Chùa Tây Phương nay thuộc địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất . Ngôi chùa nằm trên đỉnh đồi Câu Lậu – Vị trí có rất nhiều cảnh đẹp thanh tao, tự nhiên và vô cùng hữu tình. Chùa Tây Phương hiện nay mang kiểu kiến trúc cổ Việt Nam mang dáng dấp “Thượng Sơn lâu đài, hạ sơn lưu thủy”. Chùa gồm ba nếp nhà song song được xây dựng theo lối kiến trúc kiểu chữ Tam gồm chùa Hạ, chùa Trung, chùa Thượng, ba ngôi chùa này đã tạo nên một quần thể uy nghi, vững chãi. Mái chùa được lợp hai lớp ngói và có những hoa văn trạm trổ vô cùng tinh tế. Toàn bộ bức tường của chùa Tây Phương được xây dựng bằng gạch Bát Tràng nung đỏ, để trần, kết hợp hài hòa với màu sắc của gỗ đá trong khuân viên chùa. Ngoài ra, chùa Tây Phương còn nổi tiếng với nhiều pho tượng phật được coi là kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam, đặc biệt là của tôn giáo. Chùa có 72 pho tượng được tạc bằng gỗ mít sơn son thiếp vàng. Trong đó 18 pho tượng thuộc nhóm La Hán chính là hình tượng đã được các nghệ nhân điêu khắc mượn sự tích tu hành của các vị đệ tử Phật Giáo nhằm mô tả những con người sống trong xã hội đương thời. Chùa Tây Phương còn là địa điểm thăm quan, lễ phật hàng năm của rất nhiều phật tử và du khách trong và ngoài nước. Lễ hội chùa Tây Phương bắt đầu từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng 3 âm lịch hàng năm.