Tục ngữ là kho tàng trí thức quý giá của dân tộc Việt Nam. Ở đó chứa đựng những lời răn dạy vô cùng quý giá. Một trong số đó là câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Khi chúng ta được thưởng thức hoa quả ngọt, cần phải nhớ đến người đã vun trồng và chăm sóc để cây đơm hoa, kết trái. Bởi đó là một quá trình vất vả, khó nhọc. Cũng giống như khi ăn một bữa cơm ngon phải nhớ đến người làm ra hạt gạo thơm ngon; mặc một chiếc áo đẹp phải nhớ tới người đã thêu dệt nên nó hay đạt được những giải thưởng cao quý phải biết ơn những người đã dạy dỗ mình. Như vậy, câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã khuyên nhủ con người cần có được tấm lòng biết ơn. Đó cũng là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam ta từ xưa cho đến nay. Trong quá khứ, ông cha ta vẫn thường căn dặn con cháu phải luôn ghi nhớ công ơn của các vua Hùng:
“Nhớ ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba”
Không chỉ vậy, trong suốt lịch sử dân tộc, chúng ta đã chứng kiến biết bao bậc anh hùng đã hy sinh để giành lại độc lập cho đất nước. Nhân dân ta đã thể hiện lòng biết ơn bằng cách lập đền thờ để tưởng nhớ họ. Còn ở hiện tại, nhiều hoạt động ý nghĩa thể hiện tấm lòng biết ơn như: những chuyến thăm và tặng quà các thương binh, giúp đỡ những bà mẹ Việt Nam anh hùng, lễ tưởng niệm các liệt sĩ…
Với một học sinh,tấm lòng thương yêu, kính trọng người thân như ông bà, cha mẹ… Sự tôn trọng, yêu quý thầy cô giáo - họ không chỉ đem lại cho chúng ta vốn tri thức quý giá mà còn cả những bài học làm người sâu sắc. Sự trân trọng dành cho bạn bè - những người luôn ở bên giúp đỡ, tâm sự chúng ta. Hoặc sự coi trọng sách vở - sản phẩm kết tinh những tri thức của nhân loại… Tất cả những hành động đó, tuy nhỏ bé nhưng lại chứa đựng những ý nghĩa lớn lao trong cuộc sống.
Qua chứng minh trên, có thể khẳng định câu tục ngữ “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là vô cùng đúng đắn. Tóm lại, mỗi chúng ta hãy biết trân trọng những thành quả tốt đẹp mà mình đang được hưởng, để sống sao cho thật xứng đáng với cuộc đời mà mình có được.