Nguyễn Đình Chiểu (1882 - 1888) sinh tại Làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh) trong một gia đinh phong kiến lớp dưới.
Năm 1843, Nguyễn Đình Chiểu thi đỗ tú tài. Năm 1846, ông ra Huế đợi kì thi hương (1849) thì được tin mẹ mất. Ông bỏ thi về chịu tang mẹ, trên đường đi, ông ốm nặng mù cả hai mắt. Lúc đó giặc Pháp đã bắt đầu nổ súng vào nước ta.
Sau khi bị mù, Nguyễn Đình Chiểu ở lại quê nhà mở trường dạy học và làm thuốc. Tình hình đất nước ngày càng rối ren. Ông phải chạy về cần Giuộc rồi Ba Tri (tỉnh Bến Tre ngày nay) lánh nạn. Trong những năm chạy giặc, Nguyễn Đình Chiểu vẫn mở trường dạy học và tham gia hoạt động phong trào chống Pháp trong vùng bằng cách dùng thơ văn của mình để tuyên truyền, cổ vũ, khuyến khích nhân dân. Với những sáng tác của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã có một uy tín lớn khiến thực dân Pháp nhiều lần tìm cách mua chuộc nhưng không được.
Nguyễn Đình Chiểu là người mở đầu cho giai đoạn văn học nửa cuối thế kỉ XIX,, là nhà thơ tiêu biểu nhất cho dòng văn học yêu nước chống Pháp. Tên tuổi của ông tượng trưng cho lòng yêu nước Việt Nam nửa cuối thế kỉ XIX, đặc biệt là tượng trưng cho lòng yêu nước của nhân dân miền Nam., và thơ văn của ông là “những trang bất hủ ca ngợi cuộc chiến đấu oanh liệt của nhân dân ta chống bọn xâm lược phương Tây ngay buổi đầu chúng đặt chân lên đất nước chúng ta” (Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc. Bài viết nhân dịp kỉ niệm 95 năm ngày mất Nguyễn Đình Chiểu, 1983).
Các tác phẩm chính: Lục Vân Tiên; Dương Từ, Hà Mậu; Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc; Văn tế Trương Định; Mười bài thơ điếu Phan Tòng; Ngư tiều y thuật vấn đáp...
Lục Vân Tiên là tác phẩm tiêu biểu cho giai đoạn sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu trước ngày Pháp đánh vào Nam Bộ. Tác phẩm có nhiều yếu tố tự truyện, là truyện thơ mang nội dung giáo huấn luân lí, đạo đức rất đậm nét. Truyện có hai tuyến nhân vật xấu - tốt rất rõ rệt và được sáng tác để kể hơn là để xem. Những ưu điểm, khuyết điểm của Lục Vân Tiên phần lớn phụ thuộc vào phương thức sáng tác ấy. Tuy ngôn ngừ không được trau chuốt, tính cách nhân vật chưa thật đậm nét, mối liên kết nội tại chưa hoàn toàn chặt chẽ nhưng Lục Vân Tiên vẫn được người dân Nam Bộ đặc biệt say mê. Sức hấp dẫn của Lục Vân Tiên là ở chỗ tác giả đã xây dựng được những nhân vật sống động mang những nét cá tính đặc trưng của con người Nam Bộ, đã mang được trong mình hơi thở hồn hậu, ước mơ, tiếng nói và tình cảm của những độc giả chất phác nơi đây.