Hỏi đáp tổng hợp Gửi câu hỏi Gửi khảo sát

Kim Sơn - Ninh Bình

NoName.730
24/07/2016 03:04:34
4.512 lượt xem
Trả lời / Bình luận (1)
NoName.789
24/07/2016 03:06:53
Kim Sơn là huyện ven biển nằm ở cực nam của tỉnh Ninh Bình và miền Bắc, đây là một huyện thuần khiết đồng bằng, được thành lập bởi nhà doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ trong công cuộc khai hoang lấn biển cách đây 2 thế kỷ. Vùng đất được biết đến với vai trò trung tâm của xứ đạo Phát Diệm, nay là giáo phận Phát Diệm với mật độ dày đặc các nhà thờ công giáo. 7 xã vùng ven biển và biển đảo Kim Sơn với những giá trị đa dạng sinh học nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.

Rừng ngập mặn Kim Sơn Ninh Bình,Khu dự trữ Sinh quyển thế giới
7 xã ven biển thuộc bãi ngang - cồn nổi Kim Sơn được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới

Cầu ngói Kim Sơn Ninh Bình,cầu ngói,Kim Sơn Ninh Bình
Cầu Ngói Kim Sơn - Ninh Bình

Vị trí
Trung tâm huyện Kim Sơn là thị trấn Phát Diệm, nằm cách thành phố Ninh Bình 27 km theo quốc lộ 10 về phía đông nam.
Phía đông giáp huyện Nghĩa Hưng, Nam Định qua sông Đáy;
Phía tây nam giáp sông Càn, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá;
Phía bắc và tây bắc giáp huyện Yên Khánh và Yên Mô;
Phía nam giáp biển với chiều dài bờ biển gần 18 km.


Hoạt động du lịch tắm biển ở cồn Nổi, Kim Sơn

Hành chính
Trung tâm huyện Kim Sơn là thị trấn Phát Diệm, nằm cách thành phố Ninh Bình 27 km theo quốc lộ 10 về phía đông nam.
Phía đông giáp huyện Nghĩa Hưng, Nam Định qua sông Đáy;
Phía tây nam giáp sông Càn, huyện Nga Sơn, Thanh Hoá;
Phía bắc và tây bắc giáp huyện Yên Khánh và Yên Mô;
Phía nam giáp biển với chiều dài bờ biển gần 18 km.

Đền thờ Nguyễn Công Trứ,Kim Sơn Ninh Bình
Đền thờ Nguyễn Công Trứ tại Kim Sơn, Ninh Bình - Nguyễn Công Trứ là người đã chiêu mộ dân nghèo, đắp đê lấn biển, lập ấp, khai sinh các huyện Kim Sơn (thuộc tỉnh Ninh Bình ngày nay), Tiền Hải (thuộc tỉnh Thái Bình ngày nay)

Hành chính
Năm 2006, Kim Sơn có diện tích 207 km² và 172.399 người, gồm hai thị trấn Phát Diệm (huyện lị), Bình Minh (chuyển từ thị trấn nông trường Bình Minh (vốn được thành lập ngày 28-1-1967) vào ngày 13-2-1987), và 25 xã gồm: Ân Hòa, Chất Bình, Chính Tâm, Cồn Thoi, Định Hóa, Đồng Hướng, Hồi Ninh, Hùng Tiến, Kim Chính, Kim Định, Kim Đông, Kim Hải, Kim Mỹ, Kim Tân, Kim Trung, Lai Thành, Lưu Phương, Như Hòa, Quang Thiện, Tân Thành, Thượng Kiệm, Văn Hải, Xuân Thiện, Yên Lộc, Yên Mật. Trong đó, xã Kim Chính được thành lập ngày 1-2-1978 trên cơ sở hợp nhất 2 xã Kiến Trung và Trì Chính, xã Kim Hải được thành lập ngày 1-4-1986 thuộc vùng kinh tế mới.

nhà thờ đát Phát Diệm Kim Sơn Ninh Bình,nhà thờ đá Phát Diệm
Nhà thờ đá Phát Diệm

Lịch sử - văn hóa
Kim Sơn là vùng đất mở ra đời từ công cuộc khẩn hoang vùng bãi biển đầy lau sậy và sú vẹt dưới sự tổ chức và điều hành của Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ năm Kỷ sửu, 1829. Đây là vùng đất nằm giữa hạ lưu hai con sông Càn và sông Đáy, hàng năm tốc độ bồi tụ tiến ra biển từ 80 – 100 m. Chính vì thế mà Kim Sơn gắn với lịch sử của những cuộc chinh phục đất hoang bồi - quai đê lấn biển. Gần 200 năm đã tiến hành quai đê lấn biển sáu lần. Về diện tích hiện nay gấp gần 3 lần so với khi mới thành lập huyện. Các tuyến đê được quai gần đây là đê Bình Minh 1 dài 10 km được đắp từ sau ngày giải phóng Ninh Bình năm 1954, tuyến đê Bình Minh 2 là tuyến đê biển chính của tỉnh quai năm 1980 dài 22,8 km đã được nâng cấp, tuyến đê Bình Minh 3 được đắp từ năm 2000 trở lại đây, có chiều dài 16 km nhưng chưa khép kín.

Kim Sơn là vùng đất mới nên không có nhiều di tích lịch sử ngoài hệ thống dày đặc các nhà thờ công giáo. Nhà thờ Phát Diệm là một công trình kiến trúc tôn giáo nổi tiếng ở Việt Nam, mô phỏng kiến trúc truyền thống kết hợp với văn hóa phương tây. Cầu Ngói Phát Diệm là công trình kiến trúc độc đáo được in hình trên tem bưu chính Việt Nam. Văn hóa Kim Sơn mang đặc trưng của vùng đất mới với những người đi khai hoang lấn biển. Tên gọi Kim Sơn có nghĩa là rừng vàng, Phát Diệm ý nghĩa là nơi sinh ra cái đẹp.

Huyện Kim Sơn có tỷ lệ người công giáo chiếm 46%, người theo đạo phật chỉ có 6%, tổng số có 52% dân số theo 2 đạo chính này. Đây là huyện có tỷ lệ giáo dân lớn nhất so với các đơn vị hành chính cấp huyện ở Việt Nam, chiếm tới 60% số giáo dân ở Ninh Bình. Nhiều xã có tỷ lệ giáo dân cao như Kim Mỹ 88%, Xuân Thiện 86%, Cồn Thoi 84%, Văn Hải 84%.

Mặc dù giáo phận Phát Diệm nằm trên diện tích rộng 1.787 km², bao gồm toàn bộ tỉnh Ninh Bình và vùng phía nam tỉnh Hòa Bình nhưng mật độ giáo dân lại tập trung dày đặc ở huyện Kim Sơn với 55% số giáo dân của giáo phận (Kim Sơn chỉ chiếm 11,6% diện tích giáo phận Phát Diệm nhưng có gần 80.000 giáo dân và 32 giáo xứ với 152 nhà thờ).

Hạ tầng
Huyện Kim Sơn có quốc lộ 10 cũ, quốc lộ 10 mới và quốc lộ 21B đi xuyên ngang qua 11 xã ở phía bắc. Phía nam có tỉnh lộ 481 nối từ Yên Lộc đến bờ biển Ninh Bình qua 8 xã đang được đầu tư nâng cấp thành quốc lộ 12B kéo dài. Phía bắc huyện có tỉnh lộ 481D nối từ ngã ba Quy Hậu tới đò 10 sang Nam Định.

Hệ thống giao thông đường thủy rất thuận lợi với 2 tuyến quốc gia qua sông Đáy và sông Vạc. Các tuyến đường thủy khác qua sông Càn, sông Ân Giang, sông Vực, sông Cà Mau, sông Hoành Trực...

Kim SơnChợ Nam Dân ở thị trấn Phát Diệm được Bộ Công thương quy hoạch thành chợ đầu mối tổng hợp hạng 1, ngoài ra có các chợ sau là được xếp hạng chợ loại 2, 3 ở Ninh Bình: Chợ Cách Tâm - xã Chính Tâm, Chợ Chất Bình - xã Chất Bình, Chợ Cồn Thoi - xóm 5 - xã Cồn Thoi, Chợ Kim Đông - xóm 4 - xã Kim Đông, Chợ Kim Mỹ - xóm 3 - xã Kim Mỹ, Chợ Lưu Phương - xóm 8 - xã Lưu Phương, Chợ Quang Thiện - xóm 12 - xã Quang Thiện, Chợ Quy Hậu - xã Hùng Tiến, Chợ Văn Hải - xóm Động Thổ - xã Văn Hải, Chợ Yên Lộc - xóm 7 - xã Yên Lộc.

Theo Quyết định số: 2179/ QĐ-UBND ngày 17 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Ninh Bình V/v phê duyệt Quy hoạch giao thông đường thuỷ nội địa tỉnh Ninh Bình đến năm 2015 và định hướng phát triển đến năm 2020 thì Kim Sơn có các cảng và các bến đò đường thủy sau:

Cảng Kim Đài: Tại Ngã ba sông Đáy và sông Vạc, thuộc xã Đồng Hướng.
Cảng Phát Diệm: Nằm bên hữu sông Vạc, thuộc địa bàn thị trấn Phát Diệm.
Cảng tổng hợp Kim Sơn: Xây dựng bên hữu sông Đáy, tại khu neo đậu tránh, trú bão (từ Kim Đông đến Kim Tân) huyện Kim Sơn, quy mô 500 tàu thuyền.
Các bến cảng sông khác: bến cảng Trì Chính,

Dưới đây là danh sách các bến đò ở Kim Sơn:
Tên bến đò Vị trí Sông Lý trình Mức độ liên kết Giai đoạn
Bến đò Cống Điện Biên Cồn Thoi Sông Đáy 150 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Kim Đài Kim Chính Sông Hoàng Long 28 Liên xã 2010-2015
Bến đò Kim Định Kim Định Sông Đáy 136 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Chính Tâm Chính Tâm Sông Đáy 132 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Phát Diệm 1 Phát Diệm Sông Đáy 144+200 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Đồng Hướng Đồng Hướng Sông Đáy 140+800 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Đò 16 Xuân Thiện Sông Đáy 130 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Chất Bình Chất Bình Sông Đáy 133 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò An Hòa Ân Hòa Sông Đáy 138 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Quang Thiện Quang Thiện Sông Đáy 144+400 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Phát Diệm 1 Thượng Kiệm Sông Đáy 144 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Cống Bốn thước Kim Tân Sông Đáy 146 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Cống Tùng Thiện Cồn Thoi Sông Đáy 147+300 Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Kim Mỹ Kim Mỹ Sông Đáy   Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Văn Hải Văn Hải Sông Càn   Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Bình Minh Bình Minh Sông Càn   Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Kim Hải Kim Hải Sông Càn   Liên tỉnh 2010-2015
Bến đò Yên Mật Yên Mật Sông Mới   Liên huyện 2010-2015
Bến đò Nam Dân Phát Diệm Sông Vạc 21 Liên xã 2016-2020
Bến đò Đức Hậu 1 Thượng Kiệm Sông Vạc 14 +500 Liên xã 2016-2020

Kinh tế
Kim Sơn cùng với Hải Hậu (Nam Định) và Tiền Hải (Thái Bình) là những đơn vị đầu tiên đạt năng suất lúa 5 tấn/ha. Nền kinh tế của huyện Kim Sơn có 3 thế mạnh: Kinh tế nông nghiệp giữ vị trí quan trọng, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng lúa của tỉnh Ninh Bình. Ngành thủ công nghiệp truyền thống sản xuất hàng chiếu cói, có giá trị hàng hóa lớn. Khu kinh tế biển Kim Sơn đã và đang được đầu tư khai thác, đây là một vùng có tiềm năng để phát triển thành một vùng sản xuất hàng hóa phong phú và đa dạng.

Các vùng kinh tế
Kim Sơn hình thành 2 vùng địa lý kinh tế:
Các xã khu vực phía nam (trung tâm là thị trấn Bình Minh) nằm ở ven biển có thế mạnh về khai thác và nuôi trồng thuỷ hải sản đặc biệt là tôm, ghẹ, sò, cua v.v... Tại đây nổi tiếng với nghề trồng cói. Phía nam Kim Sơn có vùng ven biển rộng gần 6.000 ha đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, nơi đây chứa đựng nhiều tiềm năng về thủy sản và du lịch.
Các xã phía bắc (trung tâm là thị trấn Phát Diệm) thuộc khu vực phù sa bồi đắp đất đai màu mỡ là vựa lúa của tỉnh. Tại đây còn phát triển nghề thủ công truyền thống là nghề cói. Năm 2008 Kim Sơn có 7 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống chiếu cói, đó là: Làng nghề Trì Chính, Kiến Thái, Thủ Trung (xã Kim Chính), Đồng Đắc, Hướng Đạo (xã Đồng Hướng) và Ninh Mật, Yên Thổ (xã Yên Mật).

Hiện Ninh Bình đang có dự kiến thành lập khu kinh tế Kim Sơn tại vùng biển bãi ngang - cồn nổi và 7 xã ven biển Kim Sơn.

Năm 2010 tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện đạt 13,05%, giá trị CNTTCN –xây dựng đạt 1.255 tỷ đồng giá trị sản xuất nông lâm, ngư nghiệp đạt 1.204 tỷ đồng, giá trị thương mại, dịch vụ đạt 742 tỷ đồng.

Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp
Về sản xuất công nghiệp - TTCN: giá trị sản xuất công nghiệp - TTCN cả năm 2007 đạt 339,4 tỷ đồng, tăng 30,3 tỷ đồng so với năm 2006. Việc trồng và chế biến cói vẫn giữ vai trò chủ lực. Các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu cả năm đạt 2 triệu USD.

Kim Sơn có 20 làng nghề cói được tỉnh Ninh Bình cấp bằng công nhận làng nghề với hơn 5.000 doanh nghiệp, cơ sở và hộ cá thể tham gia trồng, chế biến cói. Mỗi năm, doanh thu từ chế biến cói đạt trên 200 tỷ đồng. Nghề trồng, chế biến cói đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho 23.250 lao động. Năm 2006, diện tích cói của Kim Sơn đạt 409 ha và đến cuối năm 2007 đạt 474 ha; trong đó diện tích khôi phục và trồng mới là 153,8 ha. Diện tích cói được trồng tập trung ở Công ty nông nghiệp Bình Minh và 13 xã trong huyện. Tỷ trọng giá trị sản phẩm CN- TTCN trong cơ cấu kinh tế chung đến năm 2010 đạt 39%. Đến năm 2010 có 15- 20 làng nghề được tỉnh cấp bằng công nhận làng nghề, thu hút trên 80% số lao động nông nhàn vào sản xuất TTCN.

Nuôi trồng thủy sản
Năm 2007, Tổng diện tích nuôi thuỷ sản cả huyện đạt 2.916 ha, trong đó nuôi trồng thuỷ sản ven biển đạt 2.064 ha, vùng Cồn Nổi 210 ha. Sản lượng tôm sú 1.050 tấn, cua biển 1.000 tấn, tôm rảo 280 tấn và ngao 120 tấn. Sản xuất nông nghiệp của huyện đạt tốc độ tăng trưởng 90%, vượt 2,9% so với năm 2006. Tới năm 2010, Tổng diện tích nuôi thuỷ sản cả huyện đạt 3.733 ha.

Đầm nuôi tôm cua,Kim Sơn Ninh Bình
Đầm nuôi tôm cua Kim Sơn, Ninh Bình

Quai đê lấn biển
Tuyến đê biển Bình Minh I dài gần 8 km, được nâng cấp hoàn thiện với bề rộng mặt đê là 7 m, cao trình + 3,5 m, mái đê trồng cỏ chống xói mòn, sạt lở. Sau đó rải đá cấp phối mặt đê rồi cứng hóa bằng bê-tông dày 25 cm, rộng 6 m và xây dựng hệ thống gờ chắn sóng.
Tuyến đê Bình Minh II có chiều dài hơn 9 km được khoan phụt vữa, gia cố thân đê, mặt đê rộng 7 m, bảo đảm cao trình đỉnh đê +4 m, trong đó đổ bê-tông rộng 6 m, mái đê phía giáp sông kè bảo vệ bằng đá lát dày 30 cm, mái đê phía trong đồng thì trồng cỏ chống xói mòn và tạo cảnh quan môi trường.

Quai đê lấn biển,Kim Sơn Ninh Bình
Quai đê lấn biển

Thắng cảnh - du lịch
Trong quy hoạch phát triển du lịch Ninh Bình thì nhà thờ Phát Diệmvùng ven biển Kim Sơn là 1 trong 7 trọng điểm được coi là động lực phát triển của tỉnh. Ninh Bình đã hoàn thành nâng cấp tuyến đường tỉnh lộ 481 từ thị trấn Phát Diệm xuống thị trấn Bình Minh và tới tận đê biển Bình Minh 2 thành quốc lộ 12B, tuyến đê hữu Đáy được kiên cố hóa bằng dự án giao thông đường Bái Đính - Kim Sơn, chợ đầu mối thủy sản Kim Đông, cảng tổng hợp Kim Sơn, khách sạn Sóng Biển, hệ thống Hải Đăng, đồn Biên phòng đều được xây dựng... Có 2 bến xe khách trong khu sinh quyển là bến xe Cồn Thoi và bến xe Kim Đông. Hạ tầng cơ sở du lịch vẫn được đầu tư mạnh mẽ. Sản phẩm du lịch vùng bãi ngang cồn nổi Ninh Bình là tham quan tìm hiểu môi trường sinh thái vùng đất mở, rừng ngập mặn Kim Sơn, du lịch đồng quê với các đồng cói, đầm tôm, nghề nuôi trồng thủy sản, nấu rượu Kim Sơn, cói mỹ nghệ, nghỉ dưỡng và tắm biển cồn nổi...

Nhà thờ Phát Diệm
Nhà thờ Phát Diệm là một công trình kiến trúc đá nổi tiếng xây dựng từ năm 1875 đến năm 1899 (24 năm thì hoàn thành). Đây là một điểm đến quan trọng trong các tour du lịch Ninh Bình. Các di tích quốc gia khác được công nhận ở Kim Sơn như đền thờ Nguyễn Công Trứ nằm bên quốc lộ 10 thuộc xã Quang Thiện; nhà thờ Cồn Thoi ở vùng ven biển; chùa Đồng Đắc, đình Thượng Kiệm và đền Chất Thành.

Nhà thờ đá Phát Diệm,Kim Sơn Ninh Bình
Nhà thờ đá Phát Diệm, Kim Sơn Ninh Bình

Nhà thờ đá Phát Diệm,Kim Sơn Ninh Bình
Nhà thờ đá Phát Diệm, Kim Sơn Ninh Bình

Di tích thờ Triệu Quang Phục
Triệu Việt Vương (tên thật là Triệu Quang Phục), là một vị vua Việt Nam cai trị từ năm 548 đến năm 571. Ông có công kế tục Lý Nam Đế đánh đuổi quân xâm lược nhà Lương, giữ nền độc lập cho nước Vạn Xuân. Năm 571, ông bị Lý Phật tử đánh úp và thua trận. Ông tự tử ở cửa sông Đáy, ngày nay vùng này là các huyện Yên Khánh, Kim Sơn, Nghĩa Hưng.

