Đọc kĩ đoạn 3 “Cùng làng với nàng... biến đi mất” liệt kê những chi tiết kì ảo hoang đường và tìm hiểu vai trò của những yếu tố này trong việc tạo nên sức hấp dẫn và thể hiện ý nghĩa của truyện.
Phần cuối truyện đậm đặc tính chất hoang đường: Phan Lang nằm mộng thấy người con gái áo xanh đến kêu xin tha mạng; Phan Lang được biếu một con rùa mai xanh, chàng đem thả xuống sông; Phan Lang bị chết đuối được Linh Phi vợ vua biển Nam Hải làm cho sống lại: Phan Lang gặp lại Vũ Nương ở điện Linh Phi; hình ảnh Vũ Nương ngồi kiệu hoa lúc ẩn lúc hiện... đều là những chi tiết hoang đường kì ảo. Đưa những chi tiết này vào câu chuyện có thật, Nguyễn Dữ đã thể hiện mong muốn giải oan cho người con gái bạc mệnh, muốn được thấy nàng tươi đẹp, rực rỡ, được đền đáp trong một thế giới khác.
Đó là một cách xoa dịu, an ủi nỗi đau. Đồng thời, bằng cách đó, ông cũng tô đậm thêm nỗi oan khuất, số phận bạc mệnh của Vũ Nương. Tuy nàng đã được minh oan nhưng sự việc đã xảy ra rồi, mãi mãi không lấy lại được: âm dương cách biệt, nàng chẳng thể về nhân gian được nữa, đứa con mãi vẫn là đứa trẻ mồ côi, còn nàng vẫn thiệt phận, vẫn không được hưởng trọn cuộc đời thực trên dương thế.Nhân vật Vũ Nương là điển hình cho bi kịch của người phụ nữ trong gia đình và xã hội cũ. Viết câu chuyện này dưới lăng kính người cầm bút, đan cài những yếu tố hoang đường, kì ảo, Nguyễn Dữ đã thể hiện sự cảm thương sâu sắc đối với Vũ Nương nói riêng, với người phụ nữ nói chung, đồng thời lên tiếng phê phán chế độ xã hội tàn bạo, bất công, lên án chiến tranh đã tước đi hạnh phúc con người. Tính nhân văn của tác phẩm chính là ở đó.