1/ Mở bài: Nêu vấn đề nghị luận, trích dẫn ý kiến. 2/ Thân bài: 2.1. Giải thích ý kiến: "...thiên nhiên trong Truyện Kiều cũng là một nhân vật, một nhân vật thường kín đáo, lặng lẽ nhưng không mấy khi không có mặt và luôn luôn thấm đượm tình người" có nghĩa là: - Nhà phê bình Hoài Thanh muốn nói đến sự có mặt của thiên nhiên xuyên suốt, chân thực, sinh động và ấn tượng với bạn đọc như những gì Nguyễn Du xây dựng về con người... - Điều đó có nghĩa thiên nhiên là đối tượng thứ nhất, có vẻ đẹp tự thân, hiện lên chân thực, có hồn, thể hiện tình yêu cái đẹp và tạo vật của thi hào Nguyễn Du... Thiên nhiên còn là đối tượng để Nguyễn Du ngụ tình... => Nguyễn Du đã thể hiện tình yêu thắm thiết với thiên nhiên, tạo vật và qua thiên nhiên, thể hiện tình yêu thắm thiết với con người, cuộc sống... 2.2. Chứng minh: * Thiên nhiên - một thế giới tuyệt đẹp hiện lên trong Truyện Kiều, được nhìn qua tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, thấm đượm yêu thương của Nguyễn Du: - Đó là cảnh buổi sáng mùa xuân đẹp đẽ, tinh khôi, tràn đầy sức sống hay khung cảnh hoàng hôn thật đẹp, thật thanh khiết nhưng phảng phất buồn trong "Cảnh ngày xuân". - Đó là bức tranh thiên nhiên mênh mông, hoang vắng, rợn ngợp nơi lầu Ngưng Bích trong "Kiều ở lầu Ngưng Bích" (HS cần chọn lựa dẫn chứng tiêu biểu để phân tích, tránh sa vào liệt kê dẫn chứng.) => Có thể nói, ngòi bút của Nguyễn Du rất tinh tế khi tả cảnh. Khi miêu tả, bao giờ Nguyễn Du cũng nắm được cái thần của cảnh với những nét đặc trưng riêng => Qua cách miêu tả thiên nhiên, Nguyễn Du cho thấy một tâm hồn thiết tha yêu thiên nhiên, một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, tài hoa... => Sáng tác của Nguyễn Du đã hướng người đọc mở rộng lòng mình với tạo hoá, với cái đẹp... * Thiên nhiên còn là đối tượng để Nguyễn Du bày tỏ tình cảm với con người, thế nên thiên nhiên ấy thấm đượm tình người: - Bức tranh mùa xuân là xúc cảm đẹp của nội tâm hai nàng Kiều và cũng là ước vọng của Nguyễn Du về tuổi trẻ, hạnh phúc, sự bình an. (Phân tích làm rõ cách Nguyễn Du tả hình ảnh chim én, hình ảnh cỏ non, hình ảnh hoa lê trắng, cảnh lễ hội..., nỗi buồn tan cuộc, cõi lòng vấn vương...=> tất cả được tái hiện một cách đặc biệt gợi cảm, thấm thía qua đảo ngữ, qua dùng từ láy, qua cách chấm phá, điểm xuyết...) - Bức tranh thiên nhiên nơi lầu Ngưng Bích hoang vắng, rợn ngợp hòa với lòng người cô quạnh, tủi thẹn, bẽ bàng. Những non xa, trăng gần; những cát vàng, bụi hồng, cồn nọ không làm nên vẻ đẹp của lầu Ngưng Bích mà đó là không gian mang tính nghệ thuật, làm nổi bật sự cô đơn tuyệt đối của Kiều. - Bức tranh đầy ám ảnh, thấp thỏm, lo âu ở 8 câu cuối trong đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích" là sự đồng cảm cùng nàng Kiều bé nhỏ, cô đơn, hãi hùng, kinh sợ trước sóng gió cuộc đời... =>Tả cảnh ngụ tình là một trong những bút pháp nghệ thuật quen thuộc và hiệu quả của các nhà văn, nhà thơ từ xưa tới nay. Những bức tranh thiên nhiên trong Truyện Kiều trở thành đối tượng để Nguyễn Du miêu tả và khắc họa số phận, tính cách, nhất là nội tâm nhân vật, khiến cho nhân vật của ông hiện lên thật sinh động, chân thực, đem đến sự đồng cảm sâu sắc... 3. Đánh giá: - Thiên nhiên trong "Truyện Kiều" trở thành nhân vật bên cạnh con người và hài hòa với nội tâm con người Thiên nhiên luôn luôn có mặt, trở thành đối tượng góp phần thể hiện sâu sắc những nghĩ suy của Nguyễn Du về con người, đồng thời thể hiện sâu sắc bút pháp nghệ thuật của tác giả... - Cho thấy tâm hồn yêu thiên nhiên tha thiết và sự tài hoa, tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du => Ngòi bút Nguyễn Du đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật tả cảnh ngụ tình trong nền thơ ca dân tộc... 3/ Kết bài: Khẳng định tài năng của Nguyễn Du và thành công của "Truyện Kiều".