LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Cảm nhận vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ trong bài Sóng - Sóng (Xuân Quỳnh)

2 trả lời
Hỏi chi tiết
3.402
2
1
CenaZero♡
07/04/2018 13:23:25

Đề bài: Phân tích hình tượng "Sóng" trong bài thơ của Xuân Quỳnh, Anh (chị) cảm nhận được gì về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ này?

Bài làm

   Xuân Quỳnh (1942 - 1988) nổi tiếng với nhiều bài thơ tình như "Thuyền và biển", "Sóng"... Bài thơ "Sóng" được viết vào cuối năm 1967, in trong tập "Hoa dọc chiến hào", xuất bản năm 1968.

   Bài thơ nói lên một tình yêu đẹp của người con gái: yêu chân thành tha thiết, nồng nhiệt và thủy chung.Tình vêu trẻ trung ấy là khát vọng một hạnh phúc trọn vẹn của đôi lứa.

   Sắc điệu trữ tình được dệt nên bằng hình tượng "sóng". Cả bài thơ là những con sóng tâm tình xôn xao trong lòng người con gái đang yêu khi đứng trước biển ngắm nhìn những con sóng bất tận, vô hồi. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, là sự hóa thân của cái "tôi" trữ tình của nữ sĩ, lúc thì hòa nhập, lúc lại là sự phân thân của của "em", của người con gái đang yêu một cách say đắm. Sóng đã khơi gợi một hồn thơ phong phú, hồn nhiên, tươi mới và sôi nổi, khát vọng. Với hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã có một cách nói rất hay để diễn tả tâm trạng và tình yêu nồng nhiệt của người con gái.

   Sóng biển hóa. Sóng vỗ liên hồi. Triền miên và bất tận: "Dữ dội và dịu êm - Ồn ào và lặng lẽ - Sóng không hiểu nổi mình - Sóng tìm ra tận bể". Trạng thái của sóng cũng là những biến thái tâm tình, những khát khao to lớn, mạnh mẽ về một tình yêu chân thành. Hành trình của sóng từ sông ra đại dương: "Sông không hiểu nổi mình – Sóng tìm ra tận bể" nơi mênh mông dạt dào. Có đến nơi biển rộng trời cao, sóng mới được vẫy vùng, mới thực sự tìm thấy mình trong sức sống mạnh mẽ với bao khát khao to lớn.

   Sóng được nữ sĩ làm biểu tuợng cho tình yêu. Miêu tả sóng biến hóa cũng là để nói lên cái phức tạp, đa dạng, khó giải thích của tình yêu. Giống như sóng biển, tình yêu cũng là một hiện tượng kì diệu của con người, rất khó lí giải tường tận. Con sóng "ngày xưa" và con sóng "ngày sau" vẫn thế, trường tồn, bất biến. Thì tình yêu của con người, mãi mãi là "khát vọng" của tuổi trẻ, của lứa đôi, của "em" và "anh":

"Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nơi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ".

   Sóng tìm đến bể, đến đại dương để tự hiểu mình, cũng như em đến với anh, tìm đến một tình yeu đẹp là để hiểu sâu hơn tâm hồn em, con ngưòi đích thực của em. Người con gái hỏi sóng, hay để tự hỏi mình: "Sóng bắt đầu từ gió – Gió bắt đầu đâu – Em cũng không biết nữa - Khi nào ta yêu nhau".Sóng là sự thức nhận về cái "quy luật" không thể cắt nghĩa được của tình yêu. Cái giây phút giao duyên của lứa đôi "khi nào ta yêu nhau", tìm được câu trả lời đâu dễ? Chính vì thế mà trong bài thơ tình số 21 (tập thơ "Người làm vườn") thi hào Tagor đã viết:

"Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu".

         (Đào Xuân Quý dịch)

   Câu thơ "Khi nào ta yêu nhau" đã diễn tả đúng nỗi niềm điển hình của những gái, trai đang sống trong một tình yêu đẹp. Sóng vỗ "dữ dội..., dịu êm... ồn ào... lặng lẽ"... sóng "dưới lòng sâu" và "trên mặt nước", sóng "nhớ bờ" - tất cả đều tượng trưng cho tình yêu và nỗi nhớ. Yêu tha thiết, mãnh liệt, Nhớ bồi hồi, triền miên. Nổi nhớ ấy da diết, giày vò, choán đầy cả không gian, nó chiếm cả tầng sâu và bề rộng, nó trải dài trong mọi thời gian:

"Con sóng dưới lòng sâu,

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm ngủ không ngủ được".

   Thật là tự nhiên và thơ mộng "con sóng nhớ bờ" nên ngày đêm sóng vỗ, sóng thao thức với thời gian và đại dương. Cũng như bến thuyền, thuyền nhớ bến, lúc nào người con gái cũng bồi hồi thương nhớ:

"Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức".

    "Còn thức" nghĩa là lúc nào em cũng thấy rõ hình dáng anh, ánh mắt anh, nụ cười anh... một tình yêu nồng nhiệt, say mê!

   Con sóng khao khát tới bờ để vỗ về, ve vuốt "Hôn thật khẽ thật êm - Hôn êm đềm mãi mãi...." (Xuân Diệu). Em cũng khao khát mong được đến với anh, hòa nhịp trong tình yêu anh. Tình yêu của người con gái thật trong sáng nồng nàn và mãnh liệt. Sóng xa vời cách trở vẫn tìm được "tới bờ", cũng như em và anh sẽ vượt qua mọi khó khãn, đi tới một tình yêu đẹp, được sống trong hạnh phúc trọn vẹn lứa đôi:

"Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở".

   Điều mong ước ấy nói lên một tấm lòng, một trái tim nồng hậu chan chứa yêu thương. Người con gái ấy đã bày tỏ lòng mình một cách chân thành và say mê. Thắm thiết, chân tình và thủy chung là phẩm chất của tình yêu. "Sóng" đã bày tỏ nỗi lòng của người con gái mong được sống hết mình với "anh" trong một tình yêu sắt son chung thủy:

"Dẫu xuôi về phương bắc

Dẫu ngược về phương nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương".

   Cuối cùng, sóng cũng nói giúp nhà thơ nỗi khát vọng được sống trọn vẹn, sống hết mình trong tình yêu. Trong tình yêu lứa đôi đầm thắm đẹp và bền vững như "trăm con sóng nhỏ" tan ra trên đại dương mênh mông, được hòa nhập trong "biển lớn tình yêu" của cộng đồng. Lời nguyện cầu của người con gái cho thấy một tâm hồn rất cao cả trong tình yêu:

"Làm sao tan ra được

Thành trăm con sóng nhỏ

Giữa biển lớn tình yêu

Để ngàn năm còn vỗ".

   Cả bài thơ, nếu kể thêm nhan đề, tác giả 11 lần nhắc đến từ "sóng". Sóng vỗ biến hóa như tâm tình xôn xao. Hình tượng sóng cho ta nhiều ấn tượng về âm điệu, nhịp điệu của sóng, cũng là giọng điệu tâm tình, nhạc điệu của bài thơ. Thơ liền mạch, phong phú về vần điệu, trong sáng trong biểu cảm, lúc bồi hồi tha thiết, lúc day dứt bồn chồn, lúc mạnh mẽ ồn ào. Sóng trên đại dương cũng là sóng vỗ trong lòng người con gái. Cái hay của bài thơ là ở âm điệu ấy.

   Qua hình tượng sóng và cả bài thơ, chúng ta cảm nhận được vẻ đẹp trẻ trung, tâm hồn trong sáng, đa tình của người con gái. Người con gái ấy chủ động bày tỏ những khát khao, những rung động rạo rực của lòng mình trong tình yêu. Đã có một nàng Vọng Phu, một hòn Trống Mái. Cũng đã có những thiên tình sử diễm lệ, những vần ca dao nói vể tình yêu trai gái làng quê. Ở đây cũng vậy, Xuân Quỳnh nói lên một tình yêu đẹp của người phụ nữ: quyết tâm vượt qua mọi cách trở, khó khăn để xây đắp một tình yêu son sắt thủy chung, trọn vẹn trong hạnh phúc như trăm ngàn con sóng kia "ngàn năm còn vỗ" giữa đại dương, "Giữa biển lớn tình yêu" bao la. Người con gái được nói đến trong bài thơ "Sóng" đã có một tâm hồn đẹp, một khát vọng về hạnh phúc nên đã có một tình yêu trong sáng bền đẹp.

   Xuân Quỳnh viết bài thơ tình này vào những ngày cuối năm 1967, khi mà cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đang diễn ra vô cùng khốc liệt. Trai tráng ào ào ra trận "Xe dọc Trường Sơn đi cứu nước". Sân đình, bến nước, gốc đa, sân ga, sân trường... diễn ra những "cuộc chia li màu đỏ". Có đặt bài "Sóng" vào trong bối cảnh lịch sử hào hùng ấy, mới cảm nhận hết nỗi nhớ và khao khát về hạnh phúc của người con gái đang yêu:

"Ôi con con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được....".

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
0
0
Trần Đan Phương
07/04/2018 11:24:44

Đề bài: Phân tích hình tượng "Sóng" trong bài thơ của Xuân Quỳnh, Anh (chị) cảm nhận được gì về tâm hồn người phụ nữ trong tình yêu qua bài thơ này?

Bài làm

   Bài thơ "Sóng"của Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967, in lần đầu trong tập "Hoa dọc chiến hào",xuất bản năm 1968.

   Bài thơ là lời tác giả nói với mình, nói với người về tình yêu trẻ trung, nồng nhiệt gắn với khát vọng hạnh phúc muôn thuở của con người.

   Đầu để bài thơ là "Sóng", toàn bài được dệt bằng hình tượng trung tâm ấy. Xuân Quỳnh đã nối tiếp một truyền thống trong văn học ta là lấy đế hình dung tình yêu:

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ

Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể

Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ

   Bắt đầu là sóng nước. Đúng là như vậy, không kể ở sông hay ở bể, có lúc sóng dữ dội, ồn ào,có lúc lại dịu êm, lặng lẽ. Sóng luôn luôn biến đổi muôn hình muôn vẻ. Quan sát những biểu hiện đa dạng của sóng, Xuân Quỳnh tìm thấy sự tương hợp với từng trạng thái tâm hồn của con người khi yêu. Đó là những trạng thái nhiều khi trái ngược, nó chứa đựng những khát khao to lớn về một tình yêu chân chính.

   Từ sông, "Sóng tìm ra tận bể" nơi mênh mông rộng, vô cùng sâu, trời nước bao la, có nồm nam êm nhẹ, có bão tố dữ dội... Ở nơi như thế, may ra sóng mới hiểu nối mình.

   Mượn sóng để làm biểu tượng cho tình yêu, miêu tả sóng với những đặc điểm kì lạ cũng là để nói tới cái phức tạp, đa dạng, khó giải thích của tình yêu. Giống như sóng, tình yêu cũng là một hiện tượng khó lí giải cho rõ ràng, minh bạch. Tình yêu là vậy, nhưng khát vọng tình yêu của con người thì muôn đời khổng thay đổi. "Con sóng xưa" thế nào thì con sóng "Ngày sau vẫn thế". Đó là quy luật bất di bất dịch của tự nhiên và quy luật tình yêu.

   Nếu "Sóng tìm ra tận bể" để tự hiểu mình thì em cũng sẽ tìm đến tình yêu anh để hiểu sâu hơn về con người đích thực của em. Giữa đại đương mênh mông ấy, nơi nào là nơi bắt đầu của sóng? "Sóngbắt đầu từ gió". Có gió mới có sóng, tất nhiên là vậy. Thế "Gió bắt đầu từ đâu"! Câu trả lời không phải dễ dàng. Thế là "ra tận bể" mà sóng cũng vẫn chưa hiểu nổi mình. Em cũng hòa nhập vào biển lớn của tình yêu anh mà nào em đã hiểu em? Em yêu anh từ đâu? Giọng nói? Nụ cười? Ánh mắt? "Em cũng không biết nữa" và chỉ cần hiểu rằng "ta yêu nhau" là đủ. Tâm trạng ấy có lẽ là điển hình của người đang yêu chăng?

   Như vậy sóng là biểu tượng của tình yêu. Và sóng cũng là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng. Nó choán đầy không gian, thời gian, nó hiển hiện mọi nơi, mọi lúc:

Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được.

   Vẫn mượn chuyện sóng để nói chuyện người. Tình yêu của em chính là sóng đó. Chỉ có sóng đại đương mênh mông mới có thể sánh được với khát vọng tình yêu của em, "Con sóng dưới lòng sâu, con sóng trên mặt nước" là những cung bậc khác nhau của nỗi em nhớ anh. Nỗi nhớ có cái biểu hiện trên bề mặt mà cũng có cái ẩn chứa tận "dưới lòng sâu". Thức mà nhớ, không nói làm gì; trong mơ mà nhớ là cái nhớ đến dày vò, thao thức. Tình yêu là vậy: "Lòng em nhớ đến anh, Cả trong mơ còn thức".

   Ở trên đang còn che giấu ít nhiều nhờ lời sóng thì đến đây bỗng nhiên vứt bỏ cái vỏ vay mượn ấy đi, để trái tim tự thốt lên lời. Trái tim đòi nói thật bởi nó đầy ắp tình yêu và tình yêu ấy cũng đã chín muồi.

   Con sóng khao khát tới bờ đc vỗ về, ve vuốt; em cũng khao khát mong được đến với anh, hoà nhập trong tình yêu anh. Tình yêu và khát vọng của người phụ nữ thật trong sáng và mảnh liệt.

   Xuân Quỳnh còn mượn sóng để nói lên lòng chung thuỷ và niềm tin son sắt:

Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vời cách trở.

   Hãy nhìn những con sóng đại dương. Dù gió xô bào giật tới phương nào đi nữa, cuối cùng sóng vẫn trở về với bờ. Em cũng vậy. Cho dù gặp bao khó khăn, em cũng sẽ vượt qua hết đổ đến với anh, bởi tình yêu đã cho cm sức mạnh. Niềm tin và nghị lực, em tìm thấy ở thiên nhiên và ở chính mình. Khi đã yêu thực lòng, "Dù muôn vời cách trở", chúng ta vẫn đến được với nhau. An ủi động viên mình và cũng là an ủi, động viên người yêu để có thêm ý chí trên đường đi tìm hạnh phúc.

   Cuối cùng, khát vọng tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu cung được gửi gắm vào hình tượng sóng. Người phụ nữ mong muốn được sống trọn vẹn cho tình yêu và được hòa nhập vói thiên nhiên vĩnh hằng bằng tình yêu của mình. Nỗi trăn trở đã thành bức xúc: "Làm sao được tan ra, Thành trăm con sóng nhỏ" trong đại dương bao la, vô tận kia để được sống mãi và yêu mãi: "Giữa biển lớn tình yêu, Để ngàn năm còn vỗ".

   Tình yêu bùng lên thành khát vọng. Khát vọng sôi sục mà vẫn khiêm nhường, đầy nữ tính. Mỗi câu, mỗi chữ trong đoạn thơ đều được chọn lựa, sắp xếp khéo léo nên giá trị biểu cảm rất cao.

   Qua hình tượng Sóng, Xuân Quỳnh đã làm nổi bật tâm trạng người con gái Việt Nam khi yêu: dịu dàng, thủ thỉ, đằm thắm mà không kém phần sôi nổi, mãnh liệt. Nét đẹp ấy được thể hiện bằng một hình thức tưởng như cũ mà lại rất mới. Hình tượng sóng nhiều nhà thơ lớp trước đã sử dụng nhưng vào thơ Xuân Quỳnh nó lại mang một vẻ đẹp lấp lánh, khác lạ.

   Người đọc yêu mến bài thơ "Sóng" vì nó đã biểu hiện những gì tinh tế nhất, huyền diệu nhất của một tâm hồn phụ nữ khi yêu và một trái tim nhạy cảm luôn khao khát yêu thương.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư