Trong bốn ngàn năm lịch sử dựng xây đất nước, dân tộc ta đã phải trải qua biết bao cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Trong những năm tháng đó, không biết bao nhiêu người con của đất nước Việt Nam đã ngã xuống để bảo vệ non sông. Đó là những con người dám đấu tranh và dâng hiến tất cả tuổi xuân, thậm chí là mạng sống quý giá để bảo vệ độc lập, tự do của đất nước. Vậy, đứng trước những tấm gương sáng của cha anh, thế hệ trẻ chúng ta cần làm gì để thực hiện trách nhiệm với Tổ quốc?
Trong công cuộc hiện đại hoá đất nước, là công dân của một quốc gia, chúng ta cần nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình. “Trách nhiệm” tức là điều mình cần phải làm, phải cố gắng thực hiện, hoặc nhận lấy về mình. Đó còn là sự ràng buộc về lời nói, hành động, sự đảm bảo về những điều mình cho là đúng và phải chịu hậu quả nếu làm sai. “Trách nhiệm của công dân với Tổ quốc” là trách nhiệm của mỗi cá nhân trong một quốc gia, chúng ta cần làm, cần hành động, thực hiện những hành vi mà ta coi là đúng, là góp phần xây dựng đất nước, non sông của mình. Mỗi chúng ta phải hiểu được tầm quan trọng của trách nhiệm của bản thân với Tổ quốc bởi Tổ quốc không chỉ là nơi chôn nhau cắt rốn mà còn là nơi nuôi dưỡng tâm hồn mỗi chúng ta. Trách nhiệm với Tổ quốc cũng chính là trách nhiệm với bản thân, gia đình và bạn bè của mình.
Nếu trách nhiệm của cha ông ta, những thế hệ đi trước là bảo vệ Tổ quốc, là cầm súng đánh đuổi kẻ thù thì trách nhiệm của chúng ta, trong thời đại hôm nay là gì, thể hiện theo những khía cạnh nào? Có giống như cha ông ta chăng? Hay phải chăng là lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và những hành động thiết thực để bảo vệ và xây dựng đất nước?
Theo tôi, thứ nhất, trách nhiệm của người công dân được thể hiện ở việc nghiêm chỉnh, gương mẫu thực hiện các nghĩa vụ của công dân. Theo luật quy định, khi công dân đủ mười tám tuổi thì có các quyền và nghĩa vụ theo quy định. Vậy nên, là một người công dân chúng ta cần phải có trách nhiệm thực hiện đúng các nghĩa vụ của mình. Theo luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành của đất nước ta, mỗi công dân từ 18 tuổi đến 25 tuổi có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ quân sự, nếu trong trường hợp học đại học hoặc cao đẳng thì tạm hoãn tới năm 27 tuổi. Khi vào môi trường quân ngũ, chúng ta được tôi luyện, được học tập, rèn luyện bản thân để phục vụ cho đất nước. Chúng ta được rèn luyện về sức khỏe, rèn luyện về bản lĩnh con người, ý chí, rèn luyện tinh thần để khi ra quân, có thể dùng tinh thần ấy để đấu tranh bảo vệ đất nước khi Tổ quốc cần. Trong cuộc sống đời thường, đó cũng chính là nguồn sức mạnh giúp chúng ta thực hiện những ước mơ, khát vọng của mình. Mỗi năm có hàng ngàn những người thanh niên lên đường nhập ngũ. Họ là những tấm gương tiêu biểu cho tình thần trách nhiệm, cho khát vọng được cống hiện của đất nước non sông. Thực hiện nghĩa vụ quân sự là thực hiện nghĩa vụ công dân, là thể hiện trách nhiệm đối với Tổ quốc, nhất là đối với lứa tuổi thanh niên.
Thứ hai, trách nhiệm của người công dân với Tổ quốc thể hiện qua sự chăm chỉ học tập, rèn luyện, sống có ước mơ, có mục đích, cống hiến cho đất nước. Sự đóng góp, cống hiến của mỗi công dân sẽ góp phần làm nên sự phát triển, giàu mạnh của đất nước. Vậy nên, học tập, rèn luyện cũng là một cách để thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Bởi nếu học tập tốt, rèn luyện tốt sẽ là tiền đề để phát triển đất nước, làm cho đất nước vươn tới năm châu như lời Bác Hồ từng dạy “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”. Mỗi ngày, hàng triệu những học sinh Việt Nam đang miệt mài trên giảng đường, đó cũng là một cách các em đóng góp phần sức lực nhỏ bé của mình cho Tổ quốc. Hãy nhìn xem, kì thủ Lê Quang Liêm, nhà vô địch thế giới môn cờ chớp, vô địch châu Á, 3 lần vô địch giải cờ vua quốc tế, anh là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam. Và càng tự hào hơn khi thấy hình ảnh của lá cờ đỏ sao vàng trên vai người con đất Việt ấy tung bay trên đất nước Mỹ, khi Lê Quang Liêm nhận tấm bằng danh dự của đại học Webster. Học tập, phát triển đất nước, rèn luyện, làm rạng danh non sông, đó cũng là một trong những cách thực hiện trách nhiệm công dân của mình đối với Tổ quốc.
Thứ ba, là một người công dân, chúng ta cần quan tâm tới những vấn đề chính trị – xã hội của địa phương, đất nước, chấp hành các chủ trương của Đảng và Nhà nước, luôn luôn chấp hành các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Không chỉ vậy, chúng ta còn tích cực tuyên truyền, vận động mọi người xung quanh cùng noi theo. Hiện nay, trong và ngoài nước ta có vô số các tổ chức chống phá, gây chia rẽ đoàn kết của đất nước, các dân tộc anh em Việt Nam. Vậy nên, việc nhận thức rõ những hành vi chống đối, phá hoại, không tham gia các hoạt động trái phép cũng là một cách thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Như trong tình hình bệnh dịch Covid 19 hiện nay, có vô số các tổ chức trên các trang mạng xã hội như “Hội anh em dân chủ”, “Thanh niên công giáo” hay trang cá nhân “Nguyễn Văn Đài” cho rằng chính phủ ta không kịp thời có những hành động thiết thực như thực hiện tiêm vacxin chậm trễ khiến bệnh dịch lan tràn. Thế nhưng, sự thật lại trái ngược, Việt Nam đang là một trong tám quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng vacxin cao và nhanh nhất thế giới. Vậy nên, tuân thủ, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối của Đảng và Nhà nước cũng là một trong những cách để chúng ta thực hiện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện trách nhiệm công dân của mình.
Cuối cùng là đấu tranh, phê phán các hành vi xâm phạm lợi ích cũng như chủ quyền quốc gia. Những xung đột giữa các quốc gia trên thế giới hiện nay đang có chiều hướng gia tăng. Vậy nên việc đấu tranh, lên án các hành động xâm phạm chủ quyền cũng như lợi ích quốc gia của chúng ta là điều vô cùng cần thiết. Thế nhưng không phải đấu tranh là hô hào biểu tình mà là cần tuân theo những chỉ đạo, những chủ trương, đường lối của nhà nước. Đó mới là cách thực hiện đúng trách nhiệm của người công dân đối với đất nước trong thời đại ngày nay.
Việc thực hiện đúng trách nhiệm đối với đất nước sẽ không chỉ giúp chúng ta có được sự nghiệp vững chắc, phát triển bản thân mà còn giúp xã hội, đất nước tiến lên trong thịnh vượng, bảo đảm chủ quyền cho Tổ quốc ta. Thêm vào đó, xã hội Việt Nam sẽ ngày càng văn minh hơn, giàu đẹp hơn, mỗi công dân Việt Nam sẽ càng thêm gắn kết.
Là một học sinh trên ghế nhà trường, để thực hiện trách nhiệm công dân của mình không gì hơn là cố gắng học tập. Bởi lẽ học tập là phương thức gần gũi nhất, thiết thực nhất để có thể góp phần xây dựng Tổ quốc. Không chỉ vậy, chúng ta cần phải đặt ra cho bản thân những mục tiêu ngắn hạn, dài hạn, cố gắng để đạt tới những mục tiêu đó, để tiến lên phía trước, để mai sau trở thành một công dân có ích cho xã hội. Mỗi học sinh phải luôn rèn luyện, gắng sức học tập, sáng tạo không ngừng, đó là trách nhiệm mà chúng ta phải thực hiện trong vị trí hiện tại. Hơn thế, lớp trẻ ở thời đại công nghiệp 4.0 cần có sự tỉnh táo, sáng suốt để hiểu, tránh xa những điều xấu, tiêu cực trên các mạng xã hội, tránh sa đà, hoặc bị lôi kéo theo những tổ chức xấu.
Tuy nhiên, trong xã hội hiện nay, vẫn có một số bộ phận nhỏ không chấp hành, thực hiện các trách nhiệm của mình đối với Tổ quốc, điển hình trong số đó là việc “trốn” nghĩa vụ quân sự. Một số nam thanh niên khi được “gọi”, trúng tuyển nghĩa vụ quân sự lại thấy đó là một sự thiệt thòi chứ không phải một niềm vinh dự. Thực hiện nghĩa vụ quân sự tức là thực hiện trách nhiệm của một người công dân với đất nước, đó là một niềm vui, vinh dự với mỗi người, thế nhưng với họ, đó lại là một điều không mong muốn. Không chỉ thế, một số bạn học sinh còn không nghiêm túc học tập, coi học tập như một “trò đùa”, không có ước mơ, hoài bão, sống vô nghĩa. Những con người như vậy, liệu có thể nhận ra và thực hiện tốt trách nhiệm công dân của mình hay chăng?
Vậy nên mỗi người hãy luôn luôn cố gắng học hỏi, trau dồi, nhận thức rõ trách nhiệm của bản thân mình với Tổ quốc để từ đó phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, làm cho đất nước ta ngày thêm giàu đẹp.
Mang trên mình trách nhiệm công dân, đó là động lực khiến chúng ta tiến về phía trước. Trách nhiệm của một người công dân với Tổ quốc cũng là trách nhiệm với tương lai của mình. Cha ông ta đã xây dựng và gìn giữ đất nước, thế hệ chúng ta hãy tiếp nối, noi gương, học hỏi tinh thần của cha ông ta để Việt Nam ta thêm bền vững và giàu đẹp.