Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết đoạn văn khoảng 200 chữ giúp nhà thơ Hữu Thỉnh trả lời cho câu hỏi: Người sống với người như thế nào?

2 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
16.421
28
13
Nhật Tường
03/12/2017 16:07:29
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Câu hỏi mà nhà thơ Hữu Thinh đặt ra trong bài thơ Hỏi của mình vẫn luôn da diết, khắc khoải như một kết thúc mở đầy ám ánh, gợi ra muôn vàn phong ba trong lòng người đọc. Cuộc sống là một cuộc hành trinh đầy khó khăn thách thức nhưng cũng là một trò chơi thú vị, một món quà lớn, đầy bất ngờ mà một cá nhân không bao giờ khám phá hết được. Người sống với người như nào? Câu hỏi mà tất cả chúng ta cần suy ngẫm và tìm câu trả lời. Một lúc nào đó khi bình tâm quan sát cuộc sống và nghĩ suy về nó, ta sẽ có được câu trả lời ta của riêng mình, dù có thểcòn chưa đầy đủ.
Con người đã sống với nhau như đất. Đất thì tôn trọng nhau còn con người thì dựa vào nhau, nâng đỡ nhau mà sống. Cuộc đời biết bao gian nan, trắc trở đôi khi ta khó mà vượt qua được. Giữa lúc ấy có những bàn tay luôn sẵn sàng chìa ra cho ta nắm, có những tấm lòng luôn rộng mở và ta biết mình may mắn và hạnh phúc nhường nào! Họ có thể là bạn nhưng cũng có thể là người chỉ từng quen biết. Đôi khi, tình người cao quý được xây đắp vô cùng tự nhiên như vậy. Đi hết quãng đường đời, lúc bạn thật sự chán nản là khi bên mình không còn ai, không có lấy một tấm lòng, một sự giúp đỡ, chia sẻ. Con người cần có nhau để sống tốt cuộc sống của mình và còn làm cho cuộc đời chung thêm tươi đẹp, như một bài ca muôn điệu mà những nốt nhạc lòng được ngân lên từ mọi nẻo trên thế gian này. Trong những năm tháng bom đạn chiến tranh, "Những bà cụ từ tâm như mẹ" đã cưu mang, đùm bọc các chiến sĩ, tạo thêm niềm tin cho các anh góp phần làm nên chiến thắng của dân tộc:
Con nhớ mế! Lừa hồng soi tóc bạc
Năm con đau, mế thức một mùa dài
(Chế Lan Viên - Tiếng hát con tàu)
Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé bên đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm
"Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ"
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm
(Nguyễn Duy - Hơi ấm ổ rơm)
Các anh đi đến đâu cũng được nhân dân che chở, yêu mến, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm: "Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng". Quả thật, tình cảm mà con người dành cho nhau cũng mộc mạc như đất mà thôi, nồng ấm mà đơn sơ, chân thành mà bền chắc. Chính tình cảm ấy đã "tôn cao" con người, làm cho những cá nhân nhỏ bé cũng trở nên cao cả, đẹp đẽ. Dân gian có câu: "Một miếng khi đói bằng một gói khi no". Có những sự giúp đỡ đúng lúc, kịp thời có thể cứu sống một sinh mạng. Cuộc đời có lúc thăng trầm và con người là bạn đồng hành của nhau trên con đường gian nan ấy, có khi nâng đỡ, có khi giúp bạn đường của mình tiến xa hơn mà không ngại hi sinh.
