LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Tác giả tác phẩm: Mẹ vắng nhà - Bộ phim tuyệt đẹp về những đứa trẻ thời chiến tranh - Ngữ văn 8 Chân trời sáng tạo

Ngọc Anh | Chat Online
25/10 11:30:32
12 lượt xem
Tác giả tác phẩm: Mẹ vắng nhà - Bộ phim tuyệt đẹp về những đứa trẻ thời chiến tranh - Ngữ văn 8

I. Tác giả Lê Hồng Lâm
- Lê Hồng Lâm sinh năm 1977 tại Quảng Trị. Là nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Việt Nam.

- Tốt nghiệp khoa Báo chí, Đại học Quốc gia Hà Nội, Hồng Lâm từng làm phóng viên, biên tập viên văn nghệ của tuần báo Sinh viên Việt Nam và 12 năm làm thư ký tòa soạn của tạp chí Thể thao Văn hóa và Đàn Ông.

- Các tác phẩm: Xem chữ đọc hình (2005); Chơi cùng cấu trúc (2009); Cánh chim trong gió (2017); 101 bộ phim Việt Nam hay nhất (2018); Sự lưỡng nan của tình thế làm người (2018); Người tình không chân dung (2020) …

II. Đọc tác phẩm Mẹ vắng nhà - Bộ phim tuyệt đẹp về những đứa trẻ thời chiến tranh
Mẹ vắng nhà là một bộ phim thiếu nhi xuất sắc của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Ông vốn là một nhà quay phim kì cựu của điện ảnh cách mạng Việt Nam và đã đoạt giải Quay phim xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ hai, năm 1973 với bộ phim Chị Tư Hậu. Về sau, Nguyễn Khánh Dư chuyển sang làm đạo diễn và đạt nhiều thành tựu về đề tài thiếu nhi. Một trong những bộ phim được yêu thích nhất của ông là Mẹ vắng nhà (1979), tác phẩm được chuyển thể từ truyện ngắn Người mẹ cầm súng và Mẹ vắng nhà của nhà văn Nguyễn Thi.

Bộ phim từng đoạt giải thưởng Bông sen vàng tại Liên hoan phim Việt Nam vào năm 1980, cùng với Cánh đồng hoang của đạo diễn Hồng Sến. Không những thế, cả Cánh đồng hoang và Mẹ vắng nhà còn đoạt hai giải thưởng quốc tế quan trọng tại Liên hoan phim Mát-xcơ-va (Moscow, Nga) và Ca-lo-vi Va-ri (Karlovy, Tiệp Khắc). Cả hai đều có bối cảnh vùng sông nước Nam Bộ, nơi những con người bình thường, ngay cả những đứa trẻ nhỏ bé cũng phải sống trong cảnh nguy hiểm dưới bom đạn của quân đội Mỹ,… Tuy nhiên, điều đặc biệt là cả hai bộ phim đặc sắc nói trên không mô tả sự mất mát, đau thương của người dân Việt Nam mà là bản anh hùng ca lãng mạn, là vẻ đẹp tràn ngập biểu tượng và chất thơ về tinh thần chịu đựng, là khí phách, lòng dũng cảm, cũng như tâm hồn và phẩm giá của con người Việt Nam thời chiến tranh.

Mẹ vắng nhà kể về cuộc sống của chị Út Tịch và năm đứa con thơ trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam giữa những ngày tháng khốc liệt nhất. Bộ phum mở đầu với hình ảnh hạnh phúc của chị Út đang quây quần cạnh đàn con thơ bên một chái nhà tranh đơn sơ nằm nằm sát bến sông. Niềm hạnh phúc bình dị ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Là một chiến sĩ cách mạng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, người mẹ trẻ phải để các con thơ ở lại nhà để làm nhiệm vụ tải lương, tải đạn cho bộ đội. Năm đứa con tự chăm sóc nhau, trong đó Bé – cô chị cả, chưa đến mười tuổi – thay mẹ chăm lo cho những đứa em nhỏ. Chị Bé thay mẹ làm những việc lớn, chèo thuyền đi mò ốc ra chợ bán rồi mua quà bánh về cho các em và dạy dỗ chúng như một người mẹ trẻ; leo lên cây ngắm mẹ đi đánh giặc, rồi kể cho mấy đứa em nheo nhóc đứng dưới gốc cây hóng chuyện.

