Tác giả tác phẩm: Chuyện cổ tích về loài người - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
Ngọc Anh | Chat Online | |
14/11 13:56:14 |
Tác giả tác phẩm: Chuyện cổ tích về loài người - Ngữ văn 6
I. Tác giả- Họ tên đầy đủ: Nguyễn Thị Xuân Quỳnh;
- Năm sinh – năm mất:1942 – 1988;
- Quê quán: La Khê – Hà Đông – Hà Tây, nay là Hà Nội.
- Truyện và thơ viết cho thiếu nhi của bà tràn đầy tình yêu thương, trìu mến, có hình thức giản dị, ngôn ngữ trong trẻo, phù hợp với cách cảm, cách nghĩ của trẻ em.
- Những tác phẩm truyện và thơ viết cho thiếu nhi tiêu biểu: Lời ru mặt đất, Bầu trời trong quả trứng, Bến tàu trong thành phố,...
Chuyện cổ tích về loài người
Xuân Quỳnh
Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác
***
Mắt trẻ con sáng lắm
Nhưng chưa thấy gì đâu!
Mặt trời mới nhô cao
Cho trẻ con nhìn rõ
Màu xanh bắt đầu cỏ
Màu xanh bắt đầu cây
Cây cao bằng gang tay
Lá cỏ bằng sợi tóc
Cái hoa bằng cái cúc
Màu đỏ làm ra hoa
Chim bấy giờ sinh ra
Cho trẻ nghe tiếng hót
Tiếng hót trong bằng nước
Tiếng hót cao bằng mây
Những làn gió thơ ngây
Truyền âm thanh đi khắp
Muốn trẻ con được tắm
Sông bắt đầu làm sông
Sông cần đến mênh mông
Biển có từ thuở đó
Biển thì cho ý nghĩ
Biển sinh cá sinh tôm
Biển sinh những cánh buồm
Cho trẻ con đi khắp
Đám mây cho bóng rợp
Trời nắng mây theo che
Khi trẻ con tập đi
Đường có từ ngày đó
Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng...
Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ
Chuyện con cóc, nàng tiên
Chuyện cô Tấm ở hiền
Thằng Lý Thông ở ác...
Mái tóc bà thì bạc
Con mắt bà thì vui
Bà kể đến suốt đời
Cũng không sao hết chuyện
Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất...
Chữ bắt đầu có trước
Rồi có ghế có bàn
Rồi có lớp có trường
Và sinh ra thầy giáo...
Cái bảng bằng cái chiếu
Cục phấn từ đá ra
Thầy viết chữ thật to
“Chuyện loài người” trước nhất
Nguồn:
1. Xuân Quỳnh, Lời ru trên mặt đất, NXB Tác phẩm mới, 1978
2. Xuân Quỳnh, Bầu trời trong quả trứng, NXB Kim Đồng, 1982
1. Thể loại
Thơ năm chữ
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác- Chuyện cổ tích về loài người là bài thơ được rút ra từ tập thơ Lời ru trên mặt đất, NXB Tác phẩm mới, Hà Nội, 1978, tr. 49 – 52.
3. Phương thức biểu đạtBiểu cảm kết hợp tự sự.
4. Tóm tắt tác phẩm Chuyện cổ tích về loài ngườiBài thơ kể về nguồn gốc loài người với nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo. Trẻ con là trung tâm của vũ trụ, vạn vật trên trái đất được sinh ra là vì trẻ em. Các sự vật, hiện tượng và con người (mẹ, bà, cha,…) xuất hiện để nâng đỡ, nuôi dưỡng, góp phần giúp trẻ con trưởng thành cả về thể chất và tâm hồn.
5. Bố cục tác phẩm Chuyện cổ tích về loài ngườiGồm 2 phần:
+ Phần 1: Khổ 1: Thế giới thủa sơ khai.
+ Phần 2: Đoạn còn lại: Thế giới khi trẻ con ra đời.
6. Giá trị nội dung tác phẩm Chuyện cổ tích về loài người- Chuyện cổ tích về loài người là một bài thơ với sự tưởng tượng hư cấu về nguồn gốc của loài người hướng con người chú ý đến trẻ em.
- Bài thơ tràn đầy tình yêu thương, trìu mến đối với con người, trẻ em.
- Trẻ em cần được yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ.
- Tất cả những gì tốt đẹp nhất đều được dành cho trẻ em. Mọi vật, mọi người sinh ra đều dành cho trẻ em, để yêu mến và giúp đỡ trẻ em.
7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Chuyện cổ tích về loài người- Thể thơ 5 chữ
- Cách nói ngộ nghĩnh, trí tưởng tượng phong phú, độc đáo với những hình ảnh thơ kì lạ, bay bổng.
- Kết hợp các biện pháp tu từ điệp ngữ, so sánh, nhân hóa, ... sinh động, hấp dẫn.
- Ngôn ngữ cô đọng, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, cấu trúc nói ngược làm cho bài thơ có một diện mạo riêng: ý vị hóm hỉnh, vui tươi, hồn nhiên mà vẫn đầy chất thơ.
1. Thế giới trước khi trẻ con ra đời
- Trời được sinh ra đầu tiên. Thế giới lúc này chưa có gì cả, chưa có cây cối, ánh sáng, màu sắc. Tất cả mới chỉ là một màu đen.
2. Thế giới sau khi trẻ con ra đờia. Sự biến đổi:
- Thiên nhiên: Mặt trời bắt đầu nhô cao → ánh sáng xuất hiện → bắt đầu có màu sắc và sự sống của muôn loài:
+ Màu sắc: màu xanh của cỏ cây, màu đỏ của hoa
+ Loài vật: chim hót
+ Sự vật: gió, sông, biển, đám mây, con đường
+ Sông cần đến mênh mông/ Biển có từ thuở đó – tư duy thơ của Xuân Quỳnh. Có thể liên hệ với bài thơ Sóng: Sông không hiểu nổi mình/ Sóng tìm ra tận bể
→ KL1: Tưởng tượng có nét tương đồng với các truyện kể nguồn gốc khác trên thế giới như: truyện Bàn Canh khai thiên lập địa và Nữ Oa sáng tạo con người; truyện trong Kinh Thánh về Jehova sáng tạo ra thế giới và con người trong 7 ngày.
KL2: Theo VB, mỗi sự thay đổi trên thế giới đều bắt nguồn từ sự sinh ra của trẻ con. Các sự vật, hiện tượng xuất hiện đều để nâng đỡ, nuôi dưỡng, góp phần giúp trẻ con trưởng thành cả về vật chất và tâm hồn.
b. Vai trò của sự xuất hiện các thành viên trong gia đình đối với trẻ em- Món quà tình cảm chỉ mẹ mới có thể đem đến được cho trẻ:
+ Tình yêu và lời ru
Tình yêu: bế bồng chăm sóc;
Lời ru: những lời ru quen thuộc, gắn liền không gian sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Việt (đã xuất hiện nhiều trong văn học dân gian như truyện cổ tích, ca dao, v.v...):
cái bống cái bang, cái hoa: không dùng là “con cá bống” hay “bông hoa” mà dùng chỉ từ “cái” – cách nói mộc mạc, giản dị, gần gũi;
cánh cò, vị gừng, vết lấm, cơn mưa, bãi sông cát vắng, v.v...
- Những câu chuyện bà kể cho trẻ và những điều bà muốn gửi gắm:
+ Chuyện bà kể cho trẻ: Chuyện ngày xưa, ngày sau
Chuyện ngày xưa: Chuyện cổ: con cóc, nàng tiên, cô Tấm, Lý Thông, v.v...
Chuyện ngày sau: chuyện ngày sau này là trong đối sánh với ngày xưa, nó có tvẫn là những câu chuyện cổ hoặc là chuyện mà với một người nhiều tuổi, có nhiều trải nghiệm như bà có thể đoán định được.
+ Điều bà muốn gửi gắm qua câu chuyện: Chuyện cô Tấm ở hiền/ Thằng Lý Thông ở ác → Cách gọi: “cô” Tấm, “thằng” Lý Thông → cách gọi thể hiện thái độ, mang tính chất nhận xét.
→ sống có đạo lý, ở hiền gặp lành, được mọi người quý mến, ở ác gặp ác, bị mọi người khinh ghét. Những câu chuyện cổ tích đó là suối nguồn trong trẻo nuôi dưỡng, bồi đắp tâm hồn trẻ thơ.
+ Bà kể đến suốt đời
Cũng không sao hết chuyện
→ Bà là người nhiều tuổi nhất so với bố, mẹ, thầy giáo → am tường nhiều vấn đề của quá khứ, có thể đoán định tương lai và là người sống tình cảm.
