Truyện Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê là một trong số những truyện ngắn đầu tay của tác giả. Truyện viết về ba cô gái trong một tổ trinh sát phá bom ở một cao điểm trên tuyến đường Trường Sơn những năm kháng chiến chống Mĩ. Đường Trường Sơn và những cô gái thanh niên xung phong, những anh bộ đội lái xe đã thành đề tài của nhiều tác phẩm văn học trong thời kì này (Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật, Khoảng trời và hố bom của Lâm Thị Mĩ Dạ, Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu...). Truyện ngắn này của Lê Minh Khuê có nhiều điểm gặp gỡ với các tác phẩm cùng đề tài, nhưng vẫn có những đặc sắc riêng. Trong truyện cũng có những câu chuyện và các chi tiết về cuộc sống gian khổ hiểm nguy, về những chiến công hằng ngày, về sự dũng cảm hi sinh của những người trẻ tuổi trên tuyến đường Trường Sơn. Nhưng cái tạo nên sức hấp dẫn của truyện lại là ở sự am hiểu cặn kẽ cuộc sống cùng với tâm lí, tình cảm và suy nghĩ của những con người trẻ tuổi trên tuyến đường huyết mạch của cuộc kháng chiến. Truyện được trần thuật qua lời một nhân vật, cũng là nhân vật chính : Phương Định. Đoạn kết của truyện, đoạn tả cơn mưa đá ở Trường Sơn là đoạn hay nhất. Đó là đoạn thơ bằng văn xuôi vừa miêu tả chân thực cơn mưa đá vừa diễn tả được những cảm xúc của Phương Định. Qua đó làm ngời lên vẻ đẹp tâm hồn của các nữ thanh niên xung phong giữa Trường Sơn khói lửa.
Cơn mưa đến đột ngột, bất ngờ được miêu tả hết sức chân thực với những hình ảnh quen thuộc : "Có một đám mây kéo qua cửa hang. Một đám nữa. Rồi một đám nữa bay qua ngày càng nhanh. Bầu trời mở rộng trước cửa hang đen đi. Cơn dông đến. Cát bay mù. Gió quật lên, quật xuống những cành cây khô cháy. Lá bay loạn xạ.". Câu văn ngắn, nhịp nhanh, nhiều động từ mạnh tạo ấn tượng một cơn mưa ào đến nhanh, bất ngờ. Nhưng đây không phải là cơn mưa bình thường mà là mưa đá nên có "tiếng lanh canh", "có cái gì sắc, xé không khí ra từng mảnh vụn". Nhà văn đã miêu tả thật sinh động, chân thực cơn mưa đá giữa rừng Trường Sơn qua cách nhìn, cách cảm của nhân vật chính.
Dường như bom đạn, chiến tranh, máu đổ, hi sinh... đã lùi xa, đã biến mất. Chỉ còn có cơn mưa bất ngờ, hiếm thấy, khiến các nữ chiến sĩ thanh niên xung phong quên hết hiểm nguy, trở lại bản tính gốc của những người trẻ tuổi với niềm vui hồn nhiên tràn bờ. Phương Định thì kêu to lên :"- Mưa đá ! Cha mẹ ơi ! Mưa đá! ". Cô chạy ra chạy vào "vui thích, cuống cuồng". Đến Nho đang bị thương mà cũng nhỏm dậy xoè tay ra xin mấy viên đá. Có gì đâu một cơn mưa dông, một cơn mưa đá mà các cô đón nhận nó say sưa và nồng nhiệt như vậy ? Là bởi vì các cô còn trẻ lắm, tâm hồn trong sáng, đầy ắp mộng mơ, vậy mà hàng ngày các cô phải đối mặt với đạn bom, "thần kinh lúc nào cũng căng như chão". Cơn mưa như xoá đi những căng thẳng, chết chóc của chiến tranh mà hàng ngày các cô phải đối mặt. Cơn mưa gợi về miền tuổi thơ trong sáng êm đềm. Có lẽ Phương Định đã từng ngửa mặt, xoè tay đón những hạt mưa đầu mùa hạ và cười khanh khách khi cô còn là một cô bé học sinh trung học ở Hà Nội đẹp và thơ, nên giờ đây, giữa Trường Sơn khói lửa, một cơn mưa, mà lại là mưa đá đã đưa cô về với dòng sông kỉ niệm. Từ một cơn mưa đá chợt đến rồi chợt đi ấy, tác giả đã mô tả niềm luyến nhớ mung lung, không hẳn về một điều gì nhưng lại rõ ràng hiện hữu trong lòng Phương Định. Đó là mẹ cô, là ô cửa sổ mà cô thường ngồi hát, là những ngôi sao to tên bầu trời thành phố mà hằng đêm cô thường ngắm, cũng có thể là những hàng cây xanh che mát rượi con đường Hà Nội mà hàng ngày cô đến trường, là cái vòm tròn của nhà hát mà cô từng vào xem kịch, xem phim với các bạn, là bà bán kem với những que kem xanh đỏ từng hấp dẫn tuổi thơ cô... Đó chính là xứ sở thanh bình, thần tiên mà cô được sống trước đây. Những hoài niệm của Phương Định về cuộc sống thanh bình ở hậu phương như một dòng suối ngọt lành trong mát đối lập với cái ác liệt của chiến trường được tác giả miêu tả ở phần trên của tác phẩm. Miền nhớ thương "Xứ sở thần tiên" với những "Ngôi sao xa xôi " lung linh trong hồn người thiếu nữ đã gợi dậy biết bao khao khát về một cuộc sống bình yên. Chính vì cuộc sống bình yên ấy mà Phương Định và bao đồng đội của cô đã điềm nhiên đi vào cuộc kháng chiến. Họ chiến đấu anh dũng, chấp nhận mọi mất mát và hi sinh.
Đoạn kết của tác phẩm với các yếu tố miêu tả, xen lẫn với tự sự, hiện tại đan xen với hồi tưởng mà tác giả sử dụng rất khéo léo nhuần nhuyễn tạo nên một kết thúc thật ấn tượng, để lại trong lòng người đọc những rung cảm sâu sắc về những nữ chiến sĩ thanh niên xung phong phá bom, mở đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mĩ lâu dài mà anh dũng của dân tộc. Chính nó đã góp phần làm nên chất thơ của thiên truyện.