Tác giả tác phẩm: Sọ dừa - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
Ngọc Anh | Chat Online | |
19/11/2024 09:29:26 |
Tác giả tác phẩm: Sọ dừa - Ngữ văn 6
I. Đọc tác phẩm Sọ DừaSọ Dừa
Ngày xưa, có hai vợ chồng nhà kia đi ở đợ cho một lão phú ông gần một đời. Hai vợ chồng rất hiền lành, đã ngoài năm mươi tuổi mà chưa có con. Một ngày nắng gắt, người vợ vào rừng hái củi cho chủ, khát nước quá mà không tìm thấy suối. Bà lần đến hốc cây to xem có chút nước mưa nào còn đọng lại không, thì thấy một cái sọ người bên tảng đá cọp bỏ lại từ lâu, trong sọ có đầy nước trong vắt. Tuy sợ, nhưng vì khát quá, bà đánh liều bưng lên uống. Nước vừa qua cổ, bà bỗng thấy khoan khoái khác thường, thấm thìa đến ruột gan.
Ít lâu sau, bà phát hiện ra mình đã mang thai. Chẳng bao lâu, người chồng cũng chết. Công việc trong nhà phú ông trút cả vào người vợ. Bà làm quần quật suốt ngày, ăn đói mặc rách, nhưng vẫn còn một niềm vui là sắp có con.
Đủ chín tháng mười ngày thì bà sinh ra một cục thịt tròn lông lốc, có đủ mặt mũi, mồm tai nhưng không có mình mẩy chân tay gì cả. Bà vừa toan vứt đi, thì cục thịt đột nhiên bảo bà rằng: “Mẹ ơi, con là người đây, mẹ ạ! Mẹ đừng bỏ con đi mà tội nghiệp!” Bà cảm động, bọc cục thịt trong lòng, nâng niu và cho bú.
Biết việc ấy, phú ông cho là yêu quái, bắt bà đem chôn cục thịt đi nhưng bà không nghe. Phú ông liền đuổi bà ra ở túp lều ngoài vườn sắn. Đứa con trông kì quái thật, nhưng nó thật khôn, bà đặt tên nó là Sọ Dừa. Mỗi buổi sáng sớm, trước khi vào nhà phú ông làm, bà thường dặn: “Sọ Dừa ở nhà cho ngoan, rồi mẹ đem về cho con một nắm cơm, Sọ Dừa nhé!”
Bà đi ra khỏi lều tranh, thì Sọ Dừa đã biến thành một em nhỏ rất xinh, dọn cửa nhà đâu vào đấy rồi lại chui vào cái đầu tròn, nằm ở góc nhà. Bà về lấy làm lạ nhưng rình mãi không thấy gì, cũng đành thôi. Đi đâu, Sọ Dừa cũng lăn lông lốc, người trong làng trước còn sợ, sau dần dần cũng quen. Thấy Sọ Dừa khôn ngoan, nhiều người còn cho Sọ Dừa ăn quà.
Một hôm, bà về có vẻ buồn bã không vui như mọi ngày. Thấy thế, Sọ Dừa hỏi, bà thở dài bảo con rằng: Con người ta thì bảy tám tuổi đã đi chăn trâu, chăn dê, còn mày thì tao chả trông chờ gì được! Bây giờ ông chủ có một đàn dê mà chưa tìm được người chăn. Giá mà mày như con người ta thì cũng kiếm thêm được ít gạo vào nồi.
Sọ Dừa nói với mẹ: “Mẹ ơi, con chăn được. Con chăn được đấy, mẹ cứ vào nói với phú ông đi!” Sọ Dừa giục mẹ vào nói với phú ông. Mới đầu, lão gạt phắt đi, sợ giao cho Sọ Dừa chăn thì nó đánh lạc mất dê của mình, nhưng thấy bà cụ năn nỉ mãi, vả lại nghe nói Sọ Dừa khôn lắm, nên lão bảo bà: “ừ, thì bảo con mụ từ ngày mai cứ sáng sáng vào đây đuổi dê lên núi, rồi đến chiều lại đuổi dê về”. Bà cụ mừng rỡ, nhưng trong lòng bà vẫn lo.
Từ khi Sọ Dừa chăn dê, thì ngày nắng cũng như ngày mưa, đàn dê lúc nào cũng no nê, béo trông thấy, lớn như thổi, làm cho phú ông rất hài lòng. Lão thích nhất là mỗi ngày Sọ Dừa chỉ ăn hết có hai nắm cơm rất nhỏ của lão.
Phú ông có ba người con gái, đứa lớn thì ác nghiệt, đứa thứ hai thì chua ngoa, chỉ có đứa con gái thứ ba là hiền hậu. Ngày mùa, mọi người ra đồng làm cả, ba cô phải thay nhau đem cơm lên núi cho Sọ Dừa.