- Điều bố dành cho trẻ: khác với điều mà mẹ và bà dành cho trẻ
+ Bà và mẹ: tình cảm, sự yêu thương chăm sóc, lơi ru, câu chuyện cổ tích
Mẹ cho tình yêu, mẹ bế bồng chăm sóc, mẹ hát
Bà cho thỏa mãn khao khát nghe những câu chuyện
+ Bố cho hiểu biết, bố là biểu hiện của lý trí, thay vì tình cảm. Bố không bế bồng, không kể như mẹ, như bà mà bố dạy → vừa nghiêm khắc vừa yêu thương.
→ Mỗi thành viên trong gia đình đều yêu thương, quan tâm đến trẻ. Nhưng mỗi người lại có cách thê thiện tình yêu và vai trò riêng đối với trẻ.
+ Hình ảnh trường lớp và thầy giáo:
Hiện lên với các hình ảnh: chữ viết, ghế, bàn, lớp học, bảng, phấn và thầy giáo
→ Những hình ảnh thân thương, bình dị nhưng đã mang đến cho trẻ thơ những bài học về đạo đức, tri thức, nuôi dưỡng những ước mơ đẹp, v.v... giúp trẻ trưởng thành.
c. Sự giống và khác nhau giữa câu chuyện của nhà thơ Xuân Quỳnh với những câu chuyện nguồn gốc khác- Giống: đều có những yếu tố hoang đường, kỳ ảo; đều nói về nguồn gốc của loài người;
- Điểm khác biệt của nhà thơ Xuân Quỳnh:
+ Không phải người lớn được sinh ra trước mà là trẻ con → Tư tưởng: trẻ con chính là trung tâm của vũ trụ, là những thế hệ mầm non, tương lai → Cần được nâng niu, hướng dẫn;
+ Cách kể mang nét độc đáo, gần gũi với ca dao, tưởng phi lý nhưng lại rất đúng: Có trẻ con rồi người lớn mới trở thành bậc ông bà, cha mẹ: Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu rồi mới sinh bà sinh ông.
→ Sự khác biệt đó thể hiện điều nữ nhà thơ muốn nhắn gửi:
+ Tới trẻ em: Yêu thương những người thân trong gia đình từ những cử chỉ, hành động nhỏ nhất, giản dị, gần gũi nhất;
+ Tới các bậc làm cha mẹ: yêu thương, chăm sóc và dành cho trẻ em những điều tốt đẹp nhất vì các em chính là tương lai của gia đình, đất nước.
Đề bài: Phân tích bài Chuyện cổ tích về loài người
Bài tham khảo 1
“Chuyện cổ tích về loài người” là một trong những bài thơ hay của Xuân Quỳnh. Với bài thơ này, Xuân Quỳnh đã lí giải cho người đọc về nguồn gốc của loài người một cách độc đáo mà thú vị.
“Trời sinh ra trước nhất
Chỉ toàn là trẻ con
Trên trái đất trụi trần
Không dáng cây ngọn cỏ
Mặt trời cũng chưa có
Chỉ toàn là bóng đêm
Không khí chỉ màu đen
Chưa có màu sắc khác”
Khi trái đất vẫn còn trần trụi, không có một dáng cây hay ngọn cỏ. Ánh sáng của mặt trời cũng chưa xuất hiện, chỉ toàn là bóng đêm. Trời đã sinh ra trẻ em đầu tiên - đây chính là cách lý giải nguồn gốc có phần trái ngược với thực tế, nhưng được xuất phát từ tình yêu thương sâu sắc của nhà thơ dành cho con trẻ.
Mọi vật trên trái đất xuất hiện đều vì trẻ em. Đôi mắt của trẻ em rất sáng nhưng chưa thể nhìn thấy gì, vì vậy mặt trời xuất hiện cho trẻ con nhìn rõ. Để giúp trẻ con nhận biết màu sắc thì cây mới có màu xanh, hoa mới có màu đỏ. Không chỉ màu sắc mà còn có âm thanh được trẻ con cảm nhận khi loài chim được sinh ra với tiếng hót. Dòng sông, biển cả, đám mây, con đường ra đời cũng là để phục vụ cuộc sống của trẻ con. Mọi sự vật của tự nhiên đều được ra đời nhờ có trẻ em.
