Sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin hiện nay đã tác động không nhỏ tới thái độ, cách ứng xử của giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên với tri thức sách vở, hay nói cách khác đó là “Văn hóa đọc sách của giới trẻ hiện nay”. Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy. Thế nhưng giới trẻ ngày nay có vẻ thờ ơ, lãnh cảm với văn hóa đọc sách, không có thói quen đọc sách, đọc sách không chọn lọc hoặc chạy theo phong trào, còn thiếu nghiêm túc trong việc đọc, không thấy rõ được vai trò quan trọng của việc đọc sách, thậm chí có lối suy nghĩ sai lầm về đọc sách… Văn hóa đọc sách đang đứng trước một cơ hội và một nguy cơ. Cơ hội bởi mỗi người chúng ta đều được tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ. Nhưng nó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc vốn có bởi sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn. Giải pháp nào để mọi người trong xã hội, nhất là học sinh hình thành thói quen đọc sách, văn hóa đọc sách? Trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, ngoài sách, các phương tiện thông tin đại chúng như: truyền hình, phim ảnh, Internet... có nhiều ưu thế hơn, hấp dẫn hơn trong việc cung cấp thông tin. Vì vậy, để hình thành thói quen đọc sách, văn hóa đọc sách cho mọi người trong xã hội, nhất là học sinh, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau: Trước tiên( khởi ngữ), cần quan tâm đổi mới hoạt động thư viện các cấp, trong đó có thư viện trường học theo hướng xây dựng thư viện thân thiện, xây dựng tủ sách lớp học, tủ sách phụ huynh đặt tại lớp học, tăng cường kinh phí mua sách, tài liệu tham khảo bổ sung hàng năm, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành Văn hóa trong việc luân chuyển sách từ thư viện cấp tỉnh, cấp huyện về thư viện các trường học… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đọc sách, hình thành thói quen đọc sách. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động thư viện; khuyến khích và tạo điều kiện để thư viện các cấp, các cơ sở giáo dục xây dựng, thu thập và tổ chức các nguồn tài nguyên điện tử hữu ích (sách, báo điện tử, trang web), tài liệu trực tuyến và tài liệu số để phục vụ hiệu quả nhu cầu khai thác thông tin của nhà trường trong môi trường số.