Bài tập  /  Bài đang cần trả lời

Phân tích vẻ đẹp của người lính trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

4 Xem trả lời
Hỏi chi tiết
687
1
3
mỹ hoa
30/05/2018 20:05:25
Nhà thơ Tố từng ca ngợi những con người quả cảm ấy:
Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai
Qủa đúng như thế, một Trường Sơn ác liệt đạn bom, một Trường Sơn đầy chông gai thử thách là nơi để những chàng “Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” làm nên những kỳ tích. Trên những con đường Trường Sơn cheo leo, hiểm trở đầy mưa bom bão đạn, những đoàn xe vận tải lương thực, khí giới vẫn chạy băng băng phục vụ cho chiến trường Miền Nam. Điều kỳ diệu ấy có được bởi vẻ đẹp tinh thần, tình cảm của những người chiền sĩ lái xe. Chất thơ trong hiện thực đầy khốc liệt đã được đưa vào thơ từ hồn thơ nhạy cảm của nhà thơ Phạm Tiến Duật qua “Bài thơ về tiểu đội xe không kính”.
Không có kính không phải vì xe không có kính
......
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Phải chăng, thực tế ở chiến trường Trường Sơn thời chống Mỹ đã làm nên những chất liệu cho trang thơ đặc sắc. Phạm Tiến Duật đã từng vào bộ đội và là một trong những gương mặt tiêu biểu của đội ngũ các nhà thơ trẻ lúc ấy. Vốn đã từng yêu thơ và làm thơ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, nay lại được trực tiếp sống trong không khí của tiền tuyến, hồn thơ của Phạm Tiến Duật như được tiếp thêm nguồn lực mới. Thành công của bài thơ về tiểu đội xe không kính chính là tác giả đã thể hiện một cách chân thực hình ảnh người lái xe quân sự gắn với hình ảnh độc đáo là những chiếc xe không kính. Phương tiện vật chất thiếu thốn là cơ hội để người chiến sĩ lái xe Trường sơn bộc lộ hết những phẩm chất cao đẹp.
Dấu ấn chiến trường ác liệt trước hết được thể hiện ngay trong nhan đề bài thơ qua cụm từ “Tiểu đội xe không kính”. Nghe qua tưởng như vô lí. Lẽ thường ,để bảo vệ tính mạng cho con người nhất là trong địa hình hiểm trở Trường Sơn, xe phải có kính mới đúng. Ấy thế mà! Chuyện xe “không kính” lại là thực tế! Bởi vậy những câu thơ mở đầu có thể coi như là lời giải thích cho sự cố có phần không bình thường ấy:
Không có kính, không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi
Lời thơ tự nhiên như lời nói thường ngày. Chất thơ của câu thơ này hiện ra trong chính vẻ tự nhiên đến mức khó ngờ của ngôn từ. Hình ảnh “bom giật ,bom rung” giúp ta hình dung được một vùng đất từng được mệnh danh là “túi bom” của địch. Song những gian khổ khó khăn ấy nào có gì đáng bận tâm. Người lính lái xe vẫn đoàng hoàng, tự tin:
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng
Khi mà sự sống cái chết chỉ cách nhau có gang tấc, khi mà những đợt bắn phá của địch cứ liên tiếp, những quả bom nổ chậm đang rập rình đe doạ thì người ta có thể rất lo âu. Nhưng những người lính Trường Sơn vẫn ung dung nhìn bao quát đất trời. Một tư thế hoàn toàn tự tin, chủ động trong mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Đạn bom quân thù không cản được cái thế nhìn thẳng hướng của người chiến sĩ lái xe. Trong cái nhìn mang vẻ phóng khoáng kia, rọi sáng một niềm lạc quan, thể hiện tâm thế của một thời “tiếng hát át tiếng bom”.
Trên buồng lái của những chiếc xe “đặc biệt” này, họ nhìn thấy những gì?
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Phía sau những chi tiết tả thực thế giới bên ngoài ập vào tầm lái, câu thơ hiện lên một vẻ đẹp khác : người chiến sĩ vừa tập trung cao độ để vững vàng tay lái, vừa như thả hồn vào những liên tưởng táo bạo đến bất ngờ. Có thể nói hình ảnh “con đường chạy thẳng vào tim” gây ấn tượng khá sâu sắc. Con đường đã được tình cảm hoá, cái nghĩa vật chất được che mờ đi, để hiện hình một con đường đi từ trái tim và đến bằng trái tim.
Trên những nẻo đường ấy người chiến sĩ thật dũng cảm, gan dạ và thành thạo, tài tình mới điều khiển được chiếc xe băng nhanh trên những con đường cheo leo hiểm hóc, trước tác động của gió rồi lại mưa bụi, khó khăn lại nối tiếp khó khăn.
Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha
Những gian nan là để thử thách chí làm trai. Người lính sẵn sàng chấp nhận. Điều đáng nói ở đây là mặc dù đã nếm đủ mùi gian khổ, các anh không hề tỏ vẻ bực bội mà còn thể hiện tính ngang tàng thách thức và tràn đầy lạc quan.
Chưa cần rửa phì phèo châm điếu thuốc
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Nhiệt tình cách mạng của người lính không còn trừu tượng nữa mà được tính bằng những con đường “Lái trăm cây số nữa”. Con đường ấy trong bom đạn, mưa tuôn phải trả giá bằng mồ hôi, xương máu. Ẩn chứa trong tứ thơ là hình ảnh con người phơi phới tự tin, bất chấp mọi hiểm nguy, gian khổ.
Những người lái xe anh dũng hiên ngang ấy cũng là những con người rất trẻ trung, vui nhộn.Trước khó khăn do xe không kính gây ra họ vẫn cười vang : “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”. Chỉ có những con người rất yêu đời, yêu cuộc sống mới có thể cười hết cỡ, cười vui nhộn đến thế, về mặt lấm, về màu trắng ngộ nghĩnh của “tóc trắng”,“ bụi phun”. Ngay cả cách hút thuốc cũng thể hiện tính chất trẻ trung, tinh nghịch -hút “phì phèo”- cách hút để chơi, hút cho vui. Cái khó khăn “xe không kính” lại được các anh biến thành cái thuận lợi : “ Bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi”. Từ cái bắt tay ấy, tình cảm người lính càng gắn bó hơn. Xa quê hương đến tận núi rừng Trường sơn để làm nhiệm vụ, phần lớn các anh chưa lập gia đình, các anh tạm gác tình riêng vì việc lớn, nét hồn nhiên phơi phới lại thể hiện qua cách suy nghĩ rất giản dị.
Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy
Tình đồng đội đã tiếp thêm sức mạnh.Và thế là, dù ăn giữa trời, ngủ giữa rừng trên chiếc xe không kính, người chiến sĩ vẫn đầy nhiệt huyết. Những chiếc xe vẫn cứ đi, vẫn băng băng không kẻ thù nào ngăn cản nổi. Đó là sức trẻ dâng ngùn ngụt từ trái tim rực lửa tình yêu nước, cho nên dẫu chiếc xe cứ dần dần trần trụi bởi phong sương, nắng gió, bởi chiến trận ác liệt trở thành “không kính”, “không đèn”, “không mui xe”, xe vẫn hành quân :
Không có kính, rồi xe không có đèn
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì Miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim
Cao đẹp là thế ! chỉ cần có một trái tim, một tấm lòng, một nghị lực, ý chí. những thiếu thốn gian nan, nguy hiểm ,hi sinh nào có là gì. Ý thơ đã cô đọng lại, kết tinh lại vẻ đẹp của người chiến sĩ lái xe Trường sơn chiến đấu vì lý tưởng cao đẹp. Vẻ đẹp ấy cho ta liên tưởng đến lời của một bài hát : “Ôi! Anh đẹp lắm ! đẹp hồn nhiên như chân lý Bác Hồ, vì anh có một trái tim, một trái tim biết yêu thương tha thiết đất nước, quê hương. Một trái tim biết căm thù quân xâm lược. Một trái tim rực lửa anh hùng”.
Đúng như thế, mọi thứ đều không có, đều thiếu thốn nhưng có trái tim là có tất cả: tư thế hiên ngang ,lòng dũng cảm, thái độ bất chấp khó khăn , tinh thần lạc quan, ý chí vững vàng. Dẫu cho những chiếc xe có biến dạng thì người chiến sĩ vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao cả : Chiến đấu với kẻ thù, vì quê hương đất nước vì lý tưởng cách mạng. Hình ảnh “trái tim” khép lại bài thơ nhưng mở ra một chân dung sống động với những vẻ đẹp của người chiến sĩ ý thức cao trước vận mệnh của đất nước.
Bài thơ được viết trong những ngày chiến tranh gian khổ ác liệt và hào hùng. Thời đại đã cung cấp hiện thực sôi động quý giá để nhà thơ khắc hoạ những hình ảnh đẹp về những chiến sĩ lái xe Trường Sơn làm xúc động lòng người. Từng câu thơ, từng ý thơ đem đến cho người đọc sự ngạc nhiên, ngưỡng mộ, kính phục đối với những con người được gọi với cái tên trân trọng, yêu mến, “anh bộ đội Cụ Hồ” Chính các anh đã làm nên một con đường Trường Sơn huyền thoại, làm nên những trang sử chói lọi cho lịch sử Việt Nam thời chống Mỹ.
Mùa xuân chiến thắng năm 1975 mang khúc khải hoàn ca của dân tộc vẫn mãi đem sức xuân cho những mùa xuân tiếp nối. Để rồi trong niềm vui xuân mới, chúng ta có quyền tự hào về một Trưòng Sơn năm xưa, tự hào về những con người mang vẻ đẹp tâm hồn làm nên những bản hùng ca bất diệt đem đến cuộc sống thanh bình, thịnh vượng cho đất nước. Con đường các anh đi ngày ấy trở thành con đường Hồ Chí Minh lịch sử, những chiếc xe lại bon bon mang những chuyến hàng phục vụ mọi người, mọi nhà. Những chuyến xe nối tiếp chuyến xe như chúng ta nối tiếp thế hệ cha anh học tập và sống sao cho xứng đáng với những gì mà người chiến sĩ đã sống và hiến dâng .
Nào hãy biến niềm vinh hạnh của chúng ta thành những hoài bão đẹp vì quê hương, đất nước dấu yêu như lời thơ Tố Hữu :
Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa
Vui gì hơn làm người lính đi đầu
Trong đêm tối tim ta làm ngọn lửa.
Trái tim của những người lính Trường Sơn quả cảm năm xưa sẽ thắp lên trong tim chúng ta ngọn lửa niềm tin và nhiệt huyết để viết tiếp nên những trang sử huyền thoại của một Việt Nam thời đại mới.

Mở khóa để xem toàn bộ nội dung trả lời

(?)
Bạn đã đạt đến giới hạn của mình. Bằng cách Đăng ký tài khoản, bạn có thể xem toàn bộ nội dung trả lời
Cải thiện điểm số của bạn bằng cách đăng ký tài khoản Lazi.
Xem toàn bộ các câu trả lời, chat trực tiếp 1:1 với đội ngũ Gia sư Lazi bằng cách Đăng nhập tài khoản ngay bây giờ
Tôi đã có tài khoản? Đăng nhập
3
1
Tiểu Khả Ái
30/05/2018 20:11:36
Đất nước Việt Nam ta từ những đêm mờ xa xưa của lịch sữ đã trải qua bao cuộc kháng chiến để giành độc lập. Để giữ được nền độc lập, hòa bình ấy, không thể không nhắc tới những người đã góp phần làm cho đất nước thống nhất – những người lính. Họ thật đáng khâm phục và được ngợi ca. Điều đó từng được thể hiện rất nhiều trong bài thơ, khúc hát. “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” của nhà thơ Phạm Tiến Duật cũng là một bài thơ hay ca ngợi sự ngang tàng, trẻ trung của những người lính lái xe trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước.
Đọc “bài thơ về tiểu đội xe không kính”, người đọc cảm nhận được cái đáng yêu, ngang tàng, trẻ trung của những người lính lái xe trên con đường Trường Sơn. Có thể nói như vậy vì xe của các anh vẫn chạy bất chấp bom đạn dù xe không có kính. Các anh bất chaaps cả những khó khăn gian khổ vì mưa vì bụi:
“Không có kính ừ thì có bụi”
“Không có kính ừ thì ướt áo”
Câu thơ mộc mạc như lời nói thường ngày “ừ thì”. Tuy khó khăn nhưng nào co đáng kể gì. Dù các anh có phải mất mát, tổn thất thì chiếc xe vẫn chạy băng băng:
“Không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim”
Đọc tới đây, người đọc dường như đã hình dung ra một chiếc xe màu xanh lá thật cũ kỹ, đã trải qua bao nẻo đường, biết bao nhiêu trân thương “không kính”, “không có đèn”, xe không có mui rồi thùng xe thì xước. Nhưng chiếc xe cũ kỹ và mất mát ấy vẫn chạy, vẫn ngang tàng vượt qua gian nguy như bản tính của người lính bộ đội cụ Hồ. Với khẩu hiệu “vì miền Nam phía trước”, vì miền Nam ruột thịt, những trái tim trong chiếc xe tăng kia vẫn đang hừng hực cháy bỏng. Nhiệt huyết của tuổi trẻ cùng tình yêu nước vô bờ bến giúp các anh – người linh lái xe vẫn hiên ngang băng núi băng rừng không ngừng nghỉ. Hình ảnh “Trong xe có một trái tim” thật đẹp đẽ tuyệt vời biết bao.
Dù khó khăn là thế, những người linh lái xe không kính còn rất yêu đời và trẻ trung. Đối với tâm hồn những người lính ấy, chiếc xe không kính chẳng hề phiền toái chút nào, mà ngược lại còn thật thi vị:
“Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như xa như ùa vào buồng lái”
Những người lính trẻ trung ấy thật ung dung, hiên ngang . Xe không kính càng làm cho tâm hồn họ bay bổng, lãng mạn, hòa vào thiên nhiên “sao trời”, “cánh chim”. Những người lính là vây đấy, yêu đời lắm, trẻ trung lắm. Xe không kính nên mỗi lần khói bụi bay vào, các anh lại “nhìn nhau mặt lấm cười haha”. Phải chăng các anh trẻ trung bởi sự hài hước vui nhộn lại pha chút tinh nghịch đáng yêu? Tuổi trẻ vẫn vậy, luôn thân ái sống chan hòa với mọi người. Xe không có kính thì có sao, xe không kính thật dễ dàng mỉm cười chào nhau “bắt tay qua cửa kính vỡ rồi”. Đối với các anh “chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Nghe hai từ “gia đình” mới thấy thân thương làm sao. Từ trong bom đạn, khói lửa chiến tranh, “tiểu đội xe không kính” hình thành, bao gồm những con người từ bốn phương trời cùng chung lý tưởng. Họ có những cái bắt tay thaatjj vui vẻ, tình cảm, trẻ trung. Họ cùng chung bát đũa, chung niềm vui sôi nổi của tuổi trẻ và cùng sinh hoạt như một gia đình ấm cúng.
Các chiến sĩ lái xe là hiện thân của những người làm cho đất nước thống nhất. Vì đất nước, bao con người đã ra đi từ nhiều vùng miền khác nhau của tổ quốc. Họ là những người lính lái xe, những thanh niên xung phong, những cô giao lien, những anh bộ đội, những bà mẹ, những em bé…Họ đều yêu nước tha thiết. Tinh yêu nước ấy vốn đã được hun đúc tù bao đời nay:
“Ôi tổ quôc nêu cần ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông”
<Chế Lan Viên>
Những cô gái mở đường, họ đã hi sinh cả tuổi xuân của mình để bảo vệ mảnh đất quê hương:
“Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng
Những vì sao ngời trói lung linh”
<Khoảng trời hố bom – Lâm Thị Mỹ Dạ>
Dù có ai ngã xuống, thì vẫn còn đây bao thê hệ vùng lên đấu tranh kiên cường, tiếp bước con đường vinh quang ây. Đôi với các anh :
“Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước
Mà lòng phơi phới dậy tương lai”.
Không chỉ những người cầm súng chiến đấu quên mình ngoài tiền tuyến, mà hậu phương cũng ngày đêm tăng gia sản xuất, vận chuyển lương thực phục vụ kháng chiến:
“Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ"
Bao con người Việt Nam đã đi theo con đường cách mạng, Họ sẵn sàng chiến đấu hiến dâng cuộc đời cho nhân dân, cho đất nước. Chúng ta là thế hệ con cháu, cần biêt ơn và sông sao cho xứng đáng với sự hi sinh của biêt bao con người đã ngã xuống.
“Bài thơ về tiểu đội xe không kính” đã thật sự thành công trong việc khắc họa hình ảnh người lính lái xe trên tuyên đường Trường Sơn cam go, thử thách. Một lực lượng tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mĩ đang diễn ra vô cùng ác liệt. Thế hệ cha anh – những con người góp phần làm cho đất nước thống nhất thật dũng cảm, hiên ngang. Phẩm chất của họ thật quý giá, đáng trân trọng và ngợi ca.
0
0
Quỳnh Anh Đỗ
31/05/2018 07:10:45
Bài thơ “Bài thơ về tiểu đội xe không kính” là bài thơ tiêu biểu cho giọng thơ ấy của ông, được sáng tác năm 1969. Đặc biệt để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc là hình ảnh người chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt, mang vẻ đẹp tinh nghịch, lạc quan, yêu đời, yêu dân tộc và một trái tim nhiệt huyết.
Mở đầu bài thơ, tác giả đã giới thiệu hoàn cảnh chiến đấu khó khăn, ác liệt mà người chiến sĩ phải ngày ngày trải qua, đối mặt:
“Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng”.

Rõ ràng là xe chiến đấu phải được trang bị cẩn trọng, kĩ lượng nhưng những chiếc xe của người lính Trường Sơn lại bị thiệt hại nghiêm trọng, hỏng hóc đến tàn tạ. nhưng cũng chính những chiếc xe ấy đã cho ta thấy được sự ác liệt và sức phá hủy khủng khiếp của chiến tranh, nhưng trên chiếc xe ấy, các chiến sĩ của xe không kính vẫn hiên ngang, ngang tàn thậm chí có chút tinh nghịch, yêu đời. Hai từ “ung dung”, điệp từ “nhìn” được lặp lại 3 lần càng cho thấy được thái độ thản nhiên, bình thản trước khó khăn như một điều tất yếu của người chiến sĩ, thay vào đó họ ung dung, tự tại hòa mình vào hoàn cảnh, vượt lên trên hoàn cảnh, không để khó khăn chế ngự. tư thế ngồi lái tuyệt đẹp của người chiến sĩ cho thấy sự chủ động, tự tin, bình tĩnh trong không khí căng thẳng “bom giật, bom rung”. Chỉ có thể là người chiến sĩ với kinh nghiệm chiến đấu đay dặn, từng trải mới có được thái độ, tư thế ấy. Những thử thách tiếp tục ập tới một cách trực tiếp, mạnh mẽ hơn những người chiến sĩ lại lấy chính khó khăn ấy làm niềm lạc quan, tin tưởng, yêu đời và hóm hỉnh đùa nghịch:
“Không có kính ừ thì ướt áo
Mưa tuôn mưa xối như ngoài trời
Không cầy thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa mau khô thôi.
Không có kính ừ thì có bụi
Bụi phun tóc trắng như người già
Chưa cần thay lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng gió lùa khô mau thôi.”

Câu thơ vút lên tràn đầy niềm lạc quan, sôi nổi như cái sôi nổi rất mới, rất trẻ của tuổi 20. Những tiếng “ừ thì” vang lên liên tiếp như một sự thách thức, một thái độ cứng cỏi. Dường như những gian khổ, nguy hiểm của chiến tranh không mảy may ảnh hưởng đến tinh thần của họ mà lại như một dịp để họ thử sức mình. Vậy là một lần nữa người chiến sĩ trong thơ lại hiện lên vẻ đẹp trẻ trung, sôi nổi, tinh nghịch, yêu đời và tinh thần lạc quan của tuổi trẻ. Nhưng đó đâu phải là vẻ đẹp duy nhất, trên hành trình dưới mưa bom lửa đạn của tuyến đường Trường Sơn ác liệt thì họ đã coi nhau như anh em ruột thịt, như người nhà, gắn bó với bếp Hoàng Cầm để cùng chia nhau những bát cơm chan chứa yêu thương “chung bát đũa nghĩa là gia đình ấy”. Vâng, những chiếc xe từ trong bom rơi, đã về đây họp thành tiểu đội, gặp bạn bè suốt dọc đường đi tới, bắt tay nhau qua cửa kính vỡ rồi. Những cái bắt tay ấy ta cũng đã gặp trong “Đồng Chí” để sưởi ấm cho nhau trong những đêm đông lạnh gái, còn ở đây cái bắt tay này thể hiện sự đoàn kết, gắn bó , tinh thần lạc quan vượt lên trên những hỏng hóc, đổ nát của chiến tranh. Để rồi càng về cuối, vẻ đẹp của những người chiến sĩ càng thêm rõ nét:
“không có kính rồi xe không có đèn
Không có mui xe thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước
Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

Đoàn xe đã chiến thắng bom đạn của kẻ thù, hăm hở tiến ra phía trước với một tình cảm thiêng liêng “vì miền Nam”. Vậy là vì tình yêu thương đồng bào, đồng chí đau khổ đã khích lệ người chiến sĩ vận tải vượt khó khăn, nguy hiểm để luôn bình tĩnh, lạc quan, nắm chắc tay lái nhìn thật đúng hướng để xe khẩn trương tới đích. Và đơn giản, chỉ đơn giản rằng: chỉ cần trong xe có một trái tim. Trong bao nhiêu cái không vô tình ở phía trên bỗng nổi bật lên cái có mãnh liệt của “trái tim” nhiệt thành, gan góc, kiên cường giàu bản lĩnh của người chiến sĩ lái xe. Câu thơ vang lên nhẹ nhàng như lời khẳng định chắc nịch, gan dạ của những trái tim yêu nước cháy bỏng. thì ra cội nguồn sức mạnh của cả đoàn xe, phẩm chất anh hùng của người cầm lái tích tụ, kết đọng lại ở cái “trái tim” này, trái tim nồng nàn yêu thương, ý chí sắt đá niềm lạc quan và một niềm tin vững chắc. Như thế chiếc xe vận tải ngộ nghĩnh, độc đáo không phải chỉ chạy bằng xăng dầu mà nó còn chạy bằng ý chí sắt đá, bằng quyết tâm cao độ, bằng lí tưởng và vẻ đẹp chói ngời. Phải chăng chính “trái tim” của người chiến sĩ đã cầm lái.
Như vậy bằng cách vận dụng nhuần nhuyễn các biện pháp nghệ thuật so sánh, ẩn dụ, nhân hóa và những từ láy biểu cảm, Phạm Tiến Duật đã khắc họa thành công hình ảnh người chiến sĩ cách mạng dũng cảm, gan dạ, lạc quan, và mang vẻ đẹp hóm hỉnh yêu đời của tuổi trẻ. Những vẻ đẹp của những trái tim yêu nước ấy sẽ mãi là vầng sáng trong suốt chặng đường kháng chiến, trong suốt những trang hoa, tờ hoa về người chiến sĩ cách mạng.
1
2
Ngọc Trâm
31/05/2018 08:24:43
Bài thơ về tiểu đội xe không kính có một chất giọng riêng đáng quý. Chất giọng tự nhiên pha chút ngang tàng rất phù hợp với các chiến sĩ lái xe thời chiến. Bài thơ đã giúp người đọc hiểu được đời sống chiến đấu hết sức gian khổ thiếu thốn của họ, hiểu được tư thế hiên ngang, tâm hồn trẻ trung lãng mạn và ý chí cao đẹp của họ.
Phạm Tiến Duật là cây bút xuất hiện trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ anh chủ yếu viết về những chiến sĩ, những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn. Là người trong cuộc nhà thơ rất hiểu cuộc sống chiến đấu, đời sống tâm hồn của họ. Nguyên là một thành viên của đoàn 559, Phạm Tiến Duật đặc biệt quan tâm đến những người lái xe trên tuyến đường Trường Sơn khốc liệt. Phạm Tiến Duật đã thể hiện được tư thế hiên ngang, tinh thần dũng cảm bất chấp khó khăn nguy hiểm, niềm vui sôi nổi tươi trẻ và ý chí chiến đấu vì miền Nam của họ. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là bài thơ khá tiêu biểu cho chủ đề ấy của anh.
Tứ thơ được hình thành từ một hình tượng, một chi tiết độc đáo: những chiếc xe không kính chắn gió vẫn băng băng trên đường ra trận:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi.
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Lời thơ của Phạm Tiến Duật hết sức tự nhiên chẳng khác gì lời nói bình thường hàng ngày. Cái gian khổ nguy hiểm: bom giật làm vỡ kính xe được anh kể lại một cách tự nhiên như không. Đó là chuyện quá bình thường đối với người lính lái xe trong thời chiến. Ngay khổ thơ mở đầu nhà thơ đã phác họa trước mắt người đọc tư thế hiên ngang của họ. Điệp từ “nhìn" được nhấn mạnh ba lần trong một câu kết hợp với cách ngắt nhịp hai - hai - hai: “nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng” đã diễn tả được cái tư thế hiên ngang ấy. Mặc dù bom đạn trên đầu, mặc dù mặt đường sạt lở cây cối ngổn ngang, phải qua bao dốc cao, vực thẳm họ vẫn giữ nguyên tư thế ung dung, hiên ngang, như chẳng có việc gì xảy ra. Không có kính hóa ra lại hay, bởi vì:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng,
Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái.
Phải người trong cuộc mới viết được những câu thơ vừa hay vừa chính xác đến như thế. Tâm hồn các chiến sĩ lái xe thật lãng mạn. Nhờ không có kính mà sao trời, cánh chim “như sa, như ùa" vào buồng lái. Sao và chim trở thành người bạn đường của họ. “Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim” tả rất đúng cảm giác của người lái xe không kính, đồng thời còn nói được sự gắn bó của họ đối với con đường Trường Sơn, con đường đánh Mĩ: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Những chiến sĩ lái xe thật trẻ, thật hồn nhiên, pha một chút ngang tàng đáng yêu, đúng là kiểu ngang tàng của lính lái xe:
Không có kính, ừ thì có bụi,
Bụi phun tóc trắng như người già.
Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha!
Có lần, bình khổ thơ này, Xuân Diệu tỏ ra không thích lắm về tiếng cười “ha ha”. Biết làm sao được! Đó là quyền của người thưởng thức. Nhưng cánh lính lái xe chắc là rất khoái vì Phạm Tiến Duật đã vẽ được rất đúng chân dung của họ. Cái dáng “phì phèo châm điếu thuốc” và tiếng cười “ha ha” thoải mái, trẻ trung càng làm nổi bật tư thế hiên ngang, tâm hồn lạc quan của họ trong những năm tháng vô cùng ác liệt.
Những người lái xe coi gian khổ như không:
Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi!.
“ừ thì ướt áo” chuyện quá bình thường không đáng kể. “Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời” thì cũng chẳng sao. Tất cả rồi sẽ nhanh chóng qua đi: “Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi?”... Vẫn cái chất giọng ngang tàng đáng yêu của lính lái xe.
Tình cảm gắn bó giữa các chiến sĩ lái xe cũng được diễn tả rất đúng, rất hợp cái phong cách ngang tàng đáng yêu của họ:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội,
Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
Họ đều vất vả gian khổ như nhau, họ phải trải qua những phút giây nguy hiểm như nhau, họ chào nhau bằng cái bắt tay cảm thông và tin cậy. “Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi” mang rất nhiều ý nghĩa. Sự gắn bó thân thiết ấy còn được nhà thơ diễn tả qua bữa ăn dã chiến của họ: “Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”. Họ coi nhau như anh em trong một nhà, cùng san sẻ với nhau bao khó khăn, vất vả. Đời sống chiến đấu càng thiếu thốn, gian khổ càng xích họ lại gần nhau hơn.
Bài thơ kết thúc bằng sự nhận thức rất sâu sắc của người lính lái xe:
Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.
Có thể còn nhiều gian khổ, còn nhiều mất mát, còn nhiều hi sinh... nhưng không thể ngăn cản được bước tiến của người lái xe nói riêng của dân tộc ta nói chung. “Trái tim”ở đây là trái tim yêu thương đối với đồng bào miền Nam, trái tim đã nguyện chiến đấu vì sự nghiệp giải phóng đất nước.
Bài thơ về tiểu đội xe không kính có một chất giọng riêng đáng quý. Chất giọng tự nhiên pha chút ngang tàng rất phù hợp với các chiến sĩ lái xe thời chiến. Bài thơ đã giúp người đọc hiểu được đời sống chiến đấu hết sức gian khổ thiếu thốn của họ, hiểu được tư thế hiên ngang, tâm hồn trẻ trung lãng mạn và ý chí cao đẹp của họ. Phạm Tiến Duật đã có những đóng góp đáng quý cho nền thơ ca chống Mĩ cứu nước.

Bạn hỏi - Lazi trả lời

Bạn muốn biết điều gì?

GỬI CÂU HỎI
Học tập không giới hạn cùng học sinh cả nước và AI, sôi động, tích cực, trải nghiệm

Hôm nay bạn thế nào? Hãy nhấp vào một lựa chọn, nếu may mắn bạn sẽ được tặng 50.000 xu từ Lazi

Vui Buồn Bình thường
×
Trợ lý ảo Trợ lý ảo
Gửi câu hỏi
×