Tác giả tác phẩm: Mây và sóng - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
Ngọc Anh | Chat Online | |
14/11 13:51:14 |
Tác giả tác phẩm: Mây và sóng - Ngữ văn 6
I. Tác giả- Tên: Rabindranath Tagore
- Năm sinh – năm mất: 1861 – 1941
- Quê quán: Ấn Độ
- Là danh nhân văn hóa, nhà thơ hiện đại lớn nhất của Ấn Độ. Thơ Tagore chan chứa tình yêu đất nước, con người, cuộc sống,...
Mây và sóng
R.Ta-go
Mẹ ơi, trên mây có người gọi con:
“Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc”.
Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình lên đó được?”.
Họ đáp: “Hãy đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời, cậu sẽ được nhấc bổng lên tận tầng mây”.
“Mẹ mình đang đợi ở nhà” – con bảo – “Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?”
Thế là họ mỉm cười bay đi.
Nhưng con biết có trò chơi thú vị hơn, mẹ ạ.
Con là mây và mẹ sẽ là trăng.
Hai bàn tay con ôm lấy mẹ, và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm.
Trong sóng có người gọi con:
“Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nao”.
Con hỏi: “Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?”.
Họ nói: “Hãy đến rìa biển cả, nhắm nghiền mắt lại, cậu sẽ được làn sóng nâng đi”.
Con bảo: “Buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”.
Thế là họ mỉm cười, nhảy múa lướt qua.
Nhưng con biết trò chơi khác hay hơn.
Con là sóng và mẹ sẽ là bến bờ kì lạ,
Con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan lòng mẹ.
Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào.
1. Thể loại
Thơ tự do.
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác- Mây và sóng được in trong tập Trăng non xuất bản năm 1915.
3. Phương thức biểu đạtBiểu cảm kết hợp tự sự.
4. Tóm tắt tác phẩm Mây và sóngBài thơ phác họa những trò chơi thú vị mà em bé tưởng tượng vui đùa với các bạn trên mây và các bạn trong sóng. Thế những người duy nhất em bé muốn chơi đó là mẹ của mình. Qua đây, ta thấy được tình cảm mẹ con sâu sắc, da diết.
5. Bố cục tác phẩm Mây và sóng:Chia 2 phần:
- Phần 1: Từ đầu... và mái nhà ta sẽ là bầu trời xanh thẳm: câu chuyện của em bé với những người “trên mây”;
- Phần 2: Tiếp theo... hết: câu chuyện của em bé với những người “trong sóng”.
6. Giá trị nội dung tác phẩm Mây và sóng- Bài thơ thể hiện tình yêu thiết tha của em bé đối với mẹ, ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
- Qua đó, ta cũng thấy được tình cảm yêu mến thiết tha với trẻ em của nhà thơ, với thiên nhiên, cuộc đời bình dị.
7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Mây và sóng- Thơ văn xuôi, có lời kể xen đối thoại;
- Sử dụng phép lặp, nhưng có sự biến hóa và phát triển;
- Xây dựng hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng.
1. Lời mời gọi của những người “trên mây” và “trong sóng”
- Thế giới của những người sống “trên mây”, “trong sóng”:
+ Thế giới của những người sống “trên mây”: Rực rỡ, lung linh, huyền ảo (ánh sáng mặt trời vàng buổi bình minh, ánh sáng vầng trăng bạc khi đêm về);
+ Thế giới của những người sống “trong sóng”: Vui vẻ và hạnh phúc (chỉ có ca hát và rong chơi khắp chốn từ khi thức dậy cho đến chiều tà).
→ Xa xôi, cao rộng, rực rỡ sắc màu, chứa đựng biết bao điều bí ẩn;
- Cách đến với họ:
+ Đến nơi tận cùng trái đất, đưa tay lên trời;
+ Đến bờ biển cả, nhắm nghiền mắt lại.
→ Lời mời gọi của những người sống “trên mây”, “trong sóng” chính là tiếng gọi của thế giới diệu kỳ, lung linh huyền ảo đầy hấp dẫn.
→ Gợi lên trong em bé những khát khao được khám phá, ngao du ở những xứ sở xa xôi.