Con người đã sống với nhau như nước. Nước làm đầy nhau, nước tràn từ trên cao đến nơi thấp, từ sông hồ ra biển cả mênh mông, hoà vào nhau để dâng lên theo từng con sóng. Người với người "làm đầy nhau" bằng tình yêu thương, sự cảm thông và chia sẻ. Hơn thế nữa, con người xoa dịu, khoả lấp được những nỗi đau đớn, những vết thương lòng của nhau bằng liều thuốc từ trái tim mình. Suốt cuộc đời mỗi người, ai cũng đã từng, dù nhiều hay ít, được sống trong tình yêu thương kì diệu ấy. Từ những lời ru âu yếm của mẹ lúc ta lọt lòng, tâm hồn ta được làm đầy bởi những câu ca ngọt ngào, êm dịu, có cánh cò trắng rập rờn bay, trái tim ta được bồi đắp bởi tình mẹ bao la, sâu sắc. Càng lớn lên, hiểu biết nhiều điều về thế giới xung quanh, ta càng có được nhiều bạn bè, sống và chia sẻ với nhau lúc vui, lúc buồn và chính ta cũng chủ động hoà mình vào cuộc sống này, hoà mình vào dòng chảy mênh mông của cuộc đời. Tình cảm con người dành cho nhau cũng mát lành và hiền hoà tựa như dòng nước kia, nó có thể len lỏi vào những tâm hồn sắt đá nhất, làm tan đi băng giá những trái tim cứng rắn và phá đi cánh cửa của những tấm lòng còn đồng khép. Dòng nước còn có thể đi rất xa mang tình yêu thương khắp năm châu bốn bể bởi lẽ ở nơi đâu con người cũng là bạn, không phân biệt màu da chủng tộc hay ngôn ngữ, chỉ cần thôi: một tấm lòng…
Và con ngưòi đã sống với nhau như cỏ. Cỏ đan vào nhau, "Làm nên những chân trời". Mỗi người, mỗi cá nhân riêng rẽ chi như cọng cỏ nhỏ bé kia mà thôi thế nhưng với tình yêu đan dệt từ những cọng cỏ ấy, con người đoàn kết một lòng tạo nên những chân trời vô biên. Làm thế nào để sống tốt cuộc sống của mình đã khó nhưng khó khăn hơn là làm thế nào để làm cho cuộc sống của những người ta yêu quý, của đồng loại ta tốt đẹp hơn dù biết sức mình là rất nhò bé, còn khó hơn rất nhiều. Bất cứ một tập thể nào cũng cần có sự đoàn kết. Từ những cầu thủ chơi chung một đội bóng đoàn kết với nhau để làm nên vinh quang cho màu cờ sắc áo cho đến một dân tộc đoàn kết chống lại kẻ thù. Từ ngàn xưa con người đã biết dựa vào sức mạnh của tập thể. Không chỉ đoàn kết mà con người còn cần phải học cách sống hài hoà trong cuộc sống chung, không tách mình ra khỏi tập thể mà mình gắn bó, hướng tới mục đích cao cả trong cuộc đời là cái thiện, cái đẹp, những giá trị chân thực mà cũng là vô giá. Trong truyện ngắn Chữ người tử tù của mình, nhà văn Nguyễn Tuân đã xây dựng thành công hai nhân vật Huấn Cao và viên quản ngục. Bất châp địa vị xã hội, bất chấp những khác biệt và hiểu nhầm, họ đã nhận ra tấm lòng của nhau và trở thành tri ki ngay khi Huấn Cao đã gần kề cái chết. Có thể nói, Huấn Cao đã toại nguyện và thanh thản vì đã không để phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ. Họ đã soi sáng những nét nhân cách tốt đẹp của nhau, cùng hướng đến một tình yêu cái đẹp chân thành, bền vững. Phải chăng đó chính là ý nghĩa thực sự của cuộc sống?
Con người đã sống với nhau như vậy đấy, nâng đỡ, yêu thương, hoà hợp cảm thông, chia sẻ. Đó là lí do vì sao loài người sinh sôi và tổn tại đến bây giờ. Thế nhưng con người không phải không mắc những sai lầm. Đôi khi vì mục đích cá nhân mà có kẻ bán rẻ cả bạn bè, hay vì nguồn lợi không chính đáng mà họ tàn sát các dân tộc khác, biến đồng loại của mình thành nô lệ. Có nhũng điều đáng phải bị lên án như cuộc chiến tranh thế giới, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc A-pác-thai, chính sách diệt chủng của bọn phát xít,... Con người có không ít những phút mù quáng, sai lầm. Chính vì thế ta càng cần sống tốt với nhau để kéo họ ra khỏi sai lầm, để loài người lại tiếp tục đồng hành với nhau trên bước đường thời gian vô cùng, vô tận.
Có thể nói, một vài suy nghĩ về cuộc sống con người chưa thể trả lời đầy đủ cho câu hỏi mang đậm tính nhân văn sâu sắc của nhà thơ Hữu Thinh: Người với người sống với nhau như thế nào? Chỉ biết rằng, để tồn tại một cách có ý nghĩa, con người ta cần phải sống vì nhau, sống có tình yêu thương để vượt qua bao đau thương, bất trắc mà ta không thể lường trước được để cuộc sống thêm đẹp, bởi lẽ:
Người với người, sống để yêu nhau
Có gì đẹp trên đời hơn thế
 

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
17
11
Quỳnh Anh Đỗ
03/12/2017 19:42:04
Bài thơ Hỏi của Hữu Thỉnh được viết năm 1992, lúc này tác giả đã năm mươi tuổi. Sống trọn một nửa thế kỷ, ở vào cái tuổi “tri thiên mệnh” như Khổng Tử nói, Hữu Thỉnh đã đủ độ chín trong suy tư trải nghiệm về thế thái nhân tình. Thường càng nhiều tuổi, nhiều kinh lịch, cái nhìn và cách ứng xử của người ta càng nhân hậu, vị tha hơn. Biết được những cái chưa biết của mình về đời, hiểu được những điều chưa hiểu của mình về người, do vậy những trang văn thường dồn nén chất nghĩ và sức nghĩ.
Ấn tượng của tôi khi đọc tác phẩm này, cùng với những bài thơ khác của Hữu Thỉnh, chính là điều ấy, là “sức bền” của thơ Hữu Thỉnh. Đây không phải là thứ văn chương phòng ốc mà là chuyện cuộc đời sinh sắc sống động! Là máu thịt chứ không phải là giấy mực. Hữu Thỉnh có được một phong cách chắc chắn, vững vàng, đôi khi thô ráp, nhưng thường khắc tạc sâu đậm. Cũng như nhiều văn nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến, thơ Hữu Thỉnh lấy trung tâm là hình tượng người lính cách mạng. Nhưng ngay ở đề tài này, nét khác biệt của nhân vật trữ tình của người lính trong thơ Hữu Thỉnh, là độ sâu đằm văn hoá. Đó là nỗi nhớ niềm thương của người chiến sĩ với mẹ, với chị, với em trong Đêm chuẩn bị(1974), là tình cảm khắc khoải thổn thức của người em đi tìm dấu tích người anh đã hy sinh ở Phan Thiết có anh tôi(1981), đó là sự phản chiếu ở nhiều giác độ lịch sử, thế sự, đời tư – những mối quan hệ giữa con người với hoàn cảnh, giữa cá nhân với đất nước, cộng đồng trong trường ca Đường tới thành phố (1979) và trường ca Biển (1994). Có thể thấy một đặc điểm xuyên suốt là ở chiều sâu tình cảm, người lính trong thơ Hữu Thỉnh luôn suy nghĩ, phát hiện và tổng kết thành những chân lý đắt giá, những bài học đắp bồi cho nhân cách, cho bản lĩnh sống. Càng về sau, chất triết luận trong thơ Hữu Thỉnh càng in đậm rõ nét hơn. Chiến tranh kết thúc, môi trường xã hội có những biến động, cùng với sự vận động đi lên, đổi mới kinh tế, mở rộng quan hệ, cách nhìn; cởi mở lối sống...thì những rạn vỡ, suy đồi về đạo đức, sự tha hoá nhân cách; diện mạo của chủ nghĩa cá nhân ngày càng lớn. Bởi vậy, đậm đặc nhất ở tập Thư mùa đông là tiếng lòng tha thiết với đời, hiện lên dáng dấp ưu trầm của một công dân đầy trách nhiệm, một ngòi bút tận tâm và đôn hậu, cố gắng bảo toàn, gìn giữ và phát triển nhân cách con người.
Nhưng việc tăng cường chất triết luận cho thơ không làm suy giảm đi chất trữ tình, không làm khô héo mạch nguồn trữ tình – vốn là hồn cốt thơ Hữu Thỉnh. Tính triết luận sâu sắc và cảm xúc đậm đà trong thơ Hữu Thỉnh quyện hoà, đan xen, cùng nảy nở từ cội nguồn truyền thống. Người đọc yêu mến thơ ông vì cách cảm cách nghĩ gắn bó nhiều với tâm thức dân gian. Những câu thơ cảm động thấm thía, gọi dậy tâm tình của thảo mộc, tìm cách giao cảm với hồn quê hồn đất, hướng về những gì thiết thân gắn bó nhất, nhưng ngàn đời vẫn linh thiêng...Bài thơ Hỏi với một khuôn khổ nhỏ nhắn, mở ra nhiều tầng bậc suy tưởng, trước hết đã thể hiện cốt cách tư duy đậm chất dân gian của Hữu Thỉnh.
Bài thơ có thể chia thành hai phần: ba khổ đầu, mỗi khổ hai câu. Khổ cuối sáu câu viết liền mạch. Toàn bài được xây dựng theo hình thức đối thoại. Người hỏi là chủ thể trữ tình, ở đối tượng hướng tới là thiên nhiên: “đất”, “nước”, “cỏ” (ba khổ đầu) hình thức ngôn ngữ là đối thoại, còn đối tượng hướng tới là Con người (nửa còn lại), ngôn ngữ thơ là độc thoại. Tính trí tuệ của bài thơ nằm ngay trong kết cấu, thể hiện vừa sâu vừa tinh, vừa khái quát vừa chi tiết những tình cảm, suy ngẫm của tác giả. Tứ thơ tạo dựng từ sự liên tưởng, đối chiếu: liên tưởng từ các hiện tượng tự nhiên đến nhân sinh. Thiên nhiên được nội tâm hoá, mang tầm vóc triết học, nhìn qua lăng kính ưu tư nhân thế đầy thi vị:
Tôi hỏi đất: - Đất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau
Tôi hỏi nước: - Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau
Tôi hỏi cỏ: - Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời
Những câu thơ của Hữu Thỉnh mang ý – nghĩa - đi - tìm, tìm cách khám phá và cảm nhận ý nghĩa văn hoá ẩn dụ trong những hiện tượng tự nhiên. Ý nghĩa ấy được trình bày bằng lời hỏi của tác giả “tôi hỏi...”. Điều nhà thơ muốn hỏi đất, hỏi nước, hỏi cỏ là những sự vật ấy sống với nhau như thế nào. Từng sự vật đưa ra câu trả lời trực tiếp, dưới hình thức vấn đáp (các dấu gạch ngang đầu dòng) mà không phải gián tiếp qua lời thuật lại của tác giả. Mỗi khổ thơ đều mang ý nghĩa sâu sắc, hình thức giản dị, nhiều sức gợi, và có tính độc lập tương đối về mặt nội dung chứ không có sự lệ thuộc khổ thơ này với những khổ thơ kia, mặc dù tất cả đều hội nhập thành tư tưởng chung. Hình thức mỗi khổ thơ gồm hai câu đi kèm với nhau ấy có dáng dấp như những câu thành ngữ, tục ngữ của cha ông ta xưa, qua sự chiêm nghiệm đúc kết mà có được, khiến câu thơ mang tính chất dân gian nhuần nhị. Mặt khác, cấu trúc ngôn ngữ đối thoại tạo nên sự đa giọng điệu, sự đa thanh – cái mà thơ cổ chưa hề có – làm nên tính hiện đại của bài thơ.
Lối tư duy, cảm nhận hướng về thiên nhiên trong mối quan hệ hoà hợp được tiếp thu từ truyền thống dân tộc và phương Đông đưa Hữu Thỉnh tìm đến các sự vật: “đất”, “nước”, “cỏ”. Sự đi tìm này là quá trình của tư duy nghệ thuật. Từ cái nhìn trước hiện tượng khách quan: tầng đất tôn nhau lên, nước làm đầy, cỏ đan vào nhau mở ra bát ngát chân trời, nhà thơ chuyển hoá thành cái nhìn nội tâm: hình ảnh bên ngoài ẩn chứa một ý nghĩa sâu xa bên trong: từng sự vật đều có cách thức sống riêng làm ẩn dụ cho nhân thế, có tiếng nói riêng mang hồn cốt thâm hậu. Và từng hình ảnh đều đẩy lên ý nghĩa biểu tượng chiếu qua cảm niệm triết học của Hữu Thỉnh.
Logic cảm thụ của Hữu Thỉnh đầu tiên bám rễ vào hình tượng “đất”:
Tôi hỏi đất: - Đất sống với đất như thế nào?
- Chúng tôi tôn cao nhau
Tại sao nhãn quan nghệ thuật nhà thơ lại lựa chọn hình ảnh “đất” trước hết? Phải chăng bởi trong tâm thức, tâm linh loài người, đất muôn thủa vẫn là thứ gắn bó máu thịt và thiêng liêng nhất, phương Đông hay phương Tây, tự cổ chí kim đều như vậy. Trong văn chương, đất Mẹ vẫn được ví như cái gốc đời sống, là bệ phóng của mọi thành tựu nghệ thuật. Những nhà triết học cổ đại Hy Lạp có trực cảm rất gần với Á Đông hơn là duy lý khi họ gọi bản chất của vũ trụ là lửa, đất, nước, không khí, nguyên tử...Ở phương Đông, theo quan niệm triết lý cổ Trung Hoa về câu trúc không gian vũ trụ, đất là một yếu tố thuộc mô hình “tam tài” (thiên - địa – nhân), đất ở giữa điều hoà theo nguyên lý ngũ hành... Đối với người Việt ta, đất mang cốt căn bản địa: “đất có lề, quê có thói”...Hữu Thỉnh ở thời kỳ hiện đại đã nhìn thấy đất trong mối quan hệ “sống cùng”, “sống với”. Từ cái nhìn hiện tượng luận, Hữu Thỉnh khám phá ra ý nghĩa nhân sinh: “tôn cao” là một triết lý sống. “Tôn cao” trái ngược với hạ thấp, hạ bệ; “tôn cao” là nâng đỡ chứ không phải vùi dập, “tôn cao” là hướng mở không gian chứ không gói gọn không gian; “tôn cao” là vươn ra ánh sáng chứ không phủ mờ, che lấp; “tôn cao” là để vững chãi thêm trước điều kiện thử thách khắc nghiệt...Rõ ràng, đây không phải là phát ngôn cảm tính mà là hiện thực muôn thủa, điều con người có thể tri giác được bằng “tĩnh quan”.
“ Cái chết của đất thì sinh ra nước” trên quan niệm sinh hoá bất tận mà Heraclit đã viết vậy. Bằng một lẽ tự nhiên, sau “đất”, Hữu Thỉnh chọn “nước” để kiến giải những uẩn khúc thẩm mỹ của mình:
Tôi hỏi nước: - Nước sống với nước như thế nào?
- Chúng tôi làm đầy nhau
Xưa kia, con người chưa giải thích được sự sống từ vật chất vô cơ (nước) đến tiến hoá cao hơn nữa là con người, dù sao thì họ cũng đã có một quan điểm duy vật tự phát (vật hoạt luận) cho rằng nước là nhân tố đầu tiên của vũ trụ, nguồn gốc của vật chất và sự sống. Khổng Tử nói: “trí giả nhạo thuỷ” (bậc trí giả vui thích khi xem nước). Theo Cao Xuân Huy, ở người Việt Nam hình thành một triết lý sống: triết lý “Nhu đạo”. “Tính nước” là biểu trưng cho “khả năng ứng biến: một nét đặc sắc của văn hoá Việt Nam”. Đến đây, Hữu Thỉnh vẫn xây dựng cấu trúc thơ dựa trên nguyên tắc đối thoại, mạch tư duy nối tiếp, tương sinh mà không tương khắc. “Nước làm đầy nhau” – nước là hợp lưu của nhiều suy nghĩ, xúc động mà thành. “Làm đầy” cũng là một sự nâng cao nhưng trước hết là bổ khuyết, “làm đầy” thực ra là an ủi, xoa dịu, khoả lấp, làm mềm lại những tổn thất, tổn thương. Cùng một thanh khí như vậy, Hữu Thỉnh nhìn thấy nước không ở bề mặt mà ở bề sâu, chính điểm này cho thấy được bề dày của nội dung ý nghĩa.