Ninh Bình hiện là tỉnh có nhiều đền thờ Triệu Việt Vương nhất, đặc biệt các đền thờ tập trung ở 2 huyện ven biển Kim Sơn và Yên Khánh. Huyện Kim Sơn nay nằm ở cửa sông Đáy, có rất nhiều đền thờ Triệu Việt Vương như: Đình Chất Thành (xã Chất Bình), đình làng Kiến Thái, xã Kim Chính, miếu Thượng (xã Thượng Kiệm), đền Ứng Luật (Quang Thiện), Đình làng Chỉ Thiện, Xuân Thiện, đình xã Lưu Phương, Kim Sơn.

Bãi ngang - Cồn nổi
Kim Sơn có 18 km bờ biển nằm giữa hai cửa sông lớn là sông Đáy và sông Càn với những biến đổi kiến tạo địa chất diễn ra mạnh mẽ. Toàn bộ khu vực bãi ngang gồm thị trấn Bình Minh, các xã: Kim Đông, Kim Hải, Kim Trung, đảo Cồn Nổi và vùng biển Ninh Bình đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tại đây thiên nhiên, sự sống còn đa dạng và hoang sơ, thuận lợi phát triển loại hình du lịch sinh thái đồng quê. Thắng cảnh khu vực ven biển Kim Sơn nằm trong quy hoạch du lịch của tỉnh Ninh Bình bao gồm bãi biển, rừng phòng hộ, các đảo Cồn Nổi, cồn Mờ, cửa sông Đáy, cảnh quan đê biển, khu vực nuôi trồng và khai thác thủy hải sản...

Hoạt động tắm biển ở cồn Nổi,Cồn Nổi Kim Sơn Ninh Bình
Hoạt động tắm biển ở cồn Nổi, Kim Sơn

Vùng bãi ngang Kim Sơn có tiềm năng rất lớn về du lịch sinh thái đồng quê, tham quan và tìm hiểu về thế giới tự nhiên. Là nơi cư trú của những loài chim, có khoảng 200 loài chim, trong đó có gần 60 loài chim di cư, hơn 50 loài chim nước. Nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ thế giới như: cò thìa, mòng bể, rẽ mỏ thìa, cò trắng bắc,... Sinh cảnh đặc sắc nơi đây là những cánh rừng ngập mặn rộng hàng ngàn ha, đầm lầy mặn, bãi bồi ven biển và cửa sông. Những cánh rừng này được ví như bức tường xanh bảo vệ đê biển, làng xóm khỏi bị tàn phá bởi gió bão, nước biển dâng, và cả thảm hoạ sóng thần nếu xảy ra.

Hoạt động tắm biển ở cồn Nổi,Cồn Nổi Kim Sơn Ninh Bình
Hoạt động tắm biển ở cồn Nổi, Kim Sơn

Cồn nổi Kim Sơn có diện tích gần 1000 ha, nằm cách bờ biển Ninh Bình 8 km. Cồn được phát hiện năm 2003 bởi một thủy thủy tên Trần Văn Thông - người Ninh Bình, khi tàu của ông bị mắc cạn nơi đây. Ngay sau đó, ông đề xuất với địa phương xin được thực hiện dự án trồng phi lao chắn sóng và nuôi trồng thủy sản tại đây. Đảo Cồn Mờ cũng nằm trong hải phận tỉnh Ninh Bình, cách bờ biển Kim Sơn khoảng 5 km, về phía đông đông nam, có diện tích xấp xỉ 3 km2 đã và đang được khai thác để trồng rừng ngập mặn trên đảo và rừng chắn sóng xung quanh.

Hoạt động tắm biển ở cồn Nổi, Kim Sơn
Hoạt động tắm biển ở cồn Nổi, Kim Sơn

Hoạt động tắm biển ở cồn Nổi, Kim Sơn
Hoạt động tắm biển ở cồn Nổi, Kim Sơn

Rừng ngập mặn Kim Sơn
Rừng ngập mặn Kim Sơn (Ninh Bình) được chính phủ Việt Nam, Nhật Bản và Ban quản lý rừng phòng hộ Ninh Bình trồng từ năm 1995 với 2 loại cây sú, vẹt. Với vai trò quan trọng trong việc bảo vệ thiên nhiên và đa dạng sinh học, nơi đây được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới châu thổ sông Hồng. Hiện nay thì các loài cây chính của rừng là cây Trang, cây Bần chua, cây đước, cây sậy và cây Bần trắng. Tổng diện tích rừng Kim Sơn gần 1300 ha, chủ yếu được trồng ở những bãi bồi ven biển. Bãi ngang Kim Sơn được Tổ chức BirdLife đánh giá là vùng đất ngập nước có tầm quan trọng ở vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ, được kiến nghị công nhận là khu Ramsar do đáp ứng các tiêu chí: tập trung nhiều kiểu đất ngập nước còn khá nguyên trạng đặc trưng cho vùng cửa sông ven biển Bắc Bộ, là nơi tập trung chim nước với số lượng gần 28.000 cá thể.

Rừng ngập mặn Kim Sơn Ninh Bình
Rừng ngập mặn Kim Sơn Ninh Bình

Việc bảo tồn đa dạng sinh học vùng lõi gắn liền với việc bảo tồn rừng ngập mặn và những bãi bồi ven biển, cửa sông. Không giống như các khu bảo tồn trong nội địa, vùng lõi trong khu dự trữ sinh quyển này vẫn thường xuyên chịu sức ép của việc khai thác và đánh bắt thuỷ sản. Rừng ngập mặn là nơi nuôi dưỡng sinh đẻ của các loài hải sản. Như một vườn ươm cho sự sống của biển, rừng ngập mặn cung cấp nguồn lợi thuỷ sản phong phú cùng với 500 loài động thực vật thuỷ sinh và cỏ biển cung cấp nhiều loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm, cua, cá biển, vạng, trai, sò, cá tráp, rong câu chỉ vàng. v.v.

Rừng ngập mặn Kim Sơn Ninh Bình
Rừng ngập mặn - Vùng sinh thái phù sa ven biển đặc trưng ở bãi ngang - cồn nổi (Kim Sơn, Ninh Bình)

Từ năm 2002, khi phong trào nuôi tôm sú vùng bãi bồi phát triển mạnh, con người đã khai phá đất ven biển, chặt phá rừng phòng hộ để làm đầm trái phép. Trước thực trạng này, các ngành chức năng đã nghiên cứu các mô hình xây dựng rừng phòng hộ ven biển và các mô hình lâm ngư kết hợp. Nổi bật là các mô hình trồng rừng ngập mặn phòng hộ đê biển và trồng cây bờ bao do Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam nghiên cứu, triển khai.

Đặc sản
Rượu Kim Sơn là một đặc sản tiêu biểu của địa phương, được đưa vào nghị quyết phát triển du lịch của tỉnh cùng với các đặc sản khác của Ninh Bình như cá rô Tổng Trường, dứa Đồng Giao, dê núi, cơm cháy, Gỏi cá mè...
Miến lươn là một loại đặc sản khá thông dụng của người dân vùng biển. Miến lươn Phát Diệm và Bình Minh là những địa chỉ được coi là độc đáo vì được phục vụ khách du lịch.
Các đặc sản khác có thế mạnh phát triển tại vùng biển được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới như hải sản, cói, gạo, bún mọc Quang Thiện (Bún Tố Như)...

Đô thị Kim Sơn
Theo quyết định số 796/QĐ-UBND ngày 12/10/12 của UBND tỉnh Ninh Bình về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Ninh Bình đến năm 2030, Kim Sơn có các đô thị sau:
Thị xã Phát Diệm: nâng cấp thị trấn Phát Diệm và các xã Thượng Kiệm, Lưu Phương, Tân Thành thành nội đô thị xã.
Thị trấn Bình Minh: là trung tâm huyện mới khi Phát Diệm là thị xã.
Thị trấn Kim Đông: trung tâm khu vực bãi ngang Kim Sơn
Thị trấn Cồn Nổi: đô thị du lịch biển đảo.
0 0
Gửi câu trả lời / bình luận của bạn tại đây (*):
Hình ảnh (nếu có):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có câu hỏi cần giải đáp, hãy gửi cho mọi người cùng xem và giải đáp tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi câu hỏi
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k