Đại nghĩa diệt thân - Chương 13 (Hồ Biểu Chánh)

87 lượt xem
Nhờ vợ với em đem con ra Mỹ Tho mà thăm. Ðội Ðạt mới hay cụ Thủ Khoa Huân được thả rồi nhắn ông Nhiêu Giám lên Sài Gòn cho cụ nói chuyện, ông Nhiêu dọn ghe đi rồi, lại có đem Chí Linh theo, phòng khi cụ Thủ Khoa có theo ghe mà về thì sẵn có Linh hộ vệ.

Ðạt hay tin ấy, chiều lại khi vợ với em về rồi, chàng bàn với Quản Tồn. Sáng bữa sau hai người cho quan trên hay và xin để cho Ðạt cùng vài tên lính mặc đồ thường dân giả về Tịnh Giang thăm nhà đặng dọ nghe coi cụ Thủ Khoa có về thiệt hay không mà tính về đặng làm việc chi. Nhà cầm quyền tự nhiên cho phép liền lại giao cho Ðạt phải đi.

Chàng kiếm mượn sẵn một chiếc ghe lườn bên xóm Chài, biểu Thị Dần sửa soạn với chàng vô Tịnh Giang thăm mẹ cho nàng dâu với mẹ chồng biết nhau.

Thị Dần mừng quá, lo mua đồ làm lễ ra mắt mẹ chồng, bánh trà thịt cá không thiếu vật chi hết.

Sắp đặt xong rồi, vợ chồng cùng hai tên lính, mặc đồ thường xuống ghe đi vô Tịnh Giang. Ghe vô tới thì trời đã chiều. Ðạt biểu hai người chèo ghe ghé tại góc vườn mà đậu không cho đậu bến ông Nhiêu phòng khi ông Nhiêu về thì vợ chồng Ðạt lui ra sau vườn mà đi cho ông khỏi gặp.

Ðạt với Dần đi trước, biểu hai người lính xách đồ đi theo.

Bà Nhiêu ăn cơm chiều mới rồi, bà đương ngồi ở nhà trên ăn trầu. Thấy có 4 người vô sân bà không biết ai đi đâu mà đông vậy. Bà ngó kỹ mới nhìn được Ðạt.

Bà mừng nên kêu cháu nội mà nói: „Tâm, Ðạt, có cha con về kia kìa“

Tâm ở nhà dưới nghe kêu lật đật chạy lên, thấy cha vô tới giữa sân, thì tuốt ra nắm tay cha mà mừng. Ðạt vô xá mẹ mà nói: „Thưa mẹ, con nghe cha không có ở nhà, nên con lén dắt vợ con về thăm mẹ cho biết. Nó muốn đi lâu rồi ngặt cha giận con nên con không dám về.“

Dần bước tới chấp tay xá bà Nhiêu mà nói: „Con kính chào mẹ, vợ chồng con gá nghĩa với nhau không có lịnh cha mẹ cho phép, thiệt hai con lỗi lắm. Vậy con về đây cúi xin mẹ tha thứ cho hai con.“

Bà Nhiêu đã nghe Trâm với Ðậu khen Dần, lại có ăn đồ của Dần nhiều rồi nên bà cười mà nói: „Ừ, bây làm việc đó thì quấy lắm. Nhưng việc đó lỡ rồi thì biết làm sao. Thôi xuống nhà dưới có con Ðậu với con Trâm ở dưới xuống biểu nó lo cơm nước cho mà ăn“.

Ðậu với Trâm đương dọn rửa chén bát nghe chộn rộn ở nhà trên thì đi lên coi. Hai nàng thấy Ðạt với Dần thì mừng mời Dần đi xuống nhà dưới nói chuyện.

Dần ngoắc hai người lính biểu đem đồ lại, Trâm để bánh trên ván còn thịt cá thì xách xuống nhà dưới. Bà Nhiêu liếc thấy Ðậu với Dần hòa thuận thì mừng. Bà cũng đi theo ba nàng biểu bắt một con vịt làm thịt nấu cháo. Ðạt với hai người lính đi ra sân chơi, Tâm đeo theo cha, cả nhà đều vui vẻ.

Ăn cơm tối hai người lính xuống ghe mà ngủ cho mát.

Ðạt ở trên nhà chơi với mẹ, vì đã gần nữa năm rồi mẹ con không gặp nhau. Ðạt nói đủ chuyện với mẹ, nhưng chẳng hề hỏi tới việc cha đi Sài Gòn, mà cũng không khoe việc chàng làm ở ngoài Mỹ. Chàng chỉ dặn Trâm nếu nghe cha về kêu cửa thình lình thì dắt giùm Dần ra cửa sau rồi băng qua vườn mà xuống ghe về lập tức.

Ðến sáng cũng không thấy ông Nhiêu về, Ðạt làm như bịn rịn, cứ theo nói chuyện với mẹ và vợ con, không tính về. Bà Nhiêu biểu Trâm coi nấu cơm sớm mà ăn cho rồi.

Trâm thấy nước sông đầy, bèn bưng cá ra bến sông mà đánh vảy đặng có sẵn nước rửa ráy cho sạch. Nàng làm xong, vừa bưng rổ cá đứng dậy thì thấy chiếc ghe của Tư Ðịnh về tới đương ghé vô bến của chú. Tưởng có cha với chồng về Trâm đi riết lại mà mừng. Té ra đi tới nàng dòm vô mui trống trơn.

Tư Ðịnh nói:

- Ông với cậu Linh không có về. Hồi hôm về tới Tân An. Cụ Thủ Khoa nói hai anh em chèo xa mệt rồi lại nóng lạnh nên mướn ghe khác mà đi, cho hai anh em tôi về nghỉ.

Trâm hỏi:

- Còn đi đâu nữa hay sao?

- Nghe cụ Thủ Khoa nói cụ lên Bắc Chiên.

- Trời ơi! Cha tôi cũng lên trển nữa hay sao?

- Tôi nghe bàn soạn thì trước khi lên Tháp Mười, cụ Thủ Khoa lên Rạch Chanh vô Cổ Chi gom nghĩa binh cho cụ nói chuyện một bữa rồi mới đi. Ông Nhiêu với cậu Linh đưa cụ Thủ Khoa lên Cổ Chi rồi băng đường bộ mà về, để một mình cụ ngồi ghe đi Tháp Mười.

- Vậy thì chừng nào cha tôi mới về?

- Có lẽ tối nay hoặc sáng mai. Sao muốn nóng lạnh quá. Ðồ đạc chiều sẽ bưng lại cho nghe hôn cô Ba.

- Không gấp gì. Chú cứ lên nhà nằm nghỉ đi, đồ đạc để đó lát nữa chị em tôi lại lấy.

Trâm lật đật đi về nói y lời của Tư Ðịnh mới nói đó cho mẹ với anh nghe.

Ðạt ngồi chăm chú nghe. Chừng Trâm nói dứt lời. Ðạt mới nói: „Thôi em xuống phụ với chị Hai lo cơm riết đi đặng qua ăn rồi qua về. Ở lôi thôi đây cha về cha gặp nguy to“. Trâm nói: „Chú Tư Ðịnh nói cha với anh Linh đưa cụ Thủ Khoa lên Cổ Chi cho cụ thăm nghĩa binh vùng đó, rồi chừng cụ đi Tháp Mười rồi cha mới đạp đường bộ mà về. Vậy thì cha có về tới cũng chiều tối kìa chớ“. Ðạt đứng dậy mà nói: “Biết chừng đâu. Qua đi trước tốt hơn“

Cơm chín Ðạt ra kêu hai người lính vô ăn rồi từ giã mẹ, vợ, em và con đi với Dần, bộ chàng bịn rịn dường như không vui mà lìa mẹ già với con thơ vợ yếu.

Ðậu với Trâm dắt Tâm đưa Ðạt với Dần ra chỗ ghe đậu. Bà Nhiêu đứng dựa cửa ngó theo con, bà ứa nước mắt. Xuống ghe rồi Ðạt khoát tay biểu vợ với em dắt Tâm về, rồi thúc lính nhổ sào đi liền, dặn chèo mạnh tay đặng về tới cho sớm.

Mặt trời đứng bóng thì ghe Ðạt về tới bến đò Mỹ Tho, Ðạt dặn Dần đừng cho trả chiếc ghe vì có lẽ còn cần dùng đi nữa. Ðạt đi riết về trước.

Quản Tồn đương đứng trước cửa ngó thấy Ðạt ngoắc vô mà nói: „Vô đây nói chuyện, Sài Gòn cho tàu đem thơ xuống hồi sớm mơi, rằng cụ Thủ Khoa Huân ngồi ghe trốn đi lên Tháp Mười đặng nhập đảng với Thiên Hộ Dương. Sài Gòn đã có sai 2 chiếc tàu nhỏ đi tuần theo sông Vũng gù đón bắt. Họ dạy các quan dưới nầy phải dem binh tra xét mấy làng dọc theo mé sông Vũng Gù đặng kiếm từ hạt Tân An sắp lên. Các quan đương sắp đặt đặng chiều nay cắt binh từng tốp mà cho đi với người ta“

Ðạt nói: „Về việc cụ Thủ Khoa thì tôi có chắc chắn và rõ ràng hơn nên tôi lật đật trở về đặng xin lính đi theo tôi mà vây bắt cho trọn gói. Hồi hôm cụ Thủ Khoa đi ghe về tới Tân An cụ bỏ ghe đó mướn ghe khác mà đi Tháp Mười. Ghe đã lui hồi khuya rồi. Nhưng chưa đi thẳng lên Tháp Mười liền. Ghe lên tới Rạch Chanh sẽ quẹo vô Cổ Chi đặng gom nghĩa binh cũ cho cụ thăm và nói chuyện. Vậy giờ nầy chắc cụ tới Cổ Chi, hoặc ở chung quanh đó. Gom người bộ hạ cũ chắc phải mất một ngày họ mới tới được.

Bề nào đêm nay cũng có cụ Thủ Khoa với bộ hạ ở tại Cổ Chi. Tôi muốn xin vài chục lính đi liền với tôi qua Cổ Chi ẩn núp ngoài đồng mà dọ tin tức rồi tối vây bắt hết mà lập công“. Quản Tồn nói: „Được, được. Vậy thì đi với tôi lên nói chuyện với quan Tây“, rồi trở về trại Quản Tồn sai lính mời đội Thành lại mà nói: „Ông Ðội sửa soạn đặng hiệp với Ðội Ðạt mỗi ông đem 10 tên lính qua Cổ Chi bao xung quanh xóm đợi tôi vô xét bắt nghĩa binh đương tụ tập tại đó. Ông quan ba sẽ cho một tiểu đội lính Tây theo sau để tiếp ứng. Không thể cho lính đi nhiều hơn được nữa là vì phải phân nhiều tốp khác để đi ruồng từ chợ nhà Dai, lên Tam Nhiên, Kỳ Son vàm Rạch Chanh và mấy làng dọc theo mé sông Vũng Ga. Ðội Ðạt có sẵn một chiếc ghe rồi, chở vài chục người đi được. Vậy hai ông Ðội chở lính đi trước đi, vô Trấn Ðịnh rồi lên đi bộ qua Cổ Chi. Phải phân hai tốp mà đi cho khỏi rần rộ. Gần tới thì rải rác núp ngoài đồng, cho người mặc thường phục vô xóm dọ coi họ tụ tập chỗ nào, rồi tối hai tốp nhào vô vây bắt hết.

Trước khi tấn công phải bắn một tiếng súng lịnh đặng đội binh Tây tiếp viện theo sau họ biết mà tiến vào để trợ chiến. Thôi, hai ông Ðội sửa soạn dắt lính đi liền. Ðể tôi lên cắt người đi ngả khác nữa“

Ðạt với Thành xuống trại kêu lính biểu nai nịt và lãnh súng đạn cho đủ, rồi kiểm điểm phân ra thành hai tốp đặng hai ông Ðội dắt xuống ghe mà đi y như lính Tây.

Từ lúc cụ Thủ Khoa Huân ở Xóm Dầu xuống ghe mà đi với ông Nhiêu Giám thì Tây ở Sài Gòn liền biết cụ đi đâu và đi làm việc gì. Khi cụ xuống tới Tân An thì Tây bên Mỹ Tho cũng hay nữa. Từ trên xuống dưới người ta đang bố ví bắt quả tang, thế mà cụ Thủ Khoa cũng như ông Nhiêu, cả hai đều ơ hờ không dè người ta lập mưu kế đặng gài bắt cho trọn gói.

Tới Tân An đổi ghe rồi, cụ Thủ Khoa ở đó nghỉ đến khuya mới đi nữa.

Chí Linh mới thỏ thẻ thưa cho cụ hay rằng từ ngày cụ bị bắt thì nhơn viên trong đoàn nghĩa binh đều ngao ngán, tinh thần kháng chiến tiêu tan. Cụ tính gặp lại tướng sĩ đặng nâng cao tinh thần cho họ là điều nên làm lắm. Nhưng bây giờ nghĩa binh tản lạc lo làm ăn. Có gom được qua Cổ Chi gom hai giồng Cánh Én với Trấn Ðịnh mà thôi, chớ không có thì giờ mà phải mất một ngày. Bề nào tối nay họ mới tụ tập đông được. Cổ Chi hẻo lánh hội tại đó thì êm. Vậy cụ rán ở đó một đêm đặng làm cho tinh thần chiến đấu của tướng sĩ hưng vượng lại rồi khuya cụ sẽ đi Tháp Mười.

Cụ Thủ Khoa chịu.

Chí Linh nói tiếp rằng đến sáng chàng sẽ đạp đường bộ về Khánh Hậu đặng phân anh em đi kiếm kêu nghĩa binh. Nhưng chàng dặn ghe vô Rạch Chanh đừng có đi thẳng đến Cổ Chi, phải đậu lại ngoài xa, đợi chàng qua đó chàng sắp đặt cuộc phòng thủ cho chu đáo rồi chàng ra chàng rước, chừng đó cụ Thủ Khoa với ông Nhiêu mới vô.

Hai ông đều khen Chí Linh cẩn thận.

Ðến khuya ghe lui thì Chí Linh đi bộ về Khánh Hậu kêu môn đệ mấy chục người rã ra đi gom nghĩa binh ở giồng Cánh Én và giồng Trấn Ðịnh dặn chiều tối phải qua Cổ chi mà tiếp rước cụ Thủ Khoa mỗi người phải đem khí giới phòng hờ bất trắc.

Vùng Khánh Hậu nhờ có Chí Linh dầu thế cuộc biến chuyển như thế nào cũng không thay lòng đổi dạ bởi dân cư già trẻ đều giữ vững tinh thần kháng chiến, ai cũng quyết giữ vững giang san. Hay tin cụ Thủ Khoa Huân trở về lo tổ chức cuộc kháng chiến lại nữa, ai cũng hăng hái vui mừng.

Có người trách Chí Linh sao không rước cụ Thủ Khoa về Khánh Hậu đặng nhơn dân làm lễ nghinh tiếp cho long trọng. Chí Linh nói: “Khánh Hậu tuy nằm trên giồng, song đồng ruộng bao chung quanh nên địa thế không phải chỗ dụng võ. Vì vậy nên cụ Thủ Khoa mới chọn Cổ Chi, là nơi hẻo lánh mà làm chỗ hội hiệp, phòng khi hữu sự thì sẵn có Ðồng Tháp Mười làm hậu phương để tấn thối dễ dàng“.

Chí Linh chia công việc cho mấy chục môn đệ, đi gom nghĩa binh hai giồng, rồi chàng đi trước qua Cổ Chi đặng tổ chức cuộc nghinh tiếp trang hoàng, có vài trai tráng với vài phụ lão theo tiếp sức.

Người Cổ Chi hay sắp có cụ Thủ Khoa về đó ai cũng vui mừng nghinh tiếp, nên tận tâm giúp Chí Linh tổ chức cuộc hội hiệp nầy. Có nhiều người hảo tâm chung nhau hiến hai con heo lớn để làm thịt mà khao binh, nhờ vậy nên cuộc rước cụ Thủ Khoa thấy có mòi thuận tiện.

Ðến xế thì hai môn đệ của Chí Linh đã lần lượt qua Cổ Chi. Nghĩa binh cũng rãi rác bắt đầu vô tới. Lối nửa buổi chiều người ta đương thọc huyết heo để làm thịt. Chí Linh mượn sẵn một chiếc xuồng, tính bơi ra phía vàm Rạch Chanh đặng rước cụ Thủ Khoa với ông Nhiêu theo lời hứa hẹn. Chàng chưa kịp đi thì có vài người lạ chòm nhom chỗ 5 người chỗ 3 người, ngồi trên mấy bờ ruộng. Một nghĩa binh lại nói có gặp một toán lính Tây có súng ống hẳn hoi, đương ngồi chơi tại xóm nhà ở phía trong.

Chí Linh biến sắc, biết cuộc hội hiệp đã thấu tới tay giặc, nên chúng sắp đặt chờ tối bao vây mà bắt. Chàng nhóm anh em lại, khuyên ngưng cuộc làm thịt heo mà dọn tiệc, dạy môn đệ phân nhau tổ chức cuộc phòng thủ và xin ông già, đàn bà con nít nên qua sông.

Nghĩ cuộc hội hiệp sắp hư hỏng, chàng lộ sắc bất bình. Chàng gọi các môn đệ với những nghĩa binh đã tới rồi, kể hết được 50 người. Chàng hỏi: „Trước sự hăm doạ như vậy anh em tính làm sao? Phải giải tán để tránh hoạ hay là phải chiến đấu cho toàn danh nghĩa sĩ?“

Cả thảy đều hô lớn: „Phải chiến đấu dù thắng dù bại cũng khỏi hổ với các bạn bên Bình Cách, mà dầu chết cũng trả nợ được non sông đất nước“

Chí Linh mừng nên cười mà nói: „Tôi rất vui mà nhận thấy hùng dõng và chánh khí của các anh em. Tôi sẽ cùng với các anh em quyết chiến cho giặc biết không phải hết thảy người Việt đều ham tiền lương hay là ham quyền tước của họ. Vả họ có tấn công thì họ phải chờ tới khuất mình rồi họ mới dám rục rịch. Bây giừ mặt trời còn cao. Vậy anh em phân nhau canh phòng đủ 3 mặt, rình coi họ bố trí binh lính cách nào. Mặt phía sông thì khỏi lo. Ðể tôi đi báo tin cho cụ Thủ Khoa hay và kiếm chỗ cho cụ ẩn núp rồi tôi trở lại liền mà hiệp lực với các anh em“

Chí Linh xuống xuồng cậy một người bơi đưa trở ra phía vàm.

Ghe của cụ Thủ Khoa với ông Nhiêu đậu tại một xóm dựa mé rạch, xóm có 3 cái nhà chớ không đông. Lại ở cách Cổ Chi không xa lắm bởi vậy xuồng của Chí Linh bơi một lát là gặp liền.

Chí Linh bước qua ghe thưa cho hai ông hay rằng chàng về Khánh Hậu sai môn đệ đi gom nghĩa binh còn chàng qua Cổ Chi, hay cụ Thủ Khoa về ai cũng vui mừng.

Người ta dọn nhà dọn sân để nhóm hội lại hiến hai con heo để khao binh. Hồi nửa chiều môn đệ của Linh trở về Cổ Chi trước, còn nghĩa binh lần lượt cũng tới được một mớ, chiến sĩ đã được hơn 50 người rồi có lẽ tối họ sẽ tới thêm chừng 50 người nữa, kế hay tin có binh lính rải rác bao khắp Cổ Chi cả 3 mặt bao ngoài xa, mà ngoài sau nữa cũng có Tây héo lánh có lẽ họ chực chờ đặng ứng tiếp. Theo cách giặc sắp đặt đó thì chắc họ đã hay cuộc tụ tập của mình trong đêm nay, nên bố trận chờ tối họ tấn công vây bắt. Linh hỏi ý chiến sĩ có nên giải tán hay là chiến đấu. Cả thảy đều thệ tâm chiến đấu, không chịu giải tán. Vì vậy nên Linh ra đây xin cụ Thủ Khoa với ông Nhiêu lui ghe ra sông lớn kiếm chỗ ẩn núp cho khỏi lằn đạn để cho anh em nghĩa binh tử chiến với giặc một trận cho họ kinh hồn hết dám khuấy phá cuộc cứu quốc của ta.

Cụ Thủ Khoa vỗ về nói: „Gặp dịp như vầy tôi không thể bỏ mà đi được. Tôi phải vô Cổ Chi để chỉ huy cho chiến sĩ xung đột“. Ông Nhiêu Giám cản: „Ông là hồn kháng chiến chớ không phải là người chiến sĩ. Người chiến sĩ chết, có người chiến sĩ khác thế được. Còn hồn kháng chiến tan rồi, thì không làm sao mà gom lại được. Vậy ông phải thận trọng không nên đánh liều. Phải giữ cái thân hữu dụng đặng lo mưu cứu quốc. Còn việc nầy nữa: mình tính hội hiệp nghĩa binh tại Cổ Chi đêm nay thì chỉ có ba bà con mình biết mà thôi. Tại sao Tây hay nên sắp đặt phục binh đặng đánh bắt? Ðó là một điều đáng nghi. Phải có gián điệp ở xung quanh chúng ta; nhứt cử nhứt động của chúng ta Tây hay hết, nên mới biết hội hiệp đêm nay, lại hội hiệp tại Cổ Chi mà ngăn đón. Vậy ông Thủ Khoa nên đi liền lên Tháp Mười, không nên trì hưỡn trong vùng nầy. Ông thấy hôn? Ông bị bắt người ta nản chí mấy tháng.

Hay tin ông về tinh thần đã vượng lại liền. Bao nhiêu đó buộc ông phải sống, sống đặng duy trì hồn non nước“.

Chí Linh tiếp nói: „Cha tôi nói trúng lắm. Xin cụ tạm lìa vùng nầy, để cho tôi chỉ huy cuộc chiến đấu đêm nay rồi tôi nhen nhúm lò ái quốc trong lòng đồ đệ chờ ngày ứng dụng“.

Cụ Thủ Khoa gặc đầu nói: „Hai cha con đều nói như vậy thôi để tôi đi. Mà tôi đi rồi ông Nhiêu ở đâu?“ Ông Nhiêu nói: „Ông khỏi lo cho tôi. Thân già nầy ai thèm bắt chi mà sợ. Tôi băng đồng đi qua giồng Cánh Én rồi tôi về”

Ông Nhiêu sửa soạn lên bờ cho ghe lui, thì Chí Linh hỏi ông: “Thưa cha ví như trong đám binh lính của tây áp chiến đấu với mình trong đêm nay, rủi có anh Hai con lộn trong đó con phải làm sao? Lúc xung đột hỗn độn đó khó mà phân biệt quá”.

Ông Nghiêu nói: “Ô! Không biết anh Hai anh ba nào hết. Ai ở trong hàng ngũ của Tây đều là giặc. Con không có học nên con không hiểu câu “Ðại nghĩa diệt thân”. Làm việc đại nghĩa không cần kể tình anh em cha con gì nữa hết.”

Ông Thủ Khoa gật đầu nói: “Ông Nhiêu nói đúng. Câu đó là câu chữ Tả Truyện”. Ông Nhiêu từ cụ Thủ Khoa mà lên bờ. Chí Linh nói: “Cha vô giồng kiếm nhà nghỉ đỡ đêm nay rồi sáng cha sẽ về”. Chàng day lại từ biệt cụ Thủ Khoa rồi bước qua xuồng đi liền vô Cổ Chi.

Ghe cụ Thủ Khoa nhổ xào đi ra phía vàm Rạch Chanh. Ông Nhiêu nhắm giồng Cánh Én mà đi. Xuồng Chí Linh trở lại Cổ Chi. Mặt trời gần chen lặn về phía Ðồng Tháp Mười, vắng vẻ im lìm mênh mông bát ngát.

Chí Linh tới Cổ Chi leo lên bờ kiếm chỗ nào mà núp đặng dòm ngó lực lượng bên địch. Chàng nhận thấy lính rải tác ngoài đồng chừng vài chục chớ không nhiều lắm, nếu có binh Tây ở trong xóm xa xa xông tới tiếp viện thì bất quá tăng số bằng hai. Nếu mình huy động lẹ làng, mình hạ từng tốp một, thì tự nhiên phải toàn thắng.

Chí Linh trở lại cái nhà dọn dẹp để hội hiệp đó mà sắp đặt cách mai phục cho đắc thế. Trước hết chàng khuyên người trong xóm đem kẻ già cả với đàn bà con nít qua sông đặng tránh súng đạn. Còn chiến sĩ thì chàng dặn hễ trời sụp tối thì cả thảy đều cởi áo buộc lưng đặng nhìn nhau cho dễ khỏi sợ lầm lộn. Binh chia làm hai tốp ra núp phía ngoài xem, còn một tốp thì núp chung quanh nhà hội. Trong nhà đốt đèn cho sáng đặng giặc ở ngoài xa ngó thấy tưởng mình đương nhóm hội, chúng xông vô mà bắt.

Khi chúng vô, tốp phục vòng ngoài để êm cho chúng vô tự do. Ðợi chúng vô hết rồi thì tốp ngoài ó lên bò theo đám canh. Tốp trong cũng xông ra nữa, hai phía đánh dồn lại. Phải nhớ bò mà tiến, chớ đừng đi, bò đặng địch có bắn súng, mình có thể khỏi bị đạn. Lại bò rải rác từng người chớ đừng đánh cục rủi bị đạn một lượt đến đôi ba người. Mà súng của địch nạp bắn chậm lắm. Nếu mình lẹ tay quật chúng ngã thì súng hết bắn được. Hễ mình đánh chúng rạp hết thì phải giựt hết súng đạn rồi một người chở qua sông để tập bắn, đặng sau mình dùng mà chống lại với giặc.

Chí Linh dặn dò xong rồi thì trời cũng vừa sụp tối. Trong nhà đốt đèn sáng trưng. Chiến sĩ cởi áo buộc lưng, mỗi người cầm binh khí, hoặc cầm roi trường hoặc mác thong hoặc chỉa ba, phân làm hai tốp mà mai phục y như lời dặn.

Tối một lát hai tốp lính Mã tà bò vào hai đầu xóm mỗi tốp chừng mười người, tốp đầu dưới thì Ðội Thành lãnh đạo còn tốp đầu trên thì do Ðội Ðạt chỉ huy. Nghĩa binh để êm cho họ lọt vô xóm rồi mới ó lên, trong đánh ra, ngoài đánh vô, Mã tà kinh hồn mất vía, bắn súng không nổ muốn chạy không đường, bởi vậy bị ngĩa binh đâm đánh ngã rạp hết.

Chí Linh hô biểu thâu hết súng đạn, thấy giặc đều nằm im lìm tưởng chúng đã chết hết, mới dạy hai môn đệ kiếm xuồng rồi cùng các anh em chiến sĩ chở súng đạn qua sông đặng đi xa vô trong đồng mà ẩn núp, bỏ giặc nằm đó chết sống không màng.

Tốp lính Tây núp ở xóm trong có dặn Ðội Ðạt, Ðội Thành hễ tấn công thì bắn ít phát súng cho họ nghe đặng họ ứng tiếp

Không hiểu hai chú Ðội quên lời dặn, hay là tưởng dễ nên làm một mình đặng lập công, bởi vậy khi vô súng không bắn súng, đến chừng nguy khốn thì hồn phi phách tán bắn không được. Người chỉ huy lính Tây trông hoài không động tịnh, mới bắt binh lần lần vô Cổ Chi mà dọ tình hình.

Một lính Mã tà bị chỉa đâm trúng vai té quị, nên không đâm bồi thêm. Nó nằm êm, giả như chết. Chừng thấy nghĩa binh đoạt súng đạn rồi kêu nhau đi hết, nó mới rán đứng dậy lần mò ra khỏi xóm đặng tìm ngã mà về. Nó đi dược một khúc thì gặp tốp lính Tây đương vô. Nó ra dấu mà cắt nghĩa cuộc xung đột mới diễn ra hồi nãy. Tây hiểu, bèn bắn một loạt súng để thị oai.

Ðêm vắng vẻ, cảnh không người. Tiếng súng nổ nghe vang mà không thấy phản ứng. Tây sợ phục kích nên dụ dự, không dám xông vô xóm.

Kế nghe phía vàm Rạch Chanh có súng đồng bắn liên tiếp 3 phát, tiếng trái phá nổ ầm ầm. Tây biết có chiến thuyền ở phía đó mới vững bụng. Nhưng nghĩ mình chỉ có một tiểu đội, sợ lọt vào ổ phục kích thì không đủ sức đảm đương, bèn dìu dắt tên Mã tà bị thương trở lại Trấn Ðịnh rồi xuống ghe về Mỹ Tho báo tin và xin thêm binh đặng giải cứu hai tốp Mã tà tiền đạo, còn mất không biết được.

Lính Tây về tới Mỹ Tho thì trời đã gần sáng. Viên quan ba hay tin ở Cổ Chi thiệt có chuyện, song không biết rõ lành dữ như thế nào nên sai kêu Quản Tồn với thầy thông ngôn, biểu Quản Tồn dạy tên Mã tà bị thương thuật rõ mọi việc lại.

Tên Mã tà Lành nói rằng lối nửa chiều thì lính vô gần tới Cổ Chi, tản mát ngoài đồng đặng dòm ngó tình hình trong xóm. Thấy dân ngoài giồng rải rác vô đó chừng hơn 10 người, chớ không đông. Ðến tối lính mới vô sát xóm, rồi phân hai tốp mỗi ông Ðội dẫn hai tốp mà vô hai phía một lượt.

Thấy trong xóm im lìm, duy có một nhà có đèn đốt sáng trưng, hai ông Ðội tưởng người ta nhóm chỗ có đèn đó mà ăn uống hoặc nói chuyện không có việc chi nguy hiểm nên không cần bắn súng thị oai, để vô bao cái nhà đó rồi sẽ bắn. Chẳng dè vừa lọt vô xóm rồi thì tứ phía phục binh xông ra la vang vầy và đâm đánh túi bụi, không thể bắn kịp mà cũng không đường chạy được. Lính bị đánh ngã rạp hết, nghĩa binh họ lượm súng đạn rồi đi mất không biết đâu.

Quản Tồn nóng nảy hỏi:

- Còn đội Ðạt với đội Thành đi đâu?

- Tôi không hiểu. Tôi sợ cũng chết như mấy người lính, vì không chạy ngả nào được.

Viên Quan Ba hay súng đạn mất hết, lại hai người Ðội đều chết, thì kêu một tên quan Hai biểu thổi kèn lập binh rồi đem hai Trung đội qua Cổ Chi ruồng kiếm bắt nghĩa binh và đem thương binh về hết, dầu sống dầu chết cũng chở về rồi lại dạy Quản Tồn dắt một tốp lính Mã tà theo tên quan Hai dẫn đường mà trợ lực.

Quản Tồn về tới trại, trời đã sáng rồi, thì kêu Thị Dần cho hay Ðạt với Thành bị phục kích tại Cổ Chi hồi hôm, có lẽ hai người bị giết chết hết. Thị Dần nghe tin như vậy thì la khóc om sòm.

Hay Quản tồn đương sửa soạn dắt lính qua Cổ Chi, nàng xin cho đi theo đặng tìm chồng, rồi thông tin cho gia đình của Ðạt biết tai hoạ mới xãy ra đó.

Tên Quan hai sai kiếm hai chiếc ghe lớn đặng chở hai trung đội lính Tây đi liền.

Quản Tồn chở 12 lính Mã tà đi một chiếc ghe nhỏ. Dần đi theo chiếc ghe nầy nàng ngồi thút thít khóc chồng, trong lòng đau khổ cực điểm.
 
Bình luận
Chưa có bình luận nào, bạn có thể gửi bình luận tại đây
Gửi bình luận của bạn tại đây (*):
(Thông tin Email/ĐT sẽ không hiển thị phía người dùng)
*Nhấp vào đây để nhận mã Nhấp vào đây để nhận mã
Bạn có tác phẩm văn học, hãy gửi cho mọi người cùng xem tại đây, chúng tôi luôn hoan nghênh và cảm ơn bạn vì điều này: Gửi tác phẩm
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!

Giải bài tập Flashcard Trò chơi Đố vui Khảo sát Trắc nghiệm Hình/chữ Quà tặng Hỏi đáp Giải bài tập

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Đấu trường tri thức | Lazi Quiz Challenge +500k
Gửi câu hỏi
×