Thành công của Mẹ vắng nhà là nhờ khả năng chỉ đạo diễn xuất và tạo dựng không khí, bối cảnh của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Năm diễn viên nhí hóa thân thành năm đứa trẻ vùng sông nước miền Tây, chúng biết chèo thuyền, leo cầu khỉ, biết bảo ban nhau chui vào hầm tránh bom khi máy bay Mỹ đi càn; đứa lớn biết lo cho đứa bé, chúng tự biết phân việc, nấu nướng, chăm sóc nhau. Đạo diễn có biệt tài trong việc thể hiện tâm lí của những đứa trẻ: cô chị cả đảm đang, chu toàn thay mẹ chăm lo cho các em; cô chị thứ (Thanh) biết đỡ đần chị để san sẻ công việc; hai đứa áp út là con Anh và thằng Hiển suốt ngày tranh giành nhau nhưng biết nghe lời hai chị. Không khí của một ngôi nhà nhỏ thiếu vắng bóng mẹ không thiếu vắng tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Dù phải trưởng thành sớm trong hoàn cảnh mẹ vắng nhà nhưng những đứa trẻ vẫn có những lúc bộc lộ tâm lí trẻ con, như chi tiết Bé dỗi hờn khi bị đứa em gái quả quyết Bé không giống mẹ. Điều này, một lần nữa cho thấy biệt tài của đạo diễn trong việc thấu hiểu tâm lí trẻ thơ và giúp bộ phim có những khoảnh khắc xúc động, đồng thời để lại tiếng cười trong trẻo cho khán giả.

Không chỉ thành công trong mô tả sinh hoạt của những đứa trẻ vắng mẹ và bối cảnh làng quê vùng sông nước Nam Bộ, Nguyễn Khánh Dư còn để lại dấu ấn về tài năng đạo diễn qua những cảnh tưởng tượng hay giấc mơ qua góc máy lãng mạn bay bổng và giàu hình tượng của một đạo diễn vốn xuất thân từ quay phim. Ở trên cây, dù không thấy bóng mẹ đâu, Bé phải tưởng tượng để kể cho các em nghe hình ảnh người mẹ đang dũng cảm lao về phía trước, chiến đấu với quân thù. Trong một cảnh tưởng tượng khác của Bé, hình ảnh một chú bò với thân hình bén lửa vì bom đạn chạy trên cánh đồng gây ấn tượng mạnh về thị giác. Còn trong tưởng tượng của Bé về giấc mơ được cắp sách đến trường ở cuối phim, đạo diễn để cho những con chữ nhảy múa và biến thành những chú chim bay lên trong cảnh hòa bình, không còn bóng dáng của chiến tranh.

Ngoài diễn xuất của nữ diễn viên Ngọc Thu trong vai chị Út Tịch, dàn diễn viên nhí nghiệp dư cũng là linh hồn làm nên thành công của bộ phim Mẹ vắng nhà. Diễn viên nhí Vân Dung, con gái của đạo diễn Long Vân (người thành công sau này với bốn tập phim Biệt động Sài Gòn) để lại ấn tượng mạnh nhất với vai cô chị cả đảm đang, tháo vát thay mẹ quán xuyến gia đình nhưng vẫn bộc lộ sự ngây thơ, hồn nhiên của một đứa trẻ lên mười. Ba diễn viên nhí Hồng Duyên (vai chị thứ Thanh), Thu Hằng (em gái thứ ba – Anh), Hồng Phương (cu Hiển – em trai áp út) với vẻ ngọng nghịu, dỗi hờn cũng để lại những giây phút vừa xúc động vừa đáng yêu khó quên trên màn ảnh một thời.

Sau hơn bốn mươi năm kể từ khi ra mắt, Mẹ vắng nhà vẫn là một bộ phim tuyệt đẹp và đáng yêu về sức sống, tình yêu thương và khả năng chịu đựng của những đứa trẻ trong chiến tranh.

III. Tìm hiểu tác phẩm Mẹ vắng nhà – bộ phim tuyệt đẹp về Những đứa trẻ thời chiến tranh
1. Thể loại 
- Văn bản thông tin giới thiệu một bộ phim

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác
- In trong 101 bộ phim Việt Nam hay nhất, Nhã Nam và NXB Thế giới, 2018
3. Phương thức biểu đạt
Văn bản Mẹ vắng nhà – bộ phim tuyệt đẹp về Những đứa trẻ thời chiến tranhcó phương thức biểu đạt là thuyết minh.

4. Ý nghĩa nhan đề
“Mẹ vắng nhà” là bộ phim tuyệt đẹp và đáng yêu về sự sống, tình yêu thương và khả năng chịu đựng của những đứa trẻ trong chiến tranh.

5. Bố cục tác phẩm
Bố cục: 3 phần.

+ Phần 1 (đoạn 1, 2) giới thiệu thông tin chung về bộ phim: tên phim, tên và thành tích của đạo diễn, giải thuởng mà bộ phim đạt đuợc; nhận xét khái quát về bộ phim.

+ Phần 2 (đoạn 3, 4, 5, 6): tóm tắt nội dung, nhận xét về những thành công về chỉ đạo nghệ thuật, góc quay, cảnh phim, diễn xuất của diễn viên... trong bộ phim.

+ Phần 3 (đoạn 7) khẳng định giá trị của bộ phim.

6. Tóm tắt tác phẩm
Mẹ vắng nhà kể về cuộc sống của chị Út Tịch và năm đứa con thơ trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam giữa những ngày tháng khốc liệt nhất. Thành công của Mẹ vắng nhà là nhờ khả năng chỉ đạo diễn xuất và tạo dựng không khí, bối cảnh của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư. Không chỉ thành công trong mô tả sinh hoạt của những đứa trẻ vắng mẹ và bối cảnh làng quê vùng sông nước Nam Bộ, Nguyễn Khánh Dư còn để lại dấu ấn về tài năng đạo diễn qua những cảnh tưởng tượng hay giấc mơ qua góc máy lãng mạn bay bổng và giàu hình tượng của một đạo diễn vốn xuất thân từ quay phim. Ngoài diễn xuất của nữ diễn viên Ngọc Thu trong vai chị Út Tịch, dàn diễn viên nhí nghiệp dư cũng là linh hồn làm nên thàn công của bộ phim. Sau hơn bốn mươi năm kể từ khi ra mắt, Mẹ vắng nhà vẫn là một bộ phim tuyệt đẹp và đáng yêu về sức sống, tình yêu thương và khả năng chịu đựng của những đứa trẻ trong chiến tranh.

7. Giá trị nội dung
- “Mẹ vắng nhà” là bộ phim tuyệt đẹp và đáng yêu về sự sống, tình yêu thương và khả năng chịu đựng của những đứa trẻ trong chiến tranh.

8. Giá trị nghệ thuật
- Sử dụng từ ngữ rõ ràng, mạch lạc, logic.

- Sử dụng phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (áp phích) góp phần vào việc thể hiện mục đích viết của tác giả.

IV. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Mẹ vắng nhà – bộ phim tuyệt đẹp về Những đứa trẻ thời chiến tranh
1. Mối quan hệ giữa các chi tiết và thông tin cơ bản của văn bản
a. Thông tin cơ bản:

- Bộ phim Mẹ vắng nhà - một bộ phim tuyệt đẹp về những đứa trẻ thời chiến tranh.

b. Thông tin chi tiết:

Các chi tiết thể hiện thông tin cơ bản: (1) chi tiết về bộ phim đạt các giải thưởng.

(2) chi tiết về năm đứa con tự chăm sóc nhau khi mẹ vắng nhà;

(3) chi tiết về chỉ đạo nghệ thuật, góc quay, cảnh phim, áp phích bộ phim;

(4) chi tiết về diễn xuất của các diễn viên.

=> Mối quan hệ giữa thông tin cơ bản và các chi tiết là mối quan hệ hai chiều: thông tin cơ bản của VB được thể hiện qua các chi tiết và các chi tiết góp phần thể hiện thông tin cơ bản.

2. Vai trò của phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ đối với việc thể hiện mục đích viết của văn bản
a. Mục đích.

- Giới thiệu tài năng của đạo diễn và những nét đặc sắc của bộ phim về nội dung, diễn xuất, cảnh quay.

b. Tác dụng của việc kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ (áp phích) của văn bản.

- Việc kết hợp sử dụng phương tiện ngôn ngữ và phi ngôn ngữ ở văn bản này góp phần thể hiện rõ nội dung, tăng sức hấp dẫn, thu hút người đọc.
Tải file tài liệu:
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận của bạn tại đây
Gửi ý kiến bình luận của bạn tại đây:
Hình ảnh (nếu có):

(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tài liệu hay, hãy gửi cho mọi người cùng xem và tham khảo tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Đăng tài liệu
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư