Câu 2:
____________________________________________
Tác giả bài thơ Đoàn thuyền đánh cá không ai khác chính là Huy Cận. Huy Cận (1919- 2005), tên đầy đủ là Cù Huy Cận, quê ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tĩnh Hà Tĩnh. Ông thân sinh đỗ tam trường, dạy học và làm ruộng, thích thơ. Huy Cận thuở nhỏ học ở quê, rồi vào Huế học đến hết trung học. Năm 1939, vào học trường Cao đẳng canh nông Hà Nội. Cuối 1942 tham gia phong trào sinh viên yêu nước, hoạt động trong Mặt trận Việt Minh. Dự Quốc dân đại biểu ở Tân Trào (1945), và được cử vào Uỷ ban dân tộc giải phóng toàn quốc. Sau Tổng khởi nghĩa, liên tục tham gia chính quyền Cách mạng, ở các cương vị cao.Huy Cận làm thơ từ 1934. Tập thơ đầu tay, Lửa thiêng (1940), đưa ông lên vị trí hàng đầu, một trong những cây bút tiêu biểu của Phong trào Thơ mới (1932-1945). Trong kháng chiến chống Pháp, Huy Cận sáng tác ít. Phải đến sau hoà bình lập lại (1954) và nhất là trong chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh (1958), hồn thơ ông mới như được tái tạo, trở nên sung sức và đổi mới hẳn. Ông liên tiếp cho ra đời những tập thơ : Trời mỗi ngày lại sáng (1958), Đất nở hoa (1960), Bài thơ cuộc đời ( 1963), Hai bàn tay em (1967)... (dựa theo Từ điển văn học, nhiều tác giả, NXB KHXH, H.1983).Đoàn thuyền đánh cá được rút trong tập Trời mỗi ngày lại sáng. Tập thơ là kết quả của chuyến đi thực tế dài ngày ở Quảng Ninh. Cảm hứng về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống mới là những tình cảm chủ đạo tạo nên sức hấp dẫn của những vần thơ này. Toàn bài gồm bảy khổ, mỗi khổ tương đương với một bài tứ tuyệt thất ngôn. Hai khổ đầu mô tả Đoàn thuyền đánh cá... ra khơi. Bốn khổ tiếp là cảnh kéo lưới...xoăn tay chùm cá nặng. Khổ cuối, \"Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời\", trở về sau một đêm đánh cá đầy hào hứng. Thông qua đó, nhà thơ ca ngợi không khí lao động mới, con người lao động mới, tràn đầy lạc quan, làm chủ thiên nhiên, làm chủ biển cả bao la. Bài thơ đã dựng được không khí lao động khẩn trương, hăng say, nhộn nhịp, của miền Bắc những năm đầu bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đoàn thuyền đánh cá khắc hoạ nhiều hình ảnh tráng lệ, nó vừa thể hiện sự hài hoà giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước, cuộc đời. (câu ghép)