Bác Hồ kính yêu của chúng ta không những là một vị lãnh tụ của dân tộc Việt Nam mà còn là một nhà văn có một tâm hồn nghệ thuật và một tấm lòng yêu nước sâu sắc. Bác đã để lại cho đời nhiều bài thơ kiệt xuất. Trong số đó có bài “ Cảnh Khuya” được Bác viết ở chiến khu Việt Bắc. Mặc dù bài thơ chỉ vỏn vẹn 4 câu thơ nhưng nó đã vẽ lên hết khung cảnh tuyệt đẹp của núi rừng Việt Bắc và nỗi lòng của vị lãnh tụ thao thức suốt đêm vì lo cho đất nước trước chiến tranh.
"Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ bóng lồng hoa
Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà.”
Bài thơ này được Bác sáng tác tại chiến khu vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1947. Tuy chiến tranh đang diễn ra gay go nhưng Bác vẫn luôn lạc quan và coi thiên nhiên như là một nguồn động lực. Điều đầu tiên là âm thanh của tiếng suối được Bác cảm nhận hết sức tinh tế:
“Tiếng suối trong như tiếng hát xa.”
Câu thơ đầu Bác sử dụng nghệ thuật so sánh miêu tả tiếng suối như “tiếng hát xa” khiến người đọc nhận rằng giữa không gian thanh tĩnh của núi rừng chỉ còn nghe được tiếng suối trong văng vẳng từ đâu đó tới. Tiếng suối trong được Bác ví von như tiếng hát xa vọng lại gợi lên một thứ âm thanh nhẹ nhàng, ngọt ngào. Tiếng suối và tiếng hát là nét so sánh tinh tế nhưng gần gũi. Nhưng dưới ngòi bút và tâm hồn lãng mạn của Bác đã làm cho tiếng suối trở nên gần gũi hơn. Tiếng suối chảy róc rách như một bản nhạc trữ tình lúc cao lúc thấp du dương. Sự ví von ấy cũng làm em liên tưởng tới câu thơ trong bài “Côn Sơn” của Nguyễn Trãi:
"Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn bên tai”
Nhà thơ Nguyễn Trãi cảm nhận thấy tiếng suối như tiếng đàn bên tai thì Bác lại có cảm nhận như tiếng hát xa vọng lại, tiếng hát bay xa. Tuy mỗi nhà thơ đều có cách miêu tả khác nhau nhưng em ấn tượng nhất là cách miêu tả của của Bác vì nó hết sức tinh tế và giản dị. Sang câu thơ thứ hai Bác đã dùng một tâm hồn nghệ thuật để miêu tả vẻ đẹp của trăng về đêm:
“Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa”
Điệp từ "lồng" xuất hiện khiến cho người đọc tưởng tượng nên một bức trang thơ mộng, có sự giao hòa. Ánh sáng dịu dàng chiếu rọi xuống len lỏi vào hoa lá tạo nên một khung cảnh lấp lánh. Ánh trăng vàng hòa ôm lấy những cây cổ thụ vững chãi. Cả núi rừng Việt Bắc ngập tràn dưới ánh trăng. Bức tranh núi rừng Việt Bắc dưới con mắt của Bác thật là vô giá. Dù diễn tả như thế nào vẫn không diễn tả hết được vẻ đẹp thơ mộng của thiên nhiên. Trăng như người bạn tri kỉ của nhà thơ trong đêm khuya. Hai câu thơ đầu đã nói về khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên thì câu thơ thứ ba sẽ nói tới nỗi lòng của người chiến sĩ trong thời kì chiến tranh đang diễn ra rất gay go:
“Cảnh khuya như vẽ người chưa ngủ”
Ở đây Bác lại tiếp tục sử dụng phép so sánh Cảnh khuya đẹp như một bức tranh. Cảnh khuya không những đẹp mà còn thơ mộng và lãng mạn ta khó có thể hờ hững trước vẻ đẹp của Cảnh khuya. Giữa đêm khuya thanh vắng chỉ còn có văng vẳng tiếng suối, ánh trăng vàng sáng soi cả núi rừng. Trong cảnh đêm ánh trăng vàng xen lẫn với hoa lá tạo nên cảnh vật lung linh, huyền ão. Cảnh đẹp của Cảnh khuya qua những lời thơ của Bác em không thể nào diễn tả lại hết được. Tuy cảnh khuya vẻ đẹp rất tuyệt vời nhưng Bác không bị xao lãng vì còn bận việc nước việc quân:
“Chưa ngủ vì nỗi lo nước nhà”
Bác thao thức vì vẻ đẹp thiên nhiên thơ mộng, lãng mạn quá. Nhưng còn một lý do khiến Bác chưa ngủ nỗi lo cho nước nhà. Trong cuộc đời 79 mùa xuân Bác có biết bao nhiêu đêm không ngủ được vì lo cho việc nước. Bác không thể ngủ được vì nỗi gánh vác vận mệnh của nước nhà. Lòng nặng trĩu nỗi lo toan cho dân tộc bởi các cuộc kháng chiến đang diễn ra rất ác liệt. Bác thương dân không muốn dân phải khổ trước chiến tranh. Muốn đất nước hòa bình không có bom đạn. Người đã hy sinh cả cuộc đời để bảo vệ đất nước, tổ quốc. Đọc lên câu thơ ấy ai cũng cảm phục trước một con người vĩ đại, hy sinh tất cả vì đất nước.
Cảnh khuya là một bài thơ miêu tả lên hết cảnh đẹp hoang sơ của núi rừng Việt Bắc và nỗi lòng của Bác trong thời kì kháng chiến. Bài thơ bộc lộ rõ nỗi lòng của Bác vì lo cho cơ nguy của nước nhà. Bác là minh chứng cho một con người sống hết lòng vì dân vì nước. Sự hy sinh của Bác để đất nước được tự do, hạnh phúc, hòa bình. Để đền đáp công ơn của Bác em sẽ cố học thật giỏi để sau này làm một con người có ích cho xã hội