Câu thơ tiếp theo của Hữu Thỉnh gợi nhớ đến không gian cỏ trong thơ cụ Tiên Điền, nhưng không thành cái phiên bản tinh thần của người xưa, nó hoàn toàn mới mẻ và rất hiện đại:
Tôi hỏi cỏ: - Cỏ sống với cỏ như thế nào?
- Chúng tôi đan vào nhau
Làm nên những chân trời
Câu thơ thứ hai mới chỉ dừng lại ở điểm, câu ba mở rộng diện. Câu hai là hiện thực, là nền tảng vững chắc của một cách thế sống bản lĩnh và tình cảm (“đan vào”). Câu ba là tương lai, khát vọng, là hệ quả của cái hạt thiện tự nhiên nhi nhiên (“làm nên”). Phải có cái gốc nhân tình vững chắc thì mới đi xa được. Một câu thơ nhưng tách ra hai dòng, hàm ý miêu tả một quá trình tự vận động. Điểm dừng, điểm hẹn dường như không xác định: “những chân trời”.
Mã số của thơ chỉ có thể cất giấu ở trong và bằng ngôn ngữ. Với bài thơ của Hữu Thỉnh, nó nằm ngay ở nhan đề tác phẩm: “hỏi”. “Hỏi” chính là động lực sáng tạo của nhà thơ, là cơ chế cảm thụ liên kết ba hình tượng kia lại thành một nội dung ý nghĩa. “Tình”, “cảnh”, “sự” ở đây, như cách nói của Lê Quý Đôn, đều “quán thông” mà phát ra lời. Hữu Thỉnh đã cúi xuống để hỏi đất, lội ngược dòng tìm nguồn để hỏi nước, bước ra không gian rộng lớn để hỏi cỏ – “đã sống với nhau như thế nào?”. Câu trả lời của tự nhiên là một lối sống, một cách ứng xử văn hoá: “tôn cao”, “làm đầy”, “đan vào” (để ) “làm nên”. Những từ ngữ này đều chung một ý nghĩa: là tương sinh chứ không hề tương khắc, tương tranh. Những hình thức sự sống của tạo vật rất cụ thể, rõ ràng, có thể thấy bằng mắt, đó là cái thật của lý lẽ. Nhưng tài năng của nhà thơ là đẩy nội hàm ý nghĩa đến với cái chân giá trị của văn chương. Những từ ngữ “tôn cao”, “làm đầy”, “đan vào”, “làm nên” chỉ thực sự sống dậy khi đi kèm với từ “sống với”. Có thể ai cũng nhìn thấy bề mặt của sự vật, nhưng không lưu tâm, không có ý thức “hỏi”. Hữu Thỉnh trầm mình xuống bề sâu, là người đầu tiên tìm và hiểu. Những câu hỏi đã được ấp ủ, thôi thúc, day dứt từ lâu, những câu trả lời – sự tự phân thân của chủ thể – không phải là sự bừng thức, bừng ngộ, bất chợt, ngẫu nhiên mà bật ra, những câu trả lời là kết quả của quá trình nội tâm hoá, qua nghiệm sinh mà đúc kết được.