Tiếp đến, Xuân Quỳnh lí giải nguồn gốc ra đời của gia đình, đầu tiên là sự xuất hiện của mẹ:
'Nhưng còn cần cho trẻ
Tình yêu và lời ru
Cho nên mẹ sinh ra
Để bế bồng chăm sóc
Mẹ mang về tiếng hát
Từ cái bống cái bang
Từ cái hoa rất thơm
Từ cánh cò rất trắng
Từ vị gừng rất đắng
Từ vết lấm chưa khô
Từ đầu nguồn cơn mưa
Từ bãi sông cát vắng...'
Đoạn thơ được mở đầu với sự có mặt của người mẹ trong thế giới. Lý do mẹ có mặt trên đời thật đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa. Trẻ con cần có bàn tay dịu dàng chăm sóc, lời hát ru ngọt ngào của người mẹ. Bởi vậy mà mẹ xuất hiện để đem đến tình yêu thương bao la. Những câu thơ được mở đầu bằng chữ “từ” nhằm khẳng định nguồn gốc ra đời của lời ru. Lời ru được sinh ra từ những thứ thật giản dị, dễ tìm và dễ thấy. “ Từ cái bống, cái bang, từ bông hoa rất thơm, từ vị gừng rất đắng, từ vết lấm chưa khô, từ đầu nguồn cơn mưa, từ bãi sông cát vắng...”. Tất cả những điều đó đều ở xung quanh trẻ em, gần gũi và quen thuộc. Trong lời ru đó đã gửi gắm âm thanh, mùi vị, hương sắc, hình dáng... của thiên nhiên để con trẻ cảm nhận. Lời ru cũng như tình yêu của mẹ đều có nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau, tự nhiên như trời đất vốn có. Tình yêu của mẹ cũng lớn lao, mênh mông như thế và được gửi gắm vào trong những lời hát ru.
Sau đó, người bà đã đến với thế giới để giúp trẻ con hiểu hơn về những nét đẹp của đất nước, văn hóa:
'Biết trẻ con khao khát
Chuyện ngày xưa, ngày sau
Không hiểu là từ đâu
Mà bà về ở đó
Kể cho bao chuyện cổ
Chuyện con cóc, nàng tiên
Chuyện cô Tấm ở hiền
Thằng Lý Thông ở ác…
Mái tóc bà thì bạc
Con mắt bà thì vui
Bà kể đến suốt đời
Cũng không sao hết chuyện'
Chắc hẳn tuổi thơ của mỗi người đều sẽ in đậm hình ảnh người bà nhân hậu với những truyện cổ tích quen thuộc như: con cóc, nàng tiên; chuyện cô Tấm ở hiền; thằng Lý Thông ở ác… Qua những câu chuyện đó, điều mà bà muốn gửi gắm đó chính là cội nguồn và văn hóa của dân tộc, hướng đến cách sống hiền lành, lương thiện.
Nhưng trẻ con cũng cần phải có hiểu biết, bởi vậy mà người bố đã ra đời:
'Muốn cho trẻ hiểu biết
Thế là bố sinh ra
Bố bảo cho biết ngoan
Bố dạy cho biết nghĩ
Rộng lắm là mặt bể
Dài là con đường đi
Núi thì xanh và xa
Hình tròn là trái đất...'
Nhờ “bố bảo”, “bố dạy” mà trẻ em “ biết ngoan”, “biết nghĩ”. Con người mở rộng tầm hiểu biết, ngày một khám phá mọi sự vật, mọi hiện tượng xung quanh. Không chỉ vậy, khi cuộc sống ngày càng phát triển, trường học đã ra đời. Đó chính là biểu hiện của một xã hội văn minh. Lớp, trường, bàn, ghế, cái bảng, cục phấn, chữ viết, ông thầy.. là những biểu tượng thể hiện sự thay đổi kỳ diệu cuộc sống loài người trên trái đất ngày một văn minh.
Với “Chuyện cổ tích về loài người”, Xuân Quỳnh đã bộc lộ tình yêu thương sâu sắc dành cho trẻ em. Đồng thời gửi gắm thông điệp rằng hãy chăm sóc và nâng niu trẻ em.
Tài liệu khác:
- Tác giả tác phẩm: Nếu cậu muốn có một người bạn - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Những cánh buồm - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Cô bé bán diêm - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Bắt nạt - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Gió lạnh đầu mùa - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Những người bạn - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Bức tranh của em gái tôi - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Mây và sóng - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Bài học đường đời đầu tiên - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- TRẮC NGHIỆM BÀI BẾP LỬA (BẰNG VIỆT) VÀ BÀN VỀ ĐỌC SÁCH (CHU QUANG TIỀM)