Quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước là Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Việc thực hiện các quyền này do luật định (Điều 27). Quyền bầu cử và ứng cử vào các cơ quan quyền lực nhà nước là một quyền chính trị cực kì quan trọng của công dân. Nhờ quyền bầu cử mà các công dân có thể lựa chọn những người ưu tú nhất, đại diện cho ý chí, nguyện vọng, và quyền lợi của mình vào các cơ quan quyền lực nhà nước, giải quyết những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Chính ở quyền này nhân dân lao động thực hiện quyền lực của mình, thực hiện quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội của mình. Theo Điều 27 Hiến pháp năm 2013, công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử, đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Việc thực hiện các quyền này do luật định. Nhà nước ta đã ban hành Luật bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 15/4/1992 (thông qua tại kì họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII) thay thế cho Luật bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 18/12/1980. Sau đó, Luật này được thay thế bằng Luật bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 15/4/1997 và gần đây được sửa đổi, bổ sung bằng Luật sửa đồi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2010. Ngày 25/6/2015 tại kì họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, theo đó những người không có quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân là những người mất năng lực hành vi dân sự và những người bị pháp luật hoặc tòa án tước quyền đó. Quyền bầu cử của công dân được thực hiện với nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín, thể hiện chế độ dân chủ rộng rãi của Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, tạo điều kiện cho nhân dân lao động thực hiện quyền làm chủ Nhà nước và xã hội.