Vậy nếu bài thơ dừng lại ở đây thì có được không? Dừng lại ở tiếng âm trầm, hiền hậu, lắng sâu của đất, tiếng trong trẻo thanh cao của nước, tiếng xôn xao vui vui của cỏ...dừng ở thanh âm và triết lý sống của thiên nhiên thì có được không? Cũng có thể được. Bài thơ với cấu trúc đôi câu một ấy sẽ là một ca khúc của tạo vật, mỗi khổ thơ giống như một bài thơ Haiku Nhật Bản, chỉ gồm hai đến ba câu được kết vào nhau. Và nhà thơ hiện đại sẽ mang tinh thần Thiền tông, đề cao thiên nhiên, đề cao cái đẹp đơn sơ, thô mộc, những gì tưởng là tầm thường nhỏ bé, thể hiện một thẩm mỹ quan tinh tế và cao nhã...Nhưng vậy thì có gì đáng để người đọc phải “hỏi”? Hơn nữa, mọi hiện tượng văn học đều phải đặt vào bối cảnh lịch sử – xã hội của thời đại, nhìn nó trong mối liên hệ qua lại với các hiện tượng văn hoá tinh thần khác. Thơ không đòi hỏi tác giả giải quyết được những vấn đề đương đại mà có thể chỉ là một kiến giải, thậm chí một cách đặt vấn đề còn bỏ ngỏ. Đối với thơ hiện đại, đặc biệt cần tìm hiểu những cách tân đổi mới của tác giả so với truyền thống. Một trong những định hướng của văn chương Việt Nam sau 1975 là “học xưa để làm mới cho thơ”, được các tác giả vận dụng khá hợp lý và hiệu quả. Tính cổ điển, vẻ đẹp hài hoà, ngôn ngữ hàm súc là những tiêu chí của thơ ca mọi thời. Hữu Thỉnh gần đây đã phát biểu: “Thơ hiện đại là với một vốn ngôn từ tối thiểu mà đạt được hiệu quả tối đa. Nó đa tầng, đa thanh, mở ra nhiều vùng liên tưởng. Và nó phải là tâm trạng của ta, cách nhìn, chỗ đứng của ta trong ngày hôm nay, không thể trộn lẫn”. Bài thơ Hỏi nếu không có cái vế thứ hai trong câu nói của Hữu Thỉnh, thì dù ba khổ đầu có hàm súc, mang tinh thần truyền thống, cũng khó đạt được vế thứ nhất. Sáu câu thơ sau đã làm liền da vết cắt ấy, vừa là một cách đưa bài thơ đến với con người đương đại, vừa bền vững trong văn mạch dân tộc:
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Tôi hỏi người:
- Người sống với người như thế nào?
Nếu ba khổ đầu tâm trạng nhà thơ dừng lại ở thế cân bằng, cái nhìn hoà đồng, cảm thông cùng vạn vật giúp chủ thể có được cảm giác an nhiên tự tại bằng sự hoà nhập tiểu ngã và đại ngã, thì ở đoạn thơ sau, mạch thơ trở thành khắc khoải. Sự biến đổi xảy ra ở nhiều góc độ: về nội dung: thay đổi đối tượng hướng đến (từ thiên nhiên chuyển sang con người); về hình thức: khổ thơ có sáu câu, gồm ba câu hỏi lặp lại như nhau, nhưng không có câu trả lời – những câu hỏi như những điểm xoáy của hình thức tự phân thân đối thoại. Cấu trúc bài thơ thực ra là một thể đối xứng hài hoà. Nhà thơ có lẽ chủ tâm nối liền những câu hỏi để tạo mạch, tạo giọng điệu. Nhưng cũng có thể xem từng câu hỏi ở khổ sau ứng đối với mỗi câu hỏi ở phần trên. Thiên nhiên trở thành tấm gương soi cho nhân tình, đúng hơn, là kinh nghiệm đối nhân xử thế. Học tập kinh nghiệm từ thiên nhiên là vốn văn hoá được truyền từ đời này sang đời khác, qua cả ý thức và vô thức của con người. Thiên nhiên đã “sống với nhau”, “tôn cao”, “làm đầy”, “đan vào”, “làm nên” nhau...Vậy còn con người ?
- Người sống với người như thế nào?
Hơn bao giờ hết, ý nghĩa của câu nói này đặt ra vấn đề muôn thủa của nó. “Sống với người” trước hết phải sống với mình. Sống sao cho thật là mình, sống cho đúng bản ngã của mình, sống phải với lương tâm cũng là “sống với người” xứng đáng. Sống với con người ở thời mình, giữa cõi đời lắm đa đoan và hệ luỵ. Sống với tiền nhân, với quá khứ dân tộc. “Sống với người” còn là sống trách nhiệm với hậu thế. Không có sự tự nhắc nhở, tự ý thức cao độ, không có nỗi lo hằng xuyên về tương lai của con người thì không thể có một công cuộc giá trị bền vững và lâu dài. Ai có lương tâm chẳng ao ước cho đất nước mình ngày càng phát triển, người Việt mình đẹp hơn, tốt hơn lên. Nhưng thói đời còn tồn tại biết bao nhiêu tệ bệnh khác, những gian manh, phàm tục, những chân dung biển lậu, trưởng giả, đạo đức giả, vô học...Đó là các thứ bệnh cứ trường tồn cùng nhân loại, con người còn phải chung sống lâu dài và đối mặt với nó. Không phải cứ gây ra tội lỗi mới là ác – sống bàng quan, lãnh đạm, thờ ơ trước mọi sự, cái thứ bệnh tinh thần vô cảm ấy, có khi còn đáng lo hơn. Một thế giới không tình thương, không gắn bó, mỗi cá nhân rời rạc sống với mẩu đời của mình, làm sao mơ được đến sự “tôn cao”, “làm đầy”, “làm nên”? Người làm thơ và những ai có nhân cách đều lo lắng gìn giữ cái phần “bản thiện” nguyên sơ và vĩnh cửu trong tâm hồn mỗi người, những vẻ đẹp làm chốn nương náu cho cuộc đời.
Bài thơ Hỏi được xây dựng trên quan hệ đối thoại, nhưng có cả tính chất của của lời độc thoại nội tâm. Ở đây, sự tương phản đập vào mắt người đọc: số lượng những câu hỏi đưa ra cho thiên nhiên và con người bằng nhau, giống nhau về nội dung, nhưng nếu thiên nhiên đồng vọng, trả lời từng câu hỏi, thì Con Người, ngược lại, không có câu trả lời. Tại sao lại như vậy? Vì tác giả có mục đích nhắc nhở, muốn con người tự nhận thức lại, nhìn lại mình, nghĩ về người, về đời, còn câu trả lời nằm ở mỗi người? Hay những câu hỏi như những con mắt mở trống nhìn về bao la, tìm mà không nhận được lời đáp trả, chỉ có sự im lặng đáng sợ, tàn nhẫn? Hay bản thân câu hỏi có tính đa âm, làm sao có thể trả lời cho trọn vẹn, vì vậy những lời giải sẽ ngày càng phong phú hơn, đa dạng hơn, hy vọng đó là những lời chuyển đến tích cực, dù biết rằng cái tiêu cực luôn luôn tồn tại...Thơ Hữu Thỉnh, ở những bài hay như bài thơ Hỏi đã đạt đến tính hàm súc cổ điển, với lối hành văn trí tuệ và chất cảm xúc đằm thắm, nhuần nhị. Hồn cốt dân gian, nếp cảm nếp nghĩ gắn bó với truyền thống ai đọc cũng thấy thân quen như tự những câu thơ đã nằm trong trí nhớ từ lâu.
“Sống với” là sống với người và sống với mình, sống nghiệm sinh trong từng khoảnh khắc của riêng mình và sống tử tế với mọi người, chính là biết “tôn cao” những giá trị đích thực, “làm đầy” những mất mát tổn thương, khoả lấp những khoảng cách, để làm nên ý nghĩa cho sự tồn tại của mỗi người. Không nên để những ảo tưởng lừa mị che lấp đi cái chân thật sáng trong, nhất là không được quên những thân phận bất hạnh đang cần đến ở chúng ta một niềm an ủi. Và phải biết lắng nghe đằng sau những ồn ào tiếng thì thầm của cây cỏ, tiếng trầm đắm uyên tư của linh hồn giống nòi, hơn thế nữa, bằng thiện tâm của mình, lắng nghe từ những miền sâu khuất, tiếng than van cầu cứu của chúng sinh...

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
Gửi câu hỏi
×