Bằng cách nhấp vào Đăng nhập, bạn đồng ý Chính sách bảo mật và Điều khoản sử dụng của chúng tôi. Nếu đây không phải máy tính của bạn, để đảm bảo an toàn, hãy sử dụng Cửa sổ riêng tư (Tab ẩn danh) để đăng nhập (New Private Window / New Incognito Window).
Tôi đến với thơ Tố Hữu bắt đầu từ một người anh em cô cậu, tên là Ba Tựu. Tựu lớn tuổi hơn tôi nhiều, nhưng là em. Chúng tôi rất thân nhau. Hồi đó tôi đang học trung học. Hàng ngày hễ bận thì thôi, rảnh lúc nào là Tựu đến tôi mượn sách, vở để xem, mày mò tự học. Trông Tựu có vẻ "thèm" học lắm. Nghe đâu Tựu mới học hết lớp ba, lớp bốn gì đó. Vì hoàn cảnh tản cư chạy giặc, nhà khó, em đông, phải sớm gánh vác việc gia đình, Tựu không được học lên nữa. Tựu rất ham đọc sách, thích nhất là loại sách văn học, lịch sử. Lâu lâu lại thấy Tựu mượn hoặc thuê ở đâu về một vài quyển đọc, đọc ngấu nghiến rồi trả. Tựu cũng rất mê thơ, biết nhiều thơ. Và có lẽ đối với thơ mới, anh ta "kết" nhất là bài "Nhớ rừng" của Thế Lữ. Còn thơ xưa thì Tựu mê cụ Tú Xương. Nghe Tựu thường đọc thơ của các ông ấy. Tựu cũng có làm được đôi bài thơ, tuy mộc mạc mà rất có hồn, nhưng buồn, đầy tâm trạng phẫn chí.
Sáng hôm đó, sau cả tuần lễ đi đâu vắng, có lẽ về thăm quê ở Bảo An, Điện Bàn, Tựu về lại nhà, liền đến tôi. Như mọi khi, Tựu lại sục vào sách vở và hỏi tôi điều này, điều nọ. Rồi hai anh em ngồi chơi với nhau một lát. Bỗng Tựu hỏi tôi: "Anh có biết thơ Tố Hữu không?". Tôi trả lời: "Không". Tựu hỏi tiếp: "Anh đã đọc bài thơ "Con chim của tôi" bao giờ chưa?". Tôi ngờ ngợ nhớ ra: "Có phải nó chết rồi con chim của tôi" không?" Tựu gật đầu: "Phải".
Đó là một bài thuộc lòng rất thích và thuộc nhão từ hồi lớp một, lớp hai. Nhưng chẳng biết tác giả là ai, vì chẳng nghe thầy nói và cũng không thấy ghi ở dưới bài. Cũng có thể do tôi không để ý. Bài thuộc lòng ấy đã làm nên một kỷ niệm ngồ ngộ khó quên trong trí nhớ của tôi thuở thiếu thời.
Hồi đó, tôi thích nuôi chim lắm, nhất là chim dồng dộc, loài chim rất xinh, tiếng kêu nghe thật vui tai, làm tổ rất kỹ và đẹp. Nhưng vì không biết cách chăm sóc nên chim bị chết hoài. Một chiều tôi đi học về, vừa vào đến nhà thì nghe cha tôi đang rải dâu cho tằm ăn, bảo: "Con dồng dộc chết rồi. Con nuôi chim mà không biết nuôi, để nó chết, ác lắm". Tôi vội vàng chạy lại chỗ lồng chim, thì đúng là con chim đã chết từ bao giờ, mình lạnh ngắt, kiến bu đen, chân co quắp lại, nhưng đôi mắt thì vẫn mở thao láo, trông thật tội. Tôi thương và tiếc nó quá, cứ ngồi thừ người ra, chăm chắm nhìn nó, trong khi từ trong buồng tằm tiếng cha tôi vọng ra: "Con học mà chẳng hiểu. "Tình thương vô ý gây nên tội". Con có cho nó ăn thứ chi đi nữa mà nhốt miết nó trong lồng thì nó cũng không chịu nổi. Một là nó chết, hai là nó tìm cách để bay đi thôi vì tù túng, mất tự do, thiếu khí trời". Lúc đó tôi chẳng để tâm gì lắm những lời cha tôi nói, cứ lui cui gói kỹ xác con dồng dộc vào tờ giấy trắng, đem ra chôn thật sâu dưới gốc cây mít phía sau vườn. Chôn xong, tôi đứng thẫn thờ. Từ đó cho tới cả tuần lễ sau, ngày hai buổi, đi học về là tôi ra "thăm mộ" con chim. Tôi như nghe rõ tiếng nó kêu, thấy nó tung tăng nhảy nhót, mổ thóc, rỉa lông, hóng trời và nhìn tôi. Có khi nằm ngủ tôi cũng mơ thấy nó.
