Nửa đầu năm 2021 tiếp tục là thời gian khó khăn của ngành vận tải khi sản lượng vận chuyển đều giảm sâu. Chưa kịp phục hồi sau 3 đợt dịch Covid-19 liên tiếp, thì đợt dịch thứ 4 lại ập đến, khiến các ngành vận tải từ đường bộ, đường sắt đến hàng không… đều trong tình trạng điêu đứng, buộc phải dừng hoặc chỉ hoạt động cầm chừng.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, với 2 đợt dịch bùng phát mạnh vào đúng thời điểm bắt đầu giai đoạn cao điểm nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ hè từ ngày 30/4-1/5, hoạt động vận chuyển hành khách nội địa bằng đường hàng không sụt giảm nghiêm trọng. Cụ thể, sản lượng vận chuyển hàng không trung bình hàng ngày trong 6 tháng đầu năm chỉ bằng 20 - 30% so với giai đoạn tháng 3-4/2020. Tính chung, sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam trong nửa đầu năm chỉ đạt 26,8 triệu lượt hành khách, giảm 19,4% so cùng kỳ năm 2020.
Ảnh minh họa
Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, số nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã lên tới 36.000 tỷ đồng. Doanh thu cũng bị giảm sâu trong hai quý đầu năm, trong đó, tháng 5 và 6/2021 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020, khiến các hãng càng thêm suy kiệt.
Lĩnh vực đường bộ cũng bị ảnh hưởng không kém từ diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, khi nhiều địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội dẫn đến đứt gãy các tuyến vận tải. Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải gặp nhiều khó khăn khi thường xuyên bị gián đoạn, có thời điểm bị dừng hoạt động. Thậm chí, nếu được phép hoạt động thì cũng chỉ được chở lượng khách bằng 50% sức chứa của phương tiện để thực hiện phòng chống dịch.
Số liệu của Bộ Giao thông Vận tải cho thấy, sản lượng, doanh thu vận tải hành khách 6 tháng đầu năm 2021 chỉ bằng từ 20-30% so với trước dịch; sản lượng, doanh thu vận tải hàng hóa ước đạt khoảng 70-80%. Tỷ lệ phương tiện hoạt động bình quân trên toàn quốc trong tháng 5/2021 chỉ đạt hơn 50% so với trước dịch.
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải quan ngại, hiện có khoảng 90% doanh nghiệp kinh doanh vận tải vay vốn ngân hàng để đầu tư phương tiện và tổ chức hoạt động vận tải. Nếu dịch Covid-19 kéo dài, phương tiện tiếp tục phải ngừng hoạt động, nhiều đơn vị kinh doanh vận tải sẽ lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán và có nguy cơ bị phá sản.
Với ngành đường sắt, tình cảnh còn ảm đạm hơn, nhiều chuyên gia giao thông khẳng định, đường sắt đang lao dốc không phanh. Bởi vốn đã sống lay lắt hàng chục năm nay, dịch Covid-19 tiếp tục làm cho ngành này không gượng nổi. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết, riêng năm 2020, VNR đã thua lỗ 1.324 tỷ đồng, năm 2021, dự kiến lỗ 940 tỷ đồng nữa. Trong khi đó, 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu vận tải chỉ bằng 53% so với năm 2019. Nếu tình trạng này kéo dài, doanh thu vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng, sẽ dẫn đến hụt một lượng tiền lớn. Dự báo, nếu dịch còn kéo dài sang năm 2022, Tổng công ty sẽ thua lỗ hết vốn điều lệ.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách gặp khó khăn khi nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Vận tải hành khách tháng Bảy giảm 24,9% về lượng hành khách vận chuyển và giảm 25,7% về lượng hành khách luân chuyển so với tháng trước; vận tải hàng hóa giảm 11,6% về sản lượng vận chuyển và giảm 6,4% về sản lượng luân chuyển.
Tính chung 7 tháng năm 2021, vận tải hành khách đạt 1.917,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Xét theo ngành vận tải, vận tải hành khách đường bộ 7 tháng đạt 1.775,8 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước; hàng không đạt 13,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 32,3%; đường sắt đạt 1,2 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 52,3%.
Vận tải hàng hóa 7 tháng đầu năm 2021 đạt 987,4 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, vận tải trong nước đạt 970,4 triệu tấn vận chuyển, tăng 3,6%; vận tải ngoài nước đạt 17 triệu tấn vận chuyển, giảm 19,7%. Xét theo ngành vận tải, vận tải hàng hóa đường bộ 7 tháng đạt 747,8 triệu tấn vận chuyển, tăng 1,7% so với cùng kỳ năm trước; đường thủy nội địa đạt 187,2 triệu tấn vận chuyển, tăng 7,4%; đường biển đạt 49 triệu tấn vận chuyển, tăng 8,3%; đường sắt đạt 3,3 triệu tấn vận chuyển, tăng 14,8%; đường hàng không đạt 147,5 nghìn tấn vận chuyển, giảm 9,2%.
Có thể nói, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư này như một cú “đánh bồi” khiến toàn Ngành vận tải điêu đứng, hầu hết doanh nghiệp vận tải hàng hóa, vận tải hành khách lao đao, kiệt sức, khó gượng dậy. Tất cả dường như là một bức tranh u ám đối với sự phát triển của ngành vận tải trong vòng xoáy của đại dịch.
Tìm cách sống chung với dịch bệnh
Thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19, nhiều giải pháp hỗ trợ Ngành giao thông vận tải đã được đề xuất và triển khai.