Chiến dịch Biên giới Thu - Đông 1950 đánh dấu bước phát triển nhảy vọt của nghệ thuật chiến dịch tiến công trong kháng chiến chống Pháp: Đó là sự kế thừa, kết quả tích lũy những kinh nghiệm của hơn 20 chiến dịch nhỏ trong suốt hơn hai năm trước đó. Đó là nghệ thuật chọn đúng cách đánh chiến dịch, xác định chính xác hướng tiến công và mục tiêu tiến công, bảo đảm chắc thắng trận mở màn chiến dịch, nổi bật nhất là nghệ thuật triển khai thế trận và bố trí lực lượng đánh địch tăng viện để tiêu diệt.
Chiến thuật du kích (du kích chiến) được lực lượng vũ trang ba thứ quân và nhân dân các địa phương vận dụng với nhiều cách đánh cụ thể khác nhau. Chiến thuật du kích của ta vừa kết hợp cơ động đánh địch với bám trụ đánh địch ngay tại địa phương. Xây dựng làng chiến đấu dựa vào dân để đánh địch, bảo vệ dân, đã xuất hiện nhiều làng đánh giặc nổi tiếng. Chiến thuật du kích đánh địch mọi lúc, mọi nơi, đánh bằng mọi thứ vũ khí: giáo mác, gậy tầm vông, đòn gánh, dao kiếm, chông, mìn, cạm bẫy... đã tỏ rõ hiệu lực chiến lược.
Cùng với phát triển cách đánh du kích, bộ đội chủ lực đã vận dụng nhiều hình thức chiến thuật thích hợp: phục kích, kỳ tập, tập kích... tiêu diệt tiêu hao sinh lực địch. Trong chiến đấu tiến công, chiến thuật phục kích được vận dụng tương đối phổ biến theo nguyên tắc: nắm chắc địch và thời cơ, bí mật triển khai thế trận hiểm, bất ngờ, tiến công nhanh, mạnh, lui quân mau lẹ, bảo toàn lực lượng.
Trong các trận đánh đồn, bộ đội ta đã từng bước làm quen với tác chiến hiệp đồng giữa bộ binh với pháo binh, giữa bộ phận phá vật cản, mở cửa với xung kích và giữa các hướng với nhau. Từ Chiến dịch Biên giới trở đi, phương thức tiến hành chiến tranh chính quy xuất hiện và ngày càng phát triển, cùng với sự phát triển của chiến tranh du kích. Đây là thời kỳ đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch nhằm tranh giành quyền chủ động chiến lược. ^^