Kể từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã nổi lên là một thành viên năng động và trách nhiệm, mang lại những ảnh hưởng tích cực cho cấu trúc của ASEAN, thúc đẩy hợp tác nội khối và tạo nhiều cơ hội cho đầu tư và tăng trưởng kinh tế, đóng góp quan trọng vào việc duy trì sự thống nhất, hòa bình và ổn định khu vực.
Cụ thể, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy kết nạp các nước Campuchia, Lào và Myanmar vào ASEAN, hoàn thành ý tưởng về một “mái nhà chung” ASEAN bao gồm toàn bộ 10 quốc gia ở khu vực Đông Nam Á. Điều này đã góp phần đưa ASEAN trở thành tổ chức đại diện cho toàn khu vực, liên kết sâu rộng và có vai trò quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á -Thái Bình Dương.
Năm 1998, chỉ 3 năm sau khi Việt Nam trở thành thành viên của khối, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6. Kế hoạch hành động Hà Nội được đưa ra tại Hội nghị đã giúp duy trì sự hợp tác và tăng cường vị thế của hiệp hội trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Thường trực ASEAN 2001 và nước Chủ tịch ASEAN 2010. Ở hai cương vị này, Việt Nam đã giúp thúc đẩy một bước tiến lớn hướng tới thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, qua đó tăng cường vai trò và vị thế quốc tế của khối.
Trong suốt 25 năm qua, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến và đã được hiện thực hóa, trong đó phải kể đến Hội nghị Bộ trưởng quốc phòng mở rộng (ADMM+) hay thành lập Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN. Năm 2010, nước Chủ tịch Việt Nam tạo được đồng thuận về quyết định mở rộng Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) cho Nga và Mỹ tham gia...
Trong vai trò điều phối, Việt Nam đã làm tốt việc kết nối, mở rộng và làm sâu sắc quan hệ giữa ASEAN với các đối tác chiến lược, như: Trung Quốc, Mỹ, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Australia và Ấn Độ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tích cực triển khai lộ trình tổng thể xây dựng cộng đồng ASEAN, tham gia soạn thảo sáng kiến liên kết ASEAN, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ các thành viên mới hội nhập khu vực.
Đặc biệt, trong năm 2019 Việt Nam đã cùng các nước thành viên xây dựng và thông qua quan điểm về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, giúp hình thành lập trường chung của ASEAN về vấn đề này. Cũng trong năm 2019, Việt Nam tham gia thúc đẩy thông qua, hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại Dịch vụ, xây dựng lộ trình cắt giảm hàng rào phi thuế quan và kết thúc đàm phám Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), dự kiến sẽ được ký trong năm 2020 tại Việt Nam.
Đánh giá về vai trò và những đóng góp của Việt Nam trong suốt 25 năm qua, Đại sứ Trần Đức Bình, Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại ASEAN cho biết: Việt Nam là một quốc gia thành viên có trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tất cả các hoạt động của ASEAN và luôn nằm trong nhóm nước có tỷ lệ cao nhất trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể về xây dựng cộng đồng ASEAN.
Năm 2020, việc Việt Nam đang tích cực phát huy vai trò dẫn dắt của Chủ tịch ASEAN trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đã một lần nữa ghi thêm vào danh mục những đóng góp của Việt Nam cho ASEAN trong suốt 25 năm qua, cũng như khẳng định vị thế và vai trò lãnh đạo của quốc gia trong khu vực. Cộng đồng ASEAN kịp thời hành động, chủ động thích ứng, gắn kết các quốc gia đối phó với đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên toàn cầu. Sau sự thành công của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN và ASEAN+3 về ứng phó với COVID-19, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 lần đầu tiên được tổ chức trực tuyến cũng đã thành công tốt đẹp... Các quốc gia thành viên đã đưa ra Tuyên bố Tầm nhìn của các nhà lãnh đạo ASEAN về gắn kết và chủ động thích ứng: Vượt lên thách thức và hướng tới phát triển bền vững, trở thành kim chỉ nam cho ASEAN trên con đường phát triển và hội nhập. Dưới sự dẫn dắt của Việt Nam, các quốc gia trong khu vực đã cùng chia sẻ những kết quả ban đầu đáng khích lệ trong cuộc chiến chống Covid-19 và các sáng kiến như lập Quỹ ứng phó dịch Covid-19 của ASEAN, Kho dự trữ vật tư y tế của khu vực, Bộ quy trình vận hành tiêu chuẩn của ASEAN cho các tình huống y tế công cộng khẩn cấp, xây dựng Kế hoạch phục hồi toàn diện sau dịch bệnh.
