Nghệ An nằm ở vĩ độ 180 33' đến 200 01' vĩ độ Bắc, kinh độ 1030 52' đến 1050 48' kinh độ Đông, ở vị trí trung tâm vùng Bắc Trung Bộ.
Nghệ An là tỉnh nằm ở trung tâm vùng Bắc Trung bộ, giáp tỉnh Thanh Hóa ở phía Bắc, tỉnh Hà Tĩnh ở phía Nam, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ở phía Tây với 419 km đường biên giới trên bộ; bờ biển ở phía Đông dài 82 km. Vị trí này tạo cho Nghệ An có vai trò quan trọng trong mối giao lưu kinh tế - xã hội Bắc - Nam, xây dựng và phát triển kinh tế biển, kinh tế đối ngoại và mở rộng hợp tác quốc tế.
Nghệ An nằm trên các tuyến đường quốc lộ Bắc - Nam (tuyến quốc lộ 1A dài 91 km đi qua các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và thành phố Vinh, đường Hồ Chí Minh chạy song song với quốc lộ 1A dài 132 km đi qua các huyện Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương và thị xã Thái Hoà, quốc lộ 15 ở phía Tây dài 149 km chạy xuyên suốt tỉnh); các tuyến quốc lộ chạy từ phía Đông lên phía Tây, nối với nước bạn Lào thông qua các cửa khẩu (quốc lộ 7 dài 225 km, quốc lộ 46 dài 90 km, quốc lộ 48 dài trên 160 km). Tỉnh có tuyến đường sắt Bắc - Nam dài 94 km chạy qua.
Nghệ An nằm trong hành lang kinh tế Đông - Tây nối liền My-an-ma - Thái Lan - Lào - Việt Nam - Biển Đông theo đường 7 đến cảng Cửa Lò. Nằm trên các tuyến du lịch quốc gia và quốc tế (tuyến du lịch xuyên Việt; tuyến du lịch Vinh - Cánh đồng Chum - Luang-pra-bang - Viêng Chăn - Băng Cốc và ngược lại qua đường 7 và đường 8).
Với vị trí như vậy, Nghệ An đóng vai trò quan trọng trong giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch, vận chuyển hàng hoá với cả nước và các nước khác trong khu vực, nhất là các nước Lào, Thái Lan và Trung Quốc, là điều kiện thuận lợi để kêu gọi đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
I.2. Đất đai - Thổ nhưỡng:
Diện tích:
Nghệ An có diện tích tự nhiên là 16.481,62 km2. Với hơn 80% diện tích là vùng đồi núi nằm ở phía tây gồm 10 huyện, và 01 thị xã miền núi; Phía đông là phần diện tích đồng bằng và duyên hải ven biển gồm 07 huyện, 02 thị xã và thành phố Vinh.
Phân chia theo nguồn gốc hình thành thì có các nhóm đất như sau:
Thổ nhưỡng:
a - Đất thuỷ thành: Phân bố tập trung chủ yếu ở các huyện đồng bằng, ven biển, bao gồm 5 nhóm đất: đất cát; đất phù sa, dốc tụ; đất mặn; đất phèn mặn; đất bạc màu và biến đổi do trồng lúa.
Chiếm vị trí quan trọng trong số này có 189.000 ha đất phù sa và nhóm đất cát, có ý nghĩa lớn đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Sau đây là đặc điểm của hai loại chính:
- Đất cát cũ ven biển: 21.428 ha (tập trung ở vùng ven biển), đất có thành phần cơ giới thô, kết cấu rời rạc, dung tích hấp thụ thấp. Các chất dinh dưỡng như mùn, đạm, lân đều nghèo, kali tổng số cao, nhưng kali dễ tiêu nghèo, thích hợp và đã được đưa vào trồng các loại cây như: rau, lạc, đỗ, dâu tằm, ... .
