Đức vua Trần Nhân Tông, tên húy là Trần Khâm, sinh năm Mậu Ngọ – 1258 vào ngày 11 tháng 11 âm lịch. Ngài là con trưởng của Đức Vua Trần Thánh Tông và Hoàng Thái hậu Nguyên Thánh Thiên Cảm. Sử sách ghi lại rằng khi Ngài mới sinh ra đã có dung mạo của bậc thánh nhân, thể chất hoàn hảo, thần khí tươi sáng, sắc thái như vàng ròng, nên được vua cha đặt cho tên hiệu là Phật Kim.
Lớn lên, năm 16 tuổi, Ngài được lập làm Hoàng Thái tử vào năm Giáp Tuất – 1274. Trong cùng năm đó, Ngài đã kết duyên cùng công chúa Quyên Thanh, là trưởng nữ của Hưng Đạo Đại Vương. Vua Trần Thánh Tông đã mời các bậc trưởng lão tinh thông Nho giáo, Tứ thư, Ngũ kinh và Phật giáo để dạy dỗ cho Ngài như Lê Phụ Trần, Nguyễn Thánh Huấn, Nguyễn Sĩ Cố… Chính Vua cha đã soạn sách Di Hậu Lục để dạy cho Thái tử cách xử thế chuẩn bị nối nghiệp sau này nên Ngài đã trở nên tinh thông cả Tam giáo.
Về Phật pháp, Ngài theo học đạo với Tuệ Trung Thượng sĩ, và được Thượng sĩ hết lòng hướng dẫn, trao truyền những yếu nghĩa thiền tông. Ngài đã ngộ ra chân lý đạo màu khi đọc lời dạy: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” ( dịch nghĩa là: Quan sát lại chính mình đó là bổn phận, không do người khác làm được). Ngài tôn thờ Tuệ Trung Thượng sĩ làm thầy, và thường tới chùa Tư Phúc trong kinh thành Thăng Long để tụng kinh, tọa thiền, sám lễ Tam bảo, thấu đạt cả nội điển và ngoại điển.
Năm Mậu Dần – 1278, khi vừa tròn 20 tuổi, Hoàng Thái tử Khâm được Vua Trần Thánh Tông truyền ngôi xưng là Hoàng đế, hiệu là Hiếu Hoàng. Năm sau, 1279 Đức vua Trần Nhân Tông đổi niên hiệu là Thiệu Bảo. Kế tục sự nghiệp của các Tiên đế nhà Trần, Đức vua đã thi hành nhiều chính sách khoan hòa, thân dân, lấy đức mà trị vì Đại Việt, chăm lo cho dân chúng, xây dựng quốc gia hòa bình, thịnh trị.
Khi giặc Nguyên – Mông xâm chiếm Đại Việt, năm 1282, Ngài chủ trì hội nghị Bình Than để lấy ý kiến của toàn quân, toàn dân Đại Việt đoàn kết chống giặc ngoại xâm. Sau đó, Ngài đã trực tiếp lãnh đạo quân dân Đại Việt hai lần chiến thắng giặc Nguyên – Mông vào các năm 1285 và 1288. Hào khí Đông A quật cường chiến thắng, Ngài đã cảm hứng bằng hai câu thơ để cổ vũ quân, dân như sau:
“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”
Dịch nghĩa là:
“Xã tắc hai phen chồn ngựa đá
Non sông muôn thuở vững âu vàng”