“Thơ xưa thường chuộng thiên nhiên đẹp
Mây. gió, trăng, hoa, tuyết, núi, sông”
(Cảm nghĩ đọc “Thiên gia thi” - Hồ Chí Minh)
Trong thơ ca xưa, “trăng” luôn là một trong những thi liệu gần gũi, quen thuộc để người nghệ sĩ thể hiện tâm hồn đồng điệu, giao cảm với thiên nhiên. Bởi vậy, trong những sáng tác của Bác, “trăng” luôn là nguồn cảm hứng bất tận tạo nên vẻ đẹp thi sĩ quyện hòa chất chiến sĩ trong tâm hồn của chủ thể trữ tình. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua thi phẩm “Rằm tháng giêng”. Qua bài thơ, độc giả có thể thấy được tình yêu thiên nhiên quyện hòa cùng tình yêu non sông, đất nước, niềm tin vào chiến thắng của dân tộc trong mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình.
Bài thơ “Rằm tháng Giêng” ra đời vào năm 1947, gắn với cuộc họp tổng kết về tình hình quân sự, kháng chiến, cách mạng của Trung ương Đảng và Chính phủ. Theo nguyên tác, bài thơ được sáng tác theo thể thất ngôn tứ tuyệt với tựa đề “Nguyên tiêu”:
“Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên,
Xuân sang xuân thủy tiếp xuân thiên.
Yên ba thâm xứ đàm quân sự,
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền.”
Bài thơ được nhà thơ Xuân Thủy dịch nghĩa và chuyển hóa thành thể thơ lục bát:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.”
Mở đầu bài thơ, tác giả đã phác họa bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp qua ánh trăng lung linh, huyền ảo:
“Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân”
Bức tranh trong đêm trăng được diễn tả qua những nét vẽ gợi hình về thiên nhiên tạo vật. Tác giả đã sử dụng từ “lồng lộng” để miêu tả ánh trong trong đêm “Rằm tháng giêng” với vẻ đẹp tròn đầy cùng ánh sáng ấm áp bao trùm và chiếu rọi khắp không gian, tạo nên cách cảm nhận độc đáo: “Sông xuân nước lẫn bầu trời thêm xuân”. Ánh trăng lan tỏa soi chiếu theo chiều kích không gian từ cao xuống thấp tạo nên một bức tranh tràn ngập sức xuân và sắc xuân: sông xuân, nước xuân, trời xuân cùng giao hòa, mở ra ý niệm độc đáo về niềm tin và sức sống. Trên bối cảnh thiên nhiên tươi đẹp đó, hình ảnh người chiến sĩ cách mạng xuất hiện:
“Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”
Hai câu thơ gợi lên sự giao hòa đồng điệu giữa thiên nhiên và con người. Trước vẻ đẹp của trăng nước, nhân vật trữ tình vẫn không quên đi nhiệm vụ “đàm quân sự”. “Thưởng trăng” và “bàn bạc việc quân” cùng song hành quyện hòa gợi lên mối quan hệ giữa thiên nhiên và non sông đất nước, đồng thời thể hiện niềm tin tưởng, hi vọng vào chiến thắng của cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc. Con thuyền tràn ngập ánh trăng đã thể hiện chất thi sĩ và chiến sĩ trong tâm hồn nhân vật trữ tình. Từ đó, độc giả có thể thấy được vẻ đẹp lạc quan cách mạng cùng tình yêu thiên nhiên của tác giả.
Như vậy, bài thơ “Rằm tháng Giêng” đã tái hiện thành công bức tranh thiên nhiên mùa xuân trong đêm trăng với vẻ đẹp lung linh huyền ảo và ngập tràn sức sống. Đồng thời, bài thơ còn là bức chân dung tự họa thể hiện tinh thần lạc quan cách mạng, phong thái ung dung và tình yêu thiên nhiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.