2. Lời từ chối của em bé- Sự lưỡng lự ở những câu hỏi đầu tiên:
+ Nhưng làm thế nào mình lên đó được?
+ Nhưng làm thế nào mình ra ngoài đó được?
→ Em bé vừa có những khao khát khám phá thế giới bên ngoài, vừa muốn ở nhà với mẹ.
- Lời từ chối của em bé:
+ Làm sao có thể rời mẹ mà đến được?
+ Làm sao có thể rời mẹ mà đi được?
→ Sức níu giữ của tình mẫu tử. Tình yêu thương của mẹ đã thắng lời mời gọi đầy hấp dẫn của những người “trên mây” và “trong sóng”. Với em bé, được ở bên mẹ, làm mẹ vui và được mẹ yêu thương, che chở là niềm hạnh phúc không gì sánh được.
3. Trò chơi của em bé- Con là mây, mẹ là trăng, con lấy hai tay trùm lên người mẹ;
- Con là sóng, mẹ là bờ biển, con sẽ lăn, lăn, lăn và vỗ vào gối mẹ.
→ Tình cảm mẹ con sâu sắc:
a. Tình cảm em bé dành cho mẹ- Luôn muốn ở bên mẹ, vui chơi cùng mẹ;
- Sáng tạo ra những trò chơi thú vị để mẹ có thể chơi cùng;
- Trò chơi vừa thỏa ước mong làm mây, làm sóng tinh nghịch, bay cao, lan xa phiêu du khắp chốn; lại vừa được quấn quýt bên mẹ - như mây quấn quýt bên vầng trăng, như sóng vui đùa bên bờ biển.
b. Tình cảm mẹ dành cho em bé- Mẹ luôn muốn ở bên để chăm sóc, chở che, vỗ về: mẹ mình đang đợi ở nhà, buổi chiều mẹ luôn muốn mình ở nhà;
- Mẹ giống như ánh trăng dịu hiền soi sáng từng bước con đi, bờ biển bao dung ôm ấp, vỗ về;
- Không ai biết mẹ con ta ở chốn nào →→ Tình mẫu tử hòa quyện, lan tỏa, thâm nhập khắp vũ trụ mênh mông.
→ Cả bài thơ là tương quan của tình mẫu tử với thiên nhiên, vũ trụ →→Ca ngợi, tôn vinh tình mẫu tử bao la, thiêng liêng và vĩnh cửu.
Đề bài: Phân tích bài Mây và sóng
Bài tham khảo 1
Tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt là nguồn cảm hứng bất tận cho thi ca. Chế Lan Viên đã từng dùng hình ảnh cánh cò trắng bên nôi để khái quát nên quy luật muôn đời của lòng mẹ:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”
Không giống với cánh cò trong lời ru của mẹ, những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng trong bài Mây và sóng của Ta-go lại ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng một cách rất khác, từ lời kể của đứa bé. Người đọc ấn tượng sâu sắc bởi vẻ đẹp mộng mơ và ý nghĩa sâu sắc mà Ta-go gửi gắm trong bài thơ ấy.
Ta-go là một người nghệ sĩ đa tài. Ông đã để lại một gia tài văn hóa nghệ thuật đồ, có giá trị đến tận bây giờ cho nền nghệ thuật thế giới. Ta-go là nhà thơ hiện đại lớn nhất của Ấn Độ và là nhà thơ đầu tiên của Châu Á đoạt giải Nô-ben văn học với tập Thơ Dâng. Hầu hết các tác phẩm đều được chính ông dịch sang tiếng Anh.
Thơ của ông thể hiện tinh thần dân tộc và dân chủ sâu sắc, tinh thần nhân văn cao cả và tính chất trữ tình, triết lí nồng đượm. Thơ ông sử dụng rất thành công những hình ảnh thiên nhiên mang ý nghĩa tượng trưng, những hình thức liên tưởng so sánh và thủ pháp trùng điệp. Điều ấy được thể hiện rõ nét qua bài thơ Mây và sóng của ông.
Bài thơ mở đầu với một tiếng gọi “Mẹ ơi” của em bé và sau đó là lời kể lại cuộc đối thoại giữa em và những người sống trên mây và sóng. Em bé được mây và sóng rủ rê, mời gọi bằng những đề nghị vô cùng hấp dẫn “Bọn tớ chơi từ khi thức dậy cho đến lúc chiều tà. Bọn tớ chơi với bình minh vàng, bọn tớ chơi với vầng trăng bạc” và “Bọn tớ ca hát từ sáng sớm cho đến hoàng hôn. Bọn tớ ngao du nơi này nơi nọ mà không biết từng đến nơi nào”.
Tác giả đã thật tinh tế khi mở ra một thế giới mới lạ, hoàn toàn khác so với thế giới thực tại trong mắt của đứa trẻ. Mây và sóng, những cuộc dạo chơi đến “tận cùng trái đất”, đến “rìa biển cả” - những nơi xa xôi và cũng chính vì thế mới gợi lên sự tò mò của em bé. Ta-go còn thấu hiểu tâm lí của một đứa trẻ, khi để cho em bé lưỡng lự, phân vân trước lời đề nghị đầy hấp dẫn của mây và sóng.
Nếu thiếu đi chi tiết này, cuộc đối thoại của em bé sẽ không thực, vì trẻ em ai lại không ham chơi, không muốn khám phá thế giới mới lạ? Thế nhưng điều đã níu chân em, để em quyết tâm từ chối lời mời hấp dẫn ấy là tình mẫu tử. Vì “Mẹ mình đang đợi ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đến được?” và “Buổi chiều mẹ mình luôn muốn mình ở nhà, làm sao có thể rời mẹ mà đi được?”.
Với em, mẹ còn quan trọng hơn cả những cuộc dạo chơi, khám phá kia. Bởi em đã tự sáng tạo ra được trò chơi của chính mình, có em và có mẹ. Em sẽ là mây, mẹ là trăng, mái nhà là bầu trời xanh thẳm. Em là sóng còn mẹ sẽ là bến bờ kì lạ, “con lăn lăn lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ”.
Tác giả đã dựng nên một bức tranh thật đẹp với những hình ảnh đầy thơ mộng, là sóng là mây, là trăng, là gió, là bến bờ kì lạ. Những sự vật ấy khiến cho không gian như được mở ra mênh mông, cũng giống như trí tưởng tượng bao la của những đứa trẻ.
Không chỉ dựng nên một bức tranh mộng mơ, bài thơ còn mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ta-go đã sử dụng những hình ảnh thiên nhiên, vũ trụ giàu tính biểu tượng để gợi về tình mẫu tử. Mây, sóng, trăng, bến bờ kì lạ là những sự vật thiên nhiên mang tính vĩnh hằng. Điều ấy cũng có nghĩa, ông đã nâng giá trị của tình mẫu tử lên ngang với tầm vóc của vũ trụ, biến nó trở thành tình cảm thiêng liêng, bất diệt.
Hơn thế nữa, trong trò chơi của đứa trẻ, con sẽ là mây, mẹ sẽ là trăng, mái nhà sẽ là bầu trời xanh thẳm; con là sóng, mẹ sẽ là bến bờ kì lạ với hành động “hai bàn tay con ôm lấy mẹ”, “con lăn, lăn, lăn mãi rồi sẽ cười vang vỡ tan vào lòng mẹ” đã gợi cho ta niềm hân hoan, vui sướng của đứa trẻ khi được ở cùng mẹ.
Hạnh phúc giản đơn của chúng chỉ là được mẹ nâng niu, ôm ấp trong sự bao dung như cái bến bờ kì lạ mà con sóng lăn vào. Câu thơ cuối đã mang tới cho người đọc nhiều suy ngẫm “Và không ai trên thế gian này biết mẹ con ta ở chốn nào”. Câu thơ vang lên như một lời khẳng định mẹ con ta ở khắp mọi nơi, không ai có thể chia lìa, cũng có nghĩa tình mẫu tử thiêng liêng luôn tồn tại ở khắp mọi nơi trên thế gian này.
Với hình thức đối thoại lồng trong lời kể của em bé, qua những hình ảnh thiên nhiên giàu ý nghĩa tượng trưng, bài thơ Mây và sóng của Ta-go đã ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng, bất diệt.
