chi tiết " dàn đan thế thế trận lưới vây giăng " . Lao động trên biển dù thời đại nào thì cũng rất đặc thù ( ban đêm ) và rất cực nhọc , Nhưng niềm phấn chấn của con người làm chủ cuộc đời , thụ hưởng trọn vẹn thành quả lao động nên người ngư dân đã lao động với một tâm thế hoàn toàn khác. Khám phá ra nét mới mẻ trong đời sống tinh thần của họ nên tác giả để cho nhân vật trữ tình trong tác phẩm xưng " TA " - Đó là một cách cùng giao hòa với niềm kiêu hãnh , tự hào của những con người từng bé nhỏ hèn mọn trước biển cả hung dữ .Thiên nhiên vẫn đẹp , vẫn tiềm ẩn sóng gió bất thường , nhưng con người đã khác không cầu khẩn thần biển " hô phong hoán vũ " mà tự mình " hát bài ca gọi cá vào " ..Dường như đàn cá hiểu được tiếng gọi trìu mến của con người , còn con người thân thiện và chế ngự được muôn loài :
Ta hát bài ca gọi cá vào
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao "
Hàng loạt hình ảnh trong bài là sự thăng hoa của trí tưởng tượng phong phú của thi nhân. Tiếng hát và nhịp gõ thuyền đuổi cá vào lưới đã làm ánh trăng soi trên biển rung động , có cảm tưởng như trăng trên cao giữ nhịp cho tiếng gõ của đoàn thuyền...Tác giả không nhằm liệt kê các loài cá :
" Cá nhụ , cá chim cùng cá đé
Cá song lấp lấp lánh đuốc đen hồng "
mà để cùng ngư dân " khoe " nguồn sống bất tận , kỳ diệu của biển Đông , làm nên sinh lực của vũ trụ :
" Cái đuôi em quẫy trăng vàng chóe
Đêm thở sao lùa nước Hạ Long ."
Một cách chuyển đổi rất hài hòa , nhà thơ biến loài cá thành một đối tác trữ tình để bỏ ngỏ niềm vui lớn khi con người là chủ nhân của kho tài nguyên thiên nhiên phong phú , biết hòa hợp với sức sống phồn thực của vũ trụ .
Toàn bài chỉ có một chi tiết tả thực cảnh kéo lưới .. Đây là công việc nặng nhọc nhất của nghề đánh bắt cá. Nhưng cả chi tiết này tác giả cũng không sử dụng bút pháp tả chân mà lại dùng lối khoa trương nên sự miêu tả ấy vẫn nằm trong mạch cảm hứng lãng mạn :
" Sao mờ kéo lưới kịp trời sáng
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng
Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông "
Đây là thời khắc đáng ghi nhận nhất của mỗi chuyến ra khơi, là lúc những giọt mồ hôi cùng tuôn chảy với niềm hy vọng...Một hình ảnh như gim vào tâm trí người đọc : những ngư dân cùng nhau " kéo xoăn tay " những mẻ cá ...Ở đây tác giả cùng một lúc vừa tả hành động kéo lưới rất mạnh , kéo bằng cả sức lực làm toàn bộ cơ bắp nổi lên cuồn cuộn , vừa gợi tả vẻ đẹp khỏe khoắn trong lao động , có giá trị như tạc vào biển cả bức tượng ngư dân căng tràn sức sống , đang hân hoan đón nhận thành quả lao động trong đêm hội đánh cá trên biển.
Quả là bức chân dung của người lao động sẽ không toàn bích nếu như dừng ở hình ảnh đó . Vẫn mạch cảm hứng lãng mạn bay bổng , Huy Cận tiếp tục khắc chạm những người dân chài hoan hỉ trở về trong bình minh với cảnh rất bắt mắt : Cá đầy khoang , như lóe sán lạn khởi đầu một ngày mới .Đoàn thuyền lại trở về trong tiếng hát ...Đây là một dụng ý nghệ thuật của tác giả : người ngư dân ra đi trong tiếng hát , lao động trong tiếng hát , trở về trong tiếng hát. Đoàn thuyền đánh cá trở về rạng ngời hơn lúc xuất bến trong hình ảnh rất ấn tượng : Đoàn thuyền song hành cùng gió khơi và " chạy đua cùng mặt trời " .Lúc ra đi , tiếng hát cất lên với giai điệu chờ mong và hy vọng. Còn lúc trở về , tiếng hát mang âm hưởng của khúc ca khải hoàn : Ước mơ chinh phục biển khơi đã thành hiện thực. Tiếng hát của họ như thể thổi phồng cánh buồm lướt sóng đại dương - Đây chính là một ẩn dụ cho tinh thần lạc quan luôn luôn có sẵn trong tâm thức của người dân lao động. Cũng từ thực tiễn đoàn thuyền từ biển về đất liền trong bình minh cùng chiều với mặt trời mọc với cách biểu đạt thậm xưng , tác giả đã sáng tạo hình ảnh có sức khái quat về hiện thực cuộc sống của miền Bắc những năm sáu mươi của thế kỷ trước với tinh thần " một người làm việc bằng hai " :( một để xây dựng Miền Bắc XHCN , một để chi viện cho cuộc chiến đấu của nhân dân Miền Nam ) :
" Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời "
Đoàn thuyền đánh cá trở về được nhà thơ đặt trên nền không gian khoáng đạt , thơ mộng và lãng mạn .Trên nền bức tranh hài hòa ấy , tác giả giúp người ngư dân hé mở một cái nhìn mới :
" Mặt trời đội biển nhô màu mới
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi "
Thành quả lao động mang vị mặn của mồ hôi cần mẫn của người dân hôm nay sẽ là viên gạch nhỏ xây nền móng cho ngôi nhà mai sau...Đó là cách nhìn về tương lai mang sắc màu tươi sáng.
BIỂN XƯA trong thơ Huy Cận là sóng " buồn điệp điệp " và nước ":sầu trăm ngả "...BIỂN NAY trong thơ ông là sự hòa quyện vẻ khoáng đạt , kỳ vĩ của vũ trụ với vẻ đẹp của con người lao động mới..Nhà thơ từng tâm sự : " Bài thơ này của tôi là cuộc chạy đua giữa CON NGƯỜI với THIÊN NHIÊN và CON NGƯỜI đã thắng " . Tứ chủ đạo đó , kết hợp cảm hứng lãng mạn trữ tình , trí tưởng tượng bay bổng , cách tạo hình ảnh trác lạ , diễm lệ , có giá trị khái quát cao , bài thơ đúng là KHÚC TRÁNG CA không chỉ ngợi ca người ngư dân ở vùng biển Quảng Ninh , mà còn tái hiện hình ảnh NGƯỜI LAO ĐỘNG MỚI trong CUỘC SỐNG MỚI ở Miền Bắc những ngày đầu xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội của Việt Nam