1) Quan phụ mẫu trong văn bản: "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn là kẻ lòng lang dạ thú, vô trách nhiệm đến táng tận lương tâm khiến em cảm thấy rất phẫn nộ. (2) Hắn là một tên quan vô trách nhiệm: Nhân dân đang đối mặt với tình cảnh khó khăn: hộ đê từ chiều tới khuya, ai cũng dùng hết sức để chống chọi với thiên tai đang chuẩn bị giáng xuống - đê sắp vỡ. (3) Nhiệm vụ của quan lại phải là giúp nhân dân thoát khỏi tình cảnh khó khăn, thế nhưng quan hộ đê lại ngồi trong đình cao, vững chãi, an toàn chơi tổ tôm và tận hưởng sự sung sướng: Trong đình, hắn uy nghi, ngồi chễm chệ, tay trái dựa gối xếp, chân phải duỗi thẳng ra để cho tên người nhà quỳ ở đất mà gãi; bên cạnh hắn có bát yến hấp đường phèn, tráp đồi mồi, trầu vàng, ống thuốc bạc, đồng hồ vàng, dao chuôi ngà, toàn những đồ dùng đắt tiền, sang trọng. (4) Sau khi xơi bát yến, hắn còn ngồi khểnh vuốt râu, rung đùi. (5) Không chỉ vô trách nhiệm, hắn còn là một viên quan hống hách, ăn chơi sa đọa và rất vô lương tâm. (6) Sự vô trách nhiệm của quan được đẩy lên cao đến mức táng tận lương tâm: Khi có người báo có thể đê vỡ, hắn đã cau mặt gắt "Mặc kệ" và tiếp tục chơi bài. (7) Khi có người chạy vào báo đê đã vỡ, tiếng người ầm ĩ, tiếng nước chảy xiết, gà, chó, trâu, bò kêu vang tứ phía, hắn đỏ mặt tía tai mà quát, dọa: cắt cổ, bỏ tù rồi thản nhiên chơi tiếp, và hắn còn hả hê sung sướng vì ù được bài mà không mảy may quan tâm tới thảm cảnh đê vỡ: nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không chỗ chôn... (8) Bằng bút pháp tương phản tăng cấp, tác giả Phạm Duy Tốn đã lột trần bản chất ăn chơi sa đọa, vô trách nhiệm của viên quan, đồng thời, ông cũng bộc lộ lòng cảm thương, xót xa trước thảm cảnh nhân dân lao động do thiên tai và chính tội ác của kẻ cầm quyền lòng lang dạ thú.