Bài tham khảo 2Mây và sóng là tên một bài thơ của nhà thơ Ấn Độ vĩ đại R. Tago (1861 – 1941), được in trong tập Trăng non bằng tiếng Anh năm 1915. Nếu tìm về nguyên tác bằng tiếng Ấn Độ thì Susu có nghĩa là trẻ thơ và đã được xuất bản năm 1909. Điều này ghi nhận tình cảm trong sáng, cao thượng và sự quan tâm nhiều mặt của nhà thơ nổi tiếng này về thế giới trẻ thơ. Đây là một bài thơ hay, yếu tố tưởng tượng cao.
Bài thơ gồm hai phần: Phần mây và phần sóng, nhưng không phải là để tả lại những cảnh mây và sóng mà chỉ là những câu chuyện do em bé tưởng tượng ra. Em bé đóng vai chính trong bài thơ, bên cạnh em còn có người mẹ. Mỗi phần của bài thơ được tạo ra bằng lời kể của em bé về những gì em biết, em nghe được. Em bé kể những gì mà các bạn mây và sóng rủ rê em. Từ đó, bài thơ bắt đầu bằng lời gọi mẹ âu yếm, để mách với mẹ điều mà em bé cảm nhận:
Mẹ ơi, kìa ai đang gọi con trên mây cao
Thì ra đó là các bạn mây.
Các bạn mây đang nói chuyện với em.
Rồi em kể cho mẹ những gì mà “họ bảo” với em:
Chúng ta vui chơi từ tinh mơ đến hết ngày
Chúng ta đùa giỡn với bình minh vàng rồi lại đùa cùng trăng bạc
Hóa ra họ đang vui chơi, họ muốn cùng em vui chơi.
Họ muốn cùng em đi khắp bầu trời.
Nhưng mà làm thế nào tôi lên trên ấy được?
Phải rồi, muốn đi chơi cùng với họ thì phải lên được bầu trời đã chứ.
Họ trả lời:
Con hãy đi hết cõi đất,
Rồi giơ tay lên trời,
Con sẽ bay bổng lên mây
Trí tưởng tượng thật hồn nhiên kì diệu, như thực như mơ. Trẻ thơ nào cũng ham chơi, cũng thích được chơi. Còn gì thú vị hơn là được chơi “từ tinh mơ đến hết ngày”, được đùa giỡn trong nắng vàng buổi sớm và trong ánh bạc đêm trăng. Ánh vàng, ánh bạc trải rộng trong không gian và thời gian, tạo ra một nơi vui chơi không bao giờ chán.
Nhưng em bé vẫn không quên là mình đang kể cho mẹ nghe và thế là em mách lại cho mẹ nghe lời đối đáp của em:
Mẹ đợi tôi ở nhà,Tôi có lòng nào bỏ được mẹ tôi. À ra thế, dù chơi đâu, dù chơi với ai, em bé vẫn nhớ tới người mẹ, nhớ tới ngôi nhà ở đó có mẹ. Mẹ là tất cả. Không nỡ “lòng nào bỏ được mẹ tôi”. Các bạn mây “mỉm cười” hiểu ra vấn đề và “lửng lơ họ bay mất”. Giấc mơ của em bé với các bạn mây kết thúc. Cuộc trò chuyện cũng kết thúc.
Và bây giờ còn lại em bé với mẹ. Em mách mẹ về một “trò chơi còn hay hơn”. Đó là trò chơi mà em nghĩ ra. Ở đó: Con làm mây, mẹ làm mặt trăng, hai tay con ôm mặt mẹ, mái nhà là trời xanh. Thật là một trò chơi ngộ nghĩnh nhưng rất thơ mộng. Trong trò chơi đó, có hai nhân vật mẹ – con.
Ở đó có sự phân vai: Mẹ trở thành trăng bạc, trong ngôi nhà là không gian xanh, còn con hóa vầng mây ôm lấy vầng trăng như cánh tay trẻ thơ ôm lấy gò má của người mẹ. ở đó, cũng có mây, có trăng, có trời cao, nhưng quan trọng nhất là có hai mẹ con. Mẹ con mãi mãi bên nhau.
