Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích một khổ thơ trong bài thơ ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên

Phân tích một khổ thơ trong bài thơ ông đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên
3 trả lời
Hỏi chi tiết
67
2
1
Nguyễn Nguyễn
03/04/2022 15:18:24
+5đ tặng
Trước kia trên bàn thờ tổ tiên, bên cạnh cặp bánh chưng, mâm ngũ quả là đôi câu đối tết. Chính vì vậy mà những ông đồ già trên vỉa hè phố xá rất đông khách thuê viết chữ và hình ảnh đầu đội khăn xếp mặc áo the đã khắc sâu vào tâm trí của người dân Việt Nam, nhà thơ Vũ Đình Liên là một trong số đó. Để rồi tác giả viết lên bài thơ Ông đồ với 1 niềm thương cảm sâu sắc cho thân phận 1 lớp người tàn tạ và sự nuối tiếc 1 truyền thống đẹp đẽ của dân tộc.

Mở đầu bài thơ Ông đồ hình ảnh đã xuất hiện trong dòng suy tưởng, hoài niệm của tác giả:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ|
Bên phố đông người qua

Cấu trúc mỗi.. lại cho ta thấy ông đồ chính là 1 hình ảnh vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam vào mỗi dịp tết đến xuân về. Cùng với màu thắm của hoa đào, màu đỏ của giấy, màu đen nhánh của mực tàu và sự đông vui, náo nhiệt của ngày tết thì hình ảnh ông đồ đã trở nên không thể thiếu được trong bức tranh mùa xuân. Lời thơ từ tốn mà chứa bao yêu thương. Dẫu chỉ chiếm 1 góc nhỏ trên lề phố nhưng trong bức tranh thơ thì ông đồ lại chính là trung tâm, ông đã hòa hết mình vào cái không khí nhộn nhịp của ngày tết với những tài năng mình có:

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay

Từ bao nhiêu cho người đọc thấy được nghề cho chữ đã từng được mọi người rất yêu mến. Sự có mặt của ông đồ đã thu hút sự chú ý của mọi người, ông chính là trung tâm của sự kính nể và ngưỡng mộ. Hạnh phúc không chỉ là có nhiều người thuê viết mà còn được tấm tắc ngợi khen tài – Bởi ông có tài viết chữ rất đẹp. Ba phụ âm 't' cùng xuất hiện trong 1 câu như 1 tràng pháo tay giòn giã để ca ngợi cái tài năng của ông. Giữa vòng người đón đợi ấy ông hiện lên như 1 người nghệ sĩ đang say mê, sáng tạo, trổ hết tài năng tâm huyết của mình để rồi ông được người đời rất ngưỡng mộ. Với sự ngưỡng mộ đó thì Vũ Đình Liên còn thể hiện 1 lòng tự hào về truyền thống tốt đẹp của dân tộc là chơi câu đối chữ. Nhưng liệu có bao nhiêu người thuê viết hiểu được ý nghĩ sâu xa của từng câu, từng chữ để mà chia sẻ cái niềm vui, niềm hạnh phúc với người viết ra những câu chữ ấy?. Ở khổ thơ thứ 3 vẫn nổi bật hình ảnh ông đồ với mực tàu giấy đỏ, nhưng mọi thứ đã khác xưa. Không còn đâu bao nhiêu người thuê viết- Tấm tắc ngợi khen tài mà thay vào đó là cảnh tượng vắng vẻ đến thê lương. Với cảm xúc buồn thương thấp thoáng ở 2 câu thơ trên, giờ đây cái cảm xúc đó được thể hiện trong câu hỏi đầy băn khoăn day dứt:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?

Cũng là mỗi năm nhưng lại đứng sau từ nhưng - còn chữ thường làm đảo lộn trật tự quen thuộc. Số người còn chút mến yêu và kính trọng chữ nho giờ cũng mỗi năm mỗi vắng, khách quen cũng tan tác mỗi người một ngả. Để rồi 1 chút hy vọng nhỏ nhoi của Ông đồ là góp chút tài nghệ cùng mọi người vào mỗi dịp tết đến xuân về cũng dần tan biến bởi cuộc sống mưu sinh cũng ngày càng khó khăn. Bằng câu hỏi tu từ hết sức độc đáo, Vũ Đình Liên đã thể hiện 1 nỗi nuối tiếc của 1 thời kì vàng son để rồi đọng lại thành nỗi sầu, nỗi tủi thấm sang cả những vật vô tri vô giác:

Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu

Giấy đỏ là thứ giấy dùng để ông đồ viết chữ lên, đó là 1 thứ giấy rất mỏng manh chỉ cần 1 chút ẩm ướt cũng có thể phai màu. Vậy mà “Giấy đỏ buồn không thắm” - không thắm bởi lâu nay không được dùng đến nên phôi pha úa tàn theo năm tháng. Mực cũng vậy - đó là thứ mực đen thẫm để ông đồ viết chữ, trước khi dùng thì ta phải mài mực rồi dùng bút lông họa lên những nét chữ. Nhưng nay “Mực đọng trong nghiên sầu” nghĩa là mực đã được mãi từ lâu, đã sẵn sàng cho bàn tay tài hoa của ông đồ để trổ tài nhưng đã đợi chờ trong vô vọng. Các từ buồn, sầu như thổi hồn vào sự vật cùng với phép nhân hóa đã khiến cho giấy đỏ, mực tàu vốn vo tri bỗng trở nên có hồn có suy nghĩ như con người. Nỗi buồn đó không chỉ thấm vào những đồ dùng mưu sinh hằng ngày mà cảm xúc đó của ông còn lan ra khung cảnh thiên nhiên, cảnh vật khiến không gian trở nên thật đìu hiu, xót xa:

Ông đồ vẫn ngồi đó
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay

Tuy nghề viết chữ không được người đời yêu mến và kính trọng nữa nhưng ông đã kiên trì, cố gắng ngồi bên lề đường chờ mong sự cưu mang giúp đỡ của người đời. Nhưng đâu có 1 ánh mắt nào để ý đến ông bên lề phố, không một trái tim nào đồng cảm và chia sẻ với ông. Bằng biện pháp tả cảnh ngụ tình nhà thơ Vũ Đình Liên đã cho ta thấy 1 khung cảnh thiên nhiên thật xót xa, đìu hiu trước tâm trạng của ông đồ:

Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay

Nhưng thật băn khoăn tại sao giờ đang là mùa xuân lại có lá vàng rơi? Phải chăng hình ảnh lá vàng rơi gợi đến sự tàn phai, tàn lụi về 1 thời kỳ, 1 lớp người trong xã hội và 1 phong tục tập quán đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam là chơi câu đối đỏ ngày tết giờ cũng trở thành quá khứ. Hình ảnh ông đồ cũng giống như hình ảnh lá vàng rơi, đã gắng níu kéo cuộc đời thầm lặng của mình nhưng so với thời đại mới thì chỉ còn là chiếc lá úa tàn đang rơi rụng. Nỗi buồn ấy âm thầm, tê tái nó đã khiến cơn mưa xuân vốn sức sống bền bỉ cũng trở nên đìu hiu xót xa


 
Ngoài giời mưa bụi bay

Giời - đó phải chăng là cách nói dân gian của những người tưởng như đã xa xưa lắm nhưng vẫn luôn hiện hữu. Câu thơ gợi ra tâm trạng buồn thảm của ông đồ trước cơn mưa bụi nhạt nhòa. Dẫu chỉ là mưa bay, mưa bụi nhưng nó cũng đủ sức xóa sạch đi dấu vết của 1 lớp người. Tuy đã không còn được người đời yêu mến, trọng vọng nữa nhưng đối với nhà thơ thì hình ảnh này vẫn luôn khắc sâu trong trái tim:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa

Mở đầu bài thơ Ông đồ là hình ảnh rất nhẹ và kết thúc cũng với hình ảnh rất khẽ khàng. Năm xưa khi đào nở ta thấy ông đồ ngồi bên lề đường và hòa mình vào sự đông vui náo nhiệt của phố phường. Nhưng nay cùng thời điểm đó thì ông đã không còn nữa, hình ảnh xưa cũ cũng dần tan biến vào dòng thời gian. Tết đến xuân về, hoa đào lại nở, người người thì háo hức đi chợ sắm tết để chờ mong 1 năm đầy niềm vui và hy vọng. Tất cả đều rạo rực, tưng bừng. Cảnh còn đó nhưng người thì đâu? Giờ đây hình ảnh ông đồ chỉ còn là cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn, ông đã bị người đời quên lãng, bỏ rơi ngoài 1 thi sĩ Vũ Đình Liên. Dòng đời cứ trôi dần và trôi đi cả cuộc sống thanh bình đẹp đẽ, giờ chỉ còn là 1 nỗi trống trải, bâng khuâng để rồi nhà thơ cũng phải bật thành câu hỏi đầy cảm xúc:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Hai câu thơ cuối tác giả đã trực tiếp bộc lộ cảm xúc dâng trào, kết đọng mang chiều sâu khái quát. Từ hình ảnh ông đồ nhà thơ liên tưởng đến hình ảnh những người muôn năm cũ và thi sĩ hỏi 1 cách xót xa: Hỏi mây hỏi trời, hỏi cuộc sống hỏi 1 thời đại, hỏi mà để cảm thông cho thân phận của những người muôn năm cũ đã bị thời thế khước từ. Câu hỏi tu từ đặt ra như 1 lời tự vấn, tiềm ẩn sự ngậm ngùi, xót thương. Và tất cả những gì của 1 thời hoàng kim giờ cũng chỉ còn 1 màu sắc nhạt phai, tê tái. Với cách sử dụng thành công biện pháp tu từ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã tái hiện lên hình ảnh ông đồ với cái di tích tiều tụy đáng thương của 1 thời tàn khiến chúng ta lại càng cảm thương, xót xa cho số phận của ông.

