Rừng Xà Nu - Chương 1 (Nguyễn Trung Thành)
Đỗ Phương Lam | Chat Online | |
09/07/2019 17:07:02 | |
Văn học trong nước | Sưu tầm | Tp cùng người đăng | Báo cáo vi phạm |
- * Rừng Xà Nu - Chương 2 (Nguyễn Trung Thành) (Văn học trong nước)
- * Rừng Xà Nu - Chương 3 (Nguyễn Trung Thành) (Văn học trong nước)
- * Hoa của mùa thu (Văn học trong nước)
- * Trường của em (Thanh Y Dao) (Văn học trong nước)
Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc. Chúng nó bắn, đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu(1) cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện vào thành từng cục máu lớn.
Trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khỏe như vậy. Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra. Có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người lại bị đại bác chặt đứt làm đôi. ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn loãng, vết thương không lành được, cứ loét mãi ra, năm mười hôm thì cây chết. Nhưng cũng có những cây vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum sê như những con chim đã đủ lông mao lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như những vết thương trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh, thay thế những cây đã ngã... Cứ thế, hai ba năm nay rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng...
Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hút tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời...
o O o
Ba năm đi lực lượng, bữa nay Tnú mới có dịp ghé về thăm làng. Thằng bé Heng gặp ở con nước lớn dẫn anh về. Ngày anh ra đi nó mới đứng đến ngang bụng anh, chưa biết mang gùi, chỉ mới đeo cái xà lét nhỏ xíu theo người lớn ra rẫy. Bây giờ nó mang một khẩu súng trường Mát, dẫn anh đi. Vẫn là con đường cũ, qua cái nà bắp nay đã trồng sắn và cây pom chu(2) vắt lên hai cái dốc đứng sững đã được cắt ra từng bậc, chui qua một rừng lách rậm ngày xưa thì vô số vắt lá, rồi đến cái làng nhỏ của anh. Nhưng nếu không có người dẫn, chắc chắn Tnú không dám đi một mình. Đường cũ nay chằng chịt hầm chông, hố chông, cứ mười phút lại gặp một dàn thò chuẩn bị sẵn, cần thò căng như dây ná, đánh một phát chắc chắn gãy đôi ống quyển, lưỡi thò từng đôi, từng đôi gác lên dàn, sắc lạnh. Thằng bé Heng lớn lên cũng ít nói như những người dân làng Xô Man này. Nó đội một cái mũ sụp xin được của anh Giải phóng quân nào đó, mặc một chiếc áo bà ba dài phết đít, vẫn đóng khố, súng đeo chéo ngang lưng ra vẻ một người lính thực sự. Thỉnh thoảng, tới chỗ ác chiến điểm, nó quay lại nhìn Tnú, cười một cái rất liếng như bảo:
- Coi được chứ, anh Tnú?
Mắt nó lóe lên một tia sáng nhỏ, lộ ý khoe khoang rõ rệt. Tnú cũng cười, gật đầu. Hiểu ý nhau, hai người lại cặm cụi đi.
Tới con suối nhỏ có một khúc nứa dẫn nước từ trong lòng đá ra, thằng Heng dừng lại, bảo:
- Rửa chân đi. Nhưng đừng uống nước lạnh, về chị Dít phê bình đó.
Tnú cười:
- Chị Dít là vệ sinh viên à?
Heng cãi lại:
- Không, chị Dít là bí thư chi bộ chớ. Một người làm hai việc, làm luôn cả chính trị viên xã đội nữa.
À ra vậy. Tnú không uống nước, anh bỏ mũ, cởi mấy khuy áo trên ngực, rồi khom lưng xuống, ngửa hai bàn tay vả nước lên mặt, lên đầu. Nước mát lạnh đến tê người. Máu trong đầu anh phản ứng, giật giật ở hai má. Tnú vẫn nghĩ: "À ra vậy! Dít đã thành bí thư chi bộ xã". Thực tình, anh không hình dung được Dít bây giờ ra thế nào. Dít là em gái Mai. Ngày Mai mất và Tnú ra đi, nó còn là một đứa bé không có áo mặc, đêm lạnh nó không ngủ, đốt lửa ngồi tới gà gáy rồi đi giã gạo thay chị. Nó gằn đủ ba mươi lon gạo trắng, đổ ruột nghé cho Tnú mang đi. Nó lầm lì, không nói gì cả, mắt ráo hoảnh, trong khi mọi người, cả cụ già Mết, đều khóc vì cái chết của Mai...
Heng giục:
- Tắm nước lâu lạnh, cảm sốt đó. Đi chớ, sắp tới rồi!
Tnú không lau khô đầu tóc. Anh cầm mũ đi theo Heng.
Đến chỗ sắp bước vào rừng lách, có một cây lớn ngã ngang đường phải leo qua. Cạnh đó du kích đã đào một cái công sự dài. Hồi Tnú ra đi cây này chưa ngã. Tnú dừng lại. Chính ở đây anh đã gặp Mai lần đầu. Tất nhiên không phải là lần đầu hẳn, cả hai đều là người làng, họ biết nhau từ ngày mẹ còn địu trên lưng. Nhưng chính ở đây lần đầu tiên sau khi ở tù về Tnú gặp lại Mai, thấy Mai đã lớn anh không ngờ, và Mai thì cầm hai bàn tay anh lúc ấy còn lành lặn, ứa nước mắt khóc, không phải như một đứa trẻ nữa mà như một người con gái đã lớn, vừa xấu hổ vừa thương yêu. Kỷ niệm đó cắt vào lòng anh một nhát dao nứa. Anh trợn mắt lên, như những lúc bị tra tấn đau quá trước đây. Thằng bé Heng không biết câu chuyện đó. Leo lên thân cây rồi nó quay lại nhìn Tnú, hất hàm ra hiệu:
- Đi chớ, anh Tnú! Lâu ngày về, chân không leo nổi cái dốc nữa à?
Tnú trèo qua thân cây. Con đường đổ xuống dốc lỗ chỗ hố chông. Mặt Tnú đanh lại. Anh lẳng lặng đi cho đến khi anh nhận ra tiếng chày dồn dập của làng anh. Bây giờ anh mới chợt hiểu ra rằng hình như cái mà anh nhớ nhất ở làng, nỗi nhớ day dứt lòng anh suốt ba năm nay chính là tiếng chày đó, tiếng chày chuyên cần, rộn rã của những người đàn bà và những cô gái Strá, của mẹ anh ngày xưa, của Mai, của Dít, từ ngày lọt lòng anh đã nghe thấy tiếng chày ấy rồi. Tnú cố giữ bình tĩnh nhưng ngực anh vẫn đập liên hồi, chân cứ vấp mãi mấy cái rễ cây vả chỗ quẹo vào làng. Anh vượt đi lên trước Heng. Heng chạy theo anh, vừa gọi:
- Chông đấy, có chông đấy, không phải như trước đâu, đi theo tui chớ!...
Đến làng, mặt trời chưa tắt. Thằng bé Heng tháo cây súng chống xuống đất, gọi to:
- Người già ơi, có khách đấy!
Ở mỗi cửa nhà ló ra bốn, năm cái đầu ngơ ngác. Những cặp mắt tròn xoe, rồi những tiếng ré lên và những tiếng reo:
- Giàng ơi! ... Tnú!... Anh Tnú, thằng Tnú! Nó về rồi,... mày về rồi thật đó, hả Tnú!
Có những người không kịp bước xuống thang, nhảy phốc một cái từ trên sàn nhà xuống đất. Những bà già - trời ơi bà cụ Leng vẫn còn sống kia à! - vừa lụm cụm bò xuống thang, từng bậc, từng bậc, vừa chửi:
- Con cháu! Ma bắt mày, thằng quỷ!... Mày không chờ tau chết rồi hãy về một thể có được không!
Ở các nhà vẫn còn những cái đầu lấp ló: các cô gái không ra, chỉ ngồi bên trong cười rúc rích. Cả làng đã vây quanh Tnú. Anh nhận ra tất cả. Ông già Tâng này, vẫn chòm râu quai nón đó, chỉ thêm cái ống điếu dài gò bằng sắt máy bay trực thăng, anh Pre này, trông già hẳn đi, chị Blom này, tóc đã lốm đốm bạc, bà già Prôi này, đã rụng hết cả hai hàm răng rồi... Một lũ trẻ lau nhau, đứa nào đứa nấy mặt mày lem luốc khói xà nu. Còn ông già Mết đâu rồi! Tnú định hỏi:
- Cụ Mết đâu?
Một bàn tay nặng trịch nắm chặt lấy vai anh như một cái kìm sắt. Anh quay lại: cụ Mết! Ông cụ vẫn quắc thước như xưa, râu bây giờ đã dài tới ngực và vẫn đen bóng, mắt vẫn sáng và xếch ngược, vết sẹo ở má bên phải vẫn láng bóng. Ông ở trần, ngực căng như một cây xà nu lớn. Ông cụ đẩy Tnú ra một bước, nhìn anh từ đầu đến chân, rồi phá lên cười:
- Hà hà!... Đeo cả tôm-xông về à!... Anh lực lượng!... Được!
Tnú hiểu ý ông cụ. Ông không bao giờ khen "Tốt! Giỏi!". Những khi vừa ý nhất, ông chỉ nói "Được!".
Lúc ông cụ Mết nói, mọi người đều im bặt. Ông nói như ra lệnh. Sáu mươi tuổi rồi mà tiếng nói vẫn ồ ồ, dội vang trong lồng ngực.
- Cấp chỉ huy cho mày về mấy đêm?... Một đêm à, được! Cho một đêm, về một đêm, cho hai đêm, về hai đêm, phải chấp hành cho đúng. Đêm nay mày ở nhà tau.
Không ai phản đối. Ông cụ lại nói:
- Thôi ai về nhà nấy, trời hết sáng rồi, làm lửa nấu cơm được rồi đó. Lũ con nít đi tắm nước cho sạch, rửa hết khói xà nu đi, đừng có vẽ mặt như văn công đóng kịch nữa, đứa nào không sạch thì phê bình, nghe chưa?... Thằng Tnú cũng đi rửa chân đi. Mày có nhớ cái máng nước ở chỗ nào không?... Nhớ à, được! Tưởng quên rồi thì tau đuổi ra rừng, không cho ở làng nữa đâu!
Nói vậy nhưng ông cụ vẫn bảo Tnú đưa ba lô và tôm-xông cho ông, rồi thân hành dẫn anh ra tới máng nước đầu làng. Lũ trẻ con ùa theo rối rít. Có mấy cô gái Tnú nhớ mặt nhưng không kịp nhớ ra tên, đang lấy nước vào những ống bương dài, vác ống đứng tránh ra một bên, nhường vòi nước cho anh. Vừa rửa sạch ở suối nhỏ rồi, nhưng Tnú vẫn rửa lại. Anh cởi áo ra để cho vòi nước lạnh ngắt của làng mình giội lên đầu, lên lưng, lên ngực như những ngày xưa, cũng chính ở vòi nước này đây, trên tấm đá bằng đã vẹt hẳn một bên vì ông cụ Mết vẫn ra mài dao ở đây.
Ông cụ Mết đứng lặng nhìn tấm lưng rộng của Tnú. Những vết thương xưa vẫn còn ngang dọc trên tấm lưng ấy, đã thành sẹo tím. Từ đôi mắt ông cụ lăn ra hai giọt nước mắt lớn, ông lén trở tay chùi một cách vội vã. Tnú không kịp nhìn thấy. Còn lũ trẻ thì ngơ ngác sửng sốt...
Từ các nhà đã quyện lên những sợi khói tím thẫm.
---------------------------------------------------------
(1) Xà nu: một loại cây tương tự như cây thông mọc rất nhiều ở Công Tum, nhựa và gỗ xà nu đều rất quý.
(2) Pom chu: có nơi gọi là cây chuối nước hay giong riềng, củ có nhiều bột.
Tác phẩm mới nhất:
- Kỉ niệm với 1 người thân (Văn học trong nước)
- Bốn mùa trong vườn (Văn học trong nước)
- Tặng cô (Hoàng Phương Linh) (Văn học trong nước)
- Miền trung anh dũng (Dương Tùng Lâm) (Văn học trong nước)
- Mai xa trường - Thời học sinh bước qua (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Lời dặn (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Suy Ngẫm (Lê Vũ Anh) (Văn học trong nước)
- Bạch Tuyết (Văn học trong nước)
- Lớp em (Đào Gia Như) (Văn học trong nước)
- Đồng quê tôi (Văn học trong nước)
- Xem tất cả tác phẩm >>
Ngoài ra, bạn cũng có thể gửi lên Lazi nhiều thứ khác nữa Tại đây!