Trong thế kỉ XX, nhân loại đã phải trải qua hai cuộc chiến tranh thế giới vô cùng khốc liệt và nhiều cuộc chiến tranh dân tộc, sắc tộc khác, làm thiệt mạng hàng trăm triệu người, làm bánh xe lịch sử quay chậm lại hàng trăm năm. Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc cách đây sáu mươi năm, nhưng nguy cơ chiến tranh vẫn luôn tiềm ẩn. Đặc biệt, đó cũng là thời điểm đánh dấu sự ra đời của ngành công nghiệp hạt nhân mà sự tiến bộ ghê gớm của nó đã có tầm quan trọng quyêt định đối với vận mệnh thế giới sau này. Năm 1945 cũng là năm Mĩ đã ném xuống Nhật Bản hai quả bom nguyên tử làm hơn 40 vạn người chết, biên hai thành phố đông dân Hi-rô-si-ma và Na-ga-xa-ki thành đống đổ nát, gây kinh hoàng cho toàn thế giới. Sự sống được nhen nhóm và tồn tại trên Trái đất này không hề dễ dàng. Cũng theo G. Mác-két, chưa nói những gì to lớn, chỉ lấy những sự vật, sự việc nhỏ bé làm bằng chứng, chúng ta đã thấy rất rõ. Từ khi có sự sống trên Trái Đất, phải trải qua 380 triệu năm con bướm mới bay được, 180 năm nữa hoa hồng mới nờ chỉ đểlàm đẹp cho đời. Theo nhà văn Nguyễn Tuân, một giọt mật mà con ong làm ra là kết quả của 2.700.000 chuyến bay đi tìm hoa hút mật, một nửa lít mật ong là kết quả của dặm đường lao động miệt mài 8.000.000 cây số mới có được... Huống hồ những toà nhà chọc trời, những cánh đồng xanh mát, những cây câu vững chãi là mồ hôi công sức của hàng triệu người... Vậy mà, chỉ trong tích tắc, tất cả những thành tựu khó khăn và nhọc nhằn đó có thể biến thành tro bụi. Chúng ta đang sống trong thời đại hoàng kim của khoa học kĩ thuật và công nghệ. Song, chúng ta cũng đang phải từng giây, từng phút đối mặt với chiến tranh hạt nhân có nguy cơ bùng nổ bất cứ lúc nào. Bởi vậy, con người không thể thờ ơ trước vận mệnh của chính mình và toàn thể nhân loại. Điều chúng ta có thể làm được là, mỗi người cần phải ý thức sâu sắc được nguy cơ tiềm ẩn đó, cùng nhau đoàn kết đấu tranh ngăn chặn nó, vì một thế giới hoà bình và hạnh phúc.