Đông Âu là khu vực rộng lớn, đồ sộ nhất, chiếm trên ½ diện tích toàn châu. Phía bắc giáp biển Barent và Biển Trắng ; phía tây giáp biển Baltic và các nước Na Uy, Phần Lan, Ba Lan, Cộng hoà Czech, Cộng hòa Slovakia, Hungary, Romania ; phía nam giáp Biển Đen, dãy Caucasus và biển Caspian ; phía đông ngăn cách với châu Á bởi dãy Ural, sông Ural.
Toàn khu vực là một đồng bằng rộng lớn, kéo dài từ biên giới phía tây sang tận núi Ural. Đây là một miền nền cổ bị bào mòn và hiện nay đã bị bình sơn nguyên hoá. Nhìn chung, địa hình thấp dưới 200m, tương đối bằng phẳng. Nhưng địa hình đồng bằng không đồng nhất, đơn điệu mà có nhiều miền đất cao chạy theo hướng bắc – nam xen với các miền đất thấp. Cao nhất là miền tây bắc trên bán đảo Kola và thấp dần về phía đông nam. Thấp nhất là vùng cận Caspian là bộ phận mới được nâng lên khỏi mặt nước vào thời kỳ đệ tứ nên có bề mặt rất bằng phẳng và nằm dưới mực nước biển 28m.
Khe rãnh ở miền núi Caucasus thuộc Chechnya
Đặc điểm địa hình phía tây bắc và đông nam của Khu vực Đông Âu có sự khác biệt. Phía tây bắc, địa hình chủ yếu là các đồi băng tích với hàng ngàn hồ băng hà lớn nhỏ. Ngược lại địa hình đông nam có nhiều khe rãnh và thung lũng sông. Ở các vùng đất thấp, thung lũng sông mở rộng với các thềm đất kéo dài. Lớp đất ở đây gồm cát, hoàng thổ, sét, thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp. Trên các miền đất cao xâm thực khe rãnh phát triển mạnh mẽ, nhiều nơi tạo thành hệ thống khe rãnh mương xói dày đặc. Sự phát triển của khe rãnh có tác hại rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, giao thông vận tải. Hiện nay chính quyền Nga đã có những biện pháp cải tạo như trồng rừng, trồng cỏ dọc theo sườn khe rãnh để chống xói mòn.
Đồng bằng Đông Âu có khí hậu ôn đới lục địa. Càng đi về phía đông và đông nam tính lục địa càng sâu sắc. Khí hậu cũng thay đổi từ bắc xuống nam, phía bắc có khí hậu lạnh, xuống phía nam mùa đông ngắn dần và ấm hơn. Do phụ thuộc vào điều kiện nhiệt ẩm khác nhau, cảnh quan trên đồng bằng cũng thay đổi từ bắc xuống nam bao gồm các đới đồng rêu, rừng lá kim, rừng hỗn hợp, rừng lá rộng, thảo nguyên rừng, thảo nguyên, bán hoang mạc và hoang mạc. Trong các đới kể trên, đới rừng và thảo nguyên chiếm phần lớn diện tích, đồng thời là đới có những điều kiện thuận lợi cho việc khai thác rừng trồng trọt và chăn nuôi.
Sông Volga, vùng Bezvodnoye, Nizhny Novgorod.
Mạng lưới sông ngòi của đồng bằng Đông Âu khá phát triển. Các sông lớn có nhiều nước là sông Volga chảy vào biển Caspian, sông Don chảy vào biển Azov và sông Dnieper ( hay Dnepr ) chảy vào Biển Đen. Hệ thống kênh đào trên các sông này rất phát triển, nhờ vậy thuyền bè có thể đi lại từ tây sang đông từ bắc xuống nam. Trong số các sông trên đồng bằng thì sông Volga được sử dụng một cách tổng hợp và được cải tạo cao nhất. Trên dòng sông chính, hiện nay có trên 10 đập nước cùng với các trạm thủy điện lớn. Các đập nước vừa sử dụng cho việc sản xuất điện, vừa dùng tưới ruộng, điều chỉnh mực nước dòng sông, vừa phục vụ chăn nuôi thủy sản, giao thông và cải tạo khí hậu. Sông Volga ngày nay trở thành con sông rất quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Liên bang Nga.
Khu vực Đông Âu có nguồn tài nguyên phong phú về nhiều mặt, thuận lợi cho việc phát triển công nghiệp và nông nghiệp. Do đồng bằng nằm trên nền lục địa cổ có chứa nhiều khoáng sản, đặc biệt là sắt, quặng kim loại màu. Các lớp trầm tích dày cấu tạo nên đồng bằng cũng có nhiều than đá và dầu mỏ. Liên bang Nga và Ukraine là nước có nhiều khoáng sản. Nguồn tài nguyên đất và rừng cũng chiếm vị trí quan trọng. Nga cũng là nước có nhiều rừng. Có thể lấy Moscow làm giới hạn, phía bắc và tây bắc thành phố này là vùng đất rừng chiếm ưu thế, còn phía nam và tây nam đất hầu hết đã được khai phá để trồng trọt và chăn nuôi. Nguồn đất màu mỡ và thuận lợi cho việc trồng cây lương thực, cây ăn quả tốt nhất là vùng đất đen, đất rừng xám thuộc đới rừng lá rộng và thảo nguyên.