- Đất phù sa thích hợp với canh tác cây lúa nước và màu: Bao gồm đất phù sa được bồi hàng năm, đất phù sa không được bồi, đất phù sa lầy úng, đất phù sa cũ có sản phẩm Feralit. Nhóm này có diện tích khoảng 163.202 ha, trong đó đất phù sa không được bồi hàng năm chiếm khoảng 60%. Đất thường bị chia cắt mạnh, nghiêng dốc và lồi lõm, quá trình rửa trôi diễn ra liên tục cả bề mặt và chiều sâu. Loại đất này tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng, phần lớn được dùng để trồng lúa nước (khoảng 74.000 ha). Các dải đất, bãi bồi ven sông và đất phù sa cũ có địa hình cao hơn thường trồng ngô và cây công nghiệp ngắn ngày khác.
- Ngoài hai loại đất chính trên còn có đất cồn cát ven biển và đất bạc màu, tuy nhiên, diện tích nhỏ và có nhiều hạn chế trong sản xuất nông nghiệp.
b - Đất địa thành: Loại đất này tập trung chủ yếu ở vùng núi (74,4%) và bao gồm các nhóm đất sau:
*) Đất đỏ vàng phát triển trên đá phiến thạch sét (Fs)
Tổng diện tích 433.357 ha, phân bố trên một phạm vi rộng lớn ở hầu khắp và tập trung nhiều ở các huyện Tương Dương, Con Cuông, Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp.
Đất đỏ vàng trên phiến sét có ở hầu hết tất cả các loại địa hình nhưng tập trung ở vùng núi thấp, độ dốc lớn, tầng đất khá dày. Đây là loại đất đồi núi khá tốt, đặc biệt là về lý tính (giữ nước và giữ màu tốt), phù hợp để phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả. Thời gian qua loại đất này đã được đưa vào sử dụng để trồng các loại cây như: chè, cam, chanh, dứa, hồ tiêu,... Diện tích loại đất này còn nhiều và tập trung thành vùng lớn, nhất là ở các huyện Anh Sơn, Thanh Chương, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Quỳnh Lưu. Đây là một thế mạnh của Nghệ An so với nhiều địa phương khác ở miền Bắc để phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả.
*) Đất vàng nhạt phát triển trên sa thạch và cuội kết (Fq)
Tổng diện tích 315.055 ha, phân bố rải rác theo dải hẹp xen giữa các dải đất phiến thạch kéo dài theo hướng Tây Bắc - Đông Nam của tỉnh qua nhiều huyện miền núi và trung du như Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Tương Dương, Kỳ Sơn.... Do thành phần cơ giới tương đối nhẹ hơn so với đất phiến thạch sét nên đất vàng nhạt trên sa thạch thường bị xói mòn mạnh, tầng đất tương đối mỏng và nhiều nơi trơ sỏi đá. Chỉ có một số nơi địa hình đồi núi cao, thảm thực vật che phủ khá mới có độ dày tầng đất từ 50-70 cm. Đất vàng nhạt trên sa thạch thường nghèo dinh dưỡng, khả năng giữ nước và kết dính kém, thành phần keo sét thấp, khả năng giữ màu, đến nay hầu như không sử dụng vào sản xuất nông nghiệp. Ở vùng cao có khả năng trồng một số cây công nghiệp nhưng phải có chế độ bảo vệ nguồn nước và chống xói mòn tốt mới duy trì được hiệu quả sử dụng đất.
*) Đất vàng đỏ phát triển trên các đá axít (Fa)
Tổng diện tích khoảng 217.101 ha, phân bố rải rác ở các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu... Phần lớn đất vàng đỏ trên đá axít có thành phần cơ giới nhẹ, nghèo dinh dưỡng, bị xói mòn rửa trôi mạnh, độ chua lớn (PHKCL< 4), dùng để trồng rừng.
