Năm 1952, trong một bài phát biểu của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ “giặc nội xâm”. Theo Người nếu không giải quyết được thứ giặc nội xâm này thì không thể đánh thắng được giặc ngoại xâm.
Hồ Chí Minh đã phân tích rõ các biểu hiện của giặc nội xâm, giặc ở trong lòng.
Giặc nội xâm đầu tiên là tham ô. Với cán bộ, tham ô là ăn cắp, ăn bớt của công làm của tư, đục khoét của nhân dân, tiêu ít mà khai nhiều; lợi dụng của chung, của Chính phủ làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình.
Giặc nội xâm nguy hại hơn là lãng phí. Theo Người, lãng phí thể hiện dưới nhiều dạng, như: Lãng phí sức lao động, thời giờ, của công, lãng phí nhiều khi tai hại hơn nạn tham ô.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng căn nguyên của nạn tham ô, lãng phí là bệnh quan liêu. Trong bài nói chuyện về xây dựng con người xã hội chủ nghĩa (3-1961), Người nói: “Muốn đánh thắng kẻ địch bên ngoài, thì trước hết phải đánh thắng kẻ định bên trong là chủ nghĩa cá nhân”. Như vậy, muốn thắng giặc ngoại xâm, thì trước hết phải thắng giặc nội xâm; mà địch bên trong chính là chủ nghĩa cá nhân. Vì chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí… Nó trói buộc, bịt mắt những nạn nhân, khiến những người này bất kỳ việc gì cũng xuất phát từ lòng ham muốn danh lợi, địa vị cho cá nhân mình, chứ không nghĩ đến lợi ích của giai cấp, của nhân dân. Hồ Chí Minh cho rằng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là “giày xéo lên lợi ích cá nhân”. Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu những lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích của tập thể thì không phải là xấu.
Người cho rằng, một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không chắc chắn hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, ba loại giặc nội xâm này có quan hệ mật thiết với nhau, do quan liêu mà xảy ra tham nhũng, lảng phí. Hồ Chí Minh cho rằng, đây là một kẻ thù khá nguy hiểm vì nó không mang gươm súng mà nó ở trong các tổ chức của chúng ta, để làm hỏng công việc của chúng ta, nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí của cán bộ ta, những kẻ quan liêu, tham ô, tham nhũng thì phá hoại tinh thần, tiêu hao của cải của Chính phủ và nhân dân ta.
Bài học mà Bác Hồ chỉ ra cho toàn Đảng, toàn chính quyền và toàn dân rất cụ thể, rõ ràng: “ Vì những người và những cơ quan lãnh đạo từ cấp trên đến cấp dưới không sát với công việc thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gủi quần chúng... chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, chứ không kiểm tra đến nơi đến chốn... thành thử có mắt mà không thâu suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không giữ đúng, có kỷ luật mà không nắm vững, kết quả là những người xấu, những cán bộ kém tha hồ mà tham ô, lãng phí. Thế là bệnh quan liêu đã ấp ủ, dung túng, che chở cho nạn tham ô, lãng phí”. Quan điểm này đã được Bác Hồ đưa ra cách đây hơn nữa thế kỷ, thế nhưng lại rất có ý nghĩa thực tế trong thời đại ngày nay.
Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, ngoài gây ra những tổn thất và thiệt hại to lớn về kinh tế còn gây nên những thiệt hại về chính trị, xã hội khó lường. Điều tệ hại hơn, các tệ nạn này đang làm tha hóa cán bộ, đảng viên, nhất là những người có chức, có quyền; làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ, mất đi mối quan hệ máy thịt giữa Đảng với quần chúng nhân dân; làm cho các chủ trường chính sash bị sai lệch dẫn đến chệch hướng và làm tiền đề cho mọi sự mất ổn định xã hội là điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch gây mất ổn định chính trị, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ”. Đối với kẻ thù, nạn tham nhũng lãng phí, quan liêu là cơ sở và mục tiêu để chúng công kích, bôi xấu chế độ ta, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của nhà nước ta.
Nhận thấy việc suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là nghiêm trọng, Hội nghị Trung ương 4, khóa XII đã cụ thể hóa, nhận diện những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin; nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; thậm chí sa sút ý chí chiến đấu, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh, phụ họa theo những nhận thức, quan điểm sai trái, lệch lạc; không còn ý thức hết lòng vì nước, vì dân, không làm tròn bổn phận, chức trách được giao; không thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng.
Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Hiện nay, việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ”, Đảng ta đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn chưa nhiều, chưa vững chắc và có chiều hướng ngày càng khó khăn, phức tạp vì “giặc nội xâm” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc đến hiện nay hoạt động tinh vi, phức tạp hơn. Bởi vậy, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “chống giặc nội xâm” càng hữu ích, thiết thực trong việc chống lại 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị; 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống; 9 biểu hiện suy thoái về “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đề ra.
Trên cơ sở những quan điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra một số giải pháp để đấu tranh chống lại quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
- Thực hiện giáo dục về chính trị tư tưởng, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ làm công tác lãnh đạo, quản lý. Theo Người phải lấy gương người tốt việc tốt hàng ngày giáo dục lẫn nhau, đây là một trong những cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới. Hồ Chí Minh cho rằng: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người căn dặn cán bộ, đảng viên, trước hết phải ăn ở làm sao cho dân phục, dân yêu, dân nghe; không được quên rằng dân bầu mình ra để làm việc cho dân, chứ không phải để cậy thế với dân; cán bộ, đảng viên phải có những phẩm chất như hòa mà không tư, cẩn thận mà không nhút nhát, vị công vong tư, nói thì phải làm, trực mà không táo bạo. Người căn dặn Đảng ta đại biểu cho lợi ích chung của giai cấp công nhân, của toàn thể nhân dân lao động, chứ không phải mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, cá nhân nào. Sinh trưởng trong một xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen… Thói quen và những tập quán lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài.
Người khẳng định: “Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hàng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.