LH Quảng cáo: lazijsc@gmail.com

Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Viết một bài văn nghị luận khoảng 1 trang giấy thi, nêu suy nghĩ của em về lòng biết ơn thầy, cô giáo

Các bạn giúp mình lập dàn ý và viết một bài văn nghị luận ngắn cho các đề trên nhé. Mình cảm ơn các bạn nhiều lắm
7 trả lời
Hỏi chi tiết
4.647
5
1
ɭεɠεռɖ-ɷɑɠռεŧσ
06/05/2018 20:34:12
1. Trong xã hội mà nền kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ như ngày nay thì việc học là rất quan trọng. Do đó chúng ta phải đến trường, ở đó các thầy cô giáo sẽ truyền thụ cho ta những kiến thức vô cùng bổ ích và thành công của ta hôm nay chính là nhờ phần lớn công lao dạy dỗ của các thầy, các cô. Chúng ta cần phải biết ơn họ.
Thời xưa, cụ Chu Văn An đã từng mở lớp dạy học tại quê nhà. Và nhiều người trong số những học trò của cụ đã làm đến những chức quan quan trọng trong triều đình. Phạm Sư Mạnh là một học trò như thế, tuy đã là quan đầu triều nhưng ông vẫn tỏ thái độ vô cùng kính trọng người thầy cũ của mình. Đến nhà thăm cụ, ông chỉ đứng từ xa vái chào, vào trong nhà cũng không dám ngồi cùng sập với cụ, chỉ xin ngồi ở bậc dưới, ông trả lời đầy đủ những câu hỏi của thầy, hỏi thăm sức khỏe của thầy như một người học trò bình thường. Tấm lòng thật đáng quý biết bao!
Thời nay, học sinh chúng ta cũng có vô vàn cách để biểu lộ lòng biết ơn của mình đối với thầy cô giáo: tham gia văn nghệ chào mừng 20-11; thi dua giành nhiều hoa điểm tốt; đến thăm, chúc sức khỏe các thầy, các cô,...
Biết ơn những người đã dạy dỗ mình là một hành động đẹp rất nên làm. Đó là việc làm của một người học sinh ngoan, biết phát huy tốt truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta:
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây
Ăn khoai nhớ kẻ cho dây mà trồng.
Nếu không có các thầy, các cô dạy dỗ chúng ta, truyền cho chúng ta những kiến thức bổ ích thì chắc gì chúng ta đã đạt được thành công như ngày hôm nay; chắc gì chúng ta đã thành đạt, kiếm nhiều tiền để nuôi sống gia đình và làm lợi cho đất nước? Do vậy ai ai cũng cần phải có lòng biết ơn thầy cô giáo.
Ấy thế mà lại có những học sinh vô ý thức, vô văn hóa, chẳng coi thầy cô ra gì. Những học sinh đó học thì kém lại hay nghịch dại, làm thầy cô và bố mẹ phiền lòng. Thậm chí còn mắng, chửi thầy cô khi bị điểm kém hay hạ hạnh kiểm. Đáng trách thay!
Chúng ta có rất nhiều cách để tỏ lòng biết ơn những người đã có công dạy dỗ mình: ngồi trong lớp chỉ cần các bạn chú ý nghe giảng tức là đã tỏ lòng biết ơn rồi đấy. Học thật giỏi; giành được nhiều điểm chín, mựời chính là cách đền ơn các thầy các cô tốt nhất của chúng ta. Ngoài ra, vào ngày 20-11, 8-3, Tết cổ truyền, học sinh có thể họp nhau lại cùng đến nhà thầy cô. Thầy cô vui mà chúng ta cũng được coi là học sinh ngoan, có nghĩa biết đền ơn.
Người ta nói:
Qua sông thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
Thật vậy! Cứ giả sử xã hội này mà không có nghề dạy học thì không biết nó sẽ trì trệ và kém phát triển đến thế nào! Vậy thì ngay từ bây giờ, chúng ta hãy tỏ ra là những người học trò ngoan bằng cách tỏ lòng biết ơn các thầy, các cô của mình. Họ xứng đáng được chúng ta đời đời nhớ ơn và kính trọng!

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
3
0
Nguyễn Trần Thành ...
