Tất cả chúng ta ai cũng phải lớn lên, gặp gỡ nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn, va chạm với thực tế cũng nhiều hơn, và một khi xã hội càng phát triển thì càng làm cho con người khép lòng mình lại, đi xa dần cái gọi là “tình bạn” thật sự. Thuở bé, khi mới cắp sách đến trường, tình bạn thật hồn nhiên và trong sáng, cùng học cùng chơi, kể cho nhau nghe những chuyện mà chỉ có họ biết với nhau. Lớn hơn một chút, dường như ai cũng có một khoảng trống trong tâm hồn mà kể cả người gọi là “bạn” cũng không thể hiểu được. Dường như là một chút xấu hổ, một chút e thẹn của người con gái, một chút thay đổi, một chút bản lĩnh và một chút cảm nhận, ý thức về trách nhiệm của con trai, tuy chỉ là “một chút” nhưng cũng đủ để tạo ra góc riêng cho chính mình.
Người xưa rất coi trọng tình bạn vì thật khó tìm được một người bằng hữu, như tích Lưu Bình-Dương Lễ, đó như một bài học về tình bạn sâu sắc, biết giúp bạn vượt qua khó khăn bằng chính sự vươn lên của bản thân họ. Câu chuyện đó vẫn còn lưu truyền đến ngày nay, nhắc nhở ta rằng bạn bè phải biết giúp đỡ nhau đi lên bằng thực lực của họ, không phải dựa dẫm vào người khác. Những câu chuyện về những người bạn, họ không ngại vất vả cõng bạn mình đến trường như câu chuyện ở xã YaChim, thị xã Kon Tum (Kon Tum), ai cũng biết và cảm phục A Pyiưh, làng Klâu Ngol Zố (người dân tộc Gia Rai) đã năm năm liền cõng, giúp đỡ A Trâm cắp sách đến trường. Nghe đến đó hẳn ai cũng sẽ rất ngạc nhiên, không tin là sự thật, nhưng tình bạn thật sự đã làm nên điều kì diệu đó. Và tình bạn thật sự chỉ đến khi giữa họ có sự cảm thông, sẵn sàng chia sẻ những vui buồn, khó khăn trong cuộc sống để từ đó tìm thấy sự đồng cảm giữa hai tâm hồn, là một tình cảm trong sáng không vì lợi ích bản thân, biết hy sinh vì người khác, vì những điều mà mình tin tưởng. Và khi một người bạn cho bạn cùng chia sẻ những gánh nặng của người đó, thì bạn đã được một tình bạn sâu sắc.