Thấy tôi có vẻ đã ưng ý, Tựu lấy từ trong túi quần sooc vải ka ki ra một xấp giấy mỏng, đưa cho tôi: "Thơ Tố Hữu đó. Anh đọc xong cất kỹ cho tôi, đừng đưa ai nữa". Tựu hạ giọng, nói như chỉ vừa đủ để mình tôi nghe: "Thơ cấm đó". Rồi đứng dậy ra về. Nghe nói thơ cấm, tôi đâm ra tò mò. Hồi đó vào khoảng năm năm chín, sáu mươi của thế kỷ trước, ở miền Nam dưới thời Mỹ-Diệm, nhiều cái cấm lắm. Bài hát cấm, sách cấm, thơ cấm, tài liệu cấm, cấm "quần tam tụ ngũ" nữa. Tôi để ý thấy cha tôi, chú tôi và các anh tôi thỉnh thoảng kín đáo gặp nhau, chuyền tay nhau đọc hoặc đọc cho nhau nghe và xì xầm với nhau cái gì đó mà tôi nghĩ chắc cũng là những thứ cấm, những chuyện cấm.
Trưa đó, tôi ngồi vào bàn học, mở xấp giấy ra. Sáu bài thơ được chép cẩn thận bằng ngòi bút lá tre, trên những trang vở học trò, chữ dễ xem, nhưng không phải chữ của Tựu. Trong đó có bài "Con chim của tôi". Tôi đọc lại bài thơ này trước hết. Đọc, suy nghĩ, rồi liên hệ những lời cha tôi nói lúc trước, tôi lấy làm thích thú khi hiểu ra được nội dung, ý tứ và cái hay của bài thơ.
Bài thơ đã làm tôi xúc động. Cái chết của con chim nghe thương quá, tội nghiệp quá. Đọc bài thơ mà tôi tưởng như nghe tiếng lòng mình:
Nó chết rồi con chim của tôi
Con chim se sẻ mới ra đời
Hôm qua nó hãy còn bay nhảy
Chỉ một ngày giam đã chết rồi.
...
Tôi dẫu dành cơm mớm nó ăn
Đủ làm sao được, thiếu không gian
... Sao không trả nó về mây gió
Để nó say sưa uống ánh trời.
... Để tội tình chưa, nó chết oan.
Tôi nhẩm đọc nhiều lần những câu thơ buồn buồn ấy.