Tổng thư ký ASEAN, ông Dato Lim Jock Hoi đánh giá: Việt Nam đã thể hiện “tầm lãnh đạo mạnh mẽ” trong việc dẫn dắt một phản ứng tập thể của khu vực trước đại dịch COVID-19. ASEAN đã đoàn kết và nhanh chóng ứng phó với đại dịch kể từ tháng 2/2020. Điều này một lần nữa khẳng định “tầm lãnh đạo của Việt Nam” đặc biệt trong việc thúc đẩy các quốc gia thành viên đối thoại và hợp tác thông qua một loạt các hội nghị trực tuyến. ASEAN hoàn toàn có thể vượt qua thử thách của dịch COVID-19 với sự đồng thuận, kiên cường và nỗ lực.
Nâng tầm vị thế hợp tác trong khu vực và thế giới
Sau 25 năm tham gia ASEAN, mối quan hệ hợp tác khu vực giữa Việt Nam với ASEAN ngày càng phát triển toàn diện và có tác động sâu sắc tới đời sống kinh tế-xã hội và chính trị của Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác khu vực và thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và ASEAN năm 2019 đạt 57,3 tỷ USD, tăng gấp 10 lần cách đây 25 năm và chiếm tỷ trọng 11% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Trong nội khối ASEAN, Việt Nam có vị trí thứ 3 về xuất nhập khẩu, chỉ sau Singapore và Thái Lan. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đạt gần 25 tỷ USD, tăng 1,3% so với năm 2018 và tăng 30% so với năm 2016.
Báo cáo đầu tư quốc tế của Bộ Kế hoạch và đầu tư cho thấy, Việt Nam hiện đứng thứ 21 về lượng vốn FDI trên toàn thế giới, trong đó các dòng vốn đầu tư chủ yếu đến từ các nước cùng khu vực ASEAN và các nền kinh tế châu Á khác. Tính đến cuối tháng 7/2020, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký của các nhà đầu tư từ ASEAN đạt gần 82,2 tỷ USD, chiếm 21,6% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam. Lượng FDI từ các nước ASEAN chảy vào Việt Nam trong 25 năm qua đã khẳng định, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn của khu vực. Ở chiều ngược lại, dòng chảy đầu tư của Việt Nam sang các quốc gia thành viên ASEAN cũng phản ánh hiệu quả hợp tác đầu tư hiệu quả giữa các bên. Tính đến cuối tháng 6/2020, đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào đạt hơn 4,9 tỷ USD vốn đăng ký, theo sau là thị trường Campuchia với tổng vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD. Nhà đầu tư Việt Nam như Viettel, FPT, Hoàng Anh Gia Lai… từng bước khẳng định được thương hiệu tại thị trường ASEAN với những khoản đầu tư lớn tại Lào, Campuchia và Myanmar...
Năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN, Việt Nam có trọng trách dẫn dắt và hợp tác với các nước đối tác để cùng phục hồi, thúc đẩy kinh tế toàn khu vực phát triển. Điều này đòi hỏi Việt Nam phải nắm bắt và điều hành, cùng với các nước ASEAN liên kết để đảm bảo khả năng chống chọi với môi trường mới, tiếp tục tạo ra sức sống mới cho ASEAN cũng như cho các khuôn khổ hợp tác của ASEAN với các nước đối tác.
Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, sẽ có khoảng từ 16-17 sáng kiến được thực hiện trong năm 2020, trải rộng và bao trùm lên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ, kể cả việc hoàn thiện về thể chế, hệ thống hạ tầng, cũng như sự liên kết nội khối trong ASEAN.
Hiện, ASEAN có 6 Hiệp định Thương mại tự do với các đối tác. Đây là những khuôn khổ hợp tác rất lớn, có thể tác động mạnh mẽ vào cấu trúc của thương mại toàn cầu. Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) mà Việt Nam, ASEAN cùng các nước đối tác dự kiến sẽ ký kết tại Việt Nam trong năm 2020, chắc chắn cũng sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới của thương mại khu vực và quốc tế.
Tuy nhiên, để tiếp tục hướng tới phát triển và hợp tác khu vực bền vững, công cuộc hội nhập kinh tế ASEAN, Việt Nam cần có những định hướng, chính sách phù hợp. Cụ thể, Việt Nam cùng các nước khẳng định và thúc đẩy vai trò trung tâm của ASEAN trong việc điều phối các hoạt động hợp tác kinh tế trong khu vực; thúc đẩy việc xây dựng các khuôn khổ hợp tác mang tính ổn định, bền vững. Đặc biệt, với vai trò là Chủ tịch ASEAN trong năm 2020, Việt Nam sẽ cùng các nước ASEAN thúc đẩy việc điều chỉnh các chương trình hợp tác trong ASEAN một cách phù hợp với tình hình mới, nhất là thông qua việc đánh giá giữa kỳ quá trình thực hiện Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế đến năm 2005