06/05/2018 20:35:37
Câu 3:
Trong cuộc đời mỗi người, từ khi còn nhỏ đến lúc lớn lên học tập đều cần có sách.Vậy sách là kho tàng vô cùng quý giá đối với nhân loại, là nguồn kiến thức vô tận và không bao giờ cạn kiệt. Sách cũng chính là người bạn luôn cùng ta chia sẻ những cảm xúc của cuộc sống.Cũng như chúng ta đều biết, "Không có sách thì không có tri thức" ngoài việc học ở ngoài đời, thực tế cuộc sống, từ mọi người xung quanh thì sách là người bạn không thể thiếu của con người. Đó là nguồn tri thức vô giá mà mỗi chúng ta có thể tự tìm tòi trong suốt cuộc đời của mình.Nó là nguồn kiến thức vô tận của nhân loại. Khi đọc sách ta sẽ có cảm giác như mình như đang được dẫn dắt vào Thế Giới của sách, ta sẽ thấy hiểu rõ hơn biết thêm nhiều điều hay.Cũng như M.Goroki nói:"Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và đến tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khác cuộc sống". Câu nói của M.Gorki thì lại càng tuyết phục vì nó đúc kết từ chính cuộc đời ông, không được đến trường nhiều. Ông không học qua trường lớp nhiều nhưng lại có cái nhìn phong phú và tinh tế về cuộc sống, ông để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi tiếng và gây được sự chú ý với bạn đọc thế giới, những tác phẩm của ông được đưa vào trường học. Những điều ông có được là từ cái nhìn về thực tế và qua việc tự học cho nên bản thân ông đã là nhân chứng hùng hồn cho câu nói "Hãy yêu sách,.....".Không những thế ngoài ông ra còn có nhiều nhà phát minh, Bác học trên thế giới cũng thành công qua việc tự học, tự mày mò qua sách như Êđixơn,....Nhưng có một quyển sách hay cộng với một người thầy giỏi nữa thì tuyệt hơn? Vì vậy phải chọn một quyển sách hay có giá trị, nội dung tốt, bổ ích chứ không phải cái nào cũng là hay là quý cả? Mọi thứ đều phải có sự chắt lọc mới có kết quả như ý muốn.Thông qua đó,Sách có thể ít đi một chút nhưng phải tốt đẹp hơn, không nên đặt 1 cuốn sách tầm thường lên giá sách, đừng ăn cắp thời gian của người lao động.Sách là cây đèn thần soi sáng cho con người trên những nẻo đường xa xôi nhất và tăm tối nhất của cuộc đời.Không có cách giải trí nào rẻ hơn đọc sách, cũng không có sự thú vị nào bền lâu hơn đọc sách.Một cuốn sách tốt mở ra thì gợi niềm hy vọng, khép lại thì đem lại điều hữu ích.Đọc sách không những để nâng cao trí thức mà còn nâng cao nhân cách của con người.Tóm lại, sách là một nguồn tri thức vô giá không thể thiếu đối với chúng ta.Đó cũng là kiến thức dạy làm người, dạy ta biết thế nào là giá trị của cuộc sống.Muốn có kết quả ta phải biết cách đọc sách và chọn lựa sách sao cho phù hợp.Ta phài biết nâng niu giữ gìn tài sản vô giá đó vì nó tạo nên nhân cách, phẩm chất của nhân loại.
3
0
Nguyễn Trần Thành ...
06/05/2018 20:36:39
Câu 4:
Cuộc sống ngày càng được nâng cao do các công trình công nghệ, khoa học – kĩ thuật ngày càng tiên tiến nhằm phục vụ cho đời sống của con người . Song cùng với sự phát triển ấy là cái hậu quả mà trong tương lai chính con người chúng ta phải gánh chịu bởi sự thiếu ý thức về việc bảo vệ môi trường . Môi trường là những gì bao quanh chúng ta, từ những thảm cỏ xanh rì trùng trùng, những con sông uốn lượn dài mãi hay những dãy núi cao tận chân trời, tất cả đều trong một thế giới đang sống quanh ta . Nhưng thực tế cho thấy, con người chính là những kẻ sát nhân đã cướp đi sự sống của chính mình bằng cách làm môi trường ngày càng bị ô nhiễm nặng nề, nhất là ở những thành phố lớn, những trung tâm công nghiệp . Mọi trường ngày một chết đi do sự thiếu ý thức về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, nạn chặt phá rừng bừa bãi làm thủng lá phổi xảnh của Thế giới hay việc xả rác, chất thải, các loại khí độc từ nhà máy, xí nghiệp ra các kênh rạch, và ra bầu không khí của chúng ta đang là một việc đáng báo động . Ô nhiễm môi trường đã trở thành vấn đề nóng bỏng của nhân loại . Hội nghị Thượng đỉnh được tổ chức ở Brazil vào năm 1992 đã đưa ra lời kêu gọi toàn Thế giới cùng nhau bảo vệ Trái đất – hành tinh của chúng ta, xây dưng môi trường xanh – sạch – đẹp . Việt Nam chúng ta cũng đã ban hành những chính sách bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sẵn sàng hợp tác với các quốc gia trên Thế giới để bảo vệ môi trường . Học sinh chúng ta cũng phải ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tham gia các hoạt động phong trào như “ngày chủ nhật xanh”, tổng vệ sinh trường lớp, khu phố, tham gia trồng cây gây rừng, không xả rác bừa bãi nơi công cộng… Tóm lại, bảo vệ môi trường là bảo vệ chính cuộc sống của chúng ta.