Nhưng trong bài thơ có câu: "Tôi ở tù sao bắt nó tù", tôi không hiểu và thắc mắc: chẳng lẽ con chim lại chết trong tù? Tôi bèn đến hỏi cha tôi. Buổi trưa, ông đang nằm đọc sách thuốc, những quyển sách dày cộp, chữ Nho, in trên giấy mỏng thé, đã cũ vàng. Nghe tôi hỏi, ông ngừng đọc, lặng nhìn tôi rồi nói: "Bài thơ đó con học rồi, răng chừ con còn hỏi làm chi nữa". Rồi hình như đắn đo, suy nghĩ điều gì, ông dừng lại một lúc mới nói tiếp: "Ông Tố Hữu viết bài thơ đó lúc ổng đang ở tù. Ổng hoạt động cách mạng, bị bọn Pháp bắt giam, hồi ổng còn thanh niên". Câu trả lời của cha tôi tuy chưa làm tôi thỏa mãn, nhưng lại cho tôi biết thêm một điều quan trọng và thú vị: Tác giả bài thơ "Con chim của tôi" hoạt động cách mạng, bị giặc Pháp bắt giam. Điều đó đã hấp dẫn tôi. Tự nhiên tôi thấy có cảm tình với ông, ngưỡng mộ ông. Tôi vốn rất ngưỡng mộ những anh hùng dân tộc, những nhà yêu nước, cách mạng đã xả thân đấu tranh chống ngoại xâm, giành độc lập cho nước nhà.
Thấy cha tôi có vẻ cởi mở, không nghiêm như mọi ngày. Được thể, tôi bạo dạn tò mò: "Cha, ông Tố Hữu chừ làm chi, ở đâu?". "Ổng đang ở ngoài Bắc, theo Cụ Hồ, làm việc với Cụ. Mà thôi, con hỏi chuyện đó làm chi, lo học đi". Ông trả lời với vẻ bí mật. Tôi thấy vui vui trong lòng vì lại được biết thêm một điều mới nữa mà tôi rất muốn biết.
Tôi háo hức đọc sang các bài thơ khác: "Đi đi em", "Hai đứa bé", "Tiếng rao đêm", "Vú em", "Dậy mà đi". Và lập tức chúng cuốn hút tôi, đem đến cho tôi một cảm giác đầy mới lạ. Tôi thấy những bài "thơ cấm" ấy không giống chút nào những bài thơ tôi đã từng "mê" của Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính... chỉ toàn nói chuyện yêu đương, nhớ nhung, sầu hận, mà nói về những con người nghèo khổ, bất hạnh với sự bênh vực, cảm thông, xót thương chân thành sâu sắc. Chẳng những thế, còn kêu gọi họ đứng lên đấu tranh chống lại chế độ bất công, ngang trái, xấu xa mà họ đang sống, để đi đến một ngày mai tươi sáng. Tất nhiên, hồi đó tôi chẳng thể hiểu vấn đề một cách rõ ràng, đầy đủ như vậy, nhưng đại thể, tôi hiểu. Nhiều đoạn thơ, câu thơ trong những bài "thơ cấm" ấy đã đi vào lòng tôi, nhập vào hồn tôi ngay từ lúc bấy giờ và suốt bao nhiêu năm rồi nó vẫn còn đậm nét trong tâm trí của tôi, như:
Em len lét cúi đầu tay xách gói
Áo quần dơ, cắp chiếc nón le te
Vẫn chưa thôi, lời day dứt nặng nề
Hàng dây tiếng rủa nguyền trên miệng chủ
....
Em ngoái cổ nhìn anh, ta chỉ trả
Thầm cho nhau đôi mắt ướt ly sầu
Biết làm sao, em hỡi, nói cùng nhau
Tiếng chửi mắng vẫn phun hoài nhục nhã.
(Đi đi em)
Hay: Nàng nhớ con nằm trong tổ lạnh
Không chăn, không nệm ấm, không màn
Biết đâu trong những giờ hiu quạnh
Nó gọi tên mình tiếng đã khan.
Rồi từ hôm ấy, dưới đêm sâu
Hồi hộp nàng ra vịn cửa lầu
Nhìn xuống ven trời dày bóng nặng
Thầm nghe trong gió tiếng con đâu.
....
Ta thấy nàng nghiêng mình rũ rượi
Gục đầu thổn thức trong bàn tay
(Vú em)
Hoặc:
Tiếng rao nhỏ của một em gái bé
Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời
Vì giọng còn non quá, yếu dần hơi
Nên cái bánh nửa chừng ra cái bén
...
