Mây và sóng là tên một bài thơ của nhà thơ Ấn Độ vĩ đại R. Tago (1861 – 1941), được in trong tập Trăng non bằng tiếng Anh năm 1915. Nếu tìm về nguyên tác bằng tiếng Ấn Độ thì Susu có nghĩa là trẻ thơ và đã được xuất bản năm 1909. Điều này ghi nhận tình cảm trong sáng, cao thượng và sự quan tâm nhiều mặt của nhà thơ nổi tiếng này về thế giới trẻ thơ. Đây là một bài thơ hay, yếu tố tưởng tượng cao.
Bài thơ gồm hai phần: Phần mây và phần sóng, nhưng không phải là để tả lại những cảnh mây và sóng mà chỉ là những câu chuyện do em bé tưởng tượng ra. Em bé đóng vai chính trong bài thơ, bên cạnh em còn có người mẹ. Mỗi phần của bài thơ được tạo ra bằng lời kể của em bé về những gì em biết, em nghe được. Em bé kể những gì mà các bạn mây và sóng rủ rê em. Từ đó, bài thơ bắt đầu bằng lời gọi mẹ âu yếm, để mách với mẹ điều mà em bé cảm nhận:
Mẹ ơi, kìa ai đang gọi con trên mây cao
Thì ra đó là các bạn mây.
Các bạn mây đang nói chuyện với em.
Rồi em kể cho mẹ những gì mà “họ bảo” với em:
Chúng ta vui chơi từ tinh mơ đến hết ngày
Chúng ta đùa giỡn với bình minh vàng rồi lại đùa cùng trăng bạc
Hóa ra họ đang vui chơi, họ muốn cùng em vui chơi.
Họ muốn cùng em đi khắp bầu trời.
Nhưng mà làm thế nào tôi lên trên ấy được?
Phải rồi, muốn đi chơi cùng với họ thì phải lên được bầu trời đã chứ.
Họ trả lời:
Con hãy đi hết cõi đất,
Rồi giơ tay lên trời,
Con sẽ bay bổng lên mây
Trí tưởng tượng thật hồn nhiên kì diệu, như thực như mơ. Trẻ thơ nào cũng ham chơi, cũng thích được chơi. Còn gì thú vị hơn là được chơi “từ tinh mơ đến hết ngày”, được đùa giỡn trong nắng vàng buổi sớm và trong ánh bạc đêm trăng. Ánh vàng, ánh bạc trải rộng trong không gian và thời gian, tạo ra một nơi vui chơi không bao giờ chán.
Nhưng em bé vẫn không quên là mình đang kể cho mẹ nghe và thế là em mách lại cho mẹ nghe lời đối đáp của em:
Mẹ đợi tôi ở nhà,Tôi có lòng nào bỏ được mẹ tôi. À ra thế, dù chơi đâu, dù chơi với ai, em bé vẫn nhớ tới người mẹ, nhớ tới ngôi nhà ở đó có mẹ. Mẹ là tất cả. Không nỡ “lòng nào bỏ được mẹ tôi”. Các bạn mây “mỉm cười” hiểu ra vấn đề và “lửng lơ họ bay mất”. Giấc mơ của em bé với các bạn mây kết thúc. Cuộc trò chuyện cũng kết thúc.
Và bây giờ còn lại em bé với mẹ. Em mách mẹ về một “trò chơi còn hay hơn”. Đó là trò chơi mà em nghĩ ra. Ở đó: Con làm mây, mẹ làm mặt trăng, hai tay con ôm mặt mẹ, mái nhà là trời xanh. Thật là một trò chơi ngộ nghĩnh nhưng rất thơ mộng. Trong trò chơi đó, có hai nhân vật mẹ – con.
Ở đó có sự phân vai: Mẹ trở thành trăng bạc, trong ngôi nhà là không gian xanh, còn con hóa vầng mây ôm lấy vầng trăng như cánh tay trẻ thơ ôm lấy gò má của người mẹ. ở đó, cũng có mây, có trăng, có trời cao, nhưng quan trọng nhất là có hai mẹ con. Mẹ con mãi mãi bên nhau.
Em bé lại kể tiếp:
Mẹ ơi, kìa những ai đang gọi con dưới sóng rì rào
Em lại mách mẹ những gì họ nói với em,
những con sóng miệt mài miên man trên biển cả:
Chúng ta ca hát sớm chiều,
Chúng ta đi mãi mãi,
Không biết là đi qua những đâu
Như vậy là sóng đi nhiều nơi lắm, “đi mãi mãi” trong cuộc viễn du không bao giờ ngừng lại và còn “ca hát sớm chiều”… Thật là một cuộc sống vui vẻ, đầy hấp dẫn đối với trẻ thơ. Nhưng làm thế nào mà đi với họ được, làm thế nào “đuổi được theo?” Họ bảo:
Cứ đi, con cứ đi đến bên bờ biển, đứng im,
Con nhắm mắt lại, sóng sẽ cuốn con đi.
Cách đi cũng dễ dàng, các bước thực hiện cũng rất rõ và cụ thể. Nhưng đối với em bé vẫn chưa đủ, các con sóng chưa thỏa mãn những điều kiện của em. Đáp lại các con sóng, em trả lời:
Nhưng đến tối, mẹ tôi nhớ thì sao?
Tôi làm thế nào rời mẹ tôi được?
Những con sóng cũng biết là thua cuộc, là không rủ được em: “Họ bèn mỉm cười và nhảy nhót, họ dần đi xa”. Còn lại em bé một mình, em bé hữu động lại nghĩ ra trò chơi mới “hay hơn của họ”. Hay hơn là trò chơi của em chỉ hai mẹ con, ở đó mẹ con không rời nhau: “con làm sóng – mẹ làm mặt biển” ở đó:
Con lăn, lăn như làn sóng vỗ,
Tiếng con cười giòn tan vào gối mẹ.
Cái hay của trò chơi là ở chỗ đó. Các bạn sóng và các bạn mây chỉ đi chơi một mình thôi mà không nghĩ đến mẹ của họ, còn em bé, chắc em cũng muốn đi chơi quá chứ. Nhưng phải cùng với mẹ cơ!
Tình mẹ con hòa quyện vào nhau, không tách rời nhau. Em không thể nào thiếu mẹ cũng như mẹ cũng không thể nào thiếu em. Tình mẹ con bao trùm tất cả, có mặt muôn nơi đến mức “không ai trên đời này biết được là mẹ con ta đang ở đâu”. Bởi lẽ, ở đâu có mẹ, ở đó có con; ở đâu có con, ở đó có bóng hình mẹ.
Tình mẹ con – tình mẫu tử từ giấc mơ bước ra cuộc đời, rồi lại từ cuộc đời ẩn tàng vào tâm tưởng, vào suy tư, vào các trò chơi để cho người mẹ quanh năm vất vả thêm được niềm vui và thêm nụ cười. Tình mẫu tử từ xa xưa hiện về trong hiện tại, tình mẫu tử từ hiện tại lan tỏa tới tương lai. Nó được lồng trong các trò chơi về mây và về sóng và ở mọi lĩnh vực,…
Mây và sóng là các hiện tượng thiên nhiên cụ thể nhưng tạo ra được một khung không gian với chiều thời gian. Mây và sóng được nhân hóa trở thành những người bạn cùng trò chuyện rủ rê em bé, để từ đó em bé nói ra những suy nghĩ của mình về người mẹ, về tình mẹ con. Mây và-sóng cũng gắn quyện với nhau, mãi mãi như tình mẹ con bất tử.