Một hôm đến lượt cô ba đi đưa cơm. Đi đến chân núi thì cô nghe tiếng sáo véo von. Tiếng sáo lúc bổng lúc trầm, lúc mau lúc khoan, thấm thìa cõi lòng, làm cô gái tự nhiên thấy bồn chồn, thổn thức. Núi nhấp nhô, cô trèo lên một quãng ngắn là đã lên đến lưng chừng núi, chỗ đàn dê đang ăn. Đứng nấp trong bụi nhìn ra, cô thấy một chàng thanh niên tuấn tú độ mười sáu, mười bảy tuổi đang thổi sáo ngồi trên chiếc võng đào mắc vào hai cành cây. Những con chim khuyên đậu cả lên võng của chàng, chàng vẫn thổi sáo, không biết có người nghe trộm mình, tiếng sáo vi vu vang cả núi rừng. Người thiếu nữ mải nghe, mải nhìn quá, vịn ngay phải cành khô. Cành gãy răng rắc. Nghe tiếng động, chàng thanh niên biến ngay ra Sọ Dừa. Từ đấy, cô đem lòng yêu Sọ Dừa, có cái gì ngon cô cũng cất giấu, để đến phiên mình đem cơm, cô sẽ đem cho Sọ Dừa.
Hai mẹ con Sọ Dừa rất thương yêu nhau. Bà mẹ phiền một nỗi là con mình bất thành nhân dạng thì bà còn mong gì có nàng dâu. Sọ Dừa biết ý, bảo với mẹ rằng:
- Phú ông có ba người con gái, mẹ cố kiếm lấy buồng cau vào xin một cô cho con.
Bà mẹ phì cười: - Mày thì có ma nó lấy!
Nhưng Sọ Dừa cứ giục mãi, bà đành kiếm một buồng cau vào nói với phú ông. Lão vuốt râu cười chế nhạo, cố nén giận, bảo bà cụ rằng:
- Con mụ hình thù quái quỷ như thế mà cũng chòi vòi thế kia à?
Ngẫm nghĩ một lúc, lão lại bảo bà cụ:
- Mụ về bảo nó nếu có đủ các thứ này thì ta gả con cho: Một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười con dê béo, mười vò rượu tăm. Lại phải dựng lấy năm gian nhà ngói, câu đầu bằng bạc, xà ngang bằng đồng, thì ta mới cho rước dâu về. Neu thằng Sọ Dừa nhà mụ có thể kiếm đủ các thứ ấy thì mụ sang đây nói cho ta biết.
Bà về nói với con, tưởng con thôi việc đòi lấy vợ. Không ngờ Sọ Dừa bảo mẹ rằng:
- Mẹ sang ngay nói với phú ông rằng con sẽ có những thứ ấy.
Bà mẹ sợ con nói liều, ngần ngừ không đi, nhưng Sọ Dừa cam đoan với mẹ rằng không những sẽ có đủ mà còn có nhiều hơn. Bà cụ lại lóc cóc vào nói với phú ông. Lần này lão phú ông có vẻ ngần ngại. Lão bảo cụ:
- Để ta gọi cả ba con gái ra, xem thử có đứa nào ưng lấy con mụ không đã.
Lão gọi ba con gái ra lần lượt từng người một. Hai đứa con gái lớn đều giãy nảy lên, đến lượt người con gái thứ ba, thì vừa nghe cha hỏi, cô liền thưa:
- Cha đặt đâu con xin ngồi đấy ạ!
Phú ông không biết nói thế nào, bèn quay lại hẹn với bà cụ ngày đưa đồ sính lễ. Trong bụng lão vẫn cho là mẹ con Sọ Dừa chẳng qua chỉ nói láo: “Nói láo thì phen này mẹ con mày phải chết với ông!”.
Chẳng bao lâu đã đến ngày nộp sính lễ. Sọ Dừa vẫn ngày ngày đi chăn dê. Chẳng tỏ ý lo lắng gì cả. Còn bà cụ thì lo lắng, bảo Sọ Dừa rằng:
- Tao cứ tưởng mày thánh tướng thế nào, nên mới nghe lời mày đi xin cưới con gái phú ông. Bây giờ mày cứ ỳ ra như thế, tao biết tính sao đây?
Sọ Dừa chỉ nhe răng cười, chẳng nói chẳng rằng.
Thấm thoắt chỉ còn một ngày nữa là phải đưa đồ sính lễ sang nhà phú ông. Nhìn trong nhà bà cụ chỉ thấy vài manh chiếu rách và vài cái niêu đất. Bà lo lắng chỉ muốn đem con trốn đi, sợ sai hẹn thì rước vạ vào thân. Bà buồn rầu nằm xuống chõng, trùm chiếu ngủ lúc nào không biết.
Sáng hôm sau, vừa mở mắt, thì bà thấy mình không còn ở cái lều cũ nát nữa. Bà thấy bà đang nằm trong chăn gấm, trên sập gụ. Sọ Dừa cũng nằm trên đệm gấm, đắp chăn thêu. Leu tranh vách nát của bà đã biến ra một cái nhà gạch đồ sộ, câu đầu bằng bạc, xà ngang bằng đồng, bà cụ sướng quá reo lên. Nhưng nhìn con, bà lại buồn, nhà cửa thế này, mà con thế ấy! Bà lại thấy ở góc nhà một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, và ở ngay dưới hè, hai mươi con lợn béo, hai mươi con dê béo, và hai chục vò rượu. Bà sung sướng quá gọi Sọ Dừa:
- Nào, chú rể đâu ra đây, ra đây để đưa đồ sính lễ. Thôi thế này thì thừa rồi con ạ!
Sọ Dừa thưa với mẹ:
- Lợn, dê và rượu ta bớt lại mỗi thứ lấy mười, để rước dâu về còn làm cỗ mời khách.
Rồi Sọ Dừa lăn từ trên sập gụ xuống đất, đến gần mẹ. Anh quay xuống nhà dưới gọi:
- Nào, chúng bay đâu, ra cả đây!
Anh vừa gọi dứt lời thì có hai chục gia nhân vừa trai vừa gái ở nhà dưới chạy lên. Người nào người nấy đều mặc áo che thân. Bà cụ hoa cả mắt, không hiểu ra sao cả.
Các đồ sính lễ khiêng sang nhà phú ông, bà cụ cũng có đủ gấm vóc lượt là, nón, dép để mặc đi đón dâu. Chỉ riêng Sọ Dừa vẫn lăn theo mẹ. ở nhà phú ông, ai nấy đều không hiểu sao mẹ con Sọ Dừa lại kiếm ra được đồ sính lễ như thế. Phú ông đành chịu nhận lễ và gả con gái thứ ba cho Sọ Dừa.
Chiều hôm ấy, Sọ Dừa rước dâu về nhà. Cỗ bàn thật linh đình, người nhà chạy ra chạy vào tấp nập. Làng xóm ngồi đầy nhà, chuyện trò như pháo rang, các chú bé chăn bò cùng Sọ Dừa đều có mặt đầy đủ.
Đến tối, khi các cây sáp lớn đã thắp sáng trưng nhà trên nhà dưới, thì không ai thấy Sọ Dừa đâu cả. Bà con làng xóm sắp sửa ra về, bỗng thấy một anh chàng rất đẹp ở phòng bên đi ra với cô dâu. Mọi người đều sửng sốt. Hai người đến chào khách, chàng thanh niên nói:
- Thưa các cụ và các bà con, tôi là Sọ Dừa. Vợ chồng tôi xin ra chào các cụ, cảm tạ các cụ và bà con đã quá bộ đến chia vui cùng gia đình chúng tôi.
Sung sướng nhất là bà mẹ, bà ôm chầm lấy dâu, lấy con, không nói lên lời. Cái tin Sọ Dừa trở thành một thanh niên tuấn tú vừa bay sang nhà phú ông, thì hai cô chị vừa tiếc vừa ghen, vừa tức tối.
Từ đó, Sọ Dừa miệt mài đèn sách đợi khoa thi, Sọ Dừa học rất thông minh, tiếng vang cả vùng. Quả nhiên đến khoa thi, Sọ Dừa đỗ trạng nguyên. Trong khi anh còn ở kinh thành thì nghe được tin mẹ mất. Anh quay về nhà được ít lâu thì có chiếu vua gọi anh đi sứ. Trước khi từ giã vợ lên đường, anh đưa cho vợ hòn đá lửa, một con dao, hai quả trứng gà, dặn vợ phải luôn dắt trong mình, phòng khi gặp nạn thì khắc biết cách dùng.
Từ khi thấy em lấy được chồng tuấn tú, lại đỗ trạng nguyên, hai cô chị định tâm hại em, hòng thay em làm bà trạng. Nay thấy em ở nhà một mình, thường lân la sang chơi tìm cách ám hại.