Chỉ với bài thơ Ông đồ ngụ ngôn ngắn gọn, tác giả đã làm sống dậy trong lòng người 1 niềm thương của sự luyến tiếc không nguôi. Đọc bài thơ ta cảm nhận được ở Vũ Đình Liên - một con người có lòng thương người, lòng nhân ái, sự cảm thông sâu sắc và luôn ân nghĩa thủy chung.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
2
1
Mai
03/04/2022 15:18:52
+4đ tặng

Ở khổ cuối cùng, nhà thơ đọng lại một thời điểm:

Năm nay đào lại nở…

Đó là hiện tại, tất nhiên chỉ là một hiện tại giả thuyết cho nhà thơ (và bạn đọc). Sự xác định này giống như một cánh cửa khép lại đối với họ mà thôi. Còn với cuộc đời, guồng quay của nó bất tận (đào lại nở…). Ý niệm về sự tuần hoàn của nó vẫn được gợi lên qua hình ảnh của bông hoa, biểu tượng cho sự tái sinh vĩnh viễn. Ngoài ra, ý niệm ấy còn được biểu hiện qua việc gần như lặp lại toàn bộ câu đầu bài thơ, với một vài nét biến thái nhỏ (“Mỗi năm hoa đào nở… Năm nay đào lại nở…”).

Nghệ thuật trùng điệp – ở bài thơ hay — không bao giờ hoàn toàn là sự lặp lại. Khổ thơ cuối cùng vẫn đặt song song hai hình ảnh từng được chú ý rọi sáng từ đầu bài: “hoa đào” bên cạnh “ông đồ”. Tuy nhiên, ở đây, chỉ có sự chuyển hóa của một hình ảnh ngày càng mở rộng, mơ hồ, khó nắm bắt:

Năm nay đào lại nở,

Không thấy ông đồ xưa.

Những người muôn năm cũ Hồn ở đâu bây giờ?

Tới đây ta đã thấy được trong hai hình ảnh ấy (“hoa đào” và “ông đồ”) đâu là điểm hội tụ ánh sáng của bài thơ. Hoa đào vẫn vậy. Nhưng hình ảnh mà nhà thơ dõi theo, đó chính là con người được vẽ lên trong sự chuyển hóa: ông đồ già – ông đồ xưa – những người muôn năm cũ – hồn.

Chỉ qua sự tiến triển, biến thái của một hình ảnh (ông đồ), ta đã thấy gợi lên âm hưởng khái quát của khổ thơ cuối cùng: đâu phải chỉ là số phận của ông đồ già.

Dường như tiếng vọng, âm hưởng mở rộng, lan xa ấy còn được gợi lên bởi một hiện tượng được thấy ở một số nhà thơ mới (như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương). Đó là hiện tượng mà có người đã gọi là “đa âm” hiểu theo nghĩa nôm na và đơn giản nhất: trong khổ thơ cuối này, ta nghe thấy cả Thôi Hộ, Phrăng -xoa Vi-lông và Nguyên Du cùng cất tiếng tiếc thương cho tài hoa, cho hồng nhan bạc mệnh, thăng trầm. Điều này, chính bản thân Vũ Đình Liên cũng đã xác nhận ảnh hưởng.

Điều mà tôi muốn nói thêm đó chỉ là: ngay trong bài thơ này, Vũ Đình Liên trước sau vẫn là người si mê Bô-đơ-le. Điều đó không hiện lên bề nổi của câu chữ (như đặt một câu hỏi theo kiểu Phrăng-xoa Vi-lông: “Nhưng đâu rồi những áng tuyết xưa?” hoặc điệp lại gương mặt hoa đào của Thôi Hộ (Nguyễn Du). Nó nằm ở bè trầm, nhưng lan tỏa trong toàn bộ nhạc điệu bài Ông đồ: đó là âm hưởng về sự đơn côi của con người trong những đô thị hiện đại. Nói rộng ra, âm hưởng này ám ảnh những nhà thơ lớn của Pháp cuối thế kỉ XIX, kể cả Ranh-bô, Véc-lanh. Cảm hứng của Bô-đơ-le trong bài Chim thiên nga cũng được gợi lên từ một nhân vật cổ xưa, nàng Ảng-đrô-mác và sự điệp lại hình ảnh ấy qua một cánh thiên nga không tìm thấy nước, đang kết đôi cánh ngắc ngoải bên lề đường Pa-ri đầy bụi bẩn:

Pa-ri đổi thay! Nhưng chẳng chút gì trong tâm tưởng ta Di động! Lâu đài mới xây, dàn giáo, khối hình.

Ngoại ô cũ, tất cả với ta trở thành hiểu tượng,

Đá tảng đâu nặng tày kỉ niệm thân thương.

2
0
Trần Dương
03/04/2022 15:19:20
+3đ tặng

Nếu thơ Xuân Diệu có giọng điệu say đắm, rạo rực, thơ Hàn Mặc Tử có chút điên loạn, thơ Huy Cận có nỗi buồn ảo não thì thơ Vũ Đình Liên lại mang một giọng điệu hoài cổ. Mỗi người nghệ sĩ có phong cách thơ khác nhau, đây là nét riêng biệt để họ được phân biệt với các tác giả khác và cũng là ấn tượng riêng để bạn đọc nhớ đến họ. Tuy sáng tác không nhiều nhưng Vũ Đình Liên đã để lại cho văn học Việt Nam những tác phẩm giá trị, tiêu biểu là bài thơ “Ông đồ”.
Bài thơ được sáng tác năm 1936 và được đăng trên tạp chí “Tinh hoa”. Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh nền Hán học đang mất dần vị thế của mình do sự xâm nhập của nền văn hóa phương Tây. Đây cũng là lúc các ông đồ không còn được trọng vọng do thời thế đã thay đổi. Nhan đề bài thơ gợi nhớ một nét đẹp đã lùi sâu vào dĩ vãng cùng sự tiếc thương vô cùng.
Nhắc đến ông đồ là nhắc đến những thầy dạy chữ Nho ngày xưa, mỗi dịp Tết đến xuân về ông thường xuất hiện bên đường phố để viết những câu đối đỏ:

“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua”.

Hình ảnh này đã trở nên quen thuộc bởi Tết nào ông đồ già cũng xuất hiện cùng với mực tàu và giấy đỏ. Đó là thời đắc ý, thời vàng son của ông. Như một sự tuần hoàn của chu kì thời gian, mỗi dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, khi những cánh đào hồng tươi khoe sắc thắm thì đó cũng là lúc ông đồ xuất hiện. Không gian làm việc của ông là bên phố. Ta hãy hình dung dưới những bông hoa đào cùng tiết trời se lạnh có một ông đồ già đang vẽ những nét chữ điêu luyện và sự nhộn nhịp của bước chân người qua lại tạo nên một bức tranh thật tươi vui. Từ “mỗi”, “lại” đã phần nào thể hiện nhịp điệu đều đặn ấy. Hoa đào và ông đồ đã song hành, sóng đôi cùng nhau để tôn thêm vẻ đẹp của ngày Tết. Màu hồng của hoa đào, màu đen của thỏi mực, màu đỏ của giấy đã làm bức tranh thật sinh động.

Tài năng viết chữ của ông đồ được mọi người ngợi khen, thán phục:

“Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”.

Rất nhiều người thuê ông viết chữ, họ không chỉ quý trọng những nét chữ của ông mà họ còn dành cho ông một lòng kính trọng. Ông đã phô diễn tài năng của mình qua các câu đối đỏ, qua những nét chữ rồng bay phượng múa. Phải là một người am hiểu về Hán học, chữ Nho thì ông đồ mới có thể viết những nét chữ tài hoa đến như vậy. Phép tu từ so sánh “như phượng múa rồng bay” đã thể hiện được lòng ngưỡng mộ, sự tôn trọng của Vũ Đình Liên cũng như của nhân dân ta dành cho ông đồ. Đây cũng là sự trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Chơi chữ là một thú vui thể hiện cốt cách thanh cao của người thường thức nó. Đồng thời, người viết chữ cũng được xem như một nghệ sĩ tài ba bởi nét chữ thể hiện được cái tâm, cái chí của người sáng tạo. Không những viết đẹp mà ông còn viết nhanh, điều này thật đáng khâm phục. Những nét chữ uốn lượn một cách tài tình dưới đôi tay của một người có học thức khiến ai cũng muốn thuê ông viết cho câu đối đỏ. Có thể nói, thời đắc ý ông đồ vô cùng đông khách, người ta đến với ông vì sự thán phục những nét chữ phóng khoáng. Cả người viết chữ và người chơi chữ như có mối đồng cảm sâu sắc vì họ đều là người biết yêu và thường thức cái đẹp.

Nhưng khi thời thế thay đổi cũng là lúc ông đồ không còn được trọng vọng, ngưỡng mộ:

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu…”

Trước đây, người thuê ông đồ viết chữ nhiều là thế nhưng nay họ đã đi đâu hết? Họ vẫn ở đó, vẫn xuất hiện trong cuộc sống thường nhật nhưng sự xâm nhập của văn hóa phương Tây đã làm những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc bị mai một. Tác giả đã miêu tả một khung cảnh quạnh hiu,vắng vẻ đến thê lương. Thời gian đã cuốn trôi đi những gì tươi đẹp của quá khứ khiến con người không khỏi xót xa, tiếc nuối. Câu hỏi tu từ: “Người thuê viết nay đâu?” vang lên với bao đau đớn. Thực tại thú chơi chữ đã không còn được ưa chuộng, người chơi chữ, mua chữ cũng ít dần đi theo năm tháng. Nỗi buồn đã nhuốm sang cả cảnh vật, sang cả những gì vô tri vô giác. Giấy đỏ cũng biết buồn nên đã chẳng còn thắm, màu giấy đã phôi phai đi rồi nhạt dần, thỏi mực đã mài nhưng không được dùng đến nay cũng đọng lại trong nghiên. Biện pháp nhân hóa đã thể hiện tâm trạng u uất của ông đồ và cũng là sự xót xa, thương cảm của nhà thơ.

Nền Hán học đã suy tàn nhưng với mong muốn lưu giữ lại những giá trị văn hóa mà ông đồ già vẫn kiên trì ngồi bên hè phố như bao năm trước:

“Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay”

Nhưng sự xuất hiện của ông không được mọi người chú ý, quan tâm như thời vàng son. Bóng dáng ông cứ lặng lẽ qua đường, lặng lẽ bên phố mà không một ai hay biết. Hình ảnh ông đồ đã rơi vào quên lãng. Hình ảnh ấy chỉ là “cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn” (Vũ Đình Liên). Sự tàn phai, úa rụng được thể hiện qua hình ảnh chiếc lá vàng cùng không khí lạnh lẽo của làn mưa bụi lất phất đã bao trùm lên toàn bộ khung cảnh khiến cảnh vật nhuốm màu sắc tâm trạng. Mọi người đã gạt ông đồ ra khỏi trí nhớ và kí ức, họ coi ông như người vô hình trong xã hội đương thời.

Vũ Đình Liên đã bộc lộ nỗi xót xa, niềm hoài cổ của mình qua khổ thơ cuối:

“Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?”

Ông đồ đã thực sự vắng bóng, đào vẫn khoe sắc hương, cảnh vật vẫn tuần hoàn theo quy luật tự nhiên nhưng ta không còn thấy sự xuất hiện của ông đồ nữa. Sự vắng bóng của ông khiến chúng ta không khỏi thương tiếc cho một giá trị tinh thần đã không còn tồn tại. Những con người trước đây từng thuê ông đồ viết câu đối, những người từng tôn trọng ông đồ nay đã hoàn toàn thay đổi. Họ bận thích nghi với nền văn hóa mới từ Tây phương nên tâm hồn họ cũng không còn chỗ cho những tinh túy của văn hóa truyền thống. Câu hỏi tu từ vang lên ở cuối bài đọng lại bao sự cảm thương, hối tiếc cho những gì đã mất.

Bằng việc sử dụng hình ảnh hoa đào, ông đồ ở đầu và cuối bài thơ, tác giả đã khắc họa thành công hình ảnh trái ngược của ông đồ ở thời kì vàng son và ông đồ khi thất thế. Thể thơ năm chữ đã giúp nhà thơ bày tỏ cảm xúc một cách dễ dàng. “Ông đồ” là sự hoài niệm về những giá trị xưa cũ, bộc lộ niềm cảm thương sâu sắc của tác giả Vũ Đình Liên.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Gia sư Lazi Gia sư
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo