Bức tranh Mùa xuân chín đang vui vẻ nhộn nhịp, tưởng như tràn đầy những lời ca tiếng hát của những cô thôn nữ, thì xuất hiện một lời:“Ngày mai trong đám xuân xanh ấy/Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi”. Đây là lời nhắc nhở hay một lời phán truyền? Có lẽ là một lời nhắc nhẹ nhàng mà thôi. Nhưng không chỉ các cô thôn nữ kia phải giật mình mà ngay cả người đọc cũng phải gật đầu mà tấm tắc như ngộ ra rằng: lẽ đời là thế! Một giấc mơ đẹp như thế này đâu dễ có, vậy mà Hàn lại kéo họ ra để họ nhìn thấy hiện tại nghiệt ngã này. Lời thơ như bùi ngùi lắng xuống, các cô gái xuân kia có biết rằng hội xuân năm sau sẽ không có đông đủ như vậy không? Sẽ có nhiều cô bỏ bạn, bỏ hội mà theo chồng và mãi mãi các cô không còn được bên nhau thế này nữa. Ta cũng thấy rằng chính nhà thơ cũng bất lực trước hiện thực này, có lẽ chỉ thở dài một cái và nghĩ mà buồn vì không có cái gì là ổn định bất biến. Những cái tốt đẹp thường đến muộn mà đi nhanh trong phút chốc, còn những nỗi buồn thì đến nhanh quá, hiện thực phũ phàng quá! Chỉ riêng câu thơ này thôi cũng làm tôi phải thấy quý những người bạn của mình hơn, quý những phút giây bên nhau hơn. Bởi lẽ sẽ có lúc chính mình phải từ bỏ “cuộc chơi” để đeo vào mình cái nghiệp chồng con. Đây đúng là cái vốn có của con người, được Hàn Mặc Tử gói lại trong vài câu thơ của mùa xuân.