Một hôm, trời trong gió mát, hai chị đến rủ em đi thuyền. Người em tưởng hai chị thương yêu mình, nên nhận lời đi ngay. Ba chị em xuống một chiếc thuyền, rồi chèo ra gần cửa bể. Sông rộng mênh mông, sóng nước cao ngất, ở đó thường có gió to cá lớn. Hai người chị chèo thuyền đưa em đi chơi một lúc, rồi chèo thuyền vào bờ. Chúng vội nhảy lên trước, thu nhặt hết mái chèo, và đẩy thuyền ra giữa dòng nước. Thuyền không chèo, bị nước xoáy cuốn hút, chìm nghỉm. Bấy giờ hai cô chị mới hô hoán lên, giả vờ khóc thảm thiết một hồi, làm như em đi chèo thuyền một mình mà chết đuối.
Thuyền người em vừa chìm khỏi mặt nước thì một con cá kình nuốt luôn cả thuyền lẫn người vào bụng. Người em vẫn tỉnh táo như thường. Nhớ lời chồng dặn, chị lấy dao khoét thịt cá, làm cho cá vùng vẫy một lúc rồi chết nổi trên mặt nước. Xác cá trôi dạt vào một bãi cá bên rừng.
Người em khoét bụng cá chui ra. Nàng sờ lại túi quần thấy còn nguyên hai quả trứng và hòn đá lửa. Nàng xẻo thịt cá, hớt muối ở dưới bể, rồi đem cá vào gốc cây khô để dành ăn dần. Nàng lại lấy cỏ khô áp vào đá lửa, lấy dao đánh đá để có lửa sưởi và nướng. Nàng lấy nước, lấy lá, dựng tạm một cái lều con ngay gần bờ sông. Ngày ngày nàng vào rừng hái cây, đào củ mài để ăn thay gạo. Một hôm nàng thấy hai quả trứng trong túi mình cựa quậy, nàng đặt hai quả trứng vào đám cỏ khô, thì một lúc sau vỏ trứng nứt ra, hai con gà con chui ra. Nàng bắt sâu cho gà ăn. Đôi gà mau lớn lắm. Chẳng bao lâu trông chúng đã rõ ra một con trống, một con mái. Nàng coi đôi gà như con mình. Đôi gà khôn lắm, chúng cảm thấy tình yêu của người.
Ngày tháng trôi qua, rừng rậm sông sâu, thân gái một mình, nàng không biết đường lối nào mà về. Nàng đành đợi có thuyền qua thì gọi. Một buổi chiều, đột nhiên nàng nghe thấy tiếng gà gáy ở ven sông: “ò ó… o o!. Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về”.
Nàng vội chạy ra sông thì thấy con gà trống đang vươn cổ gáy và một chiếc thuyền lớn đang đi vào trong sông. Thuyền càng đến gần, thì gà lại càng gáy to: “òóoo! Phải thuyền quan trạng rước cô tôi về”. Nàng đứng gần đôi gà yêu quý, gà vừa gáy dứt tiếng thì nàng trông thấy một người trong khoang thuyền đi ra đứng ở đầu mũi. Người ấy chính là Sọ Dừa, chồng nàng.
Sọ Dừa cũng trông thấy vợ, những người thương yêu nhau hay sáng mắt, thính tai. Thuyền ghé vào bờ. Chàng vội bước lên, nàng vội chạy xuống, cầm tay nhau nghẹn ngào không nói ra lời. Sọ Dừa đón vợ xuống thuyền. Một lúc sau nghe vợ kể chuyện, Sọ Dừa mới biết lòng tham nham hiểm của hai người chị.
Về đến nhà, anh giấu vợ vào phòng kín, rồi bày tiệc mời cả nhà vợ và bà con hàng xóm sang ăn. Hai người chị ăn mặc thật sang trọng. Nghe tin quan trạng, hai đứa gièm pha lẫn nhau ngay từ lúc ở nhà. Đứa nào cũng muốn thay thế em làm bà trạng. Sang đến nhà Sọ Dừa, hai đứa tranh nhau kể lể việc người em chết đuối cho Sọ Dừa nghe, rồi khóc thút thít nhưng không quên luôn tay sửa lại mái tóc, và thỉnh thoảng liếc mắt đưa tình quan trạng.
Rượu uống được nửa tuần, Sọ Dừa đứng dậy, đi vào phòng đưa vợ ra chào mọi người. Vừa trông thấy em, hai người chị mặt mày tái mét, chân tay rụng rời. Thừa lúc mọi người hỏi han trò chuyện xôn xao. Chúng lén ra ngoài trốn biệt tăm hơi.
(Trương Chính, Truyện cổ dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1983, tr. 53 - tr.54)
1. Thể loại
Truyện cổ tích
2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác+ Theo Trương Chính (chủ biên), Truyện cổ dân gian Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1983, tr53-55)
3. Phương thức biểu đạtTự sự
4. Người kể chuyệnNgôi thứ ba
5. Tóm tắt tác phẩm Sọ DừaSọ Dừa là câu chuyện về cậu bé mang hình hài kì lạ, xấu xí làm công việc chăn bò cho nhà phú ông, lấy được cô Út làm vợ và thi đỗ trạng nguyên. Mặc cho sự ghen ghét đố kị của hai người chị vợ, hai vợ chồng Sọ Dừa vẫn vượt những thử thách éo le để đoàn tụ.
6. Bố cục tác phẩm Sọ DừaGồm 3 phần:
- Phần 1 (từ đầu đến “đặt tên cho nó là Sọ Dừa”): Sự ra đời của Sọ Dừa
- Phần 2 (tiếp đó đến “phòng khi dùng đến”): Sọ Dừa cưới cô út, quay về hình dạng tuấn tú và thi đỗ trạng nguyên
- Phần 3 (còn lại): Biến cố bị hãm hại và sự đoàn tụ vợ chồng
7. Giá trị nội dung tác phẩm Sọ DừaSọ Dừa là truyện cổ tích về người mang lốt vật, kiểu nhân vật khá phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Truyện Sọ Dừa đề cao giá trị chân chính của con người và tình thương đối với người bất hạnh
8. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Sọ DừaSử dụng thể loại truyện cổ tích với những chi tiết hoang đường, kì ảo.
1. Sự ra đời của Sọ Dừa
- Bà mẹ vào rừng hái củi, khát nước mà không tìm thấy suối, bà uống nước mưa trong cái sọ dừa bên gốc cây to rồi mang thai
- Bà sinh ra một đứa bé không chân, không tay, tròn như quả dừa nhưng lại biết nói.
→ Sự ra đời kì lạ. Qua đó, đề cập đến những người đau khổ, thấp hèn trong xã hội xưa, vẻ ngoài xấu xí, nhân dân nhận thức sâu sắc về số phận và địa vị xã hội của mình.
2. Sọ Dừa cưới cô út, trở về với hình dạng ban đầu và thi đỗ trạng nguyên- Tài năng của Sọ Dừa:
+ Chăn bò rất giỏi: ngày nắng cũng như ngày mưa,bò con nào con nấy bụng no căng
+ Thổi sáo rất hay: thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ
+ Tự biết khả năng của mình: gì chứ cho phú ông thì con cũng làm được, muốn cưới con gái phú ông làm vợ
→ Tuy có vẻ ngoài xấu xí nhưng Sọ Dừa có bên trong đẹp đẽ.
- Nhân vật cô Út:
+ Hiền lành, tử tế, thông minh, biết xử trí kịp thời để thoát nạn, là người đầy tình thương
+ Cô út bằng lòng lấy Sọ Dừa vì tính tình hiền lành, tử tế, không phân biệt, xét đoán qua vẻ bề ngoài; cô nhận ra vẻ đẹp bên trong Sọ Dừa, tình yêu chân thành.
- Sọ Dừa lấy cô út:
+ Có đầy đủ sính lễ theo yêu cầu của phú ông
+ Sọ Dừa trở về hình dạng ban đầu là một chàng trai khôi ngô, tuấn tú
- Sọ Dừa thi đỗ Trạng nguyên và được cử đi sứ
→ Mơ ước đổi đời của nhân dân lao động
3. Biến cố bị hãm hại và sự đoàn tụ của vợ chồng Sọ Dừa- Trong thời gian Sọ Dừa đi sứ, hai cô chị sinh lòng ghen ghét, định tâm hại em để làm bà trạng
- Nhớ lời dặn của chồng, cô út thoát được chết, dựng lều sống giữa đảo vắng
- Sọ Dừa gặp lại vợ ở đảo vắng,đón vợ về nhà
- Kết thúc: hai vợ chồng Sọ Dừa sống hạnh phúc, hai cô chị bỏ đi biệt xứ
→ Mơ ước về một xã hội công bằng,cái thiện chiến thắng cái ác
4. Ý nghĩa của truyện- Đề cao, ca ngợi giá trị bên trong của con người → kinh nghiệm khi đánh giá con người: tốt gỗ hơn tốt nước sơn.
- Đề cao lòng nhân ái.
- Khẳng định niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của sự công bằng.
Đề bài: Phân tích bài Sọ Dừa
Bài tham khảo 1
Sọ Dừa là một truyện cổ tích thần kì, khá quen thuộc trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
Trong truyện Sọ Dừa, tác giả dân gian đã sử dụng nhiều yếu tố kì ảo. Bà mẹ uống nước trong cái sọ dừa, thụ thai rồi sinh ra Sọ Dừa không có đầu, mình, chân, tay, chỉ là một cục thịt tròn lăn lông lốc nhưng biết nói; Sọ Dừa có thể trút lốt thành một thanh niên khôi ngô, tuấn tú, thổi sáo giỏi, chăn bò khéo; hoá phép ra nhiều vàng bạc, lụa đào, biến ngôi nhà tồi tàn lụp xụp thành nhà cao cửa rộng, có kẻ hầu người hạ; hai con gà biết gáy tiếng người mách cho Sọ Dừa vào đảo đón vợ.
Những yếu tố kì ảo kể trên có tác dụng làm cho truyện thêm hấp dẫn người nghe. Hơn nữa, nó làm cho truyện phát triển và kết thúc theo mong ước của nhân dân. Chẳng hạn, nếu không có yếu tố kì ảo thì một người dị dạng như Sọ Dừa làm sao có thể bỗng chốc biến thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú, hay ngôi nhà lụp xụp của hai mẹ con Sọ Dừa làm thế nào chỉ trong một đêm có thể trở thành một tòa nhà lớn và sang trọng được...
Mở đầu truyện Sọ Dừa, tác giả dân gian kể rằng, ở làng nọ có hai vợ chồng nghèo đi ở cho phú ông. Một hôm người vợ vào rừng hái củi, khát nước quá mà chẳng tìm đâu ra nước, chỉ có cái sọ dừa bên gốc cây đựng đầy nước mưa. Bà đành phải uống, thế rồi có mang và sinh ra Sọ Dừa. Đó là sự ra đời không bình thường, nhờ sự tham gia của yếu tố kì ảo. Sự ra đời đó thường báo hiệu một số phận khác thường của nhân vật cổ tích. Đằng sau nhân vật Sọ Dừa là cái nhìn đầy trắc ẩn và nhân đạo của nhân dân đối với những người có hình thức xấu xí và số phận không may mắn.
Sọ Dừa tuy là một người dị dạng, xấu xí, nhưng chàng cũng là một người có tài. Tài năng của chàng trước hết là lao động giỏi. Chàng chăn bò rất giỏi, thể hiện qua chi tiết: đàn bò của chàng, con nào con nấy ăn no béo tròn. Chàng cũng là người thổi sáo rất hay: tiếng sáo véo von khiến cô Ba ngạc nhiên và tò mò phải để ý và đem lòng yêu. Chàng cũng là người có phép lạ, tạo ra nhiều biến hoá kì dị. Những phép lạ đó vừa thể hiện ước mơ bay bổng của tác giả dân gian, vừa là sự thần thánh hoá, kì ảo hoá những thành công lao động của con người.
- Giữa hình dạng xấu xí của Sọ Dừa với tài năng của chàng chưa tương xứng với nhau, nhất là theo quan niệm thẩm mĩ dân gian. Sọ Dừa là người có tài năng kì lạ và phẩm chất tốt đẹp của người lao động nhưng vẻ ngoài của chàng lại quá xấu xí. Sự không tương xứng ấy bộc lộ một triết lí dân gian sâu sắc. Đó là, không nên nhìn con người chỉ qua hình thức bên ngoài, cần phải nhìn nhận và đánh giá con người ở nội dung, ở phẩm chất và tài năng của họ. Tuy nhiên, cũng theo quan niệm thẩm mĩ dân gian, cái tốt luôn đi cùng với cái đẹp. Quan niệm đó là, người tốt người giỏi nhất định phải là người đẹp, đã là người đẹp thì nhất định phải đẹp từ phẩm chất đến hình thức và ngược lại. Trong truyện cổ tích không có người nào chỉ đẹp về nội dung hoặc chỉ đẹp về hình thức mà thôi. Vì vậy, hình thức xấu xí không cần trổ tài năng và hạnh phúc của Sọ Dừa, song tác giả dân gian vẫn không để cho một người giỏi như chàng phải mãi mang cái vỏ xấu xí như vậy. Cuối cùng, Sọ Dừa cũng trút bỏ vĩnh viễn cái lốt xấu xí để trở thành một chàng trai khôi ngô, tuấn tú phù hợp với quan niệm thẩm mĩ của nhân dân.
“Sọ Dừa” là một truyện cổ tích đặc sắc và độc đáo trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Đặc sắc và độc đáo về cốt truyện, hấp dẫn về các tình tiết, yếu tố li kì mà lại rất đời, đan xen vào nhau tạo nên nhiều tình huống đã tô đậm cảm hứng nhân văn, ước mơ và niềm tin về một sự đổi đời, về hạnh phúc tỏa sáng tâm hồn mỗi chúng ta khi nghĩ về số phận, thân phận, về những nhân vật 'bé nhỏ' như chàng Sọ Dừa trong cổ tích.