3
1
Trịnh Quang Đức
06/05/2018 20:44:39
“Không thầy đố mày làm nên”, một triết lí dân gian đã được lưu truyền từ bao đời nay. Điều này cho chúng ta thấy người thầy có vai trò to lớn đối với con đường học vấn của mỗi học trò. Dẫu là học trò bán tự, nhất tự (có câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” – một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy), huống hồ chi, chúng ta, trong đời ai chẳng là học trò hơn một lần “nhất tự” hiểu theo nghĩa rộng của khái niệm này. Nhưng điều tôi muốn nói đến ở đây là một mặt khác nữa của câu tục ngữ – Đó cũng là lời nhắn nhủ, khuyên răn chúng ta phải nhớ ơn thầy cô.
Mỗi người có được công danh, sự nghiệp thành đạt đều nhờ công ơn dạy dỗ của thầy cô. Những người chiến sĩ trong cuộc chiến sinh tử với giặc ngoại xâm, trong hành trang tinh thần mang ra mặt trận cũng có lời thầy cô. Chúng ta, hẳn đã nhiều người đọc nhật kí của anh Nguyễn Văn Thạc (Nhà xuất bản Thanh niên xuất bản dưới nhan đề Mãi mãi tuổi hai mươi) học sinh trường cấp 3 (THPT) Yên Hòa B – Từ Liêm, Hà Nội. Trang nhật kí ngày 24/5/1972, ghi trước khi anh hi sinh tại chiến trường Quảng Trị hai tháng, bảy ngày sau đó, người học trò này đã nhớ lời dạy thầy giáo cũ – thầy Lưu, và nói rằng, cho đến lúc này, anh mới hiểu hết lời dạy của thầy. Xin được trích đoạn nguyên văn “Lòng tin tưởng ở con người cũng chính là một nét riêng rất độc đáo của lòng nhân đạo – Điều này thầy Lưu đã nói rất nhiều lần với mình từ 3 năm trước, từ hơn 2 năm trước – Nhưng đến giờ mình mới hiểu một cách sâu xa và đầy đủ nhất”. Người học trò Nguyễn Văn Thạc hiểu và xác định đúng đắn lẽ sống của đời mình. “Có thể ngày mai, cuộc đời sẽ trả lời mình bằng luồng gió lạnh ngắt, nhưng có hề chi, khi mình đã cống hiến cho cuộc dời một tâm hồn chính trực và cao cả – Biết yêu và biết ghét – Biết lăn lộn trong cái bình dị của cuộc sống mà cảm hiểu hạnh phúc không có gì so sánh nổi. Biết sống cao thượng, vươn lên trên tất cả những những gì tính toán cá nhân mòn mỏi và cằn cỗi. Phải, mình phải sống như vậy, phải cống hiến cho cuộc đời một tâm hồn như thế – Đây là mơ ước, là nguyện vọng, quyết tâm và cũng là trách nhiệm mình phải làm. Phải làm”. Chính vì thế ta không thể quên được công ơn của thầy cô.
Thầy cô giáo là người hướng dẫn, bồi dưỡng, truyền đạt cho ta những kinh nghiệm mà nhân loại đã tích luỹ trong suốt quá trình lịch sử lâu dài về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và kinh nghiệm sống để mở rộng trí óc cho chúng ta. Thầy cô không chỉ cho chúng ta tri thức mà còn rèn luyện cho chúng ta bài học làm người. Lúc còn bé thơ thầy cô dạy ta từng chữ cái, từng con số, rồi theo năm tháng chúng ta dần lớn lên thầy cô dạy ta những điều hiểu biết cao hơn, rộng hơn để giáo dục ta thành người có tri thức, có đạo đức. Các thầy cô đã “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, đào tạo chúng ta thành những người hữu ích. Tại sao danh họa Ý Lê-ô-na đơ Vanh xi (1452 – 1519) có thể trở thành đỉnh cao của thời Phục hưng và thế giới. Vì ông có người thầy là họa sĩ Vê-rô-ki-ô. Thoạt đầu thầy bắt cậu bé học trò vẽ quả trứng gà mấy chục ngày liền. Bởi ông muốn cho nhà họa sĩ thiên tài tương lai biết “trong một nghìn cái trứng, không bao giờ có hai cái hoàn toàn giống nhau…Do vậy nếu không cố công luyện tập thì không vẽ đúng được đâu…Đó còn là cách luyện mắt cho tinh, luyện tay cho dẻo”. Các thầy cô giáo là người “mài sắt nên kim”, công lao biết bao ! Thật đúng như nhà thơ Bùi Đăng Sinh, hiện nay đã là nhà giáo kì cựu, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường đã viết :
“Đồi cao thắm sắc ti gôn
Trồng hoa thầy đã trồng luôn cả người”
Các thầy, các cô đang làm một nghề cao quý nhất, nghề dạy học, nghề mà dân tộc ta vốn rất coi trọng, quan tâm và biết ơn. Ông cha ta thường nói :
“Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ phải yêu kính thầy”
Vì học sinh thân yêu, các thầy giáo, cô giáo đã luôn luôn quan tâm đến sự tiến bộ, vui sướng trước sự trưởng thành của chúng ta, trăn trở trước thiếu sót mà chúng ta mắc phải. Từ cái nôi là nhà trường, tình cảm gắn bó giữa chúng ta và các thầy cô là một tình cảm đặc biệt, sâu sắc. Tình cảm đó sẽ cùng đi suốt cuộc đời, động viên, nâng đỡ chúng ta trưởng thành. Mọi người chúng ta phải khắc ghi và biết ơn. Phải ghi nhớ trong lòng, đạo thầy trò là một trong những đạo lớn, giữ cho xã hội lành mạnh, vững chắc. Lại xin kể với các bạn một câu chuyện mà nhân vật học trò là một nhà thơ nổi tiếng của chúng ta. Chuyện của nhà thơ Hoàng Cầm, thi sĩ yêu thương của miền Kinh Bắc, cái nôi của văn hóa Việt Nam. Nhà thơ đã làm cho con sông Đuống thành dòng sông trữ tình, dòng sông thi ca. Năm học 1935 – 1936, Hoàng Cầm học với thầy Hoàng Ngọc Phách, cũng là một nhà văn (tác giả Tố Tâm, thiên tiểu thuyết lãng mạn vào loại mở đầu văn chương lãng mạn). Ai ngờ sau đó ít lâu, lại lấy chị gái họ thầy giáo mình. Một ngày tết ở thị xã Bắc Ninh, khi hai vợ chồng thi sĩ đi chúc tết họ hàng, vào nhà thầy, theo tôn ti trật tự, thầy cứ một điều “thưa bác”, hai điều “thưa bác”. Vợ nhà thơ cũng thản nhiên “cậu câu, tôi tôi” mặc dù kém đến trên 20 tuổi. Song Hoàng Cầm thì không dám. Ông lễ phép xưng “con”, gọi “thầy”. Về nhà, bà vợ phàn nàn :
– Sao mình lại xưng “con” với cậu ấy ? Cậu ấy là em mình chứ !
Hoàng Cầm đã quả quyết trả lời :
– Anh phải tôn trọng cái điều có trước. Trước khi anh là chồng em, anh đã là học trò của ông Phách từ lâu rồi. Người thầy giáo ấy đã có công lớn đào tạo được ra anh hôm nay đấy em ạ !
Lòng biết ơn thầy cô là phải biết giữ đúng “Đạo”. Nhưng cao hơn, phải được thể hiện bằng hành động cụ thể. Muốn vậy chúng ta phải học tập tốt, đạt nhiều thành tích cao. Đây cũng chính là đạo lí làm người, là cách ứng xử của người có nhân cách. Đất nước ta có rất nhiều tấm gương đáng để noi theo như người học trò con vua Thủy Tề của thầy Chu Văn An. Biết là trái mệnh Ngọc Hoàng, tất bị chết chém, nhưng vẫn tuân theo lời dạy bảo nhân nghĩa của thầy.
Bác Hồ từng dạy : “Kẻ có tài mà không có đức là người vô dụng, người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Nền tảng của con người vẫn là đạo đức, đạo đức kết hợp với tài năng thì làm chuyện gì cũng thành công. Xã hội hiện đại ngày nay, vấn đề đạo đức đang còn nhiều cái để quan tâm, đó là tình trạng học sinh vô lễ, vô ơn bạc nghĩa với thầy cô. Thậm chí có hành vi lăng mạ, côn đồ. Tất cả đều bị chê trách, lên án gay gắt.
Trong bối cảnh như thế, thiết nghĩ, lòng biết ơn là món quà giá trị nhất, là bông hoa tươi thắm nhất để các thế hệ học sinh dâng tặng thầy cô kính yêu. Đây không phải chỉ là bổn phận và nghĩa vụ mà còn là thứ tình cảm cao quí, thiêng liêng, ở đâu, lúc nào cũng cần gìn giữ, nêu cao.
1
1
Trịnh Quang Đức
06/05/2018 20:45:25
2.
  • Mở bài:
Sách là một phương tiện dùng để ghi chép, lưu giữ và lưu truyền tri thức trong xã hội loài người. Sách đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tri thức. Mỗi quyển sách là một động lực phát triển văn minh xã hội. Ngày nay, do nền công nghệ thông tin phát triển mạnh, sách đã bị xem thường. Xu hướng toàn cầu hóa diễn ra ồ ạt, khiến cho học sinh ngày nay không chịu đọc sách. Một thực tế cần phải xác nhận là học sinh ngày nay không còn yêu mến sách nữa. Việc đọc sách của học sinh vì thế cũng rất hạn chế.
  • Thân bài:
Trước sự phát triển của cuộc sống, con người nguyên thủy nhận thức rõ tầm quan trọng của tri thức. Họ tìm cách lưu giữ những thông tin mình đã nhận thức được để lại cho các thế hệ sau. Và sách đã ra đời. Có thể nói từ khi có sách thì nền văn minh của loài người mới được xác thực.
* Sách điện tử – hình thức mới của sách ở tương lai. Hình thức ban đầu của sách là những hình khắc và kí tự lên vách đá, mai rùa, xương thú. Rồi đến thời kì viết chữ lên thẻ tre, thẻ trúc, lên tấm vải. Cuối cùng là viết hoặc in lên trang giấy và đóng thành tập. Trải qua thời gian, hình thức của sách không ngừng thay đổi. Càng thay đổi, sách ngày càng tiện lợi, dễ sử dụng và bảo quản hơn.
Trước đây, sách là phương tiện chính để học tập, giáo dục và phổ biến tri thức trong xã hội. Ngày nay, nhờ các thành tựu của nền khoa học kĩ thuật, các phương tiện truyền thông và thiết bị điện tử gần như đã thay thế vai trò của sách. Con người đã tiến hành ghi chép và lưu trữ tri thức vào các bộ nhớ điện tử. Đồng thời phổ biến nó bằng các định dạng thông qua các ứng dụng điện tử.
Người đọc có thể tiếp cận nguồn tri thức mà không cần phải giở từng trang sách. Công cụ tìm kiếm của Google là một minh chứng rõ ràng cho hình thức này. Bộ lưu trữ điện tử sẽ là hình thức của sách ở tương lai.
* Hiện trạng vấn đề đọc sách của học sinh hiện nay: Có hai hình thức sách cùng tồn tại song song ở nước ta là sách giấy và sách điện tử. Ngoài ra, còn có các ứng dụng cung cấp tri thức một cách phong phú, khá đầy đủ. Sách điên tử luôn tạo được sự tiện lợi và hứng thú cho người đọc.
Theo khảo sát của các tổ chức thế giới, tỉ lệ người đọc sách tại nước ta còn khá cao. Tuy nhiên, ở lứa tuổi học sinh, tỉ lệ này lại khá thấp. Đó cũng là thực trạng chung của cá nước trên thế giới.
Học sinh Việt Nam ngày nay không có hứng thú đọc sách. Ngoài những quyển sách bắt buộc phải đọc học sinh ít quan tâm đến sách khác. Học sinh thường hay đọc các loại truyện tranh có nội dung nhảm nhí, vô bổ mà ít tìm đến các loại sách khoa học. Những quyển sách văn học tuổi teen với nội dung dễ dãi thường được học sinh lựa chọn đọc. Còn sách lịch sử, sách địa lí, sách khoa học gần như không nằm trong danh mục lựa chọn.
Việc học sinh không muốn đọc những quyển sách có nội dung nghiên cứu khoa học, học thuật, nghệ thuật,… xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Bởi đó là lĩnh vực khó, đòi hỏi nhiều công sức. Kéo theo đó là những hậu quả lớn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con người và xã hội.
* Nguyên nhân khiến học sinh không còn hứng thú đọc sách: Trước hết, là phải nói đến sự phát triển của công nghệ thông tin. Công nghệ điện tử số làm cho hình thức và phương thức đọc sách có nhiều thay đổi. Việc đọc sách ngày nay không nhất thiết là đọc trang sách in hay ngồi trong phòng. Học sinh có thể đọc trang sách điện tử bất cứ lúc nào và bất cứ đâu. Sự phát triển rầm rộ của các ngành công nghệ giải trí với những chương trình mới lạ, đặc sắc thu hút học sinh theo dõi. Từ đó học sinh lơ là việc đọc sách.
Thật không thể nào kể hết được các kênh truyền hình giải trí đang được phát sóng hiện nay. Ngoài những kênh phim truyện còn có những chương trình trực tiếp. Các chương trình này tương tác thực tế, sống động vô cùng. Sự phát triển của các phương tiện truyền thông tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận với văn bản điện tử hơn. Học sinh hoặc chơi game, hoặc giải trí tầm thường. Từ đó không còn hứng thú với sách. Việc đọc sách trở nên nhàm chán, không còn hấp dẫn nữa.
Học sinh ngày nay với lối sống dễ dãi, yêu thích những thứ tầm thường có tính thuần giải trí như game, phim kinh dị, và các ấn phẩm có nội dung đồi trụy, phản cảm…Việc tiếp cận và say mê nguồn thông tin này khiến học sinh suy đồi đạo đức, trở nên lười biếng trong học tập, mất dần các thói quen bổ ích. Chẳng hạn như là việc đọc sách hằng ngày.
Gia đình, nhà trường và xã hội thiếu quan tâm đến việc phát triển tâm hồn và năng lực trí tuệ cho học sinh. Phụ huynh vì bận rội với công việc mà không quan tâm khuyến khích con cái đọc sách. Nhà trường không có kế hoạch đọc sách, hay không gian đọc sách cho học sinh. Xã hội không có chương trình khuyến khích, cổ động việc đọc sách trong toàn dân để nâng cao dân trí. Và dường như, khôi phục thói quen đọc sách trong toàn dân chỉ nằm trên khẩu hiệu.
Các nhà xuất bản chạy theo lợi nhuận, không chịu đầu tư vào chất lượng và số đầu sách mới. Trên kệ sách hầu như chỉ thấy các tác phẩm quen thuộc được chỉnh sửa bìa sách cho khác đi mà ít thấy những tác phẩm mới có giá trị, thực sự mang lại lợi ích cho người đọc.Việc kiểm soát của các cơ quan chức năng chưa thật sự chặt chẽ và nghiêm khắc khiến cho sách giả, sách kém chất lượng tràn lan trên thị trường làm mất niềm tin ở người đọc.
* Hậu quả của việc lười biếng đọc sách: Tình trạng học sinh ngày nay ít đọc sách đã gây ra những hậu quả lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của con người và ổn định trật tự xã hội.
Học sinh không muốn đọc sách khiến cho việc học tập cũng trở nên khó khăn, tri thức hết sức hạn chế, hiểu biết hạn hẹp. Một hậu quả dễ thấy nhất là học sinh ngày nay có năng lực đọc rất kém, viết sai chính tả nhiều, không phân biệt được lỗi phát âm và diễn dạt vụng về, thô lỗ.
Không đọc sách làm cho tâm hồn học sinh khôn héo, thiếu cảm xúc và những rung động chân thành. Học sinh ngày càng trở nên cộc cằn, ăn nói tục tĩu, ứng xử thiếu lịch sự, thường vô lễ với thầy cô và người lớn. Việc ít đọc sách khiến học sinh không biết cảm thông, chia sẻ hay yêu thương; không biết tự kiềm chế bản thân làm nảy sinh ngày càng nhiều các vụ bạo lực sảy ra trong học đường.
* Phê phán:
Không những ít đọc hoặc không đọc sách, thiếu sự tôn trọng đối với sách, nhiều học sinh còn tỏ ra xem thường sách, có hành vi hủy hoại sách. Những người như thế thật đáng chê trách.
* Giải pháp và hành động:
Đối với học sinh:
– Hãy đọc sách mỗi ngày để phát triển trí tuệ và tâm hồn.
– Hãy quý trọng sách, giữ gìn và bảo vệ sách.
– Khuyến khích bạn bè, người thân cùng đọc sách. Tổ chức thảo luận, bàn luận về những quyển sách hay, ý nghĩa, có giá trị lớn lao.
– Vừa đọc sách vừa rèn luyện mình.
Đối với gia đình, nhà trường, xã hội:
– Quan tâm bồi dưỡng tâm hồn và trí tuệ các em bằng những quyển sách hay, có nội dung trong, lành mạnh.
– Khuyến khích và tổ chức đọc sách trong trường học và ngoài xã hội, tạo được phong trào đọc sách trong toàn dân.
– Các cơ quan chức năng kiểm soát chặc chẽ việc xuất bản và lưu hành các ấn phẩm sách, đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt cho nhu cầu của người đọc hiện nay.
  • Kết bài:
Đọc sách là thể hiện lòng biết ơn đối với người xưa và trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và đất nước. hãy lựa chọn cho mình những quyển sách hay và đọc nó hằng ngày. Đó chính là con đường đúng đắn dẫn bước ta đến cánh cửa của tương lai
3
1
Trịnh Quang Đức
06/05/2018 20:46:13
3.
Vai trò của sách trong thời đại thông tin nghe - nhìn: khẳng định các phương tiện thông tin nghe - nhìn đang phát triển ngày nay không thể thay thế được hoàn toàn cho việc đọc sách.
- Tác dụng của việc đọc sách:
+ Cung cấp thông tin, tri thức mọi mặt.
+ Bồi dưỡng giáo dục, nâng cao khiếu thẩm mĩ.
+ Giáo dục đạo đức, tình cảm, hoàn thiện bản thân.
+ Đọc sách là cái đích hướng đến của tất cả mọi người trong khát vọng chinh phục tri thức.
Tôi thật sự không hiểu ý cuối cùng của lời giải này. Đọc sách là cái đích?
Và ngoài ra, trong số các tác dụng chung chung mà lời giải nêu, có cái nào đặc trưng riêng cho việc đọc sách đâu?
Bởi những tác dụng trên cũng có thể dùng làm câu trả lời cho tác dụng của việc xem phim, không sai chút nào.
===
Những cái lợi khác của việc đọc sách
Đọc sách là công việc cũng là nhu cầu không thể thiếu của người đi học. Việc đọc sách có thể được thực hiện ở bàn học, góc thư viện hay ở một nơi nào đó nếu bạn có thời gian rảnh và có hứng thú đọc. Không phải đến bây giờ chúng ta mới bắt đầu đọc sách, việc đọc sách phải diễn ra từ khi chúng ta biết đến sách vở và trường học. Thế nhưng quá trình đọc sách có diễn ra thường xuyên hay không tùy thuộc hoàn cảnh riêng của mỗi người, và kết quả đọc sách cũng không giống nhau.
Người đọc hiện nay có xu hướng chỉ thu hẹp phạm vi đọc gắn liền với chuyên môn của mình, điều đó giúp cho những hiểu biết chuyên môn sâu sắc hơn. Thế nhưng, sẽ rất tốt nếu việc đọc sách được mở rộng hơn đến các phạm vi liên đới, hoặc những phạm vi tưởng chừng không có gì liên quan đến chuyên môn nhưng thực ra nó có nhiều tác động đến công việc và cuộc sống sau này. Tôi có quen một số bạn mặc dù học Toán nhưng rất thích đọc những tác phẩm văn chương, hoặc những bạn sinh viên văn thích đọc sách lịch sử và âm nhạc.
Có người còn phân chia rạch ròi ra 2 loại sách để đọc: một loại chỉ đọc để biết, nhớ đại khái và không cần ghi chép; một loại khác có liên quan mật thiết đến chuyên môn hay vì một nhu cầu nào đó, người đọc cần viết lại những ý chính, ghi lại tóm tắt nội dung, dẫn chứng hoặc vẽ thành những sơ đồ cho dễ nắm. Như vậy, vô hình trung, loại sách đầu người ta có thể đọc ở mọi lúc mọi nơi: trên xe buýt, phòng chờ, trên tàu hỏa, tàu điện ngầm, thậm chí nhà vệ sinh...; loại sách thứ hai phải được đọc bên bàn sách, giấy bút, trong không gian yên tĩnh ít người tụ tập.
Trong thực tế, tác dụng của việc đọc sách không chỉ dừng lại ở chỗ tiếp thu kiến thức mà đọc sách còn là một biện pháp để hoàn thiện mọi mặt của con người. Với ý nghĩa này, các loại sách văn hóa học, văn chương, lịch sử, triết học không chỉ là những loại sách thuần chuyên môn mà đã trở thành sách chung cho mọi người, cho xã hội. Do đó, sẽ rất thiếu sót nếu bạn nói rằng 'Tôi là SV Thể dục thì cần gì đọc sách Văn học', hay 'Tôi là sinh viên Kinh tế cần gì đọc sách lịch sử' và cho rằng những loại sách đó không thiết thực đối với công việc của bạn... Những cái lợi của chuyện đọc sách đã quá rõ ràng, thiết nghĩ không cần nhắc lại. Bên cạnh việc đọc sách để tiếp thu tri thức, việc đọc sách đôi khi còn rèn luyện cho bạn những kĩ năng, tình cảm và thói quen hữu ích mà đôi khi bạn không nhận ra.
4
1
Trịnh Quang Đức
06/05/2018 20:47:11
5. Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Điều này khiến ta phải suy nghĩ...
Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động.
Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường... Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày. Ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn không ai không biết, là trường hợp của con sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền. Con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân ở xung quanh. Hay việc ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng của nền văn hoá dân tộc.
Vậy nguyên nhân của những sự việc trên là do đâu?
Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân mà đặc biệt là các bạn trẻ. Họ nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Hoặc cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Một số khác lại nghĩ rằng việc môi trường đã bị ô nhiễm thì có làm gì đi chăng nữa cũng không đáng kể, và việc ô nhiễm môi trường cũng không ảnh hưởng gì tới mình nhiều... Vậy nhưng không phải vậy! Phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Dù trách nhiệm bảo vệ môi trường tuy cũng có một phần là của nhà nước nhưng đa phần lại là của người dân. Những việc chúng ta làm đối với môi trường, tuy hiện giờ ta chưa thấy được, nhưng về lâu về dài nó sẽ ảnh hưởng tới ta ít nhiều.
Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, góp phần đáng kể gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường tiếp diễn. Việt Nam thiếu những chính sách và quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và do đang thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy": trở thành nơi tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Ví như, ngành cán thép làm tốn nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cô lưu thông ngày càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí.
Điều này đã để lại hậu quả gì?
Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường. Điển hình như "làng ung thư" Thạch Sơn ở Phú Thọ, hàng trăm người đã chết vì căn bệnh ung thư mà nguyên nhân là do dùng nguồn nước bị ô nhiễm thải ra Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Hàng năm có khoảng 16.000 người ở Việt Nam chết vì những căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Dự báo trong những năm tới, con số này còn có thể tiếp tục gia tăng. Cạn kiệt tài nguyên sinh vật là một hậu quả khác không thể tránh được của ô nhiễm môi trường. Các rặng san hô ở cửa sông cũng như các vùng nước lợ biến mất dần. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển nam trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hơn 30 km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là nguyên nhân làm cho nước biển đặc quánh như cháo. Ngoài ra, trong tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày một nhiều...
Lẽ nào ta lại nhắm mắt làm ngơ?
Không! Chúng ta cần phải tiếp tục công cuộc bảo vệ và làm sạch môi trường bằng những biện pháp tốt hơn, thiết thực hơn nữa! Thứ nhất, phải có các hình thức xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức, cơ quan có hành vi phá hoại môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức cho người dân qua các hình thức tuyên truyền, cổ động như tổ chức những buổi giao lưu bàn về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã... Đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường trong các sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh có thái độ và cái nhìn đúng đắn về môi trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em biết yêu và bảo vệ môi trường mình đang sống. Một cách khác để giúp bảo vệ môi trường phát động thường xuyên hơn những phong trào tình nguyện như bảo vệ môi trường khu dân cư, dọn rác ở các khu vực công cộng, làm sạch bãi biển...
Tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Vậy nên, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau! Hãy bảo về môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm
Bài tập liên quan

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường

Học ngoại ngữ với Flashcard

×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
×
Gia sư Lazi Gia sư