Rao đi em, kẻo quá nửa khuya rồi
Anh nằm nghe qua cửa khám xa xôi
Tiếng em bước trên đường đêm nho nhỏ
Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng
Manh áo mỏng che em không kín ngực
Đầu không nón, bụi sương thấm ướt...
(Tiếng rao đêm)
Hình ảnh một em bé đi ở tớ, bị chủ nhà mắng đuổi; một người mẹ trẻ vì kiếm sống phải đi nuôi vú cho nhà người mà nhớ đứt ruột đứa con nhỏ của mình đang kêu khóc ở nhà; một bé gái "trên môi mỏng còn thơm mùi sữa mẹ" đi bán bánh dạo dưới trời khuya mưa gió hiện lên trong thơ nghe cảm động đến nhói lòng.
Và những câu thơ đầy ấn tượng này nữa, cũng trong những bài "thơ cấm" ấy, vẫn còn tươi rói ở trong tôi:
Đi đi em, can đảm bước chân lên
Ừ, đói khổ phải đâu là tội lỗi
(Đi đi em)
Dậy mà đi! Dậy mà đi
Đừng tiếc nữa, can chi mà tiếc mãi?
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?
Huống đường đời còn lắm bước gian truân
Đây chưa phải trận cuối cùng chiến đấu!
(Dậy mà đi)
Là một học sinh trung học, sắp vào tuổi thanh niên, ham tò mò, hiểu biết và cũng đã hiểu được một ít vấn đề, tuy còn rất nông cạn, lờ mờ, lại sống dưới chế độ Diệm - Nhu độc tài và phản động, tay sai quân xâm lược Mỹ, hàng ngày phải mắt thấy tai nghe biết bao cuộc chúng lùng bố bắt bớ, đánh đập tra tấn, giam cầm, bắn giết dã man những người yêu nước, kháng chiến mà chúng gọi một cách đầy thù hận là "Việt minh cộng sản", trong đó có cha tôi, các chú, các anh tôi và nhiều người bà con họ hàng thân thích khác của tôi. Dân quê tôi nghèo đói xác xơ, ngày đêm sống trong không khí nặng nề, căng thẳng vì lo âu sợ hãi. Lòng tôi càng lúc càng đầy nỗi bất bình, căm ghét chế độ và cứ mong sao có sự thay đổi thế nào đó để không còn tình cảnh ấy. Những bài "thơ cấm" của Tố Hữu do Ba Tựu mang đến cho tôi lúc đó đã tác động mạnh đến tư tưởng và tình cảm của tôi. Tôi bắt gặp được một tiếng nói sẻ chia, đồng cảm sâu sắc. Và với sự ngưỡng mộ của mình đối với nhà thơ - một nhà hoạt động cách mạng trẻ bị giặc cầm tù, "tôi nghe" theo ông: Không thể cam chịu mãi cảnh đời này được, phải đứng lên, phải hành động. Nhưng đứng lên, hành động như thế nào? Tự tôi, tôi không biết được. Giữa lúc đó, cách mạng đến với tôi, cũng thật bất ngờ như thơ Tố Hữu đến với tôi vậy. Cái buổi chiều tháng mười lạnh, gió mưa mù mịt, nước sông Thu Bồn đang lên rất nhanh ấy, tôi chẳng bao giờ quên. Và người đã dẫn dắt tôi đi theo con đường của Cách mạng Mùa thu, của kháng chiến chín năm không ai khác, chính là chú Cân, chú Hiện, anh Tùng tôi - "những tên cộng sản gộc nằm vùng" mà bọn giặc đang ráo riết theo dõi, truy lùng để bắt và giết cho bằng được với cả sự căm thù và sợ hãi. Còn dân quê tôi thì ngược lại, họ nói đến các chú, các anh bằng cả sự kính phục và thương yêu vô bờ với nhiều câu chuyện đượm màu huyền thoại. Cũng chính chú Cân, chú Hiện, anh Tùng đã giác ngộ Ba Tựu, đưa Ba Tựu vào đội ngũ chiến đấu của mình. Đêm Ba Tựu bí mật thoát ly lên rừng, tôi biết. Chiều hôm trước, Tựu đến chào tôi, xin tôi quyển sách mỏng "Luận đề văn chương Trần Tế Xương", mang theo đọc. Tôi nghĩ việc trước đó Ba Tựu đưa tôi mấy bài "thơ cấm" ấy không phải không có mục đích, ý nghĩa gì. Giờ Tựu đang nằm ngoài đảo Côn Sơn. Tựu hy sinh như một anh hùng.
Thoát ly, tham gia kháng chiến, tôi có dịp tiếp xúc với báo chí văn nghệ cách mạng. Thơ Tố Hữu tôi biết không chỉ năm, mười bài, mà chép đầy quyền sổ tay. Rồi tôi có cả một quyển "Thơ Tố Hữu" in rô-nê-ô, giấy vàng, thô và trình bày sơ sài. Chẳng bao lâu sau, tôi lại được sở hữu một quyển "Thơ Tố Hữu" thật đàng hoàng, đẹp mắt, xuất bản từ Hà Nội hẳn hoi. Hồi đó, trong này không dễ gì có cái của hiếm ấy. Anh Quảng, phó bí thư đặc khu Đoàn Quảng Đà đã cho tôi, vì anh biết tôi thèm nó như thế nào. Quyển thơ ấy luôn có mặt trong chiếc gùi nhỏ ở trên lưng tôi. Tôi tranh thủ đọc nó trong những lúc công việc tạm rảnh rỗi, nằm nghỉ ở dưới hầm hoặc trên võng. Chiến trường những năm tháng đó thật ác liệt. Địch càn quét liên miên, bom pháo ngày đêm; hy sinh, gian khổ không sao kể xiết. Những bài thơ giàu chất lý tưởng, đầy tính chiến đấu, chứa chan tình yêu Tổ quốc, đồng bào; căm giận quân thù xâm lược; đầy tinh thần lạc quan, tin tưởng... của Tố Hữu đã góp phần quan trọng động viên, cổ vũ tôi (và chắc chắn không chỉ riêng tôi) hăng hái, nhiệt tình công tác, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành nhiệm vụ cách mạng giao cho. Tôi và một số đồng chí cán bộ Đoàn lúc đó đã biết khai thác và sử dụng thơ Tố Hữu vào công tác của mình. Một số bài thơ, câu thơ hay, phù hợp được chúng tôi đưa vào nội dung các buổi sinh hoạt chính trị, các cuộc trại phát động thanh niên tòng quân...rất có hiệu quả. Sau này, trong các nhà tù của Mỹ Ngụy, một số bài thơ như "Trăng trối", "Ta đi tới", "Miền Nam", "Có thể nào yên", "Chào Xuân 68", "Hãy nhớ lấy lời tôi", "Người con gái Việt Nam"... đặc biệt là bài "Ba mươi năm đời ta có Đảng" đã được các đồng chí chúng ta dùng làm "tài liệu" giáo dục tư tưởng, bồi dưỡng, củng cố chí khí cách mạng và tinh thần đấu tranh của anh chị em ta, mang lại những hiệu quả rất tốt.
Từ ngày đất nước hòa bình, thống nhất đến nay, tôi vẫn là độc giả trung thành với thơ Tố Hữu. Những sáng tác mới của ông, tôi vẫn đón đọc kịp thời. Giống như trong chiến tranh, sau này mỗi lần Xuân về, Tết đến, hay đất nước có sự kiện gì quan trọng là tôi lại lắng nghe, mong đợi và háo hức tìm đọc thơ Tố Hữu, những bài thơ vừa hào sảng, vừa đằm thắm, nhiều nghĩ suy trí tuệ và nhân bản. Tất nhiên, thời cuộc đã đổi thay, cuộc sống đã đặt ra những vấn đề mới, khác trước, nhưng thơ Tố Hữu để lại một giọng thơ riêng trong nền văn học Việt Nam.
Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi
Vui | Buồn | Bình thường |