Yếu tố thần kì, tính chất thần kì trong truyện 'Sọ Dừa' không phải do một lực lượng siêu nhiên như Phật trong 'Tấm Cám', như Tiên ông trong 'Cây tre trăm đốt', như Ngọc Hoàng... trong truyện 'Thạch Sanh', v.v... mà là ở tự thân nhân vật Sọ Dừa, là ở những khả năng tiềm tàng, tiềm ẩn trong tâm hồn và tính cách nhân vật. Hai con gà biết gáy và biết truyền tin từ hai quả trứng do quan Trạng trao lại cho vợ trước khi đi sứ, cũng không giông con chim phượng hoàng biết nói trong truyện 'Cây khế'. Yếu tố thần kì là sức mạnh vươn lên, là khát vọng được làm người, được sống trong hạnh phúc và sự toàn thiện toàn mĩ của nhân vật Sọ Dừa.
Hai mẹ con Sọ Dừa để lại trong lòng ta nhiều ấn tượng tuyệt đẹp. Sọ Dừa, một tuổi thơ đầy bất hạnh. Mồ côi bố, gia đình nghèo khổ, mang dị hình dị dạng rất đáng thương: 'không chân không tay, tròn như một quả dừa...Lớn lên, Sọ Dừa vẫn không khác lúc nhỏ, 'cứ lăn lông lốc trong nhà, chẳng làm được việc gì!'. Đứa con là máu thịt của người mẹ. Thế nhưng có lúc bà mẹ Sọ Dừa lại 'toan vứt' Sọ Dừa đi, vì bà 'buồn lắm'. Nỗi khổ tâm ấy, bi kịch ấy kể làm sao cho xiết được? Câu nói đầu tiên của một em bé dị dạng là một câu nói kêu thương, muốn được làm người, muốn được sống mãi bên cạnh mẹ hiền: 'Mẹ ơi, con là người đấy. Mẹ đừng vứt con đi mà tội nghiệp'. Câu nói thứ hai của Sọ Dừa là câu nói khẳng định chất người của mình, khả năng lao động của mình, mặc dù không có chân, không có tay: 'Gì chứ chăn bò thì con chăn cũng được...'. Và thật sự Sọ Dừa đã chăn bò giỏi. Chú chẳng quản nắng mưa. Đàn bò của phú ông ngày một trở nên béo tốt. Phú ông 'mừng lắm'. Mẹ già chắc là vui mừng nhiều hơn.
Còn chúng ta, ai mà chẳng ngạc nhiên thú vị? Kì diệu thay, từ một mục đồng, Sọ Dừa có lúc biến thành 'một chàng trai khôi ngô đang ngồi trên chiếc võng đào mắc vào hai cành cây, thổi sáo cho đàn bò gặm cỏ'. Sọ Dừa đã biến thành một Tiên đồng vừa chăn bò vừa thổi sáo, thổi khúc nhạc Thiên thai. Hình dáng thì 'khôi ngô', tâm hồn thì yêu đời, tính cách thì phi phàm. Thiên hạ không thể biết. Mẹ hiền cũng chẳng hay. Chỉ có người đẹp – cô gái út của phú ông là nghe được tiếng sáo véo von và biết được hình ảnh chàng trai khôi ngô đang ngồi trên võng đào thổi sáo 'không phải là người phàm trần'. Tình tiết này là mộng hay thực? Tính độc đáo của truyện 'Sọ Dừa' trước hết là ở tình tiết ấy. Câu nói thứ ba của Sọ Dừa là 'giục mẹ đến hỏi con gái phú ông làm vợ' vào cuối mùa ở. Sính lễ mà phú ông nói ra là một thách thức vô cùng to lớn đối với mẹ con Sọ Dừa. Thế mà đúng ngày hẹn, túp lều của hai mẹ con đã biến thành một tòa nhà ngói năm gian to đẹp, có hàng chục gia nhân ăn mặc lộng lẫy đủ màu sắc cùng hai mẹ con Sọ Dừa đem sính lễ sang nhà phú ông. Một lễ ăn hỏi hiếm có xưa nay: 'một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm'. Chẳng do Tiên, Phật ban cho. Lễ vật ấy là do phép lạ của Sọ Dừa mà có. Sọ Dừa đã cưới được con gái phú ông, cô út xinh đẹp. Trong lễ cưới, Sọ Dừa đã cởi lốt 'sọ dừa' mà trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Cả hai họ đều 'sửng sốt, mừng rỡ'.
Từ một kẻ dị dạng, không có chân tay, chỉ biết lăn..., Sọ Dừa dần dần biến đổi thành mục đồng, biết thổi sáo, biết yêu rồi lấy được vợ đẹp, thay hình đổi dạng, trở thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú. Đó là một sự đổi đời, đổi kiếp rất kì lạ, kì diệu của Sọ Dừa. Hầu như tình tiết nào cũng bao phủ yếu tố hoang đường, mộng ảo. Cảnh lấy vợ của Sọ Dừa đã thể hiện ước mơ của nhân dân ta từ bao đời nay: Muốn được làm người, muốn được sống trong hạnh phúc.
Sọ Dừa không chỉ có phép lạ, có chất người mà còn có nhiều tài năng. Sau ngày cưới vợ, tài năng của chàng ngày một phát lộ và phát triển. Ca dao cổ có câu nói lên mơ ước của các cô gái ngày xưa về đường tình duyên:
'Chẳng tham ruộng cả ao liền,
Tham vì cái bút, cái nghiên anh đồ'.
Đó cũng là ước mơ của cô út. Sọ Dừa là một người chồng lí tưởng của cô út. Rất thông minh, ngày đêm miệt mài đèn sách. Sọ Dừa thi đỗ Trạng nguyên. Sọ Dừa còn có tài làm quan nên được nhà vua cử đi sứ. Sọ Dừa là nhà tiên tri. Con dao, hòn đá lửa, hai quả trứng gà mà quan trạng đưa cho vợ, kèm theo lời dặn 'phải để luôn trong người... ' đã thể hiện tài năng đó. Nhờ những thứ bình thường ấy mà khi cô út bị hai người chị độc ác, tàn nhẫn đẩy xuống biển, cô đã có đủ phương tiện để tự cứu, được sống sót, được gặp lại chồng. Quan trạng Sọ Dừa sau khi đi sứ về, tuy biết rõ 'tim đen' và hành vi tội lỗi của hai người chị vợ, vẫn ứng xử một cách tế nhị và độ lượng. Một mặt, quan trạng giấu kín vợ trong buồng, mặt khác vẫn gặp gỡ hai người chị vợ, nhưng 'không nói gì'. Sau đó quan trạng mới cho vợ xuất hiện, chào hai chị và mọi người đang dự tiệc... Không mắng chửi. Không trả thù. Thế mà hai người chị vợ cảm thấy xấu hổ, bỏ nhà trốn đi biệt xứ. Cái kết có hậu của truyện 'Sọ Dừa' vừa ca ngợi sự bao dung độ lượng của quan trạng, đồng thời thể hiện tấm lòng đức độ, hồn hậu của nhân dân.
Truyện cổ tích 'Sọ Dừa' có bao yếu tố hoang đường, có bao tình huống hấp dẫn. Mạch truyện và cốt truyện phát triển hợp lí, tự nhiên. Sọ Dừa – đứa ở chăn bò – tiên đồng thổi sáo – có chĩnh vàng cốm... để hỏi vợ, rồi cưới vợ, trở thành chàng trai tuấn tú – đỗ trạng nguyên, vua cử đi sứ... Người mẹ, người vợ được nói đến rất giàu tình thương, nhân hậu và vị tha, nhẫn nhục và dũng cảm tháo vát. Uống nước đựng trong cái sọ dừa mà người đàn bà ngoài 50 tuổi thụ thai rồi đẻ ra một đứa bé không chân không tay... mà biết chăn bò. Sọ Dừa hóa thành một tiên đồng ngồi trên võng đào thổi sáo, đã hóa phép để có một sính lễ sang trọng gồm một chĩnh vàng cốm, mười tấm lụa đào, mười con lợn béo, mười vò rượu tăm... Sọ Dừa trở thành một chàng trai tuấn tú khi cưới vợ... và con gà gáy tiếng người trên hoang đảo... Đó là những yếu tố hoang đường tạo nên sự hấp dẫn, cảm hứng nhân văn, và ước mơ đổi kiếp, đổi đời được sống trong hạnh phúc.
Như vậy, Sọ Dừa là một truyện cổ tích thần kì, thể hiện về một giấc mơ đẹp của nhân dân ta từ bao đời nay.
Tài liệu khác:
- Tác giả tác phẩm: Cảm xúc mùa thu – Bài 1 (Đỗ Phủ) - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Tự tình – Bài 2 (Hồ Xuân Hương) - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Câu cá mùa thu (Nguyễn Khuyến) - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Xúy Vân giả dại (Trích chèo Kim Nham) - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Mắc mưu Thị Hến (Trích tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến) - Ngữ văn 10 Cánh diều
- Tác giả tác phẩm: Vua chích chòe - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Cây khế - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Bánh chưng bánh giầy - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Ai ơi mồng 9 tháng 4 - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức
- Tác giả tác phẩm: Sơn Tinh, Thuỷ Tinh - Ngữ văn 6 Kết nối tri thức