đầu, Thanh Hải đã vẽ nên một bức tranh thiên nhiên mùa xuân tươi tắn đầy sức sống. Trong nhịp sống đi lên của đất nước, nhà thơ chọn lọc hai hình ảnh tiêu biểu “ Người cầm súng - Người ra đồng”. “Người cầm súng” ở tiền tuyến, chiến đấu để bảo vệ thành quả cách mạng, “người ra đồng” ở lại hậu phương tham gia sản xuất để xây dựng và phát triển quê hương đất nước. Hai hình ảnh trong thơ được xây dựng đối xứng nhau một cách hài hoà, tiêu biểu cho hai lực lượng chính của công cuộc cách mạng đổi mới đất nước. Tuy nhiên, phát hiện mới và độc đáo nhất của nhà thơ lại là hình ảnh lộc xuân. “Lộc” vừa có nghĩa là chồi non, “lộc” cũng có nghĩa là sự may mắn theo quan niệm dân gian. Mùa xuân đến, cành lộc non trải dài từ hậu phương ra tiền tuyến. Cành lộc non trên lưng người chiến sĩ gìn giữ biên cương, cành lộc non hóa thân vào những đám nương mà xanh tốt trải dài báo hiệu một vụ mùa thắng lợi. Hình ảnh mùa xuân qua cành lộc đến khắp nơi nơi, khí xuân tươi vui tràn trề cuộc sống. Từ đó, nhà thơ miêu tả cả dân tộc cùng bước vào mùa xuân với khí thế khẩn trương tưng bừng nhộn nhịp: Những từ gợi tả “ hối hả”, “ xôn xao” cùng với điệp từ “ tất cả như” là cho câu thơ vang lên nhạc điệu vui tươi mạnh mẽ khác thường. Nhịp sống của đất nước, của cuộc cách mạng lúc nào cũng gấp rút, rộn ràng, luôn tiến về phía trước. Đọc câu thơ ta cảm nhận được tâm trạng vui sướng dạt dào của nhà thơ trước cuộc sống lúc xuân về.