Em bé lại kể tiếp:
Mẹ ơi, kìa những ai đang gọi con dưới sóng rì rào
Em lại mách mẹ những gì họ nói với em,
những con sóng miệt mài miên man trên biển cả:
Chúng ta ca hát sớm chiều,
Chúng ta đi mãi mãi,
Không biết là đi qua những đâu
Như vậy là sóng đi nhiều nơi lắm, “đi mãi mãi” trong cuộc viễn du không bao giờ ngừng lại và còn “ca hát sớm chiều”… Thật là một cuộc sống vui vẻ, đầy hấp dẫn đối với trẻ thơ. Nhưng làm thế nào mà đi với họ được, làm thế nào “đuổi được theo?” Họ bảo:
Cứ đi, con cứ đi đến bên bờ biển, đứng im,
Con nhắm mắt lại, sóng sẽ cuốn con đi.
Cách đi cũng dễ dàng, các bước thực hiện cũng rất rõ và cụ thể. Nhưng đối với em bé vẫn chưa đủ, các con sóng chưa thỏa mãn những điều kiện của em. Đáp lại các con sóng, em trả lời:
Nhưng đến tối, mẹ tôi nhớ thì sao?
Tôi làm thế nào rời mẹ tôi được?
Những con sóng cũng biết là thua cuộc, là không rủ được em: “Họ bèn mỉm cười và nhảy nhót, họ dần đi xa”. Còn lại em bé một mình, em bé hữu động lại nghĩ ra trò chơi mới “hay hơn của họ”. Hay hơn là trò chơi của em chỉ hai mẹ con, ở đó mẹ con không rời nhau: “con làm sóng – mẹ làm mặt biển” ở đó:
Con lăn, lăn như làn sóng vỗ,
Tiếng con cười giòn tan vào gối mẹ.
Cái hay của trò chơi là ở chỗ đó. Các bạn sóng và các bạn mây chỉ đi chơi một mình thôi mà không nghĩ đến mẹ của họ, còn em bé, chắc em cũng muốn đi chơi quá chứ. Nhưng phải cùng với mẹ cơ!
Tình mẹ con hòa quyện vào nhau, không tách rời nhau. Em không thể nào thiếu mẹ cũng như mẹ cũng không thể nào thiếu em. Tình mẹ con bao trùm tất cả, có mặt muôn nơi đến mức “không ai trên đời này biết được là mẹ con ta đang ở đâu”. Bởi lẽ, ở đâu có mẹ, ở đó có con; ở đâu có con, ở đó có bóng hình mẹ.
Tình mẹ con – tình mẫu tử từ giấc mơ bước ra cuộc đời, rồi lại từ cuộc đời ẩn tàng vào tâm tưởng, vào suy tư, vào các trò chơi để cho người mẹ quanh năm vất vả thêm được niềm vui và thêm nụ cười. Tình mẫu tử từ xa xưa hiện về trong hiện tại, tình mẫu tử từ hiện tại lan tỏa tới tương lai. Nó được lồng trong các trò chơi về mây và về sóng và ở mọi lĩnh vực,…
Mây và sóng là các hiện tượng thiên nhiên cụ thể nhưng tạo ra được một khung không gian với chiều thời gian. Mây và sóng được nhân hóa trở thành những người bạn cùng trò chuyện rủ rê em bé, để từ đó em bé nói ra những suy nghĩ của mình về người mẹ, về tình mẹ con. Mây và-sóng cũng gắn quyện với nhau, mãi mãi như tình mẹ con bất tử.
Tài liệu khác:
- Tác giả tác phẩm: Bức tranh của em gái tôi - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Những người bạn - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Chuyện cổ tích về loài người - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Nếu cậu muốn có một người bạn - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Những cánh buồm - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Bài học đường đời đầu tiên - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- TRẮC NGHIỆM BÀI BẾP LỬA (BẰNG VIỆT) VÀ BÀN VỀ ĐỌC SÁCH (CHU QUANG TIỀM)
- TRẮC NGHIỆM BÀI KHỞI NGỮ
- TRẮC NGHIỆM BÀI PHÉP PHÂN TÍCH VÀ TỔNG HỢP
- TRẮC NGHIỆM BÀI TIẾNG NÓI CỦA VĂN NGHỆ