Ghi lại bố cục của một bức thư nói chung
Ghi lại bố cục của một bức thư nói chung
2. Nêu bài học ý nghĩa nhất mà em rút ra được sau khi đọc bức thư
Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2011
Thân gửi anh Ngô Hữu Kỳ Phong, nhà vô địch Olympic Athens 2011!
Trước hết, em - một cậu học trò bình thường - xin gửi đến anh, tấm gương về nghị lực
sống phi thường, niềm mến thương và kính phục. Thưa anh, hôm nay em viết thư này trước là
để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, sau là để cảm ơn anh đã giúp em hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Thế vận
hội Olympic.
Olympic - ba tiếng ấy hẳn đã gợi cho anh nhiều kỷ niệm khó quên gắn với chiếc huy
chương vàng trên đường chạy 50m. Có lẽ trong tâm trí anh, dấu ấn về Olympic vẫn còn sáng
lấp lánh. Em chưa bao giờ được trải qua cảm giác của anh, vì thế, những gì em hiểu và suy nghĩ
về Olympic cũng thật mơ hồ anh ạ!
Nói anh đừng cười em, vì trước đây đối với em, Olympic chỉ là dịp để bố em ngồi dán
mắt vào tivi, thỉnh thoảng xuýt xoa vài tiếng; để chị em say sưa ngắm mấy anh vận động viên
với cơ bắp cuồn cuộn. Còn em thì cứ thắc mắc: “Vì sao các vận động viên không trần như
nhộng mà thi đấu như những lực sĩ Hi Lạp xưa?”. Thật đúng là ngây ngô phải không anh?
Vậy nên bữa nọ, khi cô giáo giao cho em viết bài tiểu luận về Olympic, em chẳng biết
phải làm sao đành lên mạng hỏi ông bạn thân “Gú Gồ”.
Thế rồi, giữa muôn trùng thông tin của từ khóa “Olympic”, em bắt gặp một cái tít báo lạ:
“Đường đến huy chương vàng Olympic của một cậu bé bị Down”. Em không tin vào mắt mình.
Huy chương vàng? Cậu bé bị Down?
Cậu bé ấy chính là anh, anh Kỳ Phong ạ!
Chao ôi! Có phải cuộc sống đã quá đỗi bất công với anh? Phải chăng “muôn sự là tại
trời” và con người ta sinh ra đã phải chấp nhận hai chữ “thiên mệnh?”. Em hình dung nước mắt
lã chã trên gò má của anh khi anh chứng kiến những người bạn cùng lứa được cắp sách tới
trường.
Và em cũng nghe thấy nhịp đập thổn thức của trái tim anh mỗi khi nghĩ đến tương lai mờ
mịt… Giận thay cái căn bệnh Down ấy! Tựa như những con mọt, nó gặm nhấm từng chút, từng
chút, nó làm lụi tắt ngọn lửa niềm tin, nó đánh cắp đi trí tuệ - món quà vô giá mà thượng đế ban
cho loài người.
Thế mà ngay bên bờ vực của sự tuyệt vọng, anh - cậu bé mang căn bệnh ác nghiệt ấy -
vẫn đứng vững! Hình như cha mẹ anh đã không vô tình khi đặt cho anh cái tên Kỳ Phong - cơn
gió lạ. Phong ba cuộc đời không vùi lấp được cơn gió ấy. Cơn gió ấy vẫn kiên cường thổi như
muốn thách thức sự ngược đãi của thượng đế. Và trên đường chạy Athens, nó lại thổi bùng lên
một luồng sinh khí mới, luồng sinh khí mang tên Việt Nam.
Nhắm mắt lại, em mường tượng trước mắt mình một hình bóng bé nhỏ với bước chân
không vững nhưng vẫn gắng sức lao đi trên đường chạy. Đã có lúc hình bóng ấy như chao đi
trước một cơn gió mạnh. Đã có lúc đôi chân bật máu, tê buốt. Đã có lúc ý chí của hình bóng ấy
chợt lung lay. Đích đến xa quá, mà thân xác lại không tuân theo lý trí nữa rồi. Chẳng lẽ sẽ gục
xuống, sẽ chấp nhận rời bỏ cuộc chơi, sẽ mãi mãi không thể vượt lên số phận? Nhưng không,
bóng hình nhỏ bé ấy lại vùng dậy; gió mạnh hơn, chân buốt hơn, chỉ duy con tim vẫn bùng cháy
như một ngọn đuốc. Và khi ấy con người nhỏ bé đã đốt cháy chính mình, đốt cháy đường chạy,
để thắp lên ngọn lửa mà ta vẫn gọi là ngọn lửa Olympic!
Cả anh và em, mỗi chúng ta chỉ là hạt cát trong đại vũ trụ vô tận, nhưng cũng là một đại
vũ trụ hàm chứa nhiều bí ẩn đang chờ khám phá. Và càng khám phá, ta càng thấu hiểu và vượt
lên những cực hạn của bản thân. Không biết khi đặt ra khẩu hiệu “Nhanh hơn - Cao hơn - Xa
hơn”, người ta có nghĩ tới điều này không?
Chỉ biết rằng vô vàn những kỷ lục Olympic đã bị phá khiến chúng ta phải tự hỏi: “Rốt
cuộc, giới hạn của con người là ở đâu?”. Không ai có thể trả lời được câu hỏi ấy, và Olympic
tiếp tục trở thành nơi khám phá tiềm năng con người.
Anh Kỳ Phong thân mến!
Em tin rằng chiếc huy chương vàng Olympic không đơn thuần là cái đích mà anh hướng
đến. Đối với anh, Olympic còn là nơi nuôi dưỡng niềm tin để vượt qua chính mình. Có hề chi
nếu anh không lập nên những kỷ lục làm rúng động cả thế giới như Usain Bolt? Quan trọng là
anh đã xô đổ giới hạn của chính mình!
Anh hãy tưởng tượng mà xem, nếu như anh bỏ cuộc giữa chừng, nếu như anh không nỗ
lực tiến về đích thì liệu thủ đô của Hi Lạp có nổi “cơn gió lạ”? Liệu cái tên Kỳ Phong có xuất
hiện trên bảng huy chương để anh nghẹn ngào nước mắt hát Quốc ca Việt Nam trên bục nhận
giải?
Và sẽ còn đâu nguồn cảm hứng cho bao đứa trẻ khác, như em, nuôi ước mơ trở thành nhà
vô địch Olympic? Chính nhờ câu chuyện về anh mà giờ đây em đã hiểu rõ hơn về thông điệp
của Olympic: Điều quan trọng nhất không phải là giành chiến thắng mà là chiến đấu hết mình.
Anh Kỳ Phong thân mến!
Từ nay tới Olympic London 2012 không còn xa nữa! Hơi ấm của ngọn đuốc thần đã lan
tỏa như tiếp thêm sức mạnh cho các vận động viên. Và họ còn được tiếp thêm niềm tin bởi
những người như anh - những vận động viên khuyết tật nhưng luôn nỗ lực chiến đấu cả trên
đường đua và đường đời.
Và biết đâu đấy, ở một góc phố nhỏ lầy lội, một chú bé đánh giày nghèo khổ sau khi nghe
câu chuyện về anh Kỳ Phong sẽ ngước nhìn lên trời xanh mà nuôi hoài bão về một ngọn đuốc
rực sáng!
Em chúc anh và cậu bé ấy sẽ luôn giữ được trong tim những hoài bão đẹp!
Em- một người rất hâm mộ anh
1 Xem trả lời
623