*) Đất đỏ nâu trên đá vôi (Fv)
Tổng diện tích khoảng 34.064 ha, phân bố rải rác ở các huyện: Tân Kỳ, Nam Đàn, Quỳ Hợp... Đất đỏ nâu trên đá vôi ở các vùng địa hình thấp thường có tầng dày hơn; ở vùng núi cao đất đá vôi bị phong hoá và rửa trôi mạnh nên tầng đất mỏng hơn. Tuy nhiên, phần lớn đất đá vôi có độ dày tầng đất khá thường trên 50 cm, độ phì ở đất đá vôi khá. Đất đỏ nâu trên đá vôi thích hợp cho việc trồng nhiều loại cây lâu năm như: cam, chè, cà phê, cao su... và có tầng đất dày, độ dốc thoải và độ phì khá. Tuy nhiên, diện tích đất đá vôi này không lớn mà phân bố manh mún, có thể kết hợp với những đất khác để tạo nên những vùng cây trồng có hiệu quả kinh tế cao.
*) Đất nâu đỏ trên bazan (Fk)
Tổng diện tích khoảng 14.711 ha, phân bố chủ yếu ở vùng kinh tế Phủ Quỳ. Đây là loại đất tốt, thoát nước tốt nhưng giữ nước kém, có tầng dày trên 1 m, địa hình khá bằng phẳng, ít dốc (độ dốc nhỏ hơn 10o), rất thích hợp với cây công nghiêp dài ngày. Hầu hết loại đất này đã được sử dụng vào sản xuất, chủ yếu là trồng cao su, cà phê, cam,... và cho hiệu quả kinh tế cao.
*) Đất Feralit đỏ vàng trên núi, đất mùn trên núi cao
Loại đất này chiếm gần 20% diện tích thổ nhưỡng. Tuy có độ phì cao song khả năng phát triển sản xuất nông nghiệp bị hạn chế do tập trung chủ yếu trên núi cao, địa hình dốc và bị chia cắt mạnh. Đây là địa bàn thích hợp cho sản xuất lâm nghiệp.
I.3. Địa hình:
Nghệ An nằm ở Đông Bắc dãy Trường Sơn có địa hình đa dạng, phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy đồi núi và hệ thống sông, suối. Về tổng thể, địa hình nghiêng theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, với ba vùng sinh thái rõ rệt: miền núi, trung du, đồng bằng ven biển. Trong đó, miền núi chiếm tới 83% diện tích lãnh thổ. Địa hình có độ dốc lớn, đất có độ dốc lớn hơn 8o chiếm gần 80% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, đặc biệt có trên 38% diện tích đất có độ dốc lớn hơn 25o. Nơi cao nhất là đỉnh Pulaileng (2.711m) ở huyện Kỳ Sơn, thấp nhất là vùng đồng bằng các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, có nơi chỉ cao 0,2 m so với mặt nước biển (xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu). Đặc điểm địa hình trên là một trở ngại lớn cho việc phát triển mạng lưới giao thông đường bộ, đặc biệt là các tuyến giao thông vùng trung du và miền núi, gây khó khăn cho phát triển lâm nghiệp và bảo vệ đất đai khỏi bị xói mòn, gây lũ lụt cho nhiều vùng trong tỉnh. Tuy nhiên, hệ thống sông ngòi có độ dốc lớn, với 117 thác lớn, nhỏ là tiềm năng lớn có thể khai thác để phát triển thuỷ điện và điều hoà nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh.
I.4. Khí hậu, thuỷ văn:
Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa có mùa đông lạnh và chia làm hai mùa rõ rệt: mùa hạ nóng, ẩm, mưa nhiều và mùa đông lạnh, ít mưa.
Khí hậu:
a) Chế độ nhiệt:
Nhiệt độ trung bình hàng năm từ 24 - 250 C, tương ứng với tổng nhiệt năm là 8.9000 C. Sự chênh lệch nhiệt độ giữa các tháng trong năm khá cao. Nhiệt độ trung bình các tháng nóng nhất (tháng 6 đến tháng 7) là 30-310 C, nhiệt độ cao tuyệt đối 42,70 C; nhiệt độ trung bình các tháng lạnh nhất (tháng 12 năm trước đến tháng 2 năm sau) là 190 C, nhiệt độ thấp tuyệt đối - 0,50 C.
Số giờ nắng trung bình/năm là 1.500 - 1.700 giờ. Tổng tích ôn là 3.5000C - 4.0000C.
b) Chế độ mưa:
Nghệ An là tỉnh có lượng mưa trung bình so với các tỉnh khác ở miền Bắc. Lượng mưa bình quân hàng năm dao động từ 1.200-2.000 mm/năm với 123 - 152 ngày mưa, phân bổ cao dần từ Bắc vào Nam và từ Tây sang Đông và chia làm hai mùa rõ rệt:
- Mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, lượng mưa chỉ chiếm 15 - 20% lượng mưa cả năm, tháng khô hạn nhất là tháng 1, 2; lượng mưa chỉ đạt 7 - 60 mm/tháng.
- Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa tập trung chiếm 80 - 85% lượng mưa cả năm, tháng mưa nhiều nhất là tháng 8, 9 có lượng mưa từ 220 - 540mm/tháng, số ngày mưa 15 - 19 ngày/tháng, mùa này thường kèm theo gió bão.
c) Độ ẩm không khí:
Trị số độ ẩm tương đối trung bình năm dao động từ 80 - 90%, độ ẩm không khí cũng có sự chênh lệch giữa các vùng và theo mùa. Chênh lệch giữa độ ẩm trung bình tháng ẩm nhất và tháng khô nhất tới 18 - 19%; vùng có độ ẩm cao nhất là thượng nguồn sông Hiếu, vùng có độ ẩm thấp nhất là vùng núi phía Nam (huyện Kỳ Sơn, Tương Dương). Lượng bốc hơi từ 700 - 940 mm/năm.
d) Chế độ gió:
Nghệ An chịu ảnh hưởng của hai loại gió chủ yếu: gió mùa Đông Bắc và gió phơn Tây Nam.
- Gió mùa Đông Bắc thường xuất hiện vào mùa Đông từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, bình quân mỗi năm có khoảng 30 đợt gió mùa Đông Bắc, mang theo không khí lạnh, khô làm cho nhiệt độ giảm xuống 5 - 100C so với nhiệt độ trung bình năm.
- Gió phơn Tây Nam là một loại hình thời tiết đặc trưng cho mùa hạ của vùng Bắc Trung Bộ. Loại gió này thường xuất hiện ở Nghệ An vào tháng 5 đến tháng 8 hàng năm, số ngày khô nóng trung bình hằng năm là 20 - 70 ngày. Gió Tây Nam gây ra khí hậu khô, nóng và hạn hán, ảnh hưởng không tốt đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân trên phạm vi toàn tỉnh.
e) Các hiện tượng thời tiết khác:
Là tỉnh có diện tích rộng, có đủ các dạng địa hình: miền núi, trung du, đồng bằng và ven biển nên khí hậu tỉnh Nghệ An đa dạng, đồng thời có sự phân hoá theo không gian và biến động theo thời gian.
Bên cạnh những yếu tố chủ yếu như nhiệt độ, lượng mưa, gió, độ ẩm không khí thì Nghệ An còn là một tỉnh chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Trung bình mỗi năm có 2 - 3 cơn bão, thường tập trung vào tháng 8 – 10 và có khi gây ra lũ lụt.
Sương muối chỉ có khả năng xảy ra ở các vùng núi cao và một vài vùng trung du có điều kiện địa hình và thổ nhưỡng thuận lợi cho sự thâm nhập của không khí lạnh và sự mất nhiệt do bức xạ mạnh mẽ của mặt đất như khu vực Phủ Quỳ.
Nhìn chung, Nghệ An nằm trong vùng khí hậu có nhiều đặc thù, phân dị rõ rệt trên toàn lãnh thổ và theo các mùa, tạo điều kiện cho nhiều loại cây trồng phát triển. Khí hậu có phần khắc nghiệt, đặc biệt là bão và gió Tây Nam gây trở ngại không nhỏ cho sự phát triển chung, nhất